TTCT - LTS: Loạt Câu chuyện cuộc sống “Rung động đầu đời của con tôi” (khởi đăng từ số 30, ra ngày 10-8) đã được sự hưởng ứng của đông đảo độc giả. Nhà báo Hoàng Anh Tú Từ những bạn trẻ bị “cấm yêu”, những bậc cha mẹ hoang mang khi con yêu sớm đến chia sẻ của các giáo viên và những kinh nghiệm xử lý vấn đề này ở nước ngoài. Để kết lại loạt bài, TTCT mời bạn trò chuyện cùng nhà báo Hoàng Anh Tú, người từng 12 năm “gỡ rối tơ lòng” cho các bạn trẻ khi phụ trách chuyên mục này trên tờ Hoa Học Trò. Trẻ em VN phần lớn cô độc… * Anh nghĩ gì về loạt bài “Rung động đầu đời” trên TTCT mà anh cho biết là rất thú vị khi theo dõi? Phải chăng vấn đề thường xuyên nhất mà anh phải gặp từ phía các độc giả khi phụ trách chuyên mục là chuyện tình yêu? - Loạt bài này khá thú vị, tôi theo dõi và khá thích một số bài. Về phần mình, sau 12 năm giữ mục Chánh Văn trên tờ Hoa Học Trò (2000-2012), quả thật số lượng câu hỏi của bạn đọc và cả số lượng câu trả lời của tôi đã thực hiện có lẽ 2/3 là về tình yêu. Vì thế, dù có cố tình ưu ái cho các vấn đề khác thì trên báo, thắc mắc về tình yêu cũng chiếm đa số. Đó là chưa kể việc tư vấn trực tiếp qua thư điện tử, qua điện thoại. Ngay cả đến bây giờ, khi tôi đã thôi giữ chuyên mục, nhiều bạn trẻ vẫn tìm ra tôi trên mạng xã hội để gửi câu hỏi cho tôi. Hầu hết tôi đều trả lời. Làm sao có thể im lặng được với những “đau khổ” của các em? Hơi ngoài lề một chút, tôi nói thật lòng mình rằng trẻ em VN phần lớn đều cô độc trong mớ câu hỏi về tình yêu của các em. * Giới trẻ học đường VN “yêu” bây giờ và 10 năm về trước có thay đổi thế nào theo thời gian, thưa anh? - 10 năm về trước hay 10 năm về sau này, tôi không thấy sự khác nhau trong chuyện yêu đương của giới trẻ học đường. 12 năm làm Chánh Văn và 21 năm làm báo cho giới trẻ học đường, tôi có thể chắc chắn điều đó. Trái tim của các em, thắc mắc của các em, rung động của các em, suy nghĩ của các em… 10 năm nữa, ở độ tuổi ấy, vẫn sẽ như thế thôi. Năm 2000, các em hỏi tôi về việc “bạn í có thích em hay không?” thì năm 2012 tôi vẫn nhận được những câu hỏi tương tự. Điều chúng ta thấy khác đi là phương tiện chứ không phải là tâm lý. Là năm 2000, các em yêu qua thư ngăn bàn, năm 2014, các em yêu qua mạng xã hội. Là năm 2000, các em viết vào nhật ký của mình những rung động, còn năm 2014, các em viết nó trên mạng xã hội. Thứ mà chúng ta hay nói: Giới trẻ ngày nay bạo dạn thật, thể hiện tình yêu “điên đảo” xét cho cùng chỉ là hiện tượng, bề nổi. Còn phần lớn, tình yêu của năm 2000 và tình yêu của năm 2014 hoàn toàn giống nhau. * Và còn nữa, “tâm sự” của các phụ huynh trong những trường hợp nhạy cảm này mà anh đọc trên TTCT, nói thẳng ra là, anh có thấy họ tiến bộ gì không so với thời gian? - Nếu như học trò yêu không khác nhau sau 10 năm thì phụ huynh quan tâm chuyện con em mình yêu khác nhau nhiều lắm! 10 năm trước, sự quan tâm của cha mẹ bằng trò chuyện, kiểm soát con bằng mắt, bằng tai, bằng sự âu lo của người cha, người mẹ. Nhưng 10 năm sau, sự quan tâm của cha mẹ bằng nhiều phương tiện khác nhau, chỉ là không bằng mắt, bằng tai nữa, mà là bằng điện thoại, bằng Internet, bằng vô số các dịch vụ công nghệ. Và âu lo của cha mẹ đôi khi bắt nguồn từ… những câu chuyện trên mạng, những vụ án, những “đắng lòng” hơn là bằng chính bản thân họ. Thế nên, tôi phải nhắc lại rằng trẻ em thời nay cô độc hơn 10 năm về trước nhiều lắm! * Nếu được đặt các mức “báo động” khác nhau về sự nguy hiểm tiềm tàng của những mối quan hệ trên tình bạn trong giới học sinh, anh sẽ xếp hạng lần lượt như thế nào? - Báo động cao nhất tôi dành cho mối nguy hiểm: bị lạm dụng (và lợi dụng). Có một sự thật rằng nguy cơ các em trượt dài sau một tình yêu đổ vỡ là rất cao. Khi tình yêu đổ vỡ, nếu không có những sẻ chia, tư vấn, khuyên nhủ đúng đắn, rất nhiều em sẽ trượt dài. Các em sẽ lầm lẫn giữa tình yêu và tình dục. Các em trở thành đối tượng mà trên mạng gọi là “rau sạch”. Các em bị lạm dụng (và lợi dụng) bởi những gã đàn ông trên mạng. Mối nguy cơ nạo phá thai chỉ xếp thứ 2. * Trong bài “Cứ khóc đi con trai” số 30, trường hợp phụ huynh choáng váng vì cậu con trai mới học lớp 9 đã có bạn gái, gọi bạn gái là “bà xã”, là “bé yêu”... Một trường hợp khác thì con gái họ cũng rơi vào “lưới tình” quá sớm. Cả hai trường hợp này dường như bố mẹ đều hoang mang và “bó tay”. Là một chuyên gia gỡ rối tơ lòng, anh phân tích ra sao về hai trường hợp kể trên? - Với cả hai trường hợp trên, các phụ huynh đều sai lầm cơ bản trong cách ứng xử của mình. Việc lén lút kiểm tra điện thoại của con hay làm um lên đều là cách đẩy sự việc đi vào ngõ cụt. Với nhiều em, cách đó của bố mẹ sẽ khiến các em “phòng vệ” kỹ càng hơn, giấu kỹ hơn. Tệ hơn, các em sẽ trở thành kẻ gian dối. Cha mẹ đừng kẻ vạch ngăn đôi chiến tuyến, đừng tự phân ta - địch với con. Thay vào đó, hãy “dụ hổ ra khỏi hang” bằng việc bảo con mời bạn về ăn cùng một bữa cơm hay đi uống nước chung. Giữ con trong tầm mắt của mình vẫn luôn tốt hơn là chơi trò trốn tìm với con. * Anh có ám ảnh nào với những trường hợp đáng tiếc mà nguồn cơn bắt đầu từ những cảm xúc suy tư lứa tuổi này? - Có chứ! Trong suốt 12 năm làm Chánh Văn của mình, tôi đã có rất nhiều lần mất ngủ, bần thần suốt mấy ngày trời với những trường hợp như thế. Như trường hợp một em gái ở Nam Định đổ vỡ tình yêu đầu đời rồi nhờ một bạn gái cùng lớp chia sẻ mà vượt qua được nỗi đau ấy. Nhưng rồi, em gái ấy lại nghĩ rằng em yêu cô bạn kia chứ không phải bất cứ người con trai nào khác. Ở tuổi của các em, việc nhầm lẫn ấy vẫn thường xuyên xảy ra. Hay như trường hợp một em trai mê đắm cô giáo chủ nhiệm của mình, người hơn cậu đến gần 20 tuổi, đã có gia đình và con cái. Cậu mê đắm đến nỗi bỏ học để đi làm với ý nghĩ có thật nhiều tiền rồi về cưới cô giáo của mình. Trước những tình huống đó, tôi chỉ muốn được gặp trực tiếp các em để tư vấn. Tiếc thay, những lá thư đó đều không có địa chỉ. Tôi có trả lời trên báo nhưng vẫn cứ cảm thấy không làm sao yên ổn được. Đó cũng là khi tôi ao ước chúng ta có nhiều hơn nữa các trung tâm tư vấn tâm lý trong các trường học. Hãy sẵn sàng lau nước mắt cho con * Cũng là một phụ huynh, anh có tâm lý ra sao với ba đứa con đang sắp lớn của mình, anh có chuẩn bị mà vẫn nghĩ rồi mình sẽ bị động không? - Bao nhiêu chuẩn bị cũng không đủ đâu (cười)! Với con mình, chẳng có cha mẹ nào có thể nói là mình đã chuẩn bị đầy đủ được. Ai quen tôi cũng đều nghĩ rằng tôi làm Chánh Văn 12 năm như thế thì thừa sức giải quyết vấn đề của con cái mình. Nhưng sự thật không phải vậy. Bởi trước con cái, tôi là bố Tú béo của chúng chứ không phải là anh Chánh Văn ngời ngời trên báo kia! Bố Tú béo của chúng làm sao đủ tỉnh táo trước nước mắt của chúng? Tôi đang cố gắng bắt đầu bằng việc làm bạn của con trước đã. Và một người bạn thì cũng phải có những lúc khuyên con… sai. Đó là những lúc biết con sai nhưng vẫn sẽ phải vào hùa. Bởi trái tim của con muốn thế. Chỉ là sẵn sàng lau nước mắt cho con khi mọi thứ kết thúc. * Theo anh, VN mình có khác các nước văn minh trong ứng xử, luật pháp, yếu tố xã hội với vấn đề mà chúng ta đang đề cập? - Văn hóa khác thì mọi thứ sẽ khác. Tôi nghĩ thế! Cha mẹ Việt yêu con có thể nói là nhất. Cứ đến kỳ thi đại học sẽ thấy cha mẹ theo con đông thế nào. Cứ đến trước các cổng trường sẽ thấy cha mẹ “bảo quản” con ra sao. Cha mẹ Việt không bao giờ chịu lớn lên cùng con mình. Và làm bạn với con dường như là việc không tưởng. Tôi biết nhiều bậc cha mẹ luôn nói: bố con mình là bạn bè, mẹ con mình là bạn bè. Nhưng bạn bè kiểu nào không biết mà vẫn áp đặt con, nhân danh tình yêu để ép con thì bạn bè sao được? Tôi nghĩ, văn minh hay không tùy thuộc vào việc cha mẹ tôn trọng con đến đâu chứ không phải việc cho con học trường quốc tế hay học dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ mà đã là văn minh. * Anh nói có ấn tượng với một số bài trong loạt bài “Rung động đầu đời” trên TTCT? Của phụ huynh? Của các bạn trẻ trót yêu sớm? - Tôi rất thích bài “Đừng sống thay con”. Đó mới thật sự là một thông điệp từ chính những bạn trẻ hôm nay. Không chỉ trong chuyện rung động đầu đời mà còn là cả việc hướng nghiệp, tư duy phản biện hay sở thích. Cha mẹ Việt hay mắc chứng sống thay con, nghĩ thay con, quyết định cho con. Cha mẹ Việt luôn nhân danh tình yêu quá nhiều mà quên rằng mình cũng từng là một đứa trẻ mới lớn. Và có đứa trẻ mới lớn nào không muốn được bày tỏ suy nghĩ của riêng mình - cái tôi của riêng mình? 12 năm “giao du thân tình” với tuổi mới lớn, câu hỏi tôi được nghe nhiều lần nhất chính là: Sao bố mẹ không tin em hả anh? Đó thật sự là câu hỏi khiến tôi đau lòng nhất! * Bằng kinh nghiệm của mình, theo anh, những gì chúng ta cần thay đổi một cách cụ thể ở các luật pháp, quy định... để lứa tuổi học sinh có được môi trường tốt nhất, trưởng thành? - Tôi cho rằng việc thay đổi đầu tiên nên làm là thay đổi tư duy từ các bậc cha mẹ và thầy cô. Thay vì quan tâm đến con, hãy trở thành bạn của con cùng cam kết trưởng thành cùng con. Chứ không phải là “tao từng này tuổi rồi sao tao lại không biết?”. Chứ không phải là “cha mẹ làm vậy là để tốt cho con thôi”. Về xã hội, tôi thật lòng mong muốn mỗi trường học đều nên có một thầy cô gỡ rối cho học trò trường mình, để các em trưởng thành không đau đớn. Cảm ơn sự chia sẻ của anh. Tags: Phụ huynh
NÓNG: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 122.000 tỉ đồng phát triển văn hóa TIẾN LONG 27/11/2024 Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tối thiểu là 122.250 tỉ đồng.
Tài xế có nồng độ cồn kịch khung dùng dao tấn công, cảnh sát phải nổ súng cảnh cáo HỒNG QUANG 27/11/2024 Tài xế Lập cầm dao "truy sát" đại úy Thái Duy Kiên. Cảnh sát giao thông phải sử dụng súng bắn chỉ thiên cảnh cáo đồng thời tạo khoảng cách an toàn chờ sự hỗ trợ.
Nam thanh niên bị điện giật ngưng tim 60 phút được cứu sống ngoạn mục ĐOÀN NHẠN 27/11/2024 Leo lên sửa mái tôn, anh D. (Đà Nẵng) bị điện giật chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngã xuống, ngưng tim 60 phút nhưng anh vẫn hồi sinh ngoạn mục.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân bị điều tra tham nhũng MINH KHÔI 27/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đang bị điều tra vì nghi ngờ tham nhũng.