Murakami - tiểu thuyết gia chạy bộ

ĐỖ DUY 12/03/2011 12:03 GMT+7

TTCT - Như hai mươi bốn giờ trong một ngày, bảy ngày trong tuần... thời gian sống của một đời người có vẻ cũng đã là một “khoảng cố định”. Trong cái khoảng ấy, người ta thường cố tâm đi tìm cho mình ít nhất một cái lẽ để cuộc sống ý nghĩa nhất. Với Murakami - không còn nghi ngờ gì nữa - là công việc viết tiểu thuyết.

Phóng to

Chỉ riêng kho tàng hàng mấy chục tác phẩm có giá trị cho nhân loại của ông có lẽ cũng làm mất của những tác giả khác một đời để viết. Thời gian, sức lực, ý chí đâu để tiểu thuyết gia người Nhật này dành cho rèn luyện chạy bộ một cách kiên trì? Hoạt động thể chất này tham gia thế nào vào đời sống viết lách của ông và ngược lại, để cuối cùng ông được sự vinh danh đáng kể ở cả hai lĩnh vực? Murakami nói điều đó trong Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (*).

Không cần chút giả vờ khiêm tốn nào, ông khẳng định tiểu thuyết gia cần nhất là tài năng - ví như một chiếc xe hơi cần nhiên liệu để chạy được. Nhưng vấn đề là làm sao để tài năng đó ngày càng tăng, hay để dành được nó bằng ý chí của con người, khi mà “chính tài năng cũng có suy nghĩ riêng của nó”? Phẩm chất cần thiết thứ hai của một tiểu thuyết gia không thể khác hơn là sự tập trung, bền bỉ.

“Viết là lao động trí óc, nhưng hoàn thành cả một cuốn sách thì gần với lao động chân tay hơn” - ông nói vậy. Chính nghệ thuật tự sự và suy nghĩ đòi hỏi người viết phát huy nguồn dự trữ thể chất. Những nhà văn trẻ có thể tự do phung phí sử dụng một cách vô thức “sức sống tự nhiên”, nhưng những nhà văn không còn trẻ nữa (trừ những gương mặt huyền thoại, tài năng dồi dào), bên cạnh viết còn phải “bổ sung cái thiếu trong “kho tài năng” của mình”.

Và với trường hợp của mình, Murakami cho rằng “phần lớn những gì tôi biết được về viết lách là tôi học được từ việc chạy bộ mỗi ngày”. Những bài học đó là: “Tôi có thể thúc ép mình đến đâu? Tôi có thể đưa được một cái gì tới đâu mà vẫn giữ được nó đúng độ và nhất quán? Tôi phải ý thức được thế giới bên ngoài đến mức nào? Và tôi phải tập trung vào thế giới nội tâm của mình chừng nào?...”.

Ông không ngừng chạy bộ, lý do là vì ông cũng thích những cuốn tiểu thuyết mình viết. Và khi mong chờ những cuốn sẽ ra đời tiếp theo của mình - cảm giác của “một con người hoàn toàn sống một cuộc đời hạn hẹp - không hoàn hảo”, theo ông, là một thành tựu.

Murakami không có ý định thông qua cuốn sách kêu gọi tất cả cùng chạy bộ, vì môn này - cũng như viết tiểu thuyết - không dành cho tất cả mọi người. Nhưng bằng ý chí của mình thông qua việc chạy bộ, Murakami cho thấy để tâm đến việc mình thật sự thích, đặt ra những mục tiêu và dành cho nó sự “chịu đựng cái cần chịu đựng”, đi tìm ý nghĩa trong đó, mối liên hệ với tính cách, công việc - hay rộng hơn là cuộc đời mình... sẽ làm cho cuộc sống trở nên thi vị, có ý nghĩa hơn. Đến đích, thậm chí cả khi chẳng thấy được đích đến hữu hình nào, thì chính sự trải nghiệm trong “mối quan hệ riêng tư” của mỗi cá nhân với sở thích của mình cũng đã là một thế giới thú vị.

“Một điểm kết thúc chẳng qua được dựng lên như một cột mốc tạm thời, hay có lẽ như một ẩn dụ gián tiếp cho bản chất trôi chảy của sự tồn tại” - Murakami nói thế, và những cuộc đua vẫn còn khi ông ở tuổi ngoài 50 - ông đang tiếp tục lắng nghe cuộc sống của mình.

“Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn mà họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó. Cố gắng tối đa cho những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ và là một ẩn dụ cho cuộc sống - cho tôi và cả cho viết lách”.

__________

(*) Tôi nói gì khi nói về chạy bộ: Haruki Murakami, Thiên Nga dịch từ bản tiếng Anh, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhã Nam xuất bản và phát hành. Sách có khá nhiều hình ảnh tư liệu liên quan đến việc chạy bộ tại nhiều nước khác nhau của Murakami.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận