TTCT - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có hồi kết, châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào Nga về khí đốt. Nhưng điều đó sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và quyết tâm chính trị lâu dài. Một công nhân kiểm tra đường ống khí đốt bên phía Ukraine - Ảnh: nbcnews.comTuần trước, Ukraine đã từ chối đề nghị giảm giá khí đốt của Nga, giảm từ 485,5 USD cho mỗi 1.000m3 (1 tcm) xuống còn 385 USD, khi cho rằng đây thật ra là “một cái bẫy”. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, được tân Tổng thống Petro Poroshenko giữ lại từ chính quyền lâm thời trước đó, nói Ukraine sẽ không đồng ý giảm giá với hợp đồng hiện thời và muốn “một hợp đồng có tính ràng buộc, chứ không phải việc Nga có ưa chính quyền Ukraine hay không”.Thời cựu tổng thống Yanukovych, Nga bán khí đốt với giá giảm chỉ 268 USD/tcm, nhưng sau vụ bạo động lật đổ chính phủ, giá tăng lên thành 485,5 USD/tcm.Điệu tango cần ba người“Mức giá do chính quyền Nga thiết lập và do chính quyền Nga quyết định tăng giảm. Đề nghị của chúng tôi thì không đổi. Chúng ta cần một thỏa thuận khác” - ông Yatsenyuk tuyên bố trong một phiên họp của Chính phủ và được Fox News dẫn lời. Từ Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin nói đề xuất của Nga “phản ánh tinh thần hữu nghị” để hỗ trợ nền kinh tế Ukraine trong thời kỳ khó khăn.“Nhưng nếu đề nghị của chúng tôi bị từ chối, có nghĩa là chúng ta sẽ phải dùng những biện pháp khác” - ông Putin nhấn mạnh.Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak nói thỏa thuận đổ vỡ do phía Ukraine đã làm mình làm mẩy. Trưởng phái bộ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov nói với Reuters: “Những cuộc thương lượng có cơ hội thành công rất cao, nhưng điệu tango này cần ba người (Nga, Ukraine và EU) mới nhảy được”.Đầu tuần này, Nga đã chính thức cắt khí đốt xuất khẩu sang Ukraine. Tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố Ukraine giờ sẽ phải trả trước tiền nếu muốn mua khí đốt, sau khi không trả được 1,95 tỉ USD trong tổng số nợ 4,5 tỉ USD tính từ cuối năm ngoái.Trên nguyên tắc, tranh cãi giữa Matxcơva và Kiev về khí đốt lẽ ra không ảnh hưởng tới các nước châu Âu khác. Châu Âu hiện sử dụng 24% lượng khí đốt từ Nga, một nửa trong số đó, khoảng 80 tỉ m3 (bcm) mỗi năm, được chuyển qua đường Ukraine. Tranh cãi giữa Nga và Ukraine từng dẫn tới việc cung cấp khí đốt cho châu Âu bị gián đoạn hai tuần vào tháng 1-2009.Hiện thời, các nước châu Âu không phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong các tháng mùa hè. Và mùa đông không quá lạnh vừa qua có nghĩa là dự trữ khí đốt của nhiều nước vẫn còn. Richard Mallinson thuộc tổ chức tư vấn Energy Aspects nói các nước EU hiện đang dự trữ 36 bcm khí đốt, nhiều hơn khoảng 15 bcm so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng khối lượng kho dự trữ khí đốt của EU có thể đạt 75 bcm, tức hơn gấp đôi mức hiện giờ.Những biện pháp đối phóLượng dự trữ đó sẽ hữu ích, nhưng vẫn là ít ỏi và được san sẻ không đều. Một số nước châu Âu có lượng dự trữ rất lớn, như Latvia có thể đủ khí đốt dùng trong một năm, trong khi Moldova và Macedonia chẳng hề có dự trữ. Mạng lưới đường ống khí đốt hiện giờ ở châu Âu không được thiết kế cho việc chuyển khí đốt dự trữ cho những nước cần.Các công ty khí đốt nhà nước trước giờ rất ghét việc kết nối xuyên biên giới, vì dòng chảy tự do của khí đốt sẽ mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng và giúp giá cả giảm đi. Nhưng áp lực từ EU và quan ngại càng lớn về rủi ro chính trị liên quan tới Nga sau sự cố gián đoạn cung cấp năm 2009 đã khiến nhiều đường ống xuyên quốc gia hơn được xây dựng.Ba Lan được kết nối với Cộng hòa Czech từ năm 2011 và một dự án mở rộng công suất của đường ống này dự kiến sẽ bắt đầu năm 2017. Slovakia vừa kết nối với Hungary. Đức giờ có thể gửi khí đốt cho Ý cũng như cho Ba Lan và Czech. Tuy nhiên, có hạ tầng là một chuyện, quyết tâm chính trị để hỗ trợ láng giềng là chuyện hoàn toàn khác.Thêm nữa, Estonia, Latvia và Lithuania đều không hề được kết nối với đường ống khí đốt nào ngoài từ Nga. Dự án kết nối Ba Lan - Lithuania sẽ chỉ bắt đầu vào năm 2018. Bulgaria cũng gặp vấn đề tương tự. Nước này nhận tất cả khí đốt từ Nga qua Ukraine và cũng có dự trữ hạn chế (không tới hai tháng). Bulgaria hiện đang nhanh chóng xây dựng mạng lưới kết nối với Serbia tới một nhà máy khí đốt hóa lỏng ở Hi Lạp.Ngay cả có mạng lưới đường ống kết nối tốt thì cũng phải có khí đốt mới có ý nghĩa. Nếu vì lý do nào đó khí đốt bị tắc nghẽn ở Ukraine thì mạng lưới tốt cũng vô hiệu. Giải pháp đầu tiên có thể đến từ Nga. Nếu Nga quyết định chỉ trừng phạt Ukraine về vấn đề khí đốt, họ có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu qua hệ thống đường ống Nord Stream kết nối trực tiếp với Đức vừa mới xây dưới đáy biển Baltic. Hiện hệ thống này mới được sử dụng 30 bcm trong tổng công suất 55 bcm/năm.Những giải pháp thay thế thật sự của EU khá hạn chế. Khoảng 10 bcm có thể đến từ Na Uy. Cổ phiếu của Statoil, Công ty Năng lượng quốc gia Na Uy, đã tăng 7% kể từ khi tình hình Ukraine bất ổn. Nhưng tăng sản lượng khí đốt bên trong EU là điều rất khó, do cử tri ở hầu hết các nước này, chẳng hạn Hà Lan, đều muốn giảm việc khai thác vì những quan ngại môi trường.Những mỏ khí đốt ở Anh cũng đã cạn kiệt. Bắc Phi là một nguồn cung không đáng tin cậy, đã giảm 11,3% trong năm 2013 và riêng từ Algeria đã giảm 40% do nhu cầu quốc nội tăng. Một lựa chọn nữa là đường ống xuyên biển Adriatic có thể cung cấp 10-20 bcm khí đốt/năm từ Caucasus qua đường Thổ Nhĩ Kỳ (và nhiều hơn nữa từ Iran nếu quan hệ Iran - EU được cải thiện). Nhưng hệ thống này chỉ được hoàn tất trong năm 2018.Theo tính toán của các chuyên gia, dù dùng tất cả biện pháp, EU vẫn sẽ phải đối mặt với việc thiếu hụt 30 bcm khí đốt/năm nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung qua Ukraine. Trong ngắn hạn, thay vì đối mặt với những tổn thất kinh tế khó lường nếu thiếu hụt khí đốt, EU vẫn đang tập trung vào việc huy động ngân quỹ để giúp Ukraine trả tiền cho Nga. Đó là lý do tại sao giá khí đốt không tăng nhiều dù cuộc khủng hoảng ngày một leo thang.Bản thân Công ty khí đốt nhà nước Ukraine mua khí đốt từ Nga cũng rất lạc hậu và kém minh bạch (Ukraine thậm chí không có hệ thống đo ở điểm đường ống vượt qua biên giới Nga - Ukraine, khiến những tranh luận về lượng khí đốt và giá cả trở nên rất khó khăn). Ukraine hiện đang sản xuất được 20 bcm khí đốt/năm, nếu ngành này của họ đủ hiệu quả như một số nước châu Âu tiên tiến, lẽ ra họ đã có thể tự xoay xở được mà không cần Nga.Tháng 3-2014, các nhà lãnh đạo EU đã lập một ủy ban để lên kế hoạch từ giờ tới tháng 6 đưa ra các đề xuất nhằm làm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, bao gồm tăng hiệu năng sử dụng, giảm thất thoát, nâng cấp hệ thống đường ống và kho dự trữ...Một nạn nhân tức thời của các kế hoạch này có thể là hệ thống đường ống South Stream của Nga được thiết kế để giảm sự phụ thuộc của Gazprom về mặt địa lý qua Ukraine. Dự kiến hoàn tất năm 2018 với công suất 63 bcm, đường ống này đã gây nhiều tranh cãi ở EU với cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh.Do châu Âu sử dụng 31% lượng khí đốt để sản xuất điện, họ có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga bằng cách thay đổi công nghệ sản xuất điện. Ở một mức độ nào đó, nỗ lực đầu tư cho năng lượng thay thế ở châu Âu đang đóng góp vào điều đó, nhưng hiện giờ khí đốt vẫn đóng vai trò chủ lực.Các đường ống cung cấp khí đốt chính cho EU - Ảnh: Gasprom and EuCon dao hai lưỡiỞ chiều ngược lại, trong khi châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga về khí đốt, Kremlin cũng rất cần những khách hàng giàu có ở châu Âu. Các sản phẩm xuất khẩu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm 70% trong kim ngạch xuất khẩu 515 tỉ USD năm 2013 của Nga, và chiếm 52% ngân sách liên bang, theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Châu Âu hiện là thị trường khí đốt lớn nhất của Nga.Dầu mỏ (không như khí đốt) dễ cất giữ, vận chuyển và buôn bán, khiến một khách hàng lớn không có vai trò quan trọng lắm. Nhưng khí đốt thì khác, phải được chuyển qua các đường ống đến những khách hàng gần như là cố định.Trên lý thuyết, khí đốt với vai trò vũ khí ngoại giao của Nga có thể là con dao hai lưỡi. Nếu Nga làm căng hơn ở Ukraine và EU đáp trả, việc xuất khẩu khí đốt của Nga có thể ngưng trệ và ngay cả với 475 tỉ USD dự trữ ngoại hối, Kremlin vẫn có thể lâm vào cảnh “miệng ăn núi lở” nếu không tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt.Mối lo ngại đó góp phần quan trọng dẫn tới thỏa thuận chiến lược về khí đốt Nga - Trung Quốc vừa được ký hồi tháng 5, trị giá tới 400 tỉ USD. Đó là thỏa thuận khí đốt lớn nhất trong lịch sử, giúp Trung Quốc, và có thể là cả châu Á, tiếp cận nguồn cung dồi dào và giá rẻ từ Nga, đồng thời giúp Nga có thêm nhiều khách hàng hơn để lựa chọn, khiến khả năng răn đe bằng khí đốt của họ ở châu Âu mạnh mẽ hơn.Nếu được kết nối thành công, mạng lưới đường ống khí đốt Nga - Trung không chỉ đưa khí đốt từ Nga sang Trung Quốc, mà từ Trung Quốc với tư cách là một nước trung gian, sang các nền kinh tế lớn khác ở châu Á đang khát nhiên liệu như Hàn Quốc và cả đối thủ của họ là Nhật Bản.Đường ống mới sẽ kết nối các mỏ khí đốt khổng lồ ở vùng Siberia và Viễn Đông Nga với Trung Quốc từ năm 2018, dần dần sẽ cung cấp 38 bcm/năm, tức nhiều hơn 130% mức Nga cung cấp qua Ukraine hiện nay. Tags: UkraineNgaEUVũ khí khí đốt
Sóc Trăng dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm ở châu Á BỬU ĐẤU 09/10/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng tổ chức đoàn xổ số kiến thiết đi học tập kinh nghiệm các nước châu Á.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Hà Nội rực rỡ trong nắng thu vàng mừng Ngày Giải phóng thủ đô NGUYỄN HIỀN 09/10/2024 Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội sôi động lại thêm lung linh với cờ hoa rợp phố trong nắng thu vàng mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô 10-10.
Công an triệu tập ngoại binh cũ của CLB Hoàng Anh Gia Lai QUANG THỊNH 09/10/2024 Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai gửi đơn tố cáo ngoại binh Martin Dzilah lên Công an tỉnh Gia Lai, sau khi cầu thủ người Ghana kiện đội bóng lên FIFA.