Một ngày may mắn

OLEG VORONOI 02/11/2020 21:11 GMT+7

TTCT - Tại Festival văn học Nga - Thái Bình Dương diễn ra (online) vào các ngày 25 và 26-9 năm 2020 với sự tham gia của các nhà văn Nga và các dịch giả Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc…, “văn xuôi sinh thái” đã được đề cập như một trong những xu hướng của văn học Viễn Đông (Nga). TTCT giới thiệu một truyện ngắn của dòng văn xuôi này.

 

 Bức tranh "Rừng thông" của họa sĩ A. Danilov

Chuyện xảy ra từ lâu lắm rồi. Từ thời Liên Xô cơ, khi mà các hợp tác xã công nghiệp và lâm nghiệp vùng duyên hải còn chế biến sâm núi xuất khẩu, và mỗi thợ săn hay sơn tràng trong biên chế phải hoàn thành chỉ tiêu. Thời ấy chỉ thu mua những củ sâm trọng lượng trên 10 gam (trước năm 1976 thì cứ trên 3 gam là được) với giá 80 kopek mỗi gam, và dân hái lượm thường thì kiếm cũng khá. Và tất cả mọi người đều cố gắng hoàn thành định mức, vì nếu không sang năm sẽ bị giảm hạn ngạch để tăng cho những người hoàn thành vượt chỉ tiêu. 
Nhưng cũng không ai có thể vượt vài năm liên tục, chẳng mấy chốc mà những người dẫn đầu sẽ bị tụt lại, và những người đã từng tụt hậu thì lại vươn lên dẫn đầu. Rồi sau đó tất cả lại thay đổi. Hệ thống quản lý kiểu Xô viết thâm thúy như vậy đó, nó thường xuyên thay người dẫn đầu, đồng thời cũng khuyến khích những người bị tụt hậu mà không làm tổng khối lượng chế biến vọt lên cao, như thế việc khai thác tài nguyên rừng taiga luôn được giữ ở mức hợp lý.

Ngày hôm đó tôi gặp may không thể tả nổi, mà lại gặp may tới hai lần luôn. Đầu tiên, tôi vớ được cả một vườn nhân sâm. Vừa bước ra chỗ bãi trống trong rừng taiga, tôi không thể tin vào mắt mình: cả một bãi đỏ rực toàn quả sâm núi đã chín mọng. Tới mức tôi thấy trước mắt tối sầm. Tôi quỳ mọp xuống và cầu nguyện thật là lâu. Tôi vẫn nhớ, tôi không cầu Chúa, tôi vẫn nhớ, tôi không cầu Thần rừng, mà là cầu - như người ta vẫn gọi - Vua Rễ củ.

Rồi khi đã bình tâm lại, tôi ra suối kiếm nước, đốt một đống lửa, treo lên đấy cái nồi con, suốt thời gian đó không thể rời mắt khỏi Vẻ đẹp vô ngần. Uống trà đã rồi tôi mới um khói để đuổi muỗi, chọn cây nhân sâm lớn nhất có sáu chiếc lá mà đào. Tôi bới lớp lá mục cạnh thân cây, cắt thân cây chỗ sát mặt đất, đặt sang một bên. Dùng gậy thận trọng đào lớp đất mùn, đào sâu, sâu mãi xuống. 

Đầu tiên là phần đọt non lộ diện, rồi đến cái chỏm đầu, rồi cổ, rồi thân củ. Khi vừa nhìn thấy cái thân củ tiết diện phải như củ cà rốt, tôi lại thấy mắt mình mờ đi, tay phát run: Nó đấy, Kho báu taiga; nó đấy, Hạnh phúc vĩ đại của thợ săn. Nhưng, than ôi, cái thân củ đã thối mất một nửa. Cái Thân củ vĩ đại không sống sót nổi qua mùa mưa năm ngoái, không giữ nổi mình trọn vẹn cho đến ngày hôm nay, khi tôi tìm thấy nó. Thật khó ước lượng nó nặng bao nhiêu gam, nhưng theo những gì tôi thấy, chắc chắn không ít hơn hai lạng. 

Sau khi đào lấy thêm vài củ nhỏ hơn một chút (và đó là may mắn hiếm có!), tôi sửa soạn về nhà; xa xa đã nghe có tiếng sấm, tôi phải mau chóng tìm đến chỗ trú đêm, vì tôi không muốn ngủ bên đống lửa trong rừng trống, không có lều - năm đó thậm chí đến tận tháng tám vẫn còn nhiều muỗi lắm. Với lại tôi còn phải xác định vị trí của mình lúc đó, là bởi vì tôi không biết chắc mình đang ở đâu. Tôi hoàn toàn không muốn bị lạc chút nào.

Tôi xuống suối, và trông thấy vết thú đi, đến đằng xa kia vẫn còn. Phải có đến vài lối mòn, những dấu vết còn lại đều mới tinh, cắt qua suối. Cái này nghĩa là gì vậy? Không lẽ có mỏ đất khoáng mặn ở đâu đây? Tôi đi theo một lối mòn, được một chút thì nó biến mất. 

Tôi quay mình, lần theo hướng ngược lại. Vệt đường mòn rộng ra mãi, sâu mãi và đâm vào một đám mùn, nơi một số vệt mòn khác cũng nhập vào với nó. Và đó chính là một miền đất hứa khác của rừng, do móng guốc của hươu sao, lợn rừng, nai sừng xám và dê núi tạo ra. Ngay chính giữa đám mùn ấy là một cái hố khá rộng và sâu - chính là mỏ đất khoáng mặn.

Tôi đi vòng quanh, nhìn kỹ các dấu chân - chả còn thiếu một con thú nào! Chắc là tất cả các con vật sống trong vùng này đều tới đây kiếm ăn. Tôi nhìn thật kỹ các thân cây xung quanh: Không, hoàn toàn chưa có thợ săn nào đánh dấu chủ quyền. Chả lẽ chưa một ai từng khai thác một mỏ đất khoáng mặn phong phú tới mức này sao? Chắc hẳn là chưa một ai. Một khi chưa ai tìm thấy vườn nhân sâm kia, thì mỏ đất này cũng chưa thuộc về ai cả.

Hay thật, tại sao bọn thú lại thích cái mỏ đất khoáng mặn này thế? Trong các vùng khác thú vẫn sinh sống mà không cần đến mỏ đất mặn. Hay là chúng vẫn ăn đất sét, bùn, nhai đá mềm, uống nước đầm lầy? Vì thậm chí một số tộc người vẫn còn ăn đất sét hoặc bùn để bổ sung khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày.

Nhân tiện, trong khoa học còn có các thuật ngữ gốc tiếng Hi Lạp lithophagy - nghĩa là ăn đá và geophagy - ăn đất. Các thuật ngữ này xuất hiện sau nạn đói xảy ra trong các năm 1920-1922 ở vùng Povolzhie và Prikamie, người ta đã ăn đất sét, mà thứ đặc biệt ngon miệng từng được bán với giá tới 40.000 rúp mỗi pud (khoảng 16kg - ND). Mà kể cả trong thời bình thường thì việc ăn đất vẫn khá phổ biến. Như kiểu, dân da đỏ thuộc bộ tộc Otomak ở Venezuela, suốt thời gian hai đến ba tháng khi nước sông Orinoco dâng cao, chủ yếu ăn đất sét bùn đã được nướng qua trên lửa. Dọc bờ biển Guinea, thổ dân châu Phi thường xuyên ăn đất sét vàng. Dân quần đảo Antilles ăn đất núi lửa màu đỏ. 

Việc ăn đất còn có thể gặp ở Ba Tư, trên đảo Java, ở Tân Caledonia, ở Ấn Độ và Bolivia. Ở thành phố Akhmedobad, đất ăn được thường được bán rộng rãi, và người tiêu thụ chủ yếu là phụ nữ, tới hai cốc mỗi ngày. Họ nung đất cùng với trấu trong nồi sắt cho tới khi cháy đen.

Người Yakuts, nhất là những người sống dọc sông Kempendyai, cũng ăn thứ đất nhão mềm màu vàng nhạt, mà họ gọi là “tas-hayak” - bơ đá. Dân Tungus ở ngoại vi thành phố Okhotsk dùng sữa hươu để pha loãng thứ bơ đá ấy, ăn nó như “váng sữa đất”. Người Papua sống ở bờ vịnh Gumboldt cũng ăn đất…

Thứ đất chứa muối khoáng ở đây là đất sét. Nó có vị thế nào nhỉ? Tôi dựng cây cạc-bin vào bụi, lội xuống cái hố và xem xét nó thật cẩn thận. Lớp đất sét dày gần hai mét, có màu nâu vàng. Tôi dùng dao hớt một nhát thẳng vào bờ đất đã bị thú hoang liếm đến bóng nhoáng - đề phòng lỡ trong nước dãi của một con nai sừng xám nào đó có ký sinh trùng thì sao, rồi dùng mũi dao khoét lấy một mẩu nhỏ phía trong sâu. Cho vào miệng… 

Vị của nó dễ chịu đến mức đáng kinh ngạc. Nó có vị soda pha chút chua chua. Hẳn thứ bột nâu còn lại sau khi làm bay hơi nước khoáng Narzan cũng có vị như thế. Hoặc là vị của thứ còn lại sau khi nước trà chanh đã bay hơi hết. Hẳn là tôi sẵn lòng ăn thứ đất sét này!

Trên bờ hố, một cái bóng con gì đó vừa thoáng qua… Tôi ngẩng đầu lên. Hổ! Một con hổ trắng to lớn đang ngồi ngay miệng hố và nhìn tôi bằng cặp mắt tò mò!

Hai chân tôi khuỵu xuống, tôi ngồi phịch xuống vũng bùn nơi đáy hố, và quay lưng tựa sát vào vách hố. Tình trạng thật là nguy cấp. Máu tôi như đông cứng lại và lạnh toát, hơi thở nặng nề, tay run, tôi thấy buồn nôn quá…

Con hổ với vẻ tò mò không cưỡng nổi đang quan sát tôi, chằm chằm nhìn đôi chân và đôi tay tôi đang run lẩy bẩy, chăm chú nhìn thẳng vào mắt tôi, và hít hít: Sao cơ, thằng người nhỏ mọn kia, sợ lắm hả?

Ý nghĩ trong đầu tôi quay cuồng rối bời: Khẩu cạc-bin đang ở rất gần, tôi có thể lấy được nếu như dám đứng dậy và thò tay ra khỏi hố. Nhưng mà để làm được thế thì phải đứng dậy đã! Mà móng vuốt hổ chỉ cách tôi bốn mét hay gì đó thôi!

Và tôi nghĩ về con hổ. Sao nó lại trắng toát thế nhỉ? Sẽ chẳng ai tin rằng giữa rừng taiga này có một con hổ trắng. Đấy là những con bị bạch tạng và sống ở vườn thú thôi chứ, còn trong tự nhiên chúng sẽ mau chóng chết vì sức khỏe kém và vì đói: những con như thế không thể đến gần con mồi được. Vì thậm chí cả ban đêm thì màu trắng cũng khiến chúng dễ bị phát hiện.

Con hổ ngồi im, tò mò nhìn tôi hết lần này tới lần khác, như thể nó đang nghiên cứu để ghi nhớ đôi giày, cái quần, cái áo khoác và gương mặt tôi: chúng có hình dạng như thế nào, được làm ra sao, bằng chất liệu gì. Tôi cũng bình tâm lại - nếu nó muốn tấn công tôi, thì hẳn là nó đã nhảy vào hố và đè bẹp tôi như một con thỏ rồi.

- Làm gì bây giờ - Làm sao đây? Làm gì bây giờ - Làm sao đây? - Một câu nói có vần đột nhiên vọt ra khỏi miệng tôi.

Con hổ há cái miệng hồng hồng, nghiêng cái đầu vằn vện sang một bên, tai dựng đứng lên, chăm chú nghe những âm thanh thằng tôi vừa phát ra. Và sự tò mò kiểu mèo con của nó làm bay ra cả một tràng tiếng thét to, dũng cảm và giận dữ của thằng người: “Mày, cái đồ đáng nguyền rủa, đồ chết dẫm, đồ khốn nạn. Vì mày mà tao ngã ngồi phải vũng bùn đấy!”.

Con hổ hoảng hốt lùi lại, và tay tôi như tự nó cào lấy một đống bùn, quẳng đống bùn ấy vào mặt con hổ: “Mày cút đi!”. “A-a-a!” - những nắm bùn nhão bay thẳng vào bộ ngực trắng toát của con hổ cùng tiếng thét gào giận dữ.

Con hổ bối rối cúi rạp và… quay mình bước đi, đột nhiên biến thành con thú màu hung đỏ! Nhưng tôi không có đủ thì giờ quan sát và ngạc nhiên nữa, bởi đôi chân tôi đã tự nhảy lên, tay tự với tới cây cạc-bin, chộp lấy, giương lên, tay kia tự tìm đến vỏ ốp nòng, tháo chốt an toàn, toàn thân quay phắt về phía con hổ, nhưng nó... hoàn toàn không còn bóng dáng nó đâu nữa.

Tôi hoang mang nhìn xung quanh, cả một bãi cỏ trống không... Không có bóng dáng bất kỳ con gì hết!

Tôi trèo ra khỏi hố, kinh ngạc ngắm nhìn dãy dấu chân hổ in rõ ràng chồng lên những dấu ủng tôi để lại trước khi nhảy xuống. Tôi nhìn quanh bãi cỏ... Trống không. Con hổ đâu rồi? Nó có thể biến đi đâu chỉ trong vòng vài giây? Thật là kỳ diệu!

Tôi hoang mang loanh quanh chỗ ấy mãi và cảm thấy bùn lỏng đang chảy dọc theo ống quần phía sau vào bên trong ủng. Thật đáng ghét!

Tôi cúi xuống, lôi hai ống quần ra khỏi ủng, lấy con dao, dùng lưỡi dao cạo lớp bùn dính vào ống quần và thấy thoáng qua trong tầm nhìn phía đuôi mắt mình một đám cỏ lay động. Tôi quay phắt lại và kịp nhìn thấy sau bụi cây một cái đuôi hổ đang trườn khỏi bụi cây, thật chậm, như một con trăn vằn vện đang bò đi... Rồi nó chậm rãi gạt sang một bên, trả lại chỗ cũ một cành cây nhỏ... và thế là hết. Trong bụi cây rậm rạp không còn một tiếng động khẽ, một chuyển động nhỏ nào.

Tôi ngơ ngác nhìn con dao lấm lem bùn đất, cây súng bẩn, tay bẩn, ủng bẩn, quần bẩn, và cứ thế tôi bật cười thành tiếng.

- Oh-ho-ho-ho-ho-ho-ho-ha-ha!

Thật là một ngày may mắn!■

Nguyễn Quỳnh Hương (dịch)

Voronoi Oleg Nikolayevich sinh năm 1962, là một trong các tác giả dòng “văn xuôi sinh thái”. Các tuyển tập truyện ngắn của ông: Sức sống - 2002, Người cứu hộ - 2005, Chuyện về hổ - 2012, Hổ thiêng phù hộ - 2013, Chòm Hổ tinh - 2018. Giải thưởng văn học “Nước Nga hồi sinh” năm 2010 và danh hiệu “Cây bút vàng nước Nga” năm 2017.

Voronoi Oleg Nikolayevich

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận