Nếu chỉ "thổi còi" làm sao tìm ra tham nhũng

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 19/10/2009 00:10 GMT+7

TTCT - Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thực hiện xong cuộc giám sát việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN). Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, bà LÊ THỊ THU BA (Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát) cho biết:

Nếu chỉ “thổi còi” làm sao tìm ra tham nhũng

TTCT - Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa thực hiện xong cuộc giám sát việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN). Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, bà LÊ THỊ THU BA (Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát) cho biết:

Bà Lê Thị Thu Ba - Ảnh: Việt Dũng

“Qua giám sát, chúng tôi đánh giá chung là các cấp, ngành tổ chức thực hiện Luật PCTN nghiêm túc, có nhiều cố gắng trong việc đưa công tác PCTN đi vào nề nếp. Tuy nhiên cũng có những mặt chưa đạt yêu cầu, còn hạn chế”.

Một số vị trí cần công khai tài sản

* Bà có thể cho biết những mặt hạn chế, chưa đạt yêu cầu đó?

- Tại một số nơi mà chúng tôi giám sát, hầu như mọi người trong các cơ quan có thẩm quyền PCTN đều thuộc luật, nắm luật rất chắc nhưng để chuyển nhận thức sang hành động thì còn khoảng cách khá xa. Cho nên, thời gian qua việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong nội bộ các cơ quan này mặc dù có nhưng còn hạn chế. Họ chỉ làm khi nào có đơn tố cáo của người dân.

* Theo thông tin từ đoàn giám sát, tỉ lệ bị cáo tòa án cho hưởng án treo trong các vụ án tham nhũng còn cao (xét xử sơ thẩm tỉ lệ là 37%). Vậy làm sao đảm bảo xử lý nghiêm minh người có hành vi tham nhũng?

- Vấn đề này cần nhìn nhận ở hai góc độ, trong những trường hợp cụ thể thì án treo là thể hiện chính sách nhân đạo, nhưng trong bối cảnh xã hội đang bức xúc với tội phạm tham nhũng mà lại áp dụng án treo nhiều quá thì không thuyết phục. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng đây là vấn đề cần được xem xét trong tình hình hiện nay.

* Theo website Chính phủ, tại phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách trưởng ban chỉ đạo đã phát biểu không để xảy ra tình trạng “những người làm công tác PCTN lại có hành vi tham nhũng, nhận hối lộ”. Vậy việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, công an, quốc phòng, VKSND, TAND đã được thực hiện như thế nào?

- Một số biện pháp như kê khai, minh bạch tài sản và thu nhập... là rất cần nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Ví dụ như các cơ quan báo cáo đang từng bước triển khai việc trả lương cho cán bộ công chức qua tài khoản theo quy định, mục đích là để PCTN, nhưng đồng lương thì sạch sẽ, điều quan trọng là làm sao quản lý toàn bộ thu nhập của anh cán bộ, mà muốn quản lý được thì phải hạn chế sử dụng tiền mặt, buộc mọi giao dịch của anh ta phải qua tài khoản.

Hiện nay mới chỉ dừng lại ở chỗ kê khai tài sản và nộp cho người có thẩm quyền, và chỉ kiểm tra được việc kê khai đó trong trường hợp họ đang bị thanh tra, kiểm tra, đang bị tố cáo hay có yêu cầu của cơ quan điều tra, cơ quan kiểm tra Đảng. Biết rằng có những trường hợp không thể công khai trên báo chí, nhưng ít nhất một số vị trí nào đó cần công khai tài sản, thu nhập của cán bộ một cách rộng rãi... Nhiều nước trên thế giới đã làm việc này và góp phần PCTN có hiệu quả thì chúng ta cũng nên học tập.

Tham nhũng luôn giấu mặt

* Vừa qua xuất hiện một số vụ việc tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Theo bà, năng lực của các cơ quan điều tra hiện đáp ứng được yêu cầu trong những vụ việc như vậy?

- Chúng ta đã tham gia nhiều công ước quốc tế, mới nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng. Các nước đều ủng hộ mình chống tham nhũng triệt để, nhưng ta cũng phải đề phòng các thế lực bên ngoài lợi dụng. Tuy nhiên, phải tránh kiểu thận trọng mà để lọt tội hoặc xử lý không nghiêm minh.

“Trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, nếu có tham nhũng thường để lại hậu quả lớn (như đất đai, xây dựng, cấp phép đầu tư)... thì việc xây dựng văn bản pháp luật vẫn còn ngổn ngang”.

* Giám sát cho thấy số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra còn thấp. Trong hai năm qua, thanh tra các cấp chỉ chuyển được 219 vụ với 295 đối tượng có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để xem xét, riêng Thanh tra Chính phủ chỉ chuyển sang cơ quan điều tra một vụ?

- Tham nhũng luôn giấu mặt đằng sau, ví dụ một người có thẩm quyền phê duyệt dự án giao đất làm sân golf, mà người đó quyết định giao đất không đúng quy định pháp luật, vượt quá tiêu chuẩn, vượt quá thẩm quyền..., nếu thanh tra chỉ dừng lại ở chỗ “thổi còi” yêu cầu hủy bỏ dự án, thu hồi quyết định giao đất thì làm sao phát hiện được tham nhũng. Thời gian tới cơ quan thanh tra và kiểm toán phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan điều tra, khi phát hiện những hiện tượng không bình thường thì yêu cầu sự tham gia của cơ quan điều tra ngay.

* Đoàn giám sát đánh giá thế nào về tình hình tham nhũng hiện nay?

- Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, số vụ tham nhũng bị phát hiện đều năm sau giảm hơn năm trước, ví dụ năm 2009 giảm hơn năm 2008. Nhưng căn cứ vào đó để nói tình hình tham nhũng giảm đi thì không phải. Chúng tôi đánh giá tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phức tạp.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm sơ kết đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật PCTN, hoạt động của ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh. Qua giám sát chúng tôi thấy ban chỉ đạo cấp tỉnh có nơi không làm, có nơi lại làm quá quyền hạn của mình... Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần sớm thành lập cơ quan giám định tư pháp quốc gia. Thời gian qua nhiều vụ án lớn xử lý chậm một phần cũng vì vướng mắc khâu giám định.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận