TTCT - Họ đều rất trẻ. Với họ, thiên nhiên hoang dã là nỗi đam mê lớn nhất cuộc đời. Và một bức ảnh đẹp, một giống loài mới… khiến họ chất ngất hạnh phúc. Khướu đuôi cụt (tên tiếng Anh White-throated Wren Babbler). Ảnh: TOBY TRUNGKhi tôi hỏi "Ai là người chụp ảnh được nhiều loài chim nhất Việt Nam?", những nhân vật tên tuổi trong làng chụp ảnh chim hoang dã như Nguyễn Hoài Bảo (chuyên gia điểu học, giảng viên Trường ĐH KHTN, ĐHQG TPHCM), Tăng A Pẩu, Thuần Võ, Tuấn Trần… đều đáp "Toby Trung và Nguyễn Phố". Số 1 thuộc về Toby Trung với 725 loài, số 2 thuộc về Nguyễn Phố với 704 loài.Nguyễn Phố, Toby Trung, Đức Hùng, Sâm Thương và ông Peter G. Kaestner trong chuyến đi chụp con khướu đuôi cụt, một loài chim đặc hữu của VN. Ảnh: NVCCBước ngoặt của Toby Trung từ con chim hút mậtCả làng chụp ảnh chim Việt Nam đều gọi Toby Trung (Bùi Thành Trung) là "thánh chim". Thuần Võ - người đã đi qua bão táp ra Côn Đảo chụp con bồ câu Nicobar (hình ảnh con chim hiếm thấy này xuất hiện trên bìa Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 30 ngày 6-8-2023) - bảo: "Tôi chụp được con Nicobar là nhờ thánh chim Toby Trung. Trung quần đảo nát Côn Đảo mới phát hiện con Nicobar này và làm hướng dẫn viên đưa anh em ra chụp".Chàng trai này sinh năm 1987, dân Long Khánh, sống tại TP.HCM, đã tốt nghiệp Đại học Nông lâm TPHCM, ra trường có ngay một công việc rất tốt cho một công ty Nhật. Nhưng rồi năm 2003, trong một lần đi rừng Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), với chiếc máy ảnh compact nhỏ xíu, anh chụp được ảnh con chim hút mật."Gọi là chụp được cho sang chứ mở ra xem nó nhòe nhoẹt, dù nhìn ngoài thiên nhiên nó đẹp vô cùng. Thế là tôi mua một bộ máy DSLR, kể từ đó thì "lọt hố vôi" (cách mà giới nhiếp ảnh chim hoang dã gọi những người say mê thể loại này)".Những chuyến đi của Trung đều bằng xe gắn máy. Sau 10 năm dấn thân vào con đường chụp ảnh các loài chim ở Việt Nam, anh lần lượt dùng qua 4 chiếc xe máy, đi đến khi xe tàn tạ mới thôi."Khắp các vùng rừng núi ở Việt Nam, tôi đều đã đặt chân tới, nhưng quần thảo kỹ nhất là khu vực rừng núi phía Nam và Tây Nguyên. Một năm tôi lang thang trong rừng núi chắc ít nhất cũng tầm 10 tháng" - anh nói.10 năm đi tìm chim, vô vàn chuyện có thể kể về hành trình ấy của Trung. Nhưng chỉ cần đọc một status anh viết vào giữa tháng 1-2024, có thể hình dung được điều gì khiến Trung say đắm và kỳ công đến thế:"Nghe tin con đại bàng "đầu lâu" về (khu vực Hà Nội, Bắc Giang) là lên đường đi ngay. Mình tìm chim chứ chim nó không có chờ mình, đặc biệt đây là một loài di cư ngang qua rất hiếm gặp ở VN. Trong cơn mưa phùn lạnh thấu xương của mùa đông xứ Bắc, mình chạy suốt 2,5 ngày vì đường khó và mưa suốt ngày đêm... Mình đến đích (nơi có người thấy nó) tầm 12h trưa, chạy khắp hết vùng sinh cảnh để nắm địa hình, đường đi lối về những khoảng nào khả thi cho 1 chú đại bàng đậu… Mình chạy tới chạy lui tìm kỹ từng cục đất cày ải lên mà vẫn không thấy gì ngoài mấy chú chuột đồng... Quần thảo đến chiều tối không thấy gì, mình quyết định mai quay lại check thêm vùng cù lao rộng hơn.Chim thiên đường đuôi phướn Phương Đông (Blyth's Paradise-Flycatcher – Terpsiphone incei), ở Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: NGUYỄN PHỐSáng hôm sau mình phát hiện xác với đầu chân, bộ lòng và đuôi 1 em chuột bên vệ đường, dấu còn khá mới... nhen nhóm hy vọng nó vẫn còn đây. Mình hỏi đường sang cù lao, trong lúc sang sông tranh thủ trò chuyện và nghe kể bồ câu nuôi, có lúc vịt nuôi từng bị bắt! Con gì gắp nổi 1 con vịt cỏ? Lại càng thêm hy vọng… Sang sông, ôi một cánh đồng bao la, đủ để 1 con chim săn mồi cỡ lớn giữ an toàn khoảng cách, đủ để có nhiều thức ăn, đủ để chúng bay lượn tranh giành giữa các loài. Mình chạy dọc bờ đê, vừa đi vừa dừng, tìm kiếm… Tìm 1 gò đất cao mình leo lên scan 1 vòng 360 độ thì phát hiện xa 500m có 1 con săn mồi to đang đậu trên mái của một ngôi mộ, mình phóng lên xe tìm đường chạy qua đó, nhưng đi gần đến nơi, đưa ống nhòm lên nhìn thì nó bay từ khi nào. Đang buồn tính bỏ về, khi quay xe ra tới bờ đê chuẩn bị theo đường bộ ra khỏi cù lao thì do thói quen, lại dừng lại và dùng ống nhòm scan cả khu cù lao. Ôi Giàng ơi! Hơn 1km xa tít về hướng trụ điện có 1 con đại bàng, ở khoảng cách này mà còn thấy thì chỉ có thể là nó... là IMPERIAL EAGLE. Không dám rời mắt, mình lên bờ đê phóng xe như điên xuống hướng gần nó hơn, đến nơi thì nó đã lượn sang bên kia cù lao. Mình chạy ngược tới bến đò cũ và hối ông đò cho con sang sông... Hết 18p 30s cho con đò chở mình về bên kia. Vừa lên bờ mình phi nhanh lên đê bắn vài tấm. Lúc nó lên view nhỏ như điểm nét nhưng cũng như xé toạc cảm xúc đè nén, hồn nhẹ vút lên cao, dâng trào hương mê khó tả. Những hình sau là cố tiếp cận gần hơn nhưng thực tế cũng ngoài 250m, như 1 vị hoàng đế, nó không để một ai tiếp cận gần hơn khoảng cách đó. Nó cao to oai vệ, đứng dưới đất to gần như 1 chú chó, lượn trên trời như gió thổi đổ cây. Đôi mắt sắc lẹm luôn quan sát mình từng phút giây".Một đôi cắt nhỏ bụng hung (Collared Falconet - Microhierax caerulescens) chụp ở Vườn quốc gia Yok Don, Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh NGUYỄN PHỐToby Trung có một gia đình nhỏ với hai con. Vợ anh, cô Võ Thị Thanh Thảo, nói: "Tụi em gặp nhau cũng từ tình yêu thiên nhiên hoang dã. Anh ấy là một người chồng, người cha rất có trách nhiệm. Anh Trung có niềm đam mê hữu ích cho cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ thiên nhiên hoang dã, nên mỗi lần tìm được một loài chim mới, không chỉ anh ấy hạnh phúc, mẹ con em cũng vui lây".Lòng đam mê của Trung không chỉ được giới điểu học trong nước thán phục. Một nhân vật đỉnh của thế giới yêu chim hoang dã là ông Peter Graham Kaestner vô cùng khâm phục Trung. Khướu đuôi cụt (Ảnh: Toby Trung)Peter làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng ông nổi tiếng thế giới với tư cách là người ngắm và chụp chim nhiều nhất (năm 2023, ông đạt đến con số 9.999 loài chim đã ngắm và chụp, và đang hồi hộp chờ đón loài chim sẽ giúp ông cán mốc 10.000 trong năm 2024).Đầu năm 2023, thông qua app E-Bird mà dân nghiên cứu chim đều sử dụng, ông biết Toby Trung là người tìm ra con khướu đuôi cụt (tên tiếng Anh là White-throated Wren Babbler) - một loài chim đặc hữu của Việt Nam. Tháng 3-2023, họ đã cùng nhau đi tìm và chụp con chim ấy ở Nậm Cang (Lào Cai). Đấy cũng là chuyến đi mà Peter ngắm được 419 loài, trong đó có 44 loài mới với ông. Khi đến VN, ông đạt con số 9.560 loài, và khi rời VN cuối tháng 3-2023, ông đạt 9.604 loài. Ông hết lời khen ngợi Trung - một chàng trai chuyên nghiệp, tận tụy và có lòng đam mê cực lớn. "Kỳ công lăn lội khắp nơi của Toby Trung và Nguyễn Phố nhằm ghi nhận sự hiện diện các loài chim không chỉ góp phần giới thiệu thế giới chim muông kỳ thú của Việt Nam mà còn đóng góp thực sự quan trọng cho công tác nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên. Các bạn đã nhiều lần ghi nhận sự xuất hiện của các loài chim mới cho Việt Nam, cung cấp thông tin nhằm xác định sự phân bố và số lượng quần thể của nhiều loài"TS Trần Triết (giám đốc chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á) Nguyễn Phố rời bục giảng, theo chimPhố cũng thuộc thế hệ 8X (anh tên thật là Nguyễn Hồng Anh, sinh 1982) và nhà ở Bà Rịa. Anh học ngành vật lý (Đại học Sư phạm), ra trường đi dạy được 6 năm, rồi thấy việc loanh quanh đi dạy không còn phù hợp, anh qua lĩnh vực nhiếp ảnh và yêu thích chụp ảnh phong cảnh.Chim cun cút nhỏ (Ảnh: Nguyễn Phố)Trong một lần đi săn ảnh, anh tình cờ thấy một đôi chim đầu rìu bắt cặp trong mùa giao phối. Đó là một loài chim có khá nhiều ở Bà Rịa và rất đẹp. Chim nhát hoa (Ảnh: Nguyễn Phố)Nhưng thấy là một chuyện, để hiểu cặn kẽ loài chim ấy là miên man chuyện. "Săn ảnh chim hoang dã phong phú vô cùng. Khi nó bắt cặp là một câu chuyện. Khi nó đẻ trứng rồi thay nhau ấp con là chuyện khác. Con nở ra, chim bố và mẹ thay nhau đi kiếm mồi về cho con là một chuyện khác nữa... Vì thế, tôi đắm đuối săn ảnh chim. Khi giới thiệu những gì chụp được với cộng đồng, tôi nghĩ cũng là cách giúp mọi người hiểu hơn, yêu hơn thiên nhiên. Tôi đang ấp ủ làm một vài dự án mang tính giáo dục tình yêu chim hoang dã cho trẻ em, hy vọng người Việt sẽ thay đổi thói quen xấu là tận diệt chim trời".Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phố.Phố khác với Trung là anh không nhận lời làm hướng dẫn viên. Anh chỉ làm không công, ai thích thì đi cùng để chụp ảnh chim, chia đều phí tổn chuyến đi. "Tôi vẫn là một người yêu săn ảnh đẹp của chim hoang dã. Nếu làm hướng dẫn viên, phải ưu tiên khách, mà tôi khi gặp chim thì quên hết mọi sự, chỉ chăm chăm tìm góc chụp cho đẹp" - anh cười.Chim trích ré (Ảnh: Nguyễn Phố)Với một người chụp được 725 loài, người vừa đạt con số 704, hành trình của họ chứa đầy gian nan. "Đi trong rừng nghe chim hót vang trời nhưng nó luôn lẩn khuất trong cây cối um tùm, thấy còn khó, nói gì chụp ảnh. Vì vậy, khi đi tìm một loài chim nào đó, chúng tôi phải đọc rất nhiều tài liệu khoa học để tìm hiểu vùng sinh cảnh mà nó sinh sống, phải tìm file ghi âm tiếng nó hót để khi gặp được thì phát tiếng gọi ra cho mình chụp. Chỉ có chuẩn bị thật đầy đủ, lường hết mọi việc thì mới hy vọng thành công" - Phố kể một chút chuyện nghề.■ Tags: Chim Việt NamNhiếp ảnh gia chụp chimSăn ảnh chim hoang dãĐa dạng sinh họcBảo tồn chim
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp lớn, quan trọng tại Mỹ DUY LINH 19/09/2024 Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Ba lô mới, vở bút mới và nụ cười của học sinh vùng lũ Trấn Yên VĨNH HÀ 19/09/2024 Những học sinh vùng lũ ở Trấn Yên (Yên Bái) đón nhận niềm vui trẻ thơ, sau nhiều ngày cùng gia đình vượt qua đợt mưa lũ lịch sử.
Xuất hiện vết nứt chạy dọc núi, Quảng Nam khẩn cấp sơ tán dân trong đêm THÁI BÁ DŨNG 19/09/2024 Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Nga tăng gấp 10 lần sản xuất drone TRẦN PHƯƠNG 19/09/2024 Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tăng số drone sản xuất trong năm 2024 gấp 10 lần con số 140.000 để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.