Nhật Bản trong đại dịch: Người dân không hài lòng với chính phủ

TTCT - Sự ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Yoshihide Suga đã giảm 4,1 điểm so với một tháng trước, xuống mức thấp kỷ lục 31,8%, và 65,1% người nói rằng Suga nên từ chức. Sự bất bình của công chúng về phản ứng của chính phủ đối với đại dịch COVID-19 đang tăng.

 Khuyến cáo dành cho khách du lịch tại cồng ngồi đến ngàn cổng Fushimi Inari ở Kyoto (ảnh: Archivu)

 Một sáng giữa tháng 8-2021, tôi nhận kết quả dương tính. Bộ phận y tế của thành phố Kyoto gọi điện tới để kiểm tra tình hình và nói tôi ở yên trong nhà. Tôi cũng xác định sẽ tự chữa vì đó là lúc số ca nhiễm ở Kyoto rất cao, bệnh viện không đủ chỗ cho mọi bệnh nhân COVID-19.

Tôi gọi báo ngay cho cơ quan để họ test cho các nhân viên khác trong nhóm làm việc (rất may tất cả đều âm tính). Những lời căn dặn và chăm sóc từ gia đình và bạn bè lập tức đến: bình tĩnh, lạc quan và hạ sốt ngay. Tôi trải qua 8 ngày tự điều trị trong một phòng riêng, với sự chăm sóc của vợ và ba con, trải qua đủ mọi hành hạ của COVID: sốt liên tục, ho dữ dội, đau tức ngực. Nhưng tới ngày thứ 7, khi ngửi được mùi nem rán từ phòng bếp, tôi biết mình sẽ ổn.

Ngay khi tôi bị phát hiện dương tính, bác sĩ đã cho ngay tên tôi vào hệ thống. Y tế thành phố chuẩn bị máy đo nồng độ oxy cho tôi và các bộ test cho bốn mẹ con. Hằng ngày, hai lần vào lúc 10h sáng và 2h chiều, một cuộc điện thoại tự động gọi tới, ghi nhận các thông tin thân nhiệt, các triệu chứng ở họng, cơn ho... Y tế sẽ dựa vào các số liệu đó để có biện pháp khi cần thiết.

Tôi thuộc dạng phục hồi nhanh do nhiều yếu tố: đã tiêm mũi vaccine trước ngày bị dương tính ba tuần; lạc quan từ ngày đầu; vẫn làm việc bình thường trong thời gian tự điều trị, vẫn cập nhật thông tin qua mạng xã hội thường xuyên, vẫn kết nối bạn bè như bình thường.

 
 Trước kia, trước khi vào đền, người Nhật thường dùng gáo múc nước, nay chuyển sang làm vòi tre dẫn nước cố định để tránh tiếp xúc. -Ảnh: Archivu

 Khởi đầu sớm và những lúng túng ban đầu

Trước đó, khi quay lại văn phòng làm việc ở Osaka sau kỳ nghỉ Obon, lễ dài và quan trọng nhất trong năm của người Nhật, tôi nhận email công ty thông báo, một nhân viên nhiễm COVID-19 cách đây mười ngày đã bình phục hoàn toàn. Đó là ca thứ 5 ở công ty trong hai năm qua, tất cả đều ở độ tuổi 30 và 40, họ được điều trị khỏi sau nhiều nhất là mười ngày.

Vài tuần gần đây, Nhật luôn ghi nhận số ca nhiễm mới rất cao, kỷ lục là 20.000 ca vào ngày 13-8. Tuy nhiên, so với đợt bùng phát hồi đầu năm, tỉ lệ người trên 65 tuổi bị nhiễm giảm mạnh tại các thành phố lớn như Tokyo và Osaka - một minh chứng cho hiệu quả của chính sách tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên của Nhật Bản.

Tháng 1-2020, Nhật Bản đã thiết lập các biện pháp đối phó với COVID-19. Nhưng đầu tháng 2-2020, sự cố lây nhiễm rất nghiêm trọng trên tàu du lịch Diamond Princess ở ngoài biển Nhật Bản đã ảnh hưởng đến các hành động và thói quen phòng ngừa của người dân nước này trước COVID-19. Chính phủ lập tức kêu gọi công dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc “tự kiềm chế” - một trong những chiến lược quan trọng.

Không phải tất cả đều muốn thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Các phân tích thống kê chỉ ra rằng những người không thực hiện chủ yếu là nam giới, tuổi dưới 30, chưa kết hôn, thuộc các gia đình có thu nhập thấp, có thói quen uống rượu hút thuốc. Để ngăn chặn sự lây lan, Nhật Bản xác định nhiệm vụ cấp bách là phải bằng nhiều cách khác nhau tiếp cận và gây ảnh hưởng lên nhóm này, khuyến khích họ thay đổi hành vi.

Trong vài thập kỷ qua, Nhật Bản không phải chịu thiệt hại nghiêm trọng nào do các bệnh truyền nhiễm mới như SARS, MERS hay Ebola. Dù cũng chịu dịch cúm H1N1 năm 2009, nhưng tỉ lệ tử vong trên 100.000 dân tính đến cuối tháng 5-2010 là 0,16 - mức thấp nhất trên toàn thế giới.

Trớ trêu thay, thành tích đó là nguyên nhân khiến việc thành lập các cơ sở phản ứng khẩn cấp ở Nhật Bản bị trì hoãn. Việc mở rộng khẩn cấp các xét nghiệm (PCR) vì thế đã vấp phải những trở ngại về mặt thời gian.

Ba trụ cột của chiến lược cơ bản phòng chống COVID-19

Nhưng mục tiêu từ đầu của Chính phủ Nhật Bản là tránh sự gia tăng số bệnh nhân dẫn đến vượt quá giới hạn của các khu vực chăm sóc đặc biệt trong các bệnh viện. Họ ban hành ba trụ cột chiến lược: (1) phát hiện sớm các cụm bệnh và phản ứng nhanh, (2) tăng cường chẩn đoán sớm bệnh nhân và chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng, (3) củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và thay đổi hành vi công cộng.

Cơ sở lý luận của ba trụ cột chiến lược này cụ thể như sau. Thứ nhất, việc ngăn chặn một cụm bệnh này phát triển lan ra gây một cụm bệnh khác là vô cùng quan trọng. Thứ hai, đây cũng là thời điểm để thiết lập và cải thiện hệ thống y tế để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết, đặc biệt cho những bệnh nhân nặng, chuẩn bị ứng phó với sự gia tăng các ca nhiễm tại Nhật Bản.

Để thực hiện, Bộ Y tế, lao động và phúc lợi (MHLW) thúc đẩy mạnh mẽ việc theo dõi tiếp xúc. Các trung tâm y tế công cộng truy tìm mối liên hệ, yêu cầu những người bị nhiễm và những người tiếp xúc gần giãn cách xã hội trong 14 ngày; phân bổ giường bệnh hoặc khu bệnh viện sẵn có trong các cộng đồng địa phương được chỉ định cho bệnh nhân COVID-19.

Một số lượng lớn máy chụp cắt lớp (CT) hỗ trợ bác sĩ khám cho các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 khi chưa thể xét nghiệm PCR quy mô lớn. Cách này làm chậm lại sự gia tăng về số ca mắc và số ca tử vong.

Thứ ba, giữa tháng 2-2020, Bộ Y tế đã khuyến khích người dân rửa tay thường xuyên và “ho có ý thức” (sử dụng khăn tay hoặc ống tay áo che miệng khi ho). Người cao tuổi, những người bị khó thở và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn rủi ro được ưu tiên hàng đầu trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Kể từ đó, Chính phủ Nhật Bản đã vận động người dân tránh tụ tập với khẩu hiệu Tam mật (密閉・密集・密接 - tránh chỗ đông, tránh tụ tập, tránh tiếp xúc). “Tam mật” là thông điệp cốt lõi chống lại COVID-19 ở Nhật Bản.

 Ảnh: Cảnh vắng vẻ trong mùa dịch của ngôi đền ngàn cổng nổi tiếng nhất Nhật Bản (ảnh: Archivu)

 Một chính phủ rõ ràng và thành thật

Chính phủ luôn thông báo rõ ràng cho người dân biết là sẽ không thực hiện các biện pháp như phong tỏa, kêu gọi người dân phản ứng bình tĩnh. Những hạn chế đối với các quyền tự do và quyền của người dân phải ở mức tối thiểu. Khi phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp, phải tính đến đặc điểm từng nơi và giải thích cẩn thận cho người dân. 

Các doanh nghiệp đang thực hiện các hoạt động thiết yếu để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và nền kinh tế quốc dân phải tiếp tục hoạt động và thực hiện đầy đủ các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm. 

Chính phủ và các tỉnh được chỉ định cùng thiết lập bộ phận trợ giúp cho các chủ doanh nghiệp, đảm bảo hệ thống hậu cần an toàn và hệ thống kinh tế huyết mạch mạnh mẽ. Tất cả để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ.

Bộ Y tế phổ biến các nguyên tắc hướng dẫn các trường mẫu giáo và câu lạc bộ trẻ em sau giờ học... về giảm quy mô trông trẻ và đóng cửa tạm thời. Bộ cũng hướng dẫn việc đảm bảo chăm sóc con em của nhân viên y tế và những người gặp khó khăn khi nghỉ việc, bao gồm cả cha mẹ đơn thân.

Chúng tôi không hài lòng

Vào tháng 5-2020, theo một khảo sát của Kyodo News, có đến 57% người Nhật không hài lòng với phản ứng của Chính phủ trước đại dịch. Nền kinh tế suy thoái, 84,4% số người được khảo sát cho biết họ cảm thấy bất an về cuộc sống của mình, thất vọng về việc phải ở nhà và các doanh nghiệp phải đóng cửa kéo dài.

Sau khi Thủ tướng Abe gia hạn tình trạng ban bố khẩn cấp thêm một tháng đến hết tháng 5-2020 để ngăn chặn virus, 67,3% chorằng đây là một quyết định phù hợp. Nhưng 13,8% cho rằng phần mở rộng quá dài, 10,8% lại cho rằng nó quá ngắn, 2,6% nói rằng chính phủ không nên kéo dài tình trạng này.

Để hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình, chính phủ lúc đó đã cung cấp 100.000 yen (937 đôla) tiền mặt cho mỗi người dân. Nhưng khi tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp, 60,8% người dân đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn.

Đến tháng 11-2020, khi Nhật Bản ghi nhận mức kỷ lục số ca tử vong lên đến 2.000 người và 135.000 ca nhiễm, người dân lại tiếp tục làn sóng chỉ trích chính phủ, trách cứ chính phủ đã vì mục tiêu kinh tế mà buông các biện pháp phòng dịch, nhất là lúc Nhật Bản đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Chính phủ khi đó vẫn cho phép người Nhật được lưu trú tại khách sạn hay đi du lịch bằng tàu cao tốc hạ giá bằng chiến dịch Gotravel. Các quán rượu khi đó vẫn còn được mở đến tận 22h.

Ngày 16-8 vừa qua, tỉ lệ người được hỏi ủng hộ các biện pháp ứng phó với đại dịch của chính phủ giảm 5,2 điểm xuống còn 28,7%, những người không ủng hộ tăng 3,6 điểm lên 67,8%. Nỗi bức xúc lớn nhất của người dân Nhật (75,5%) là tốc độ tiêm chủng rất chậm chạp do nguồn cung vaccine bị tắc nghẽn.

Theo cuộc khảo sát qua điện thoại trên toàn quốc khi Thế vận hội Tokyo kết thúc, 59,8% số người được khảo sát nói rằng Thế vận hội là một trong những yếu tố làm tăng nhanh ca nhiễm trên toàn quốc.

Sự ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Yoshihide Suga đã giảm 4,1 điểm so với một tháng trước, xuống mức thấp kỷ lục 31,8%, và 65,1% người nói rằng Suga nên từ chức. Xếp hạng không tán thành đã tăng 0,8 điểm lên 50,6% - mức cao nhất kể từ khi nội các Suga ra mắt vào tháng 9 năm ngoái, một dấu hiệu cho thấy sự bất bình của công chúng về phản ứng của chính phủ đối với đại dịch COVID-19. Các cơ quan báo chí Nhật đã tường thuật mọi bất bình này. 

Theo số liệu văn phòng nội các công bố ngày 16-8-2021, nền kinh tế Nhật Bản trong quý 2 đã tăng trưởng 0,3% so với quý 1, tương đương tốc độ hằng năm là 1,3% do chi tiêu của các doanh nghiệp đi lên. Tuy vậy, chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng chậm do từ tháng 4 - 6, trùng với thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, Osaka và các khu vực khác, các biện pháp như hạn chế đi lại, rút ngắn giờ mở cửa tại các nhà hàng và đóng cửa các cơ sở thương mại lớn đồng loạt được thực hiện.

Cùng kỳ năm ngoái, Nhật Bản chịu mức tăng trưởng âm trong quý 2, khi tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên được ban bố. Nhưng sau đó tăng trưởng đã chuyển sang tích cực trong giai đoạn từ tháng 7 - 12. Sang quý 1 năm 2021, khi Tokyo và các khu vực khác một lần nữa ban bố tình trạng khẩn cấp đã dẫn tới sự sụt giảm trong tiêu dùng cá nhân, tốc độ tăng trưởng chung đã xuống thấp, lần đầu tiên chuyển sang âm sau ba quý.

Hiện tại, bóng mây chủng Delta đã xuất hiện ở Nhật Bản, nhưng các nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng trung bình sẽ là 1,4% trong quý 3, tăng trưởng 5,9% trong quý 4, và sẽ giúp nâng GDP của Nhật Bản lên mức trước đại dịch.

Sự tự tin ấy một phần đến từ thống kê tiêm vắc xin: đến 20-8-2021, Nhật Bản đã có 116 triệu mũi vắc xin được tiêm, khoảng 50 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi (trên 40% tổng dân số), trong đó hơn 83% số người cao tuổi đã tiêm đủ hai mũi vắc xin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận