Người mê chữ

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG 01/02/2004 19:02 GMT+7

TTCN - Những người bán sách cũ trên các đường phố Sài Gòn hôm nay không lạ gì anh, người thường đến đó lục lọi trong đám sách cũ của họ những cuốn sách tiếng Chăm, tiếng Đức, tiếng Na Uy, Nhật... hay bất kỳ một thứ tiếng nước ngoài nào đó được đem tới cửa hàng từ những người bán ve chai. Tìm thấy những cuốn sách kén người mua ấy là cả một niềm vui lớn đối với anh. Anh quí chúng như vàng. Người bán sách cũng không bao giờ đòi anh với giá cao dù anh chẳng khi nào kỳ kèo giá cả.

Phóng to
Anh Nguyễn Thành Thống bên bia đá Cà Đú, Ninh Thuận - Khuê Việt Trường
TTCN - Những người bán sách cũ trên các đường phố Sài Gòn hôm nay không lạ gì anh, người thường đến đó lục lọi trong đám sách cũ của họ những cuốn sách tiếng Chăm, tiếng Đức, tiếng Na Uy, Nhật... hay bất kỳ một thứ tiếng nước ngoài nào đó được đem tới cửa hàng từ những người bán ve chai. Tìm thấy những cuốn sách kén người mua ấy là cả một niềm vui lớn đối với anh. Anh quí chúng như vàng. Người bán sách cũng không bao giờ đòi anh với giá cao dù anh chẳng khi nào kỳ kèo giá cả.

Trong căn nhà của anh trên đường Nguyễn Trãi, Nha Trang có một thư viện đầy ắp sách. Ở đó các tác phẩm văn chương nguyên bản của cả thế giới đều có mặt và được anh phân loại cẩn thận. Không có một hạt bụi nào bám vào những cuốn sách quí của anh. Để chúng không bị hư hỏng khi cần nghiên cứu nhiều lần, anh đã photocopy thêm một bản, còn bản gốc nằm trên giá sách.

Bên dưới vầng trán rộng là đôi kính cận khá dày và nụ cười nhân hậu, kẻ mê sách cho biết: “Có nhiều cuốn sách nói thật chỉ tôi mới có vì chúng xưa cũ lắm rồi, cũng có nhiều cuốn tôi phải nhờ bạn bè tìm mua hộ ở nước ngoài gửi về”. Ngoài sách, trong căn nhà ít khi có khách của anh nơi nào cũng treo tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Lộ và bày gốm Chăm của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng.

Nguyễn Thành Thống là dịch giả và người làm từ điển. Anh đã dịch 70 đầu sách của những nhà văn nổi tiếng trên thế giới, đã biên soạn năm bộ từ điển khá đồ sộ. Trong đó, đứa con mà anh tâm đắc nhất là Từ điển truyền thông đa ngôn ngữ với 2.500 từ thông dụng được đối chiếu nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng chuyện làm từ điển với anh chỉ để mưu sinh, còn công việc chính hiện nay của anh là nghiên cứu chữ viết Do Thái cổ và chữ viết Chăm cổ. Lặng lẽ nghiên cứu một mình, đến nay Nguyễn Thành Thống có cả một kho tàng tri thức về văn hóa Chăm cổ.

Sinh năm 1950 tại Ninh Thuận, Nguyễn Thành Thống theo cha mẹ vào Nha Trang sinh sống, học trường Pháp tại Nha Trang và Trường Yersin tại Đà Lạt, có bằng tú tài Pháp. Lên đại học anh học ngành sư phạm khoa Anh tại Sài Gòn; sau ngày giải phóng Nguyễn Thành Thống vừa dạy học vừa dịch thuật văn học tiếng Anh, tiếng Pháp.

Cuốn sách anh dịch đầu tiên là Mặt trăng và đồng sáu xu của Somerset Maugham (nhưng khi in người biên tập của nhà xuất bản lại sửa thành Mặt trăng và sáu xu vì nghĩ rằng làm gì có đồng sáu xu!). Từ đó, Nguyễn Thành Thống được Nhà xuất bản Phú Khánh mời về làm biên tập viên. Anh vừa dịch, vừa viết nghiên cứu dưới nhiều bút danh khác nhau: Nguyễn Thành Thống, Thiên Hựu, Sao Biển, Đa Lộc…

Để có một bản dịch thật trung thực, Nguyễn Thành Thống luôn cố gắng dịch tác phẩm văn học từ nguyên tác thay vì thông qua một ngữ thứ ba. Và để làm được điều đó, anh đã học được 10 ngôn ngữ khác nhau. Mặt khác, với mỗi tác phẩm anh có rất nhiều bản dịch bằng nhiều thứ tiếng để có thể so sánh cách dịch của từng dịch giả. Trong căn nhà có tới một kho mấy nghìn cuốn sách, trung bình mỗi tháng Nguyễn Thành Thống dịch xong một cuốn sách 300 trang.

Để nghiên cứu chữ Chăm cổ, ngoài khá nhiều sách bằng nhiều thứ tiếng về văn tự cổ này; Nguyễn Thành Thống phải dành thời gian nghiên cứu, đọc các bia ký ở Trà Kiệu (Đà Nẵng), Bình Định và đến Ninh Thuận đọc những thư tịch cổ của người Chăm. Chính Nguyễn Thành Thống đã phát hiện tại núi Cà Đú, Ninh Thuận có tới ba bia văn tự cổ Chăm. Anh bảo cuộc hành trình nghiên cứu văn tự Chăm cổ của anh chỉ mới bắt đầu ở tuổi 54 nhưng anh chẳng bao giờ mệt mỏi trong hành trình gian khó đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận