Ngân hàng vào cuộc "thắt lưng buộc bụng" và sa thải

VĨNH BÌNH 09/07/2013 00:07 GMT+7

TTCT - Cả tháng nay, K., nhân viên huy động của một ngân hàng, có mặt ở trụ sở đúng giờ thay vì đến thăm khách hàng rồi mới đến nơi làm việc. Sắp tới, ngân hàng của K. tăng cường kiểm soát hiệu quả làm việc của nhân viên. Các ngân hàng đang vào cuộc “thắt lưng buộc bụng”, thẳng tay sa thải, cắt giảm nhân viên, quản lý chi phí và hoạt động chặt hơn.

Các ngân hàng vào cuộc tái cấu trúc, lực lượng lao động ngành này có nhiều xáo trộn (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Thanh Đạm

Cắt và siết

Ông Lê Quang Trí, tổng giám đốc Ngân hàng Nam Việt (Navibank), vừa từ nhiệm sau chín năm gắn bó. Ông rời đi nhưng cũng đã kịp tuyển về trong quý 1 năm nay thêm hơn 500 nhân viên so với cùng kỳ năm trước, nhưng quỹ lương lại giảm 43%. Thu nhập của nhân viên theo đó cũng giảm đi một nửa. Cùng kỳ năm ngoái, cả ngân hàng còn hân hoan được thưởng hơn 10,6 tỉ đồng, nay không có đồng nào.

Siết các chi phí, cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, quản lý chi phí chặt hơn là tình trạng chung và là một trong những việc làm các ngân hàng bận rộn nhất từ đầu năm đến nay. Việc cắt giảm chi phí không chỉ bắt đầu từ bộ phận không hiệu quả, mà còn từ cấp cao nhất, những người hưởng lương cao nhất. Trong quý 1, nhiều nhân viên ngân hàng méo mặt, không ít sếp ức chế vì bị cắt lương thưởng, quyền lợi, phụ cấp trong khi chứng kiến đồng nghiệp ra đi.

Sau khi cắt bộ phận bán hàng hơn 1.000 người vào năm ngoái, Maritime Bank lên kế hoạch giảm 679 người trong năm nay. Những quyền lợi như phương tiện đi lại, điện thoại... cũng cắt giảm mạnh, chẳng hạn lúc trước các sếp lớn thường đi công tác máy bay hạng thương gia giờ chuyển sang hạng phổ thông, và khi đi phải kết hợp nhiều yếu tố.

Báo cáo tài chính Vietcombank cho thấy ngân hàng này đã giảm lương nhân viên từ mức hơn 765 tỉ đồng vào cuối năm 2012 xuống còn 692 tỉ đồng. Lương bình quân của nhân viên ngân hàng này giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngân hàng khác như Eximbank, Techcombank cũng cắt giảm người trong ba tháng đầu năm. Tại ACB, trong quý 1 ngân hàng này đã cắt giảm tổng cộng 222 người. Báo cáo quý cho thấy tiền lương và phụ cấp ba tháng đầu năm của nhân viên ACB đã giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, lương và phụ cấp bình quân của họ giờ là 9,5 triệu đồng/tháng, trong khi cùng kỳ năm ngoái gần 13 triệu đồng/tháng.

Giảm lương như là biện pháp cuối cùng để cắt giảm chi phí, khi ngân hàng này cũng đã tiết giảm các chi phí khác. Như cùng kỳ năm ngoái, ACB bỏ ra 895 tỉ đồng để mua sắm tài sản cố định, năm nay quý 1 chỉ vẻn vẹn 74 tỉ đồng.

Lúc trước, K., nhân viên huy động của một ngân hàng, hay đi thăm, tìm kiếm khách hàng rồi mới đến trụ sở. Cả tháng nay, K. có mặt ở trụ sở đúng giờ làm việc. Sắp tới, ngân hàng của K. tăng cường kiểm soát hiệu quả làm việc của nhân viên, bắt đầu từ việc quản lý giờ giấc. Ngân hàng của K. sẽ tăng cường các biện pháp quản lý và tăng chỉ tiêu huy động cao hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Hiện giờ nhiều ngân hàng đánh giá nếu trong ba tháng mà không đạt chỉ tiêu thì tự động thôi việc” - K. nói. Không ít sếp ngân hàng thay vì áp dụng một mặt bằng cắt giảm trong toàn hệ thống đã chuyển áp lực này cho các trưởng bộ phận. Theo đó, các trưởng bộ phận có hai cách để quyết định: một là xem xét cắt giảm nhân sự, hai là giảm lương đồng bộ.

Nhưng K. là một trong những người may mắn không bị cắt lương, chỉ bởi lương của anh còn thấp, khoảng 5-6 triệu đồng cho trách nhiệm quản lý 10-20 tỉ đồng huy động. Lương của một nhân viên giao dịch khoảng 5 triệu đồng, nhân viên tổng đài khoảng 3,5 triệu đồng. “Nắm người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu. Lương nhân viên thấp rồi, cắt giảm nữa thì sống ra sao?” - một trưởng bộ phận nói.

Thu Vân, cựu nhân viên của một ngân hàng, cho biết: “Trước tôi làm ở một ngân hàng thương mại cổ phần. Trong 1-2 năm nay, ngân hàng đã có nhiều thay đổi trong việc tái cơ cấu, trong đó bộ máy nhân sự cũng xáo trộn nhiều. Ngày trước, chúng tôi có thể lên chương trình hoạt động với một ngân sách được duyệt cho chi nhánh tại TP.HCM, nay thì họ tập trung quyền về hội sở ở Hà Nội, chi phí siết chặt hơn, cắt giảm người, điều chuyển trưởng bộ phận sang phụ trách một bộ phận khác”.

Theo Thu Vân, lương của một trưởng phòng giao dịch ngân hàng không cao như nhiều người bên ngoài nhầm tưởng, nay về làm cho một công ty nước ngoài không thuộc ngành tài chính - ngân hàng nhưng thu nhập ổn định, xem ra tương lai còn sáng sủa hơn khi làm ở ngân hàng.


Sẽ còn kéo dài

Việc phát triển quá nóng trong thời kỳ trước đã khiến bộ máy nhiều ngân hàng cồng kềnh. Tuy nhiên, lý do lớn hơn để các nhà băng mạnh tay cắt giảm chi phí là bởi nền kinh tế trì trệ dẫn đến khó khăn chồng chất: nợ xấu tăng, trích lập dự phòng tăng, lợi nhuận giảm. Ở ACB, lợi nhuận quý 1 đã giảm 65%, chỉ còn 395 tỉ đồng so với cùng kỳ 2012. Còn VietinBank, trong quý 1-2013 lợi nhuận sau trích lập dự phòng của ngân hàng này đã giảm hơn 30%, chỉ còn 1.370 tỉ đồng...

Thị trường tài chính - ngân hàng cũng xôn xao chưa dứt về việc bà Đàm Bích Thủy, tổng giám đốc của ngân hàng nước ngoài ANZ vừa về làm tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Về VIB, bà sẽ quản lý hơn 1 triệu khách hàng cá nhân và hơn 25.000 khách hàng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ngân hàng cắt giảm người, nhưng nhân sự cao cấp thì vẫn khan hiếm. Bà Vân Anh, giám đốc điều hành Navigos Research, nói những vị trí cao cấp thường mất 3-6 tháng mới tìm được người phù hợp. Theo bà, năm 2013, bức tranh nhân sự của ngành tài chính - ngân hàng trong nước có thể là kéo dài sự biến động nhân sự vốn đã biến động lớn từ năm 2012. Bà nói: “Trước những khó khăn và thách thức, họ đang tập trung xem xét lại mình thay vì chạy theo tăng trưởng”.

Theo bà, sau khi cắt giảm, thay vì tuyển dụng, các ngân hàng có khuynh hướng giao thêm việc hoặc cho nhân viên kiêm nhiệm chức danh.

Một số đồng nghiệp của K. đã bị sa thải. K. đang nỗ lực để có thể đảm bảo chỉ tiêu huy động. Mỗi ngày, anh dậy sớm hơn trước và săn đuổi khách hàng ráo riết hơn. Anh nói: “Ngân hàng đang thắt lưng buộc bụng, nếu không chăm chỉ, tôi có thể là người kế tiếp phải rời đi”. Cũng có suy nghĩ tương tự K., Hương - nhân viên kinh doanh một ngân hàng cổ phần “có số má” - cho biết đã bỏ dự định xin chuyển qua ngân hàng khác vì ở ngân hàng cũ cô bị ép doanh số đi bán bảo hiểm nhân thọ.

Hương nói: “Tình hình khó khăn này, ở đâu cũng vậy thôi. Thay vì xin chuyển, tôi sẽ “cày” nhiều hơn trong vai trò đại lý bảo hiểm nhân thọ song song với công việc của nhân viên ngân hàng”. Theo dự báo của bà giám đốc điều hành Navigos, các ngân hàng chưa thể thoát khỏi khó khăn trong 1-2 năm tới.

 "Phần lớn việc sa thải nhân sự ở ngành ngân hàng 2 năm gần đây bắt nguồn từ 4 - 5 năm trước, thời điểm ngành ngân hàng bùng nổ, thiếu hụt lao động nên nhiều ngân hàng thương mại đã lấy hàng loạt nguồn từ các nơi khác.

 Do tính thách thức cao của thị trường, các ngân hàng trong và ngoài nước có xu hướng tăng cường quản lý chi phí, cải tổ, nâng cao hiệu quả hoạt động nên họ điều chỉnh lai đội ngũ theo mô hình kinh doanh mới, tập trung tối đa hóa nguồn lực nội bộ. 

Cách làm này làm tăng tính cạnh tranh nội bộ, giúp nhân viên có động lực làm việc hiệu quả hơn.Quy trình điều chỉnh dẫn đến những quyết định phải thay đổi những nhân sự không phù hợp với cơ cấu mới. Vấn đề này, các ngân hàng nước ngoài có nhiều kinh nghiệm nên thực hiện khá bài bản. Họ có kế hoạch và quy trình rõ ràng, truyền đạt thông tin đầy đủ cho nhân viên".

Bà Huỳnh Trang Thùy (trưởng phòng tuyển dụng, dịch vụ tuyển dụng cao cấp Công ty Talentnet)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận