Muôn mặt xếp hạng tín nhiệm

TTCT - Theo sau Mỹ, Ý là quốc gia nhiều khả năng bị Standard & Poors (S&P) hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, trong khi Pháp có thể thoát. Sống bằng cách nâng - hạ uy tín của các tổ chức tín dụng hoặc cả một quốc gia, hẳn các tổ chức xếp hạng tín nhiệm phải có quyền năng nhất định.

Các chính khách Mỹ “xanh mặt” trong trò chơi mang tên “xếp hạng tín nhiệm” - Biếm họa: Joe heller (Hoa Kỳ)

Nhưng vì sao có những nước như Pháp cũng lâm vào vòng xoáy nợ công lại chưa bị hạ bậc. Phải chăng có sự thiên vị nào đó, hay còn điều gì khuất lấp đằng sau việc xếp hạng này?

Ý đứng trước nguy cơ

Với Ý, một nguyên nhân quan trọng là vì mức độ tín nhiệm của nước này... đã thấp sẵn, chỉ được S&P xếp hạng A+, thấp hơn Mỹ tới mấy bậc. Đồng thời việc xếp hạng của nước này đã bị S&P giảm từ “Ổn định” (AAA) sang nhóm “Tiêu cực” (A+) (xếp hạng tín nhiệm nợ của một số nước châu Âu tháng 8-2011). 

Hồi tháng 6 năm nay Moody’s cũng cảnh báo sẽ hạ tín nhiệm nợ của Ý do tăng trưởng nước này yếu và tình hình nợ đang xấu đi. Như vậy, việc hạ tín nhiệm của Ý rất có thể chỉ là vấn đề thời gian.

Trong khi đó, vào giữa tháng 8, không lâu sau khi hạ bậc tín nhiệm của Mỹ, S&P vẫn giữ xếp hạng tín nhiệm của Pháp ở mức cao nhất (AAA), bất chấp việc nước này đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng nợ ở châu Âu. S&P có lý do khi mà mức thâm hụt ngân sách của Pháp ước tính chỉ ở mức 5-6% GDP, trong khi Mỹ được dự đoán sẽ ở mức gần 10% GDP và tổ chức này cho là người Pháp có một chính sách tài khóa tốt.

Nhìn chung S&P có vẻ tin tưởng người Pháp sẽ thực thi được lời hứa kéo thâm hụt ngân sách về 3% GDP trong năm 2013, nhưng không tin tưởng phía Mỹ.

Tuy nhiên, thị trường lại không tin người Pháp như S&P mà vẫn tin tưởng vào phía Mỹ. Thông qua các hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS), người ta có thể tính ra chi phí bảo hiểm 10 triệu USD nợ vay kỳ hạn năm năm của Mỹ sau khi bị hạ bậc tín nhiệm là 57.000 USD, trong khi chi phí bảo hiểm khoản nợ tương đương của Pháp là trên mức 130.000 USD, cao gấp đôi so với Mỹ. Đây cũng là chuyện dở khóc dở cười cho S&P vì tổ chức được họ xếp tín nhiệm cao hơn lại bị thị trường đánh giá là rủi ro hơn.

Trở lại câu chuyện Mỹ, S&P hạ bậc tín nhiệm Mỹ nhưng Fitch và Moody’s vẫn duy trì xếp hạng tín nhiệm cao nhất cho các khoản nợ của Mỹ. Trong khi đó, thông thường các tổ chức đầu tư sẽ sử dụng mức trung bình xếp hạng tín nhiệm từ ba tổ chức này.

Kiếm tiền bằng việc xếp hạng

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là những tổ chức phân tích và đưa ra một mức điểm hay xếp hạng các khoản vay dựa trên khả năng trả nợ của người đi vay. Có thể ví von các tổ chức này giống như những tổ chức kiểm định chất lượng vàng giúp cho người mua vàng. Nếu vàng được các tổ chức này thẩm định là có hàm lượng vàng cao như vàng bốn số 9 thì được mua với giá cao hơn các loại vàng kém chất lượng, bị pha trộn kim loại khác.

Tương tự, các trái phiếu (các khoản vay) do chính phủ hoặc công ty phát hành được xếp hạng cao hơn sẽ có giá cao hơn, đồng nghĩa với việc khoản lợi suất thật sự mà người mua trái phiếu được hưởng sẽ thấp hơn (vì giá mua trái phiếu cao nên tỉ suất sinh lợi thật sự nhận được thấp). Điều này là hợp lý vì các khoản vay an toàn hơn thì có lãi suất thấp hơn.

Trước thập niên 1970, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tồn tại nhờ vào việc bán xếp hạng tín nhiệm cho nhà đầu tư để họ biết về độ an toàn các khoản nợ mà họ đang nắm giữ, tương tự việc công ty chứng khoán bán một báo cáo đầu tư được đặt hàng cho khách hàng. Kể từ thập niên 1970, các công ty xếp hạng tín nhiệm chuyển sang mô hình lấy tiền của tổ chức phát hành, nghĩa là tổ chức muốn phát hành trái phiếu hay các dạng thức vay nợ khác thì phải trả phí cho tổ chức xếp hạng tín nhiệm để được xếp hạng.

Đi cùng với sự phát triển của xếp hạng tín nhiệm nợ của công ty là việc xếp hạng tín nhiệm nợ quốc gia, vì chính phủ các nước cũng thường xuyên phát hành trái phiếu để gọi vốn trên thị trường trong nước và quốc tế, làm phát sinh nhu cầu xếp hạng tín nhiệm nợ quốc gia.

Vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này trở nên quan trọng hơn khi các mức xếp hạng không chỉ được sử dụng trong hoạt động đầu tư và huy động vốn, mà còn được sử dụng trong việc hoạch định các chính sách kể từ thập niên 1970. Chẳng hạn ở Mỹ, cơ quan quản lý cho phép các tổ chức tài chính giữ một phần dự trữ vốn của mình ở dạng các trái phiếu có độ an toàn cao được chứng nhận bởi các xếp hạng tín nhiệm cao.

Giải thích ý nghĩa các mức xếp hạng của Fitch, Moody’s và S&P

Ý nghĩa

Fitch và S&P

Moody’s

Chất lượng cao nhất

AAA

Aaa

Chất lượng cao

AA+

Aa1

AA

Aa2

AA-

Aa3

Khả năng trả được nợ cao

A+

A1

A

A2

A-

A3

Ðủ khả năng trả nợ

BBB+

Baa1

BBB

Baa2

BBB-

Baa3

Nhiều khả năng sẽ trả được nợ, có những rủi ro đang tồn tại

BB+

Ba1

BB

Ba2

BB-

Ba3

Những khoản nợ có rủi ro cao

B+

B1

B

B2

B-

B3

Có nhiều rủi ro vỡ nợ

CCC+

Caa1

CCC

Caa2

CCC-

Caa3

Gần hoặc trong tình trạng phá sản hoặc không trả được nợ

CC

Ca

C

C

D

D

Nguồn: Global Financial Stability Report, IMF

Đáng tin đến mức nào?

Việc thị trường trái phiếu không xem trọng việc hạ bậc tín nhiệm của S&P đối với các khoản nợ công dài hạn của Mỹ là do hai nguyên nhân chính: (1) - Trái phiếu Chính phủ Mỹ được định giá bằng đồng USD, như vậy Chính phủ Mỹ hoàn toàn có thể in tiền trả nợ. Nói cách khác, về mặt kỹ thuật, nhiều người vẫn coi Mỹ là trái phiếu có độ an toàn cao. (2) - Độ tin cậy của S&P vốn dĩ không cao trong mắt nhiều chuyên gia tài chính và nhà đầu tư.

S&P và nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm được công nhận ở phạm vi quốc gia của Mỹ đã từng xếp hạng AAA cho các sản phẩm phái sinh được tạo thành từ các khoản cho vay thế chấp và nợ dưới chuẩn trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Kết quả là sự sụp đổ của thị trường nhà ở Mỹ và Anh sau đó đã khiến những sản phẩm phái sinh được xếp vào nhóm ngoại hạng này bị hạ xuống hạng chót và giá của những sản phẩm đó cũng tụt dốc không phanh.

Nhiều người nghi ngờ S&P đã thổi phồng xếp hạng của các sản phẩm này để được nhận những mức phí xếp hạng cao và Chính phủ Mỹ và châu Âu đang bắt tay điều tra chuyện này. Đợt khủng hoảng tài chính vừa qua cũng không phải là lần đầu các tổ chức xếp hạng này bị mất uy tín. Bản thân S&P và các tổ chức khác cũng đã xếp hai công ty Enron và Worldcom vào nhóm an toàn để đầu tư không lâu trước khi các công ty này phá sản.

Với mô hình kinh doanh lấy phí từ tổ chức được xếp hạng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thể chấp nhận đưa ra các mức xếp hạng cao để giành khách hàng và thu phí. Giới nghiên cứu từ lâu đã nghi ngờ các ngân hàng “dạo chợ” xếp hạng tín nhiệm để chọn công ty nào xếp hạng cao nhất cho mình. Đương nhiên các ngân hàng và công ty sẵn lòng trả giá cao cho những mức xếp hạng càng cao càng tốt. So với chi phí phải trả cho thị trường thì mức phí trả cho các tổ chức xếp hạng thấp hơn nhiều, nhất là đối với những đợt phát hành trái phiếu và sản phẩm phái sinh lớn.

Trong đợt hạ bậc tín nhiệm lần này đối với nợ công của Mỹ, S&P cũng bị giới chuyên môn “nói nặng nói nhẹ” không ít. Trong báo cáo ban đầu khi hạ bậc nợ công của Mỹ, S&P đã tính toán sai mức tiết kiệm ngân sách Mỹ, đã tính thiếu đến 2.000 tỉ USD. Trong báo cáo đó, S&P xem việc thiếu hiệu quả trong tiết kiệm ngân sách là nguyên nhân chính để hạ bậc tín nhiệm.

Phía Bộ Tài chính Mỹ đã phát hiện sai lầm này và phản đối xếp hạng của S&P. S&P thừa nhận sai sót này nhưng sau vài giờ suy xét đã quyết định “y án” hạ bậc tín nhiệm, nhưng sửa chữa lại nguyên nhân hạ bậc theo hướng nhắm tới chỉ trích yếu kém trong khả năng đạt được thỏa thuận về cải cách ngân sách của chính phủ với quốc hội.

Bất chấp lý lẽ mới của S&P có thuyết phục hay không, việc ra quyết định hạ bậc đầu tiên dựa trên một con số tính toán sai lầm đã khiến uy tín của S&P bị tổn hại đáng kể. Một tổ chức có chuyên môn là đi phân tích và xếp hạng nợ quốc gia mà không nắm vững chuyện tính toán nợ thì khó trách bị chê cười.

Tuy việc hạ bậc xếp hạng của S&P đối với nợ công của Mỹ có thể quá hấp tấp, đặc biệt sau khi đã mắc sai lầm trong tính toán số liệu nợ, nhưng hành động đó vẫn phản ánh những rủi ro tiềm ẩn đối với nợ công của Mỹ.

Mặc dù ở Mỹ có đến mười tổ chức xếp hạng tín nhiệm được công nhận, nhưng S&P, Moody’s và Fitch là ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất. Có đến 97% số xếp hạng tín nhiệm đang tồn tại ở Mỹ do ba tổ chức này công bố. 

Nếu cả ba tổ chức xếp hạng chủ chốt này đều hạ bậc tín nhiệm nợ công của Mỹ thì sẽ là một chuyện đáng lo hơn nhiều. Khi đó mức trung bình xếp hạng nợ công của Mỹ sẽ giảm xuống. Những ngân hàng và tổ chức tài chính giữ trái phiếu Mỹ để đảm bảo dự trữ sẽ phải tăng thêm tiền dự trữ do các trái phiếu đó không còn được xem là an toàn cao nhất nữa.

Do đó, Chính phủ Mỹ từ bây giờ phải lo tìm cách đi trấn an các chủ nợ lớn như Trung Quốc và cải tổ các chương trình chi tiêu ngân sách và tăng thu thuế để lấy lại niềm tin từ các chủ nợ, lấy điểm lại từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận