Nhầm chỗ

NGUYỄN NAM PHƯƠNG 19/10/2011 03:10 GMT+7

TTCT - Kiếm được mấy mầm thủy cúc, anh đem giâm tạm vô chậu bông súng. Chưa tròn tháng, những mầm thủy cúc gầy guộc đã phương phi cành lá. Thêm ít lâu, nó gần như chiếm toàn bộ phần sống của gốc bông súng.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Thủy cúc càng phương trưởng thì cây bông súng càng hao mòn, cho đến khi những lá súng chỉ còn bé tẹo như bàn tay em bé.

Một sáng thứ bảy nhàn hạ, nhìn những bông hoa thủy cúc trắng ngần đung đưa trong gió, vợ anh khen chúng đẹp. Anh bảo: “Nhưng nó là một loài hoa không tốt!”. Rồi anh giải thích thêm một thôi, như kể tội: “Nó chỉ chực chờ chiếm hữu không gian sống của kẻ khác. Bám rễ rồi là bắt đầu lấn lướt. Em coi, mấy cái lá súng giờ nhìn thật tội nghiệp. Trong khi những chiếc lá thủy cúc thì ngày càng to một cách... hợm hĩnh, chẳng ra làm sao cả”.

Chờ anh nói xong, chị mới cười nhẹ nhàng: “Lỗi không phải ở cây thủy cúc. Lỗi là do người đặt nó sai chỗ. Anh phải tách nó ra ngay từ đầu, hai chậu riêng biệt thì làm gì có tình trạng dở khóc dở cười như bây giờ, đúng không?”. Anh ngớ người ra một lúc và ngẫm lời chị đúng quá. Thủy cúc chỉ là loài thực vật, sống theo bản năng sinh tồn, trách sao được nó.

Lan man nghĩ chuyện đời hẳn cũng vậy, biết bao người ngồi nhầm chỗ. Có người hiểu mình đang ngồi nhầm chỗ mà dằn vặt, ẩn ức, nhưng lại không đủ can đảm rời chỗ. Cũng có người chẳng hay biết mình đang ngồi nhầm. Nhưng phần nhiều trong số ngồi nhầm lại chẳng cho là mình đang ngồi vào chỗ người khác, bởi lẽ họ coi việc chiếm được chỗ ấy như là một thắng lợi giòn giã, đáng tự hào. Nhiều khi lại còn cao hứng hãnh tiến.

Một dạo, báo chí nước nhà ì xèo bàn bạc chuyện nhân lực, thu hút người tài, viện dẫn cả kinh điển “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, thế mà “chất xám vẫn cứ bị chảy máu” ồ ạt, chảy từ quốc doanh qua liên doanh hoặc chảy ra nước ngoài. Thế ra, phải có ai đó rẻ rúng “nguyên khí quốc gia” thì mới ra nông nỗi ấy chứ!?

Dẫn chứng những trường hợp “chia tay hoàng hôn” với quốc doanh của nhiều vị có chất xám, truyền thông dường như muốn báo động - cho các nhà làm chính sách - nên có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế chứ không thì nguy lắm rồi! Bàn qua tính lại mãi vẫn không thấy lối ra, bèn đổ riệt cho cái “thằng” cơ chế. Gọn. Tiện.

Lờ đi chuyện chính “thằng” cơ chế ấy cũng từ con người mà ra. Trong mớ lùng bùng ấy của cơ chế, chẳng hiếm chuyện nhiều ông trưởng phòng nhân sự không dám “nặng nhẹ” với nhân viên, đừng nói đến chuyện sa thải, đơn giản vì nhân viên ấy là loại có “số má”, về làm việc kèm theo một hồ sơ lao động chỉ là một tờ giấy giới thiệu viết tay.

Thế nên, mới có nhiều người ngồi nhầm chỗ!

Thế nên mới có chuyện chảy máu chất xám!

Thế nên mới có chuyện í ới gọi nhau chiêu tập “nguyên khí quốc gia”, nói theo ngôn ngữ hành chính bây giờ là “thu hút nhân tài”.

Cho hai loài cây có sức sống khác nhau vào một chậu là lỗi của kẻ làm vườn. Chỉ cần tách nó ra là yên chuyện. Bông súng vui đời bông súng nở hoa. Thủy cúc hào hứng đời thủy cúc trổ lá. Lẽ xếp đặt đơn giản ấy xem ra vào đời thực khó, vì người có uy quyền xếp chỗ luôn nghĩ mình đúng, kẻ “được” xếp nhầm chỗ lờ đi chuyện “thấy kỳ kỳ” hoặc đành nhắm mắt ngồi yên. Nhưng, như đã thấy, bông súng hay thủy cúc chỉ là loài thực vật vô tri.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận