Những lý do thầm kín

DANH ĐỨC 15/05/2018 02:05 GMT+7

TTCT - 2 giờ chiều thứ ba ngày 8-5, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố giác thư tổng thống (presidential memorandum) xác nhận Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và sẽ tiến hành các hành động bổ sung nhằm chống lại việc “mở rộng ảnh hưởng gây đe dọa” của Iran và ngăn không cho nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.

Biếm họa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: startribune.com
Biếm họa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: startribune.com

 

Vì sao ông Trump nhất quyết “một mình một ngựa”, bất chấp các đồng minh của ông ở châu Âu lẫn các đối thủ Nga hay Trung Quốc đều không muốn xé bỏ một thỏa thuận đã được dày công xây đắp?

Ông Trump giải thích trong giác thư: “Không có gì phải nghi ngờ việc Iran tìm cách tăng cường các mục tiêu cách mạng của họ qua việc theo đuổi vũ khí hạt nhân và chương trình làm giàu uranium của Iran tiếp tục khiến họ có khả năng tiếp cận uranium ở cấp độ vũ khí, nếu Iran muốn. Là tổng thống, tôi đã thông qua một chiến lược tích hợp với Iran bao gồm mục tiêu chiến lược là loại bỏ mọi con đường dẫn đến vũ khí hạt nhân của Iran”.

Bản tố giác

Giác thư của ông Trump trình bày bối cảnh của quyết định: “Chính quyền trước đây đã tìm cách đối phó với mối đe dọa theo đuổi hạt nhân của Iran qua việc để Hoa Kỳ tham gia Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran.

JCPOA dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến hạt nhân đối với Iran và cung cấp cho Iran những lợi ích đáng kể, đổi lấy các cam kết tạm thời của Iran là hạn chế chương trình làm giàu uranium và không tiến hành tái chế nhiên liệu hạt nhân, hai phương cách chủ yếu để có được nguyên liệu hạt nhân ở cấp độ vũ khí”.

Đúng là thỏa thuận JCPOA đã được các bên thông qua như là một trao đổi “ngưng trừng phạt - ngưng làm giàu uranium và tái chế nhiên liệu hạt nhân”, và cũng đúng như nhận xét của ông Trump trong giác thư: “Một số người tin rằng JCPOA sẽ hạn chế hành vi của Iran”.

Thế nhưng, tình hình thực tế cho thấy, theo lời ông Trump, thỏa thuận JCPOA chính là vấn đề, và vấn đề không chỉ là việc Iran thực thi thỏa thuận hạt nhân như thế nào, mà còn là điều mà giác thư gọi là “hành vi” của Iran: “Kể từ khi bắt đầu JCPOA, Iran liên tục leo thang các hoạt động gây bất ổn ở khu vực. Các lực lượng của Iran hoặc được Iran hậu thuẫn đã tiến vào Syria, Iraq và Yemen, tiếp tục kiểm soát một số vùng ở Lebanon và Gaza.

Trong khi đó, Iran đã công khai tuyên bố sẽ từ chối không cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận các vị trí quân sự... Trong năm 2016, Iran cũng đã hai lần vi phạm các giới hạn trữ lượng nước nặng (heavy water) của JCPOA. Hành vi này là không thể chấp nhận được, đặc biệt là đối với một chế độ được biết là đã theo đuổi vũ khí hạt nhân, vi phạm các nghĩa vụ của họ theo Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hành vi của Iran đe dọa lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”.

Câu chuyện “Iran đã hai lần vi phạm các giới hạn của JCPOA về trữ lượng nước nặng” được cố vấn an ninh quốc gia John Bolton giải thích trong một cuộc họp báo sau đó như sau: “Việc sản xuất nước nặng của họ đã vượt quá giới hạn cho phép theo JCPOA. Họ gần như đang bắt tay vào việc sản xuất kinh doanh nước nặng. Họ bán số nước nặng dư ra cho Oman và các nước châu Âu. Đó là cách giữ cho các cơ sở sản xuất nước nặng của họ tiếp tục “sống sót”. Các cơ sở đó vẫn còn ấm. Và một phần mối đe dọa là ở đó. Và họ đã vượt quá giới hạn”.

Từ những điều mà ông Trump gọi là các vi phạm trong năm 2016 của Iran, cho đến nay ông cho biết đã hai lần đáp trả cảnh cáo. Đầu tiên là “vào ngày 13-10-2017, phù hợp với thủ tục chứng nhận được quy định trong Đạo luật đánh giá hạt nhân của Iran, tôi đã xác định rằng việc đình chỉ trừng phạt liên quan đến Iran theo JCPOA là không phù hợp...”.

Lần cảnh cáo thứ nhì là “vào ngày 12-1-2018, tôi đã vạch ra hai con đường có thể tiến tới: hoặc là những khiếm khuyết tai hại của JCPOA sẽ được chỉnh sửa vào ngày 12-5, hoặc bằng không, Hoa Kỳ sẽ ngừng tham gia. Tôi đã nói rõ đây là cơ hội cuối cùng và JCPOA không được chỉnh sửa, Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục thực hiện thỏa thuận này”.

Đó là lý do nay ông quyết định: “Hôm nay tôi giữ lời hứa, chấm dứt sự tham gia của Hoa Kỳ vào JCPOA. Tôi không tin rằng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Iran theo JCPOA là vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”.

Cố vấn Bolton

Chuyện ông Trump chê bai thỏa thuận hạt nhân với Iran của người tiền nhiệm Obama là thỏa thuận “ngu xuẩn nhất” và đòi rút ra là chuyện ai cũng biết từ lâu. Có thể thấy có hai lý do khiến ông Trump ngưng tham gia thỏa thuận:

(1) Iran không tuân thủ đủ thỏa thuận này; (2) hành vi tạo ảnh hưởng nguy hại ở khu vực. Song, lý do nào là chính? Có lẽ chính thứ tự trong tựa đề của giác thư đã nêu rõ đâu là mục đích ưu tiên của ông Trump: “Chống ảnh hưởng nguy hại của Iran và ngăn không cho Iran tiến đến vũ khí hạt nhân”.

Trong họp báo, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã chỉ ra tương quan hữu cơ giữa hai lý do này: “Lý luận của thỏa thuận (JCPOA) - nếu đạt được thỏa thuận hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran, thì điều đó sẽ thay đổi hành vi của họ toàn diện - đã tỏ ra hoàn toàn sai...

Thành ra, dỡ bỏ trừng phạt lại giúp Iran tiến hành hoạt động hiện giờ ở Syria, hậu thuẫn các nhóm khủng bố trong khu vực và thế giới, như Hezbollah và Hamas... Viễn tượng của một nền hòa bình và an ninh lâu dài ở Trung Đông tùy thuộc vào việc đối phó với hàng loạt yếu tố phức tạp, song yếu tố then chốt là vai trò của Iran”.

Giờ đã có lý lẽ hẳn hòi từ một nhân vật đối ngoại gạo cội là Bolton, Tổng thống Trump cứ thế mà mạnh miệng. Ai là người giật dây - tạo ảnh hưởng giữa Trump và Bolton? Chưa bao giờ ông Trump, một người rất cá tính chỉ áp đặt người khác, lại chịu nhiều ảnh hưởng từ một người khác như với Bolton lúc này! Hiếm thấy cố vấn an ninh quốc gia nào có thể tác động mạnh mẽ lên tổng thống như thế, có lẽ ngoại trừ trường hợp cố vấn Henry Kissinger với tổng thống Richard Nixon, với các vấn đề chiến tranh Việt Nam, quan hệ với Trung Quốc, và Liên Xô.

Căn cứ trên cơ cấu làm việc của Nhà Trắng, có thể khẳng định ông Bolton chính là tác giả của giác thư. Điều đó càng rõ qua lời giải thích của ông với cánh nhà báo: “Hành vi của Iran trong khu vực đã mở rộng ra mọi mặt trận, và một trong những bất cập chính của thỏa thuận hạt nhân là không giải quyết được hành vi gây nguy hại của họ.

Đó là mục đích của những gì chúng ta đang làm”. Cố vấn Bolton không phải người duy nhất nhìn thấy “vai trò mới” của Iran. Một nhà báo, khi nêu câu hỏi, cũng đã gián tiếp mô tả vấn đề: “Bức tranh lớn hơn hiện ra. Có phải chúng ta đang tìm cách áp đặt việc ai có thể hay không có thể là một thế lực ở Trung Đông?”. Fox Business ngày 7-5 thì chạy tít: “Iran đang châm lửa khắp nơi ở Trung Đông”.

Còn ai đằng sau nữa?

Còn ông Bolton thì có chịu tác động của ai khác không? Ông Bolton nói trong cuộc họp báo ở trên: “Tôi nghĩ rằng từ khi tôi ở đây (Nhà Trắng), tôi đã dành nhiều thời gian để tham khảo với họ (các lãnh đạo châu Âu) hơn bao giờ hết, bắt đầu là cách đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của Syria...”, song tất cả các phát biểu của ông Bolton không cho thấy các lãnh đạo châu Âu “nặng ký” cho lắm với ông.

Trong cái “sa mạc ảnh hưởng” đó, cũng có một dấu chỉ cho thấy ai tác động lên ông, qua một phát biểu về vấn đề hạt nhân của Iran: “Như đã thấy từ các dữ kiện chúng ta thu thập trước đó, mà Israel đã thảo luận tuần rồi”. Chi tiết “Israel đã thảo luận tuần rồi” mà ông Bolton nói đến chính là buổi trình bày hôm 30-4 của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, những chứng cớ về các hoạt động hạt nhân của Iran mà nhiều ý kiến cho là không có gì mới.

Liên hệ Bolton - Netanyahu được nhật báo Israel Haaretz ngày 25-3, mấy ngày sau khi ông Bolton vào vai “ông cố vấn”, mô tả rất gọn bằng tựa đề: “Việc chọn Bolton là một tin gở cho Iran, song lại đúng thời điểm với Netanyahu”.

Đi xa hơn nữa, Middle East Eye ngày 28-3 gọi thẳng Bolton là “tay trong” (inside man) của Israel ở chính quyền Mỹ! Trên đài phát thanh quân đội Israel, cựu đại sứ Israel ở LHQ, Danny Gilerman, từng nói thẳng rằng quan hệ của ông với Bolton là “trên cả gần gũi”. Gilerman nhớ lại rằng bất cứ khi nào Bolton phát hiện ra một chính sách mà ông cho là “chống Israel”, Gilerman sẽ được cảnh báo để báo cho Ehud Olmert (thủ tướng Israel) khi đó, người sẽ điện cho tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush để tạo tác động ngay lập tức.

JCPOA, trong khi được chào đón và từng mang lại nhiều hi vọng, thật dễ bị nhìn nhận là một thỏa thuận “chống Israel” khi nó trao cho Iran nhiều nguồn lực và khoảng không gian hơn để thực hiện các mưu toan riêng của họ trong khu vực.

Chẳng ai nói ra, nhưng Bolton đại diện cho một lý do thầm kín hơn nhiều so với những tranh luận bên ngoài về việc Iran có tuân thủ JCPOA hay không: Israel coi việc kiềm chế Iran trong khu vực là vấn đề sống còn đối với họ! Đó cũng chính là nguyên nhân then chốt của cuộc chiến ở Syria và nguy cơ bất ổn giờ lại lơ lửng tại vùng Vịnh.

Địa chính trị cùng các cuộc chiến tranh ủy nhiệm (các “đại ca” không ra mặt) là một canh bạc, tiếc thay thường là bạc bịp, còn cái giá phải trả thì lại rất thật, khi mà “nhất tướng công thành, vạn cốt khô”.■

Nga muốn một bộ mặt trung lập?

Không phải chỉ Mỹ mới “la làng” về thế lực của Iran ở Syria và ở Trung Đông. Hôm 5-5, Hãng tin Sputnik của Nga còn đăng một bài bình luận với tựa đề than vãn: “Syria: Nga có thể cân bằng Iran với Israel được không?”, Sputnik bình: “Cuộc xung đột ủy nhiệm leo thang ở Syria giữa các kình địch trong khu vực Israel và Iran đang nhanh chóng tiến tới một cơn sốt, và Nga bị kẹt ở giữa là quốc gia duy nhất có cơ hội cân bằng giữa hai nước này”. Nga có quan hệ tốt với Israel thông qua người Do Thái ở Nga và người Nga ở Israel, đồng thời lại là đồng minh trên thực tế của Iran ở Syria, cùng ủng hộ chế độ Tổng thống Assad.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận