Những ngộ nhận và hiểm họa thực tế

ROSTISLAV ISHCHENKO 28/02/2019 04:02 GMT+7

TTCT - Việc Hoa Kỳ và Nga rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và ngắn (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty, INF) đã làm dấy lên các quan ngại, trong đó có mối lo về khả năng Washington triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ Ukraine, sát cạnh Nga, và các nước cộng hòa Baltic từng nằm trong khối Liên Xô cũ.

Sự cáo chung của INF đe dọa mở ra một cuộc chạy đua tên lửa tối tân mới. Ảnh: Russia Beyond
Sự cáo chung của INF đe dọa mở ra một cuộc chạy đua tên lửa tối tân mới. Ảnh: Russia Beyond

 

TTCT giới thiệu bài phân tích của chuyên gia người Ukraine Rostislav Ishchenko, giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo hệ thống (trụ sở ở Matxcơva).

Những lo ngại liên quan tới việc Washington và Matxcơva rút khỏi INF nghiêm trọng đến độ một số chính phủ các nước hàng đầu EU và chính EU đã kêu gọi Washington và Matxcơva tìm cách thỏa hiệp để trở lại thực hiện hiệp ước.

Nỗi lo Ukraine

Trong lúc đó, ở Ukraine, một số chính khách cá biệt bắt đầu tuyên bố giờ đây Kiev có quyền bố trí ở nước mình tên lửa Mỹ, vì Ukraine, cùng Belarus và Kazakhstan, những nước cựu cộng hòa Xô viết, là thành viên của hiệp ước này. Nhưng không phải vậy.

Hiệp ước đã được thực thi đầy đủ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã. Như thế, trên lãnh thổ của các cựu cộng hòa Xô viết vào lúc họ lấy lại độc lập, không còn tên lửa tầm trung trực chiến, do đó họ không mang trách nhiệm nào với hiệp ước. Liên quan đến việc bố trí vũ khí nước ngoài, trên nguyên tắc, mỗi nước có quyền này nhưng đối với Ukraine thì (quyền này) bị giới hạn nghiêm trọng.

Trước tiên, quyền này bị giới hạn bởi Hiến pháp Ukraine, diễn giải Ukraine như một quốc gia ngoại khối và phi hạt nhân mà trong lãnh thổ đấy không được triển khai thường trực các căn cứ quân sự, các binh đoàn quân đội và hơn thế nữa, là vũ khí hạt nhân của nước ngoài.

Thứ hai, Ukraine tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với tư cách một quốc gia phi hạt nhân, tức có nghĩa vụ không sở hữu, sản xuất và bố trí trên lãnh thổ mình vũ khí hạt nhân.

Thứ ba, trong quá trình tham gia Chế độ kiểm soát các công nghệ tên lửa (MTCR), Ukraine trên thực tế đã buộc phải chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ từ bỏ việc phát triển và sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa hành trình với tầm bắn tới 500km cũng như mọi tên lửa hành trình trên không và trên biển nào, tên lửa đạn đạo (không đối đất) tầm xa tới 600km.

Trên thực tế, Kiev có quyền sản xuất tên lửa cho các tổ hợp hỏa lực và hệ thống tên lửa chiến thuật mặt đất tầm ngắn và tên lửa vũ trụ cho các vụ phóng thương mại. Tuy nhiên, do sự sụp đổ của ngành công nghiệp tên lửa vũ trụ quốc gia, Ukraine cũng không có khả năng để thực hiện các quyền này.

Dĩ nhiên, luật có thể thay đổi - mà theo cung cách đặc trưng của chính quyền Kiev hiện hành, có thể cũng chẳng cần quan tâm đến luật. Nhưng phải tính đến một yếu tố quan trọng.

Đó là từ giữa những năm 1990, Ukraine không phát triển công nghệ sản xuất tên lửa tầm trung và hầu hết các loại tên lửa hành trình. Có nghĩa trên thực tế, kể cả khi Kiev vi phạm các nghĩa vụ quốc tế, họ cũng không thể chế tạo và triển khai tên lửa tầm trung riêng của mình mà phải dựa vào vũ khí của người khác.

Về lý thuyết, Hoa Kỳ có thể tiến đến bố trí các tổ hợp tên lửa trên lãnh thổ Ukraine. Nhưng trong tình hình hiện nay, Washington sẽ không bao giờ làm việc đó. Để vận hành bình thường các cơ sở tên lửa như thế, cần một hệ thống hậu cần tương ứng. Có nghĩa phải nhập vào Ukraine tất cả: nhiên liệu, phụ tùng, thiết bị đến quân phục và thức ăn cho binh sĩ.

Nhiều quân nhân Mỹ sống cùng gia đình mình (công tác ở cơ sở tên lửa xa đất nước như thế thường kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, mà trên lãnh thổ Hoa Kỳ không có tên lửa tầm trung).

Cần phải bảo đảm cho họ một môi trường sinh hoạt thích hợp, giải trí văn hóa, dinh dưỡng theo thói quen... Các cơ sở tên lửa lại không nằm ở thủ đô và những thành phố lớn, ở Ukraine vốn cũng chẳng phải là kiệt tác gì. Nhưng nếu nói về cấp tỉnh, nơi có các cơ sở đồn trú tương ứng, thì tất cả, từ mạng lưới đường sá đến điều kiện sống, còn tệ hơn ở châu Phi.

Cũng phải tính đến cả yếu tố chính quyền trung ương kiểm soát các tỉnh khá lỏng lẻo, mà đất nước lại đầy vũ khí và các phe nhóm quân sự bất hợp pháp, sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi cách, theo bất kỳ đơn đặt hàng của ai.

Đơn giản là trong những điều kiện như thế, Hoa Kỳ không thể bảo đảm an ninh cơ bản cho các quân nhân và kỹ thuật của mình. Tên lửa hạt nhân dẫu sao cũng không phải là (tên lửa vác vai chống tăng của Hoa Kỳ) Javelin, nên hẳn Washington không mơ việc các bà nội trợ Ukraine bắt đầu buôn bán tên lửa của họ ở chợ đen.

Hiệp ước INF được Liên Xô và Mỹ ký kết ngày 8-12-1987, theo đó hai bên cam kết loại bỏ các nhóm vũ khí: tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung (từ 1.000-5.500km) và tầm ngắn (từ 500-1.000km) (tức không bao gồm các tên lửa phóng từ trên biển). Thời gian qua, Mỹ và Nga tố cáo nhau vi phạm hiệp ước. 

 

Đặc biệt, Mỹ tố cáo Nga chế tạo tên lửa 9M729 - một loại tên lửa mới vi phạm INF. Trong khi đó, Nga tố ngược lại Mỹ vấn đề giải giáp, bao gồm phá hủy cơ cấu phóng tên lửa, bệ phóng, giếng phóng. Matxcơva cho rằng trong khi Nga tuân thủ hoàn toàn thì Hoa Kỳ chỉ tháo dỡ và cất vào kho. Nga cũng khẳng định trong khi họ đưa ra con số tách bạch thì Hoa Kỳ lại đưa “con số gộp” dễ gây hiểu lầm. Hoa Kỳ đình chỉ INF vào ngày 1-2-2019, Nga cũng rút khỏi hiệp ước ngay hôm sau.

Ẩn số Baltic

Dĩ nhiên, để bố trí tên lửa tầm trung gần hơn tới các trung tâm của Nga, còn có Baltic. Thời gian (tên lửa từ Baltic) bay đến Matxcơva cũng ngang với thời gian từ Ukraine bay tới, còn đến Saint Petersburg thì chỉ vài phút!

Trong khi đó, các nước Baltic đã là thành viên của NATO, khối từ lâu đã triển khai trên lãnh thổ các nước này binh sĩ của họ (bao gồm quân Mỹ). Ba Lan cũng muốn những tên lửa này (bay đến Matxcơva và Saint Petersburg chỉ trong sáu phút).

Tương tự thế, Nga sẽ không thương lượng với Kazakhstan về việc bố trí tên lửa tầm trung trên lãnh thổ nước này. Astana là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (liên minh quân sự các nước Trung Á, Nga và Belarus) và về lý thuyết Nga có thể tiến hành đàm phán, nhưng tên lửa bố trí trên thảo nguyên Kazakhstan để nhắm vào nước nào chứ?

Tầm bắn của tên lửa tầm trung (từ 500-5.000km) không có mục tiêu nào khả thi, xung quanh toàn các nước bạn bè và đồng minh với Nga.

Nga cũng có thể thương lượng để lập căn cứ tên lửa ở Belarus, nhưng thực tế là họ không có nhu cầu này. Có thể đe dọa châu Âu ra trò bằng tên lửa từ tỉnh Kaliningrad và từ Crimea.

Hơn thế nữa, tất cả những suy nghĩ về việc triển khai tên lửa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cần phải chế tạo và sản xuất tên lửa, sau đó thuyết phục đồng minh cho bố trí chúng (hiện Hoa Kỳ gọi Đức và Ý là những ứng viên khả dĩ nhất, nhưng những nước này không muốn). Và những việc này đòi hỏi thời gian không chỉ một năm.

Trong điều kiện Nga có vũ khí siêu thanh có tầm bắn tùy ý, Matxcơva hoàn toàn có thể đáp trả tương xứng. Thời gian bay của các khối vũ khí siêu thanh đến lãnh thổ Hoa Kỳ cũng đã giảm đáng kể so với những tên lửa liên lục địa cũ và có thể so sánh với thời gian bay tới Matxcơva của tên lửa Pershing đặt ở Đức những năm 1980.

Nhưng chính việc rút ngắn thời gian bay và việc thiếu các tên lửa tầm trung trong kho vũ khí của hai phía đã gây ra mối đe dọa chính.

Nếu các quyền lực chính trị không đủ thời gian để tham vấn và cần phải đưa ra quyết định về một cú trả đũa, thì khả năng bùng nổ tình cờ (vì hiểu lầm, đánh giá sai dữ liệu hoặc lỗi của chương trình máy tính) một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, đang tăng.

Với việc thời gian bay của vũ khí tấn công được rút ngắn, quyền ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân nhìn chung sẽ phải được giao cho các cấp thấp hơn của hệ thống quân sự (đơn giản vì không còn thời gian để báo cáo lên trên).

Vì thế, khi người Mỹ nói INF đã cũ và không phù hợp với thực tiễn mới, không phải là họ nói quá xa sự thật. Nhưng là một việc khác khi dưới cái cớ INF đã lỗi thời, họ đang cố giành những lợi thế đơn phương, buộc Nga phải nhượng bộ vô lý và đơn phương phá hủy toàn bộ các lớp vũ khí hiện đại của mình.

Đồng thời quyết định của Hoa Kỳ còn nhằm tác động đến Trung Quốc. Không tham gia INF, Trung Quốc sở hữu kho vũ khí với các tên lửa tầm trung, cơ sở chính của kho vũ khí Trung Quốc mà theo học thuyết quân sự ở đó, “được thiết kế để chống lại các nhóm tàu địch và không có khả năng bay tới lãnh thổ Hoa Kỳ”. Trong điều kiện như thế, đây là vũ khí nhắm vào việc ngăn chặn hạm đội Mỹ.

Do đó, với lý do hiện đại hóa INF, Hoa Kỳ muốn đàm phán không phải hệ thống các hiệp ước nhằm hạn chế các kho vũ khí hạt nhân trước thực tiễn mới, mà là để giành lấy những lợi thế đơn phương.

Các cuộc thương lượng theo định dạng này là không thể, vì nó không những không phù hợp với lợi ích của Nga, mà còn mưu hại quyền tự chủ của Nga về phòng vệ. Phản ứng của Matxcơva đã rõ: tính toán lại các vũ khí tiên tiến mới và hiện đại hóa các tổ hợp hiện có, Nga có thể tạo ra đe dọa cho lãnh thổ Hoa Kỳ và các nước muốn cùng tham gia vào cuộc chạy đua tên lửa mới, buộc họ quay trở lại bàn đàm phán.

Khi nào người Mỹ nhận ra, khi đó có thể ký hiệp ước mới.■

PHAN XUÂN LOAN

(dịch từ aurora.networks)

 

Ngày 7-2-2019, với 334 phiếu thuận (trên tổng số 385 đại biểu), Quốc hội Ukraine đã sửa đổi hiến pháp nước này, khẳng định quốc hội và chính quyền sẽ theo đuổi đường lối trở thành thành viên đầy đủ của NATO lẫn EU. Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Petro Poroshenko tuyên bố Ukraine từ bỏ quy chế ngoại khối vì “quy chế ngoại khối đó không cứu được Ukraine khỏi sự xâm lược của Nga năm 2014”. (Unian.info)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận