Nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ

DANH ĐỨC 09/02/2022 07:02 GMT+7

TTCT - Trên hành trình vẽ lại bản đồ của châu Âu và viết lại lịch sử, nếu như nay ông Putin đã có thể dựa hẳn vào ông hàng xóm họ Tập tận châu Á song “đồng khí tương cầu”, thì ngược lại hàng xóm phía nam của ông Erdogan lại cứ là một “dấu hỏi” vô cùng khó chịu khi ông này có đồng minh chiến lược chí cốt là Ukraine - vốn cùng chung biển Đen với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga!

Điều này càng nhức nhối khi cái thế giới hậu Xô viết mà ông Putin nay đang dốc sức khôi phục mang nhiều sắc thái cũ kiểu vệ tinh - chủ soái, như có thể thấy qua Tổ chức Hợp tác an ninh tập thể CSTO vừa “ra mắt” trong vụ đảo chánh không ra đảo chánh ở Kazakhstan hồi đầu năm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và người đồng cấp Ukraine Zelensky. Ảnh: Reuters

 

Phao cứu sinh của Ukraine

Nếu như có những mối quan hệ chiến lược nhạt nhẽo như nước ốc, thậm chí có mối quan hệ chiến lược bất lương chỉ chực đâm đối tác ngay trước mặt chớ không thèm đâm sau lưng, thì ngược lại đôi khi cũng có những mối quan hệ chiến lược đích thực keo sơn, và do đó ngày kỷ niệm mấy mươi năm thiết lập quan hệ đích thực là một sự tỏ rõ tấm lòng chớ không chỉ là dựng cổng chào và căng khẩu hiệu.

Hôm 3-2 vừa rồi, Thổ Nhĩ Kỳ đã kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với đối tác chiến lược Ukraine một cách thiết thực như thế bằng chuyến thăm của người lãnh đạo cao nhất nước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. 

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, trong thông cáo kỷ niệm, nêu rõ ý nghĩa của quan hệ hai nước sẽ “góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực chúng ta”. 

Khu vực này, nhìn vào bản đồ, sẽ thấy kéo từ Ukraine ở phía bắc xuống Nga, Gruzia, Armenia phía đông, xuống tới Thổ Nhĩ Kỳ phía nam, và về phía tây tới Moldovia, Romania, Bulgaria, Hy Lạp… Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước lớn của khu vực quanh biển Đen đó.

Bởi thế, Ankara thẳng thắn tuyên bố: “Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, không công nhận việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp, và ủng hộ một giải pháp hòa bình ở Donbass phù hợp với luật pháp quốc tế”. 

Không chỉ hậu thuẫn suông, Thổ Nhĩ Kỳ còn thỏa thuận cho Ukraine đồng sản xuất máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 với động cơ là của Ukraine. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Olesii Reznikov cho biết thỏa thuận còn bao gồm một trung tâm huấn luyện đào tạo cho Ukraine. 

Đây là bước tiếp theo bước đầu tiên vào năm 2019, qua đó Công ty Baykar Makina của Thổ Nhĩ Kỳ thắng hợp đồng cung cấp 6 UAV Bayraktar TB2 cùng vũ khí kèm theo cho quân đội Ukraine, trị giá 69 triệu USD. Sau đó, Ukraine loan báo mua tiếp 24 chiếc nữa. 

Đây là loại UAV đã trải qua thực chiến từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Libya, Syria, Azerbaijan và cuộc chiến Nagorno - Karabakh 2020, Ethiopia… 

Riêng tại Ukraine, quân đội nước này đã sử dụng từ tháng 4-2021 để thám thính khu vực Donbass ly khai, và đến tháng 10 thì sử dụng để tấn công một đơn vị pháo binh phe ly khai, diệt một khẩu pháo D-30, qua đó kết thúc một cuộc pháo kích vào quân Ukraine gần ngôi làng Hranitne (Defense World Net, 26-10-2021).

Tất nhiên, Nga khó chấp nhận những động thái này. Tờ The Washington Post 15-1 cho biết tháng 12-2020, trong một cuộc điện đàm với ông Erdogan, ông Putin đã nêu vấn đề Ukraine sử dụng UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và gọi đó là một “hành vi phá hoại”, một “hoạt động khiêu khích”.

Trở lại với chuyến thăm Ukraine tuần rồi của ông Erdogan, đây không phải lần đầu và có lẽ chẳng phải lần cuối. 

Hai bên thực ra đã có một chuỗi tiếp xúc thông qua Hội đồng chiến lược cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ - Ukraine, mà vào tuần rồi đã là lần thứ 10. Kết quả của cuộc họp là tuyên bố về việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nêu trên.

Chuyện riêng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga

Lập trường đó của Ankara cũng không phải nhất thời. Ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết 68/262 ngày 27-3-2014 của Đại hội đồng LHQ khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

10 ngày trước cuộc bỏ phiếu đó, 17-3-2014, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoğlu đã bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, diễn ra trước đó một ngày.

Tuy nhiên, lúc đó Thổ Nhĩ Kỳ không đi theo chính sách cấm vận Nga của EU và Mỹ. Đây là giai đoạn mà, theo giáo sư Mitat Çelikpala của Đại học Kadir Has (Thổ Nhĩ Kỳ), Ankara còn tích cực đeo đuổi chính sách “không gây chuyện với láng giềng”.

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là láng giềng trên biển Đen của cả Ukraine và Nga, và có quan hệ tốt với cả hai. Song điều đó không có nghĩa là họ tự phủ nhận vai trò thành viên “cốt cán” của NATO, ngay từ thuở ban đầu. 

Họ vẫn gửi UAV cho Ukraine, đồng thời ông Erdogan lại bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải Nga - Ukraine để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. 

Ông dõng dạc tuyên bố từ thủ đô Ukraine: “Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm phần việc của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng này”. Ông Putin khó trách gì được nhà môi giới tình nguyện Erdogan!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận