Ngăn chặn từ xa: không dễ kiểm soát

QUẾ VIÊN (TỪ COPENHAGEN) 31/10/2015 02:10 GMT+7

TTCT - Đa số các nước thành viên EU - trừ Hungary, Slovenia, Romania, CH Czech và Phần Lan - đã nhất trí với việc phân bổ quota tiếp nhận 120.000 người tị nạn.

Hàng ngàn áo phao cứu sinh do di dân và người tị nạn vứt chất đống trên bãi biển đảo Lesvos của Hi Lạp-Reuters
Hàng ngàn áo phao cứu sinh do di dân và người tị nạn vứt chất đống trên bãi biển đảo Lesvos của Hi Lạp-Reuters

 Nhưng tất cả đều biết đây chỉ là giải pháp tạm thời cho cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ngoài những người Syria, Afghanistan, Iraq, Eritrea, Somalia, Congo... từ Bắc Phi tới Ý, Hi Lạp, Cyprus, Malta, Tây Ban Nha qua ngả Địa Trung Hải, còn có người dân Pakistan, các nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ, các nước vùng Balkan, Ukraine... tìm cách vào EU theo đường bộ.

Hiện đang có khoảng 500.000 người đang tụ tập tại Tripoli (Libya) chờ lên tàu tới châu Âu trước khi mùa đông tới. Ngoài ra còn có hàng triệu người tị nạn Syria, Iraq, Afghanistan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Libăng.

Ngày 7-10, hải quân Đức, Anh và Tây Ban nha, có sự hỗ trợ của không quân, đã bắt đầu công tác tuần tra trên biển. Bỉ, Ý, Slovenia cũng điều động tàu chiến tới giúp sức trong một chiến dịch mang tên Operation Sophia để truy lùng, bắt giữ tàu thuyền của các tổ chức buôn người.

Chiến dịch này đã triển khai quyết định ở hội nghị thượng đỉnh bất thường các nước EU ngày 23-4-2015 “để ngăn chặn nạn buôn người, buôn lậu và di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải”. Ngày 9-10, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đã cho phép EU hoạt động hải quân trong một năm để bắt giữ và xử lý tàu của những tổ chức buôn người ngoài khơi Libya. Hội đồng gồm 15 thành viên đã thông qua nghị quyết do Anh soạn thảo với 14 phiếu thuận (Venezuela bỏ phiếu trắng).

Như thế, Hội đồng Bảo an đã phê chuẩn giai đoạn thứ hai trong ba giai đoạn chiến dịch hải quân của EU nhằm giúp ngăn chặn dòng người di cư và người tị nạn vào châu Âu. Giai đoạn thứ ba sẽ liên quan đến hoạt động của châu Âu trong lãnh hải và các khu vực ven biển của Libya. Ban đầu Libya phản đối dự thảo nghị quyết này, nhưng sau đó đã đồng ý.

Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Matthew Rycroft cho rằng chiến dịch này tuy không thể giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng người tị nạn, nhưng cũng gửi đi một thông điệp rằng người ta sẽ không thể kiếm lợi từ dịch vụ này và cứu được nhiều sinh mạng.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tại châu Âu lo ngại nếu bị chặn trên biển thì những tổ chức buôn người sẽ tăng cường tuyến đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hi Lạp và khu vực Balkan. Do vậy ngày 16-10, EU đã quyết định tăng cường hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn làn sóng di cư qua đường bộ.

Ngoài việc phối hợp với các nước trong khối EU, một số nước cũng tìm phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn theo cách của họ. Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã quyết định dùng một phần lớn trong quỹ hỗ trợ các nước đang phát triển để giúp các nước như Afghanistan, Mali, Burkina Faso, Chad, các nước vùng Sừng châu Phi và Bắc Phi phát triển đời sống nhân dân, hi vọng hạn chế số người đi tìm cơ hội tại Đan Mạch hay một quốc gia châu Âu nào khác.

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 9-2015, dân số châu Phi năm 2050 sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Do vậy dễ dự đoán lượng người nhập cư vào châu Âu tiếp tục tăng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận