TTCT - Ruốc trên biển Tây ở Cà Mau thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch, người dân gọi đó là mùa lộc biển. Cả làng, cả xã nhờ thu hoạch và chế biến ruốc mà có của ăn của để. Những khi ít gió, ruốc ở cách xa bờ vài hải lý. Khi có gió lớn, ruốc bị sóng đánh dạt từng cụm vô bờ, từ chân đê ra biển chừng một hải lý là gặp ruốc. Đến các điểm tập kết ruốc từ biển chở vào, rất dễ để hỏi quá giang ghe ra biển coi đánh ruốc.Đánh ruốc trên biển Tây. Ảnh: THANH HUYỀNNhìn lên trời để tìm ruốc dưới biểnAnh Hoàng Văn Cương (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), có kinh nghiệm đẩy ruốc gần chục năm, nói bắt ruốc rất dễ. Chỉ cần có ghe, lưới và biết cách nhận biết đàn ruốc đang di chuyển là bắt được. Nếu phương tiện lớn thì đẩy được nhiều, có khi trúng mánh lên tới hàng tấn.Chiếc ghe nhỏ của anh Cương nổ máy rời đê biển hướng ra khơi chừng 15 phút rồi đi chậm lại. Anh đưa tay ra hiệu cho người bạn cùng ghe giảm tốc độ rồi nheo nheo mắt nhìn về phía tay trái. Mặt nước cách ghe khoảng 40m về phía trái có xao động lạ, nhìn kỹ có vài con cá búng tách tách lên khỏi mặt nước rồi rơi xuống. Đám cá búng lên khỏi mặt nước hết đợt này đến đợt khác, lúc ít lúc nhiều. Trên không, mấy con chim biển bay theo bắt cá, lúc bay lên cao, lúc vờn sát mặt nước. Anh Cương chỉ về hướng có chim biển nói với bạn ghe: chỗ đó có ruốc.Anh Cương chỉnh lại gọng lưới (gồm hai cây bạch đàn hoặc cây sắt cứng bắt chéo hình chữ V, có giăng lưới ở giữa) trong khi người bạn làm động tác quay ghe để hướng lưới về phía vũng nước có ruốc. Ghe chạy phăm phăm, anh Cương giữ gọng để miệng lưới chìm khoảng 2 - 3m dưới nước biển, vừa tầm vớt được ruốc mà đầu gọng không bị đâm xuống đáy. Đàn ruốc lớn trôi dập dềnh làm cả một vùng nước biển chuyển sang màu sẫm. Theo đà chạy tới của ghe, ruốc theo nước trôi vào lưới rồi tụ lại ở đuôi chủ (là túi lưới đặt ở đáy chữ V của gọng lưới). Ngồi sụp xuống sàn ghe, anh Cương đưa tay xuống nước dùng sức kéo mạnh túi ruốc lên ghe, đồng thời ra hiệu cho bạn mình giảm tốc độ để chuyển hướng ghe theo bầy ruốc. Ruốc kéo lên ghe sẽ được đổ vào phuy, nhặt bớt rác và vớt ra cho vào sọt để ráo nước. Khi các sọt đầy ruốc trắng phau, một chiếc ghe khác ghé lại chuyển hết số ruốc mới đánh được vô bờ, giao lại cho anh Cương và bạn mấy cái sọt trống. Anh Cương cho biết làm nghề này ra tiền triệu mỗi ngày nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe. Có buổi đi te (lưới đẩy) được cả tấn ruốc, cũng có khi phơi nắng cả ngày mà kiếm không ra vài sọt. Mùa ruốc biển Tây thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Nhưng năm nay biển động, đến tháng 7 gió lặng bớt thì ruốc mới xuất hiện. Ruốc thường di chuyển theo đàn kết lại với nhau. Những nơi có ruốc, màu nước biển thường có màu nâu sậm, đỏ hơn. Các đàn cá cũng bơi theo để đuổi ăn ruốc, chim trên trời bay theo ăn cá. Vậy nên mới có cái nghịch lý: người tìm ruốc dưới biển phải… nhìn lên trời canh chim để quyết định xuống lưới. Khi phát hiện khu vực có ruốc, các ghe gọi nhau cùng vây đàn ruốc. Cách vây đàn bằng nhiều phương tiện giúp việc đánh bắt được thuận lợi hơn.Thời gian ngư dân đi biển đánh ruốc mỗi ngày không cố định, thường khi nào gió lặng, bạn ghe ới nhau đi. Nhưng có siêng cỡ nào, các ghe đánh ruốc cũng phải đi sau 2h sáng đến khoảng 14h là nghỉ để kịp phơi nắng. Nếu đánh ruốc quá sớm hoặc quá muộn, không có nắng phơi thì phải đem ruốc bán làm nước mắm, giá rẻ hơn ruốc khô, lời không nhiều. Những ngày mưa, các bạn ghe không đi đánh ruốc vì không có nắng phơi.Để hành nghề đánh bắt ruốc, phương tiện chính gồm ghe biển, cặp gọng và lưới chủ được lắp vào gọng. Gọng lưới dài cỡ 10m, ở hai đầu gắn phao (dân nghiệp dư thì cột hai thùng xốp) để điều khiển nổi vừa tầm có ruốc, không cho gọng đụng đáy biển. Bộ đồ nghề này, dân biển gọi là te. Mỗi ghe thường có 2 người, đa số nam giới. Một người lái máy và một người đổ đục (kéo đuôi chủ lên đổ ruốc). Sau khoảng 15 phút chạy (tùy lượng ruốc có được), người lái máy sẽ giảm tốc độ, đồng thời người đổ đục sẽ kéo nhanh đuôi chủ lên để đổ ruốc vào thùng nhựa có nước sẵn. Công đoạn này phải được thực hiện nhanh và quyết đoán để ruốc không bơi ngược ra miệng te. "Nếu trời nắng thì đỡ vất vả, ra biển mà gặp mưa thì có khi mất lưới, chìm ghe như chơi. Có khi đẩy te qua vùng biển có nhiều cây, rạn thì bị rách lưới, phải quay về tay không. Khi biển nổi sóng mà ghe không vô bờ kịp thì chuyện mất cả ghe, cả lưới và người là có", anh Cương kể.Ghe "trung chuyển" ruốc từ biển vô bờ. Ảnh: THANH HUYỀNÔng Võ Văn Út, người xã Khánh Bình Tây, kể ông từng suýt chết khi đẩy ruốc trên biển Tây. Lần đó, ông đánh ruốc cách bờ chừng một hải lý, thấy đám mây là rút lưới chạy vào bờ mà vẫn không kịp. "Gió lên nhanh lắm, chừng 5 phút là vỏ lãi của tôi bị úp ngược, may tôi trôi vào bờ được. Sau lần chết hụt đó, tôi bỏ nghề đi Bình Dương làm xí nghiệp mấy năm. Rồi vẫn nhớ biển, nhớ nghề nên tôi gom 50 triệu đồng sắm máy móc tiếp tục đẩy ruốc. Đẩy te hai năm thì tôi lấy vốn đồ nghề, thu hoạch năm nay là có lời rồi", ông kể.Lộc từ biểnNgười dân ven biển Tây gọi những tháng mùa ruốc là mùa lộc biển. Không chỉ dân đi biển trúng ruốc có tiền mà cả những chủ vựa, những người làm công phơi ruốc đều có thu nhập khá. Những tháng mùa ruốc vừa qua, vựa của bà Huỳnh Thị Mỹ (ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) thu hàng tấn ruốc tươi mỗi ngày. Tranh thủ trời nắng, bà Mỹ trải mành phơi ruốc trên phần đất trống của gia đình. Chỉ phơi vài giờ là ruốc khô. Giá thu ruốc tươi từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi ngày thu mua từ 1,5 - 2 tấn. BNhững ốn ký ruốc tươi thu được một ký ruốc khô giá từ 30.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại. Nếu trữ ruốc khô qua mùa sẽ bán được giá 60.000 đồng/kg.Đứng trên đê ngóng ra biển, bà Lê Kiều Trang (ở ấp Kinh Mới, xã Khánh Bình Tây) cười nói rổn rảng, chồng bà trúng ruốc hai con nước liên tiếp, thu về hơn chục triệu đồng. "Sáng nay, chồng tôi đi hơn một buổi đã đẩy được gần 5 sọt ruốc (mỗi sọt khoảng 30kg), giờ đợi chuyến biển thứ hai để phơi kịp nắng. Hai vợ chồng kiếm được hơn triệu đồng mỗi ngày", bà kể. Vợ chồng bà Trang chỉ đi te nghiệp dư, đi ghe nhỏ nhưng sau mỗi mùa ruốc cũng lãi được hơn 100 triệu đồng. Làm ruốc được vài năm, họ đã có cơ ngơi ổn định từ nguồn lộc biển mỗi năm.Nhà không có ghe ruốc mà có chút vốn thì mở vựa thu ruốc phơi khô kiếm lời. Phụ nữ, người già đi phơi ruốc mướn cho các vựa được trả công từ 150.000 - 200.000 đồng mỗi ngày. Con đê biển Tây mùa ruốc được nhuộm cam bởi nhà nào cũng trải lưới mành, bạt trên thân đê để phơi ruốc. Có nhà làm hẳn giàn phơi cách mặt đất từ 0,5 - 1m, hoặc trải thảm trên nền xi măng phơi ruốc cho hợp vệ sinh. Mùi ruốc khô mang hương vị mặn mà của biển xộc lên mũi cuối buổi chiều làm bụng người đi đường cồn cào nghĩ đến những món ăn chế biến từ ruốc.Con ruốc biển. Ảnh: THANH HUYỀNÔng Nguyễn Cảnh Hạnh, chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, khẳng định con ruốc đã đem lại thu nhập khá cho những người dân ven biển. Ðối với những hộ gia đình ít hoặc không đất sản xuất, mùa ruốc là nguồn thu nhập chính, mùa lộc biển "ăn nên làm ra" lớn nhất trong năm. "Không chỉ những người trực tiếp đi ngoài biển khai thác mới có thu nhập, con ruốc đã giúp hàng trăm hộ dân sống ven đê biển Tây có đồng ra đồng vào", ông Hạnh chia sẻ.■ Dân mong được hành nghề hợp phápHiện nay, một số người dân dùng các phương tiện thủy nội địa (vỏ lãi) hoặc các phương tiện khai thác nhỏ nên chưa được đăng ký khai thác. Chính quyền địa phương cũng lo lưới bắt ruốc nhỏ sẽ bắt luôn các loại hải sản chưa đến tuổi khác.Trong khi dân biển cho biết tốc độ ghe đẩy rất chậm nên cá, tôm dính lưới đều tự bơi ra được. Người dân mong cơ quan chức năng tạo điều kiện hoặc hướng dẫn cho họ các thủ tục vay vốn, trang bị các phương tiện đảm bảo kỹ thuật để khai thác được thuận lợi, an toàn. Tags: Ruốc biểnRuốc Cà mauBiến Tây
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".