Người cuối cùng giữ lưới cá hô

ĐẶNG THÀNH CÔNG 04/04/2011 20:04 GMT+7

TTCT - Một lão ngư nghèo ở Bình Thủy (Châu Phú, An Giang) vẫn khư khư giữ lấy lưới đánh cá hô như bảo vật. Bạn bè, người thân ép bán, bảo giữ lấy lưới làm gì cho ủ mục khi cá hô biệt tăm. Mặc, ai nói, ai chê bai ông vẫn dứt khoát: “Giữ cho đời sau biết lưới cá hô hình dáng như thế nào, tụi nhỏ nhìn mắt lưới mới biết hồi đó cá to tới cỡ nào”.

Phóng to

Cá hô to bị dính lưới của một thời để nhớ - Ảnh tư liệu

Cá hô thuộc họ cá chép, được xếp vào loài cá vua của sông ngòi do vóc dáng cực lớn, nặng cả trăm ký, chiều dài 1,5-2m. Cá hô xuất hiện nhiều trên sông rạch nhưng nơi cá hội là ngã ba sông Vàm Nao - đoạn sông chảy xiết qua địa phận cù lao xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Trong các thập niên trước, nghề đánh cá hô thịnh hành thì xã Bình Thủy được mệnh danh là làng săn cá hô với hàng trăm tay lưới.

Thời nghèo còn ăn được cá hô

Tháng 3 của những năm về trước, sông Vàm Nao luôn nhộn nhịp bóng ngư dân săn cá hô. Nay cũng tháng 3, bến sông vắng ngắt, mùa cá hội chỉ là hoài niệm trong ký ức xa xăm. Một lão ông e hèm nói: “Cá hô hả? Dạo này cá hô không còn, ngư dân chán cuốn lưới bán sạch. Ờ, vùng này còn mỗi tay Sáu Viên giữ được cái lưới cuối cùng mà thôi”. Bình Thủy có nhiều ngư dân vang danh với nghề đánh cá hô, trong đó có ông Sáu Viên - tức Trần Văn Viên.

Đang bệnh tật nằm lừ đừ, nghe nhắc đến lưới đánh cá hô, lão ngư Sáu Viên bật ngồi dậy tỉnh như sáo. Ông chỉ một gói to được quấn kỹ càng bằng nhiều lớp bọc nhựa đặt ở góc giường nằm rồi nói như trách: “Thì nó đó, cái lưới cá hô mà mấy ai còn muốn giữ”. Rất thận trọng và nhẹ nhàng, ông Sáu Viên tháo lớp bao bên ngoài cho khách xem lưới. Các mắt lưới khi căng ra to đùng, một đứa bé chui tọt qua dễ dàng. Ông giải thích cọng lưới to bằng đầu nhang mới bắt nổi cá hô, còn lưới thường nó vùng vẫy là banh hết.

Ở Bình Thủy, bắt cá hô dùng loại lưới dài 50m, bề xuống 70m, còn mắt lưới to 4,5 tấc là phải bắt được cá lớn từ 60kg trở lên, dưới cỡ đó cá lọt qua hết. Ông Sáu Viên chậm rãi nhớ lại khoảng những năm 1980, người dân vùng này mới biết đan lưới đánh cá hô. Lúc đó ngư dân ví von đánh lưới được con cá hô chẳng khác nào nhà nghèo nuôi được con heo thịt vài năm. Ông nhẩm tính hồi đó một ký thịt heo vài chục đồng thì một ký cá hô giá ngang hoặc cao hơn. Mà thời đó cá hô người nghèo còn mua ăn được, bây giờ với giá cá hô một ký bạc trăm, bạc triệu thì vô phương.

Ngư dân mê cá hô vì nó to đẹp, mạnh mẽ và hiệu quả kinh tế. Họ nói đánh lưới dính cả chục ngàn cá nhỏ vẫn không hiệu quả và tên tuổi bằng một lần đánh trúng cá hô. Nhưng muốn đánh cá hô phải dùng loại lưới riêng biệt do những người thợ khéo đan. Một cái lưới cá hô trị giá 6 chỉ vàng, là tài sản lớn của ngư dân.

Ông Sáu Viên trầm ngâm: “Thấy đánh cá hô ham quá tôi bàn với vợ bỏ nghề câu chuyển qua đánh cá mới lo được cái ăn cho cả nhà. Vợ tôi thắc mắc lưới cá hô mắc quá, tiền đâu mà mua. Trong nhà lúc đó món giá trị nhất là cái máy may đâu khoảng trên 6,5 chỉ vàng. Tôi liều mạng xúi vợ bán máy may lấy tiền mua lưới đánh cá hô. Bả nghe xong vùng vằng, nói bán máy may thì lấy gì may đồ mướn cho người ta. Bả cứ cằn nhằn đâu mấy ngày sau mới chịu bán”.

Có tiền mua lưới xong đem thả, ông Sáu Viên cứ thấp tha thấp thỏm đi khai luồng thả lưới. Hơn ai hết, ông biết rõ nghề đánh cá hô là nghề kỳ lạ. Không phải có lưới đem ra sông thả là dính cá hô, nó còn phụ thuộc vào may rủi và cái duyên “sát cá” của ngư dân. Nếu dính cá to bán lấy tiền mua cơm gạo, cá mắm ăn no lòng nửa tháng, còn ngược lại thì đói vì tiền của đều trút hết vào lưới cá hô. Vận may mỉm cười với ông Sáu Viên khi sau ba ngày thả lưới dính được con cá nặng 100kg. Kéo lưới lên nhìn con cá to như con bê quẫy đùng đùng, ông Sáu Viên ngơ ngẩn.

Những ngư dân kỳ cựu nói rằng đánh cá hô là nghề nhàn tản nhưng nguy hiểm. Ngư dân chỉ việc căng lưới xong vài tiếng sau ra thăm, kéo lưới thấy nặng nặng là dính cá hô, còn nếu nhẹ tênh lại thả tiếp. Cá hô được mệnh danh là cá vua, khi mắc lưới chúng vùng vẫy quyết liệt khiến không ít ngư dân bị lôi xuống sông, bị cá quất đuôi u đầu sứt trán. Ngư dân nói bắt được cá hô mới khẳng định đẳng cấp trong nghề hạ bạc. Và làng cá hô Bình Thủy được tôn vinh bởi có nhiều người như Sáu Viên, Năm Thứ, Ba Hổ, Văn Nhanh... trong đời đánh lưới được cả trăm con cá hô.

Nhưng từ năm 1999 trở về sau, cá hô hiếm dần, không còn cảnh cách vài ngày có ngư dân làm tiệc đãi cả xóm ăn mừng dính được cá to. Những tay đánh cá hô cự phách như Sáu Viên mỗi mùa cá hô (từ tháng chạp tới tháng tư âm lịch) bắt được vài ba con. Năm 2001, ông Sáu Viên là người cuối cùng đánh lưới được con cá hô trên Vàm Nao cân nặng 155kg, lái tới mua trả giá 30.000 đồng/kg. Rồi từ năm 2002 trở về sau, cá hô Vàm Nao tuyệt tích sông nước.

Phóng to
Ông Sáu Viên với tay lưới cá hô được ông xem như bảo vật - Ảnh: Thành Công

Không nỡ chia tay kỷ niệm sông nước

Những người từng gắn bó với nghề đánh bắt cá hô sau chuỗi dài thất vọng khi kéo lưới không đã bán dần các tay lưới, bán các luồng đã khai với giá vài chỉ vàng. Những mành lưới cá hô được ngư dân vùng khác mua lại và họ tháo ra để đan lại thành lưới đánh các loài cá nhỏ như cá bông lau hay đan võng nằm. Ông Sáu Viên nói lúc đó ai cũng bán lần hồi, họ khuyên ông giữ làm gì, cá hô đâu còn nữa mà ngóng, hay tính giữ làm cổ vật.

Theo nghề cá hô hàng chục năm ông Sáu Viên còn lạ gì tâm tính cá hô. Nó là con cá ngang không chịu ẩn mình dưới đáy sâu, nơi nào có cá hô thì người ta chứng kiến cảnh nó nhào lộn trên mặt nước gây vang động cả một vùng như thách thức.

Đôi lần có người tới hỏi mua lưới, ông Sáu Viên đem ra bán nhưng đắn đo suy nghĩ ông lại xin lỗi, đem vào bao bọc lại. Bạn bè, con cháu khuyên giữ cái lưới nặng gần 25kg làm gì cho chật nhà cửa, chuột gián làm ổ, trong khi cái lưới trị giá mấy chỉ vàng. Thậm chí tới lúc ông ngã bệnh, tiền bạc túng quẫn, có người hỏi mua lưới nhưng ông luôn miệng càm ràm vợ con ai bán lưới thì đừng nhìn mặt ông. Hôm nào khỏe ông lại lôi ra kiểm tra từng cọng lưới xem chuột gián có gặm phá không. Người ta lại cười, chê ông dở hơi, bởi lần hồi cá nhỏ cá to cạn kiệt, những manh lưới giá cả cũng rẻ rúng theo.

Ông Sáu Viên ngó ra bãi sông Vàm Nao một thời tưng bừng với mùa cá hô, nghẹn giọng: “Tôi tuy nghèo nhưng không đói cũng nhờ tay lưới đánh cá hô. Bầy con nheo nhóc nên vóc nên hình cũng nhờ lưới cá hô. Nó gắn với tôi hàng chục năm rồi, biết bao buồn vui chuyện sông nước, đói no nên không nỡ bán đi. Với lại bây giờ cá hô nặng hàng trăm ký đâu còn nữa như ngày xưa, tụi nhỏ lớn lên nghe ông bà kể lại cứ ngơ ngác như nghe chuyện trên cung trăng.

Tôi muốn giữ tay lưới này để mai sau đời cháu chắt còn tin rằng ngày xưa từng có loài cá to đến nhường ấy ở sông rạch và phải dùng tới giàn lưới này mới bắt được nó. Lúc nào tôi cũng dặn con cháu có đói nghèo cũng đừng đem lưới cá hô đi bán. Bán nó là bán cả niềm tự hào của cha ông, của một nơi từng vang lừng với nghề đánh cá hô mà nay kể lại giống như nói dóc”.

Rồi ông thở dài nói mình đã đánh bắt được trên 160 con cá hô to. Có người nghe xong tán tụng ông là ngư dân cừ khôi, cũng có người chê bai tại đánh riết nên cá hô đâu còn. Ông nói ngư dân nghèo, không đánh cá thì lấy gì sống. Ông dẫn chứng: bán cái mạng đi đánh cá hô, tiền vào cũng nhiều nhưng hết mùa cá hô của nả cũng trôi theo. Giờ ông vẫn nghèo, nhưng giữ được cái lưới cá hô cũng không uổng phí đời ngư dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận