TTCT - Làm sao để giun trồi lên mặt đất mà không dùng biện pháp kích điện dã man? Câu trả lời là một truyền thống được lưu truyền hàng trăm năm qua, thậm chí người ta còn tổ chức thi dẫn dụ giun "xuất thổ". Gary Revell là một trong những người thợ săn giun giỏi nhất thế giới. Ảnh: Ken Catania/National Science FoundationSáng một ngày bình thường, Gary Revell vào vùng đất ven cánh rừng quốc gia Apalachicola (Florida, Mỹ) với một miếng gỗ và một thanh kim loại. Chọn một khu đất ẩm ướt, anh đặt thanh gỗ xuống, sau đó dùng thanh kim loại cọ xát liên tục để tạo ra những âm thanh đặc trưng, nghe nửa giống tiếng cửa cót két, nửa giống tiếng ễnh ương đang cao giọng. Lặp đi lặp lại động tác ấy chừng dăm bảy phút, những con giun đất bắt đầu nhô đầu lên khỏi mặt đất, như thể trình diện sau khi nghe âm thanh hiệu triệu từ Revell (người thật ra chỉ muốn tóm tất cả để làm mồi câu cá).Đây là kỹ nghệ dẫn dụ giun đất được lưu truyền ở thị trấn Sopchoppy của Revell hàng trăm năm qua, theo trang Modern Farmer. Phương pháp dân gian này được khoa học chứng minh hẳn hoi. Năm 2008, khi theo chân Revell, nhà nghiên cứu Ken Catania từ Đại học Vanderbilt (Tennessee), đã đo các rung động tạo ra từ động tác cọ sát thanh gỗ và kim loại, và nhận thấy nó trùng với rung động do chuột chũi, kẻ săn mồi tự nhiên của giun đất, gây ra. Revell thuộc nhóm những người lão làng, có thể nhái kiểu rung động này giống nhất, khiến giun nghe thấy và vội vàng trồi lên mặt đất để trốn kẻ săn mồi. Chỉ tiếc là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.Trải qua nhiều thế hệ, cách bắt giun cha truyền con nối của người Sopchoppy trở nên nổi tiếng, được nhiều người nâng lên thành nghệ thuật. Hằng năm, người dân trong vùng đều tổ chức một ngày hội, chủ yếu cho những người có kinh nghiệm truyền bí kíp bắt giun lại cho bọn trẻ 6, 7 tuổi và để cho chúng thi thố với nhau.Poster lễ hội "gọi giun" ở Sopchoppy (Florida). Ảnh: Hiệp hội Cải tiến và Bảo tồn SopchoppyHoạt động "gọi giun" đạt đỉnh ở Sopchoppy vào thập niên 1960-1970, và gây nhiều tranh cãi vì chỉ trong vài giờ, có thể "thu hoạch" được hàng ngàn con giun lớn. Trước lo ngại tận diệt loài giun đặc hữu của vùng, từ năm 2008 hoạt động này được Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ kiểm soát nghiêm ngặt: người muốn "dụ giun" phải xin giấy phép hằng năm, và mọi biện pháp kích giun bằng điện đều bị cấm, theo PopScience.Kích giun bằng điện hiện là vấn nạn ở nhiều nơi, trong đó có một số địa phương phía Bắc ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, hồi giữa năm 2022, người dân cũng đổ xô sắm máy giật điện chạy bằng pin, mỗi cái có giá cao nhất tới 120 USD, chỉ cần vài ba vòng kích điện vào đất là thu được 5kg giun, theo báo South China Morning Post. Một chủ cửa hàng nói với Đài truyền hình quốc gia CCTV đã bán được đến 100.000 máy chích điện giun từ khi "phong trào" nổ ra.Nhiều nhà môi trường Trung Quốc đang hết sức đau đầu với vấn nạn chích giun. Giáo sư Sun Zhenjun từ Trường Khoa học Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết thực tế này đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng giun đất, và việc chích điện bừa bãi không chỉ thảm sát hàng loạt giun, cả giun già lẫn trẻ, mà còn ảnh hưởng đến các sinh vật khác trong đất. "Giá giun đất phơi khô đã tăng vùn vụt. Vài năm trước, giun đất khô được bán với giá 70 nhân dân tệ (10 USD)/kg. Bây giờ nó là khoảng 300 nhân dân tệ" - giáo sư Zhenjun nói và cho biết thêm giun đất khô được nhiều người tin dùng như một vị thuốc đông y.Tháng 8-2021, một tòa án ở TP Châu Hải (Quảng Đông) ra phán quyết yêu cầu 3 công ty bán thiết bị săn giun bằng điện giật phải xin lỗi và bồi thường 1,59 triệu nhân dân tệ (240.000 USD) cho những tổn thất sinh thái để lại. Tiền bồi thường nộp cho Tổ chức Phát triển xanh và Bảo tồn Đa dạng sinh học Trung Quốc (CBCGDF) có trụ sở tại Bắc Kinh. Đây cũng là tổ chức đã đệ đơn ban đầu và liên tục theo đuổi vụ kiện.Biếm họa về Darwin và giun đất trong sách Punch’s Fancy Portraits (1881)Tất nhiên, không phải đến khi nạn chích điện giun rầm rộ, người ta mới biết đến tầm quan trọng của giun. Cách đây hơn 200 năm, nhà sinh vật học tiến hóa Charles Darwin (1809 - 1882) đã dành tất cả sự kính trọng của mình cho loài vật nhỏ bé này qua cuốn sách Sự hình thành của nấm mốc thực vật thông qua hoạt động của giun, xuất bản năm 1881.Để nghiên cứu, ông ra vườn vào mỗi buổi sáng sớm, có khi nửa đêm, chọn lúc mặt đất vẫn còn mát và ẩm để tỉ mỉ quan sát, ghi lại thói quen của giun và tìm hiểu ảnh hưởng của chúng đối với sự hình thành đất. Darwin nhận thấy sự di chuyển trong giun làm thoáng khí đất. Chất hóa học tự nhiên trong ruột giun biến đất và xác thực vật thành những viên nhỏ tròn màu mỡ. Giun còn giúp lắng đọng đất mới trên bề mặt. Darwin ước tính rằng đối với một mẫu đất canh tác, giun đất sẽ di chuyển 8 tấn đất trong một năm, đủ để tạo ra một lớp đất mới dày 5cm, giàu nitơ, phốt pho và canxi.Theo tạp chí Scientific American, trong quyển sách này, Darwin cũng nêu giả thuyết giun trồi lên vì cho rằng mặt đất rung nghĩa là chuột chũi đang tới. Tuy nhiên, sau vài nỗ lực mô phỏng rung động để kiểm chứng thất bại, Darwin không đi sâu nghiên cứu chuyện này nữa. Giá mà lúc đó ông gặp Audrey Revell.Quyển sách dành tặng loài giun là tác phẩm cuối cùng trước khi Darwin qua đời. Dù tên gọi nghe chẳng có gì bắt tai với nhiều nhà xuất bản, tác phẩm đã trở thành quyển "best-seller" thời bấy giờ. Điều này càng củng cố thêm cho nhận xét của Darwin về giun: "Thật hoài nghi nếu có bất kỳ loài động vật nào khác đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới hơn những sinh vật cấp thấp này". Tags: Giun đấtKích giunKhoa họcCharles Darwin
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Làm gì để các cầu có thiết kế giống cầu Phong Châu được an toàn? TUẤN PHÙNG 14/09/2024 Sau vụ sập cầu Phong Châu, chuyên gia cho rằng ngoài kiểm tra, gia cố cầu yếu, phải chống khai thác cát bừa bãi.
Nước sông rút nhanh, bắt đầu rà soát trục vớt, làm cầu phao ở cầu Phong Châu DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Sáng 14-9, lực lượng chức năng Phú Thọ chuẩn bị công tác trục vớt phần cầu Phong Châu bị sập và làm cầu phao tạm thay thế.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.
Miền Nam chìm trong biển nước do mưa bão là tin đồn thất thiệt LÊ PHAN 14/09/2024 Trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn 'sắp tới miền Nam cũng có mưa bão, tất cả chìm trong biển nước' khiến nhiều người hoang mang.