Mỹ, EU chạy đua sản xuất đạn dược cho Ukraine

D.KIM THOA 04/06/2023 15:02 GMT+7

TTCT - Mặc dù xe tăng, tên lửa và các phương tiện chiến đấu đều rất quan trọng với Ukraine trong cuộc chiến với Nga

Mặc dù xe tăng, tên lửa và các phương tiện chiến đấu đều rất quan trọng với Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhiều chuyên gia cho rằng các loại đạn pháo thiết yếu, đặc biệt là đạn pháo 155mm, cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Hôm 23-5, Liên minh châu Âu (EU) đã gửi cho Ukraine 220.000 quả đạn pháo theo cam kết hồi tháng 3-2023 về việc cấp cho Kiev khoảng 1 triệu quả đạn này trong 12 tháng. Câu hỏi lúc này là liệu EU có duy trì ổn định được nhịp độ đó? 

Cho tới giờ, theo Politico, đạn pháo các nước EU đóng góp để hỗ trợ Kiev vẫn đang lấy từ các kho dự trữ hiện có. Nhưng EU sẽ sớm phải chuyển sang giai đoạn cùng góp tiền mua đạn mới, đồng thời tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng để tiếp tục cấp đạn cho Ukraine - một viễn cảnh đầy thách thức.

Ukraine phụ thuộc vào đạn 155mm

Đạn pháo 155mm là một trong những hạng mục được Kiev yêu cầu thường xuyên nhất và cũng được cung cấp nhiều nhất, bên cạnh các hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa và xe tăng. 

Sở dĩ loại đạn pháo này tối quan trọng với Ukraine là vì chúng dùng cho các vũ khí có thể bắn xa tới 32km vào sau tiền tuyến của Nga, với sức công phá lớn, theo AP. Báo cáo tháng 1-2023 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định trong bối cảnh khu vực tiền tuyến gần như không thay đổi, pháo trở thành vũ khí tấn công quan trọng nhất.

The Washington Post dẫn nguồn tin không nêu tên là một quan chức quân sự Ukraine cho biết trong tháng 4-2023, dù thiếu đạn pháo, Ukraine vẫn bắn khoảng 7.700 quả mỗi ngày, tương đương 6 giây một quả. 

Trong khi đó theo một số ước tính, phía Nga đã bắn số đạn pháo nhiều hơn Ukraine gấp 3, thậm chí gấp 4-5 lần. Theo AP, với cường độ bắn 6.000-8.000 quả đạn pháo một ngày, cứ hai ngày thì Kiev tiêu thụ hết số đạn pháo Mỹ sản xuất được trong một tháng ở giai đoạn trước khi bùng nổ xung đột.

"Điểm "thắt cổ chai" lúc này là sản xuất", CSIS phân tích và nói thêm rằng ngành công nghiệp quốc phòng nhìn chung không thể tăng quy mô quá nhanh, và thường vận hành để đáp ứng nhu cầu của chính phủ các nước, chứ không phải cung ứng cho một nước khác. 

Chính Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng từng lưu ý về tiến độ giao hàng: một số đơn đặt hàng hôm nay thì phải chờ khoảng 2,5 năm nữa mới nhận được.

Tại Mỹ, các công ty tư nhân sẽ không sản xuất vũ khí trừ khi đã biết sẽ bán được cho ai, chưa kể nhiều nước đang lựa chọn đầu tư vào các loại vũ khí hạng nhẹ, drone, giải pháp do thám, tình báo hay tên lửa để đáp ứng nhu cầu bản thân. 

Nói cách khác, ở phương Tây sẽ không có chuyện ngành công nghiệp quốc phòng cứ sản xuất đạn pháo bất chấp có dùng tới hay không. Truyền thông Mỹ từng nhận định cuộc chiến tại Ukraine đã làm lộ ra vấn đề kho đạn pháo 155mm của Mỹ và các đồng minh châu Âu đã không được chuẩn bị để hỗ trợ một cuộc chiến lớn trên bộ.

Giới chuyên gia cho rằng mối lo chính với Ukraine là khi nguồn cung cấp đạn giảm, cách tiếp cận trên chiến trường sẽ hạn chế hơn. Lo ngại này được The Washington Post phản ánh qua ghi nhận của họ từ thực địa chiến trường Ukraine vào đầu tháng 4. 

Trước đây trung đội pháo binh thuộc Lữ đoàn cơ giới 59 đóng tại miền đông Ukraine thường bắn từ 20-30 quả đạn pháo mỗi ngày, nay chỉ bắn 1-2 quả, thậm chí có ngày không bắn quả nào.

Kế hoạch của Mỹ và EU

Khoảng giữa tháng 3, Nhóm Tiếp xúc quốc phòng Ukraine do Mỹ dẫn dắt gồm khoảng 50 nước đã tổ chức hội nghị trực tuyến để thảo luận về giải pháp giúp Ukraine nhận được đủ số đạn họ cần. Dù vậy trong tháng 4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vẫn tiếp tục phải hối thúc các nước EU đẩy nhanh tiến độ bàn giao vũ khí, đạn dược.

EU hiện đã nhất trí về kế hoạch hỗ trợ đạn dược, tên lửa cho Ukraine chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn hiện tại là chuyển cho Kiev mọi nguồn cung mà các nước còn dư. 

Giai đoạn thứ hai, họ sẽ hợp tác mua chung đạn mới cho Ukraine từ các nhà thầu quốc phòng để có thể đặt hàng số lượng lớn và giá rẻ hơn. Giai đoạn thứ ba hướng tới mục tiêu mở rộng năng lực tổng thể của châu Âu trong việc sản xuất vũ khí, khí tài.

Dù vậy, một số chuyên gia nghi ngờ khả năng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu có thể mở rộng quy mô sản xuất đúng thời hạn mong muốn. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng: 

"Chuyện đó vẫn còn phải chờ xem... Điều đó không phụ thuộc vào việc chúng ta có muốn đặt hàng và trả tiền hay không, mà chỉ phụ thuộc vào việc có sản xuất được không và trong bao lâu" (Politico).

Về phần Mỹ, tính tới giữa tháng 3-2023, nước này đã cấp cho Ukraine hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm. Theo Time, quân đội Mỹ dự kiến tăng tốc độ sản xuất từ khoảng 14.000 quả đạn 155mm mỗi tháng hiện giờ lên khoảng 20.000 trong mùa xuân 2024 và tới năm 2025 là 90.000. 

Tính tổng cộng, theo AP, tới khoảng cuối tháng 4-2023, Mỹ đã cấp cho Ukraine lượng khí tài tổng giá trị hơn 35 tỉ USD. Con số đó của EU tính tới tháng 5-2023, theo trang Europa.eu, là 5,6 tỉ euro (6 tỉ USD). ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận