'Nghề phục chế tranh có tất cả những thứ tôi yêu thích'

KHỔNG LOAN 14/01/2024 06:42 GMT+7

TTCT - Trong xưởng phục chế tranh của Hiền Nguyễn tại TP Thủ Đức (TP.HCM) xếp đầy những bức tranh nứt nẻ, nấm mốc, những khung căng toan, những hộp hóa chất và dụng cụ máy móc.

Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn và bức Vịnh Hạ Long. Ảnh: NVCC

Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn và bức Vịnh Hạ Long. Ảnh: NVCC

Trong chiếc áo blu trắng, chuyên gia phục chế tranh này trông như một bác sĩ đang khám và điều trị bệnh cho những bệnh nhân im lặng - những tác phẩm nghệ thuật cần được chăm sóc, phục hồi.

Hiền Nguyễn trong xưởng phục chế. (Ảnh: NVCC)

Hiền Nguyễn trong xưởng phục chế. (Ảnh: NVCC)

Phục chế tác phẩm nghệ thuật là công việc chuyên môn cao và thiết yếu trong một hệ sinh thái nghệ thuật chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, lĩnh vực này còn rất mới, số người làm việc chuyên nghiệp (xét về trình độ đào tạo, thực hành thường xuyên và có thu nhập chủ yếu từ công việc này) vô cùng hiếm hoi. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với Hiền Nguyễn về công việc của một chuyên gia phục chế tranh.

Chị đã tham gia phục chế nhiều tác phẩm trong những triển lãm có quy mô của mỹ thuật Việt Nam gần đây, như triển lãm của Sotheby's tại TP.HCM với các tác phẩm của các bậc thầy mỹ thuật Đông Dương Thứ - Phổ - Lựu - Đàm, triển lãm hồi cố của họa sĩ Trần Phúc Duyên, gần nhất là Trong Ngọc Trắng Ngà tại Đà Nẵng, với hiện trạng tác phẩm phức tạp, chất liệu, phong cách nghệ thuật đa dạng. Công việc phục chế điển hình sẽ gồm những gì?

Trong Ngọc Trắng Ngà là triển lãm gồm 35 tác phẩm từ 14 danh họa Đông Dương diễn ra từ ngày 22-12-2023, cũng là dự án kết năm của tôi.

Triển lãm gồm các tác phẩm theo từng giai đoạn lịch sử của giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, các tác phẩm của các danh họa từ mái trường này như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn.

Công việc của tôi trước tiên là thẩm định sức khỏe các tác phẩm. Người thưởng lãm bình thường có thể thấy các tác phẩm có hiện trạng ổn, nhưng dưới con mắt của chuyên viên phục chế, tôi phải chịu trách nhiệm bảo quản, đóng gói, di chuyển tác phẩm, giữ tác phẩm trong nhiệt độ an toàn.

Thông thường tôi sẽ đưa tác phẩm về xưởng vì có máy móc, hóa chất để thực hiện công việc. Triển lãm lần này có nhiều tác phẩm, nhiều tác giả và đa dạng chất liệu, như toan trên khung và cả toan trên bìa các tông.

Trong đó, toan bồi trên bìa các tông đã không được xử lý tốt, để lâu ngày nên axit bám ngược lên bề mặt tranh. Dù đều là toan nhưng cách căng khác nhau tạo nên các bệnh khác nhau.

Phẩy bù màu trên tranh sơn dầu.

Phẩy bù màu trên tranh sơn dầu.

Bệnh của các tác phẩm thường rất đa dạng, như chùng toan, bị axit hóa, mốc, nấm. Có tác phẩm bị vẩy nước vào, lâu ngày tạo nên những vết như đồi mồi trên làn da. Khi phục chế, thường sẽ gia cố để tránh bong tróc, sau đó xử lý axit, tẩy mốc, làm sạch bề mặt.

Khi đã đọc được bệnh của tranh thì chia từng giai đoạn để đưa từng loại hóa chất vào xử lý. Mọi việc cần phải kiên nhẫn, tỉ mỉ.

Chị đã chính thức bước vào công việc này 5 năm qua. Từ việc học chuyên môn tới công việc thực tế có nhiều khác biệt không?

Nghề này cần qua 15-20 năm mới gọi là có thâm niên, như rất nhiều công việc chuyên môn khác. Lúc nào tôi cũng có cảm giác mình học cái mới. Dù cũng là lụa, sơn dầu hay giấy nhưng mỗi bức tranh đều có những thứ khiến tôi phải học lại.

Nghề dạy nghề, kiến thức trong trường mà tôi đã học ở Pháp chỉ có tính nền tảng. Ví dụ, khi học phục chế sơn dầu ở Pháp, tôi được học đầy đủ các bước khi vẽ sơn dầu, nhưng ở Việt Nam, nhiều tác phẩm mà người nghệ sĩ vì nhiều lý do, hoàn cảnh đã không vẽ đầy đủ các lớp nên phải đưa ra cách xử lý riêng. Nhưng lúc nào cũng phải bám theo kiến thức nền tảng để xử lý, vì chạy khỏi nền tảng là sẽ bị đi sai.

Bức

Bức "Thiếu nữ Việt Nam ngồi nghỉ" của Andre Maire

Chị bắt đầu làm công việc này như thế nào?

Tôi thích những thứ liên quan tới nghệ thuật từ khi còn nhỏ, dù gia đình không có ai làm nghệ thuật. Tôi đến Pháp học kiến trúc vì cha tôi làm thầu xây dựng, anh em trong nhà học kỹ thuật xây dựng. Tuy kiến trúc không liên quan tới lĩnh vực bảo tồn nghệ thuật nhưng cho tôi kiến thức nền về chất liệu, vật liệu, tôi cũng phải học vẽ, lịch sử mỹ thuật…

Sau đó, tôi thực tập tại một dự án phục chế nhà thờ cổ, nhờ đó học được rất nhiều về chất liệu, vật liệu. Chỉ trong khoảng 20 ngày thôi nhưng thời gian đó giúp tôi vỡ vạc hiểu hơn về phục chế.

Sau đó, tôi học thêm thiết kế nội thất. Học xong, tôi chuyển qua làm kinh doanh, dù cũng có dính dáng tới thiết kế nội thất và kiến trúc từ năm 2005 - 2013. Làm kinh doanh kiếm được tiền nhưng tôi không thấy vui. Nhờ sở thích đọc sách, tôi mới nhận ra mình thích khảo cổ, những câu chuyện về thương gia nghệ thuật, hội chợ nghệ thuật, lịch sử mỹ thuật.

Tôi cũng thích khoa học. Nghề phục chế có tất cả những thứ tôi yêu thích và quan tâm. Thế là tôi đăng ký theo học ngành phục chế ở trường tư, tốt nghiệp năm 2019 và sau đó thì thực hành công việc này cho đến nay.

Công việc này có những nguyên tắc nào cần phải tuân thủ?

Có 3 nguyên tắc nghề nghiêp. Thứ nhất là respect original - tôn trọng nguyên bản. Thứ hai là reversibility - có thể đảo ngược (tháo ra làm lại). Thứ ba là lisibility - có thể soi ra được các vị trí giặm màu của người phục chế (nhìn mắt thường không thấy rõ ràng nhưng dễ dàng quan sát được bằng tia cực tím). Nguyên tắc này cũng nhằm mục đích không gây hiểu lầm giữa sự can thiệp của chuyên gia phục chế với hình ảnh của nguyên bản.

Có cách nào để biết được một tác phẩm đã được phục chế?

Nhìn mắt thường sẽ không dễ thấy, nhưng có thể nhận ra nhờ dụng cụ máy móc. Ở Việt Nam thiếu nhiều dụng cụ, hóa chất vì đều phải nhập. 

Ngoài ra, máy móc rất mắc tiền, như máy chụp quang phổ giá gần 1 tỉ đồng, hóa chất khoảng 40 loại, các chất keo để gia cố hơn 10 loại. Chúng đều được sử dụng cho những vật liệu và loại bệnh riêng.

Để làm tốt thì cần am hiểu hóa học, đó là lý do môn hóa rất nặng đối với những người học về phục chế.

Tháo verneer cũ trên một bức tranh sơn dầu vẽ hồi thế kỷ 19.

Tháo verneer cũ trên một bức tranh sơn dầu vẽ hồi thế kỷ 19.

Ngoài môn hóa, ở Pháp đào tạo phục chế còn dạy những môn nào nữa?

Các môn chủ yếu gồm vẽ sáng tác, chép tranh, học rất nhiều về kỹ thuật vẽ để biết rõ mỗi họa sĩ có phong cách sáng tác riêng, là kiến thức tiền đề thẩm định tranh. 

Tiếp đó là lịch sử khoa học khảo cổ, chất liệu vật liệu, học tất cả các phương tiện, các loại đèn, tia ánh sáng, hiểu về máy đọc quang phổ, hồng ngoại, tia cực tím.

Ngoài ra, người học phải tự bỏ tiền mua mẫu, chi trả các loại phí khác khi phải thực hiện đề tài bên ngoài. Sau khi học xong, có thể làm chuyên viên phục chế ở những xưởng phục chế tư nhân, hoặc theo dự án nhà nước, bảo tàng.

Tôi là người may mắn làm được công việc mình ưa thích. Lớp tôi có hơn 20 người học nhưng chỉ khoảng một nửa theo nghề phục chế. Có bạn làm khảo cổ, hay họa sĩ vì học vẽ xuyên suốt 3 năm trời với tất cả thể loại chất liệu. Nếu họ là họa sĩ thì về kỹ thuật sẽ vẽ giỏi hơn những người khác. Có bạn đi làm phòng thí nghiệm, nghiên cứu.

Nghề phục chế cần tất cả những kỹ năng và kiến thức của những công việc vừa nhắc tới ở trên, cộng với sự khéo tay. Về mức độ khéo tay, tỉ mỉ thì người châu Á làm tốt, như vá toan, vá lụa, có khi phải kết nối vá từng sợi lụa.

Tháo verneer cũ trên một bức tranh sơn dầu vẽ hồi thế kỷ 19.

Tháo verneer cũ trên một bức tranh sơn dầu vẽ hồi thế kỷ 19.

Có những tác phẩm đáng nhớ nào gần đây mà chị phục chế?

Đó là một bức sơn mài của Nguyễn Sáng và một số tác phẩm của Lê Phổ. Bức sơn mài của Nguyễn Sáng bị nứt mịn bề mặt, mắt thường không thấy được, chỉ cảm thấy hơi mờ so với bề mặt sơn mài, nhưng thực ra ở bên dưới tác phẩm bị nứt và bong ra.

Khi xử lý xong, do màu sơn mài của Nguyễn Sáng rất đặc biệt, chuyển sang màu mận chín chứ không phải màu đen cánh gián nữa.

Với Lê Phổ, vào thời kỳ ông chuyển từ giai đoạn màu nước trên lụa sang sơn dầu, có một giai đoạn giữa ông không chuyển hẳn mà pha trộn nhiều chất liệu. Vì làm phục chế nên tôi biết chất liệu ông sử dụng khác so với những thông tin của các nhà đấu giá khi họ nhận định đó là giai đoạn ông chuyển qua sơn dầu.

Khi phục chế những bức của Lê Phổ, tôi "rón rén", đắn đo và cẩn trọng nhất, vì là tác phẩm pha trộn nhiều chất liệu, nếu dùng hóa chất cho sơn dầu thì sẽ ảnh hưởng đến bột màu. Nhưng tác phẩm khó khiến tôi thích thú hơn khi giải quyết được.

Phủ mastic trước khi buff (phẩy màu) để tạo bề mặt cho những vị trí bị mất chất liệu gốc

Phủ mastic trước khi buff (phẩy màu) để tạo bề mặt cho những vị trí bị mất chất liệu gốc

Thực tế nhiều nhà sưu tập chưa chú ý và đầu tư vào bảo quản tác phẩm. Quan sát của chị về vấn đề này như thế nào?

Có nhiều nguyên nhân khiến nhà sưu tập không chú trọng tới bảo quản, dù đây là công việc quan trọng hơn phục chế. Ví dụ, nhiều tác phẩm được mua đã từng bị vứt lăn lóc, đã bị "bệnh" trước đó rồi. Khi mua nhà sưu tập thấy còn đẹp thì cứ treo lên mà không suy tính.

Hoặc nhiều xưởng nghệ sĩ là không gian chỉ được che chắn bằng mái tôn, nền không được lót gạch, vì thế bị ẩm thấp, mưa, nóng, gió mang theo bụi. Tranh để trong môi trường như vậy chừng một tuần là đã khác.

Vì vậy, nhiều nhà sưu tập không muốn bảo quản vì tranh đã bị "bệnh" từ xưởng rồi. Thế nên điều cần thiết khi mua tranh là phải tìm hiểu về chất liệu, đọc hiểu hiện trạng của tranh.

Không phải ai cũng có điều kiện có kho lưu trữ riêng, nhưng có vài cách chăm sóc khi để trong môi trường sinh hoạt. Ví dụ, tránh treo tranh ở gần cửa sổ nếu nơi đó thường xuyên có ánh sáng chiếu trực tiếp vì ánh nắng mặt trời sẽ làm phai nhạt màu, làm khô cháy tranh.

Nếu treo tranh ở phòng sinh hoạt thì cần xem có quá nhiều người thường xuyên trong phòng không, vì hơi người và tiếng ồn có thể ảnh hưởng.

Triển lãm của Sotheby's tại TPHCM năm 2023.

Triển lãm của Sotheby's tại TPHCM năm 2023.

Đó là lý do các triển lãm của Sotheby's giới hạn lưu lượng người, vì đông người tạo nên độ rung, thay đổi nhiệt độ, ảnh hưởng lên tác phẩm mà mắt thường không cảm nhận được. Hoặc với tranh lụa, giấy nếu không treo thì nên để tác phẩm nằm xuống, cất vào tủ nghỉ ngơi.

Về yêu cầu giữ nhiệt độ luôn ổn định ở nơi bảo quản tác phẩm, Việt Nam nên để nhiệt độ tầm 24-25 độ C, vì thời tiết khác với châu Âu, nơi nhiệt độ lạnh hơn và họ để 21 độ C.

Điểm quan trọng là phải cân đối giữa nhiệt độ thực tế trong tự nhiên và nhiệt độ lưu trữ. Tránh để xảy ra tình trạng sốc hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Khi treo tranh, nên có một khoảng trống giữa tranh và tường để không khí lưu thông, tránh nấm mốc, hoặc thường xuyên thay đổi để tranh có thời gian nghỉ ngơi, tránh bị võng, chùng. Tốt nhất là nên có lớp bảo vệ phía sau mặt tranh để không cho bụi bám vào bề mặt, vì lâu ngày lớp bụi sẽ dày hơn, ảnh hưởng tới phía bề mặt trước.

Tranh của các nghệ sĩ Việt Nam hay hư hỏng một phần do thời tiết, nhưng cũng có những nguyên do như kỹ thuật vẽ không đúng hay sử dụng vật liệu không tốt. Kỹ thuật vẽ sai có thể dẫn tới tác phẩm chóng bị hư hỏng, ví dụ vẽ lớp chồng lớp có hai lớp cọ lệch nhau, sai kỹ thuật nên bị bong tróc. Như vậy người nghệ sĩ khi không giỏi về kỹ thuật sẽ khiến tác phẩm của mình hư sớm.

Đôi khi ta nói chỉ cần tranh vẽ đẹp là đủ, nhưng thật ra không đủ dưới con mắt nhà nghề. Tôi đồng ý là ý niệm nghệ thuật là quan trọng nhưng kỹ thuật kém thì tác phẩm không được bền lâu.

Bức tranh Procession à Cholon (Đám rước ở Chợ Lớn) của Joseph Gilardoni

Bức tranh Procession à Cholon (Đám rước ở Chợ Lớn) của Joseph Gilardoni

Các khách hàng của chị hay có những hiểu nhầm phổ biến nào?

Chúng ta vẫn hay hiểu sai về màu thời gian, nhưng thực ra đó là do veneer tiếp xúc với ánh sáng hoặc ánh nắng quá nhiều thì bị vàng nhanh hơn. Veneer công nghiệp mà đa số họa sĩ dùng thì chất lượng không cao, chừng 2-3 năm đã vàng, còn veneer chất lượng cao thì giá khá mắc.

Phần lớn tác phẩm không bị vàng do màu thời gian hay bụi bặm, cáu bẩn, mà là veneer đã ảnh hưởng tới các lớp bên dưới, rồi ảnh hưởng tới thị giác bên trên. Để hiểu được như vậy môn hóa học cần được dạy kỹ trong các chương trình đào tạo mỹ thuật.

Xin cảm ơn chị. ■

Tác phẩm La Baie d'Along (Vịnh Hạ Long, 1934) của Jean Louis Paguenaud. Nguồn: BTC Triển lãm Mộng Viễn Đông

Tác phẩm La Baie d'Along (Vịnh Hạ Long, 1934) của Jean Louis Paguenaud. Nguồn: BTC Triển lãm Mộng Viễn Đông

"Ca khó": Vịnh Hạ Long

Bức tranh Vịnh Hạ Long dài 5m, rộng 212cm, gần 90 năm tuổi, là một tác phẩm đinh của triển lãm Mộng Viễn Đông vào 14-8-2023 tại TP.HCM.

Tác phẩm sơn dầu trên toan vẽ năm 1934 của họa sĩ người Pháp Jean-Louis Paguenaud (1876-1952) là tác phẩm lớn nhất của một họa sĩ thời Đông Dương từng được trưng bày trước công chúng.

Bức tranh lớn nên nặng, toan dày. Nhà sưu tập ở đã treo tranh trên cao ở nhà riêng, nghiêng 30 độ để bên dưới có thể nhìn lên, khiến bức tranh bị chùng. Vì bức tranh đã được gia cố một lần rất tốt, Hiền Nguyễn chỉ phẩy màu một chút cho các vết cần gia cố trong khoảng 2 ngày.

Nhưng bức tranh nặng 180kg là thách thức lớn cho đội ngũ vận chuyển. Toan bị chùng là vấn đề lớn nhất. Nếu căng bình thường sẽ làm rách tranh.

Hiền cho biết chị đã nghiên cứu cách làm của các bảo tàng thế giới, quyết định thay khung căng toan bằng khung nhôm vì chất liệu này vừa cứng và nhẹ, hiệu quả hơn so với khung gỗ (sẽ bị gãy) và khung sắt (nặng, bị gỉ sét có thể gây hại cho tranh).

Những kiến thức trong lĩnh vực kiến trúc giúp Hiền và đội ngũ thực hiện được công việc vào phút chót. Với sức lao động của 15 người, trong vòng 12 ngày, họ đã đưa bức tranh từ Hà Nội vào TP.HCM, dùng ròng rọc để treo lên thành công, xử lý được vấn đề đáng lo ngại nhất là toan chùng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận