Những nhà vô địch thực thụ

TTCT - Có thể họ không đoạt huy chương, không tạo nên những kỷ lục ở Olympic London. Nhưng trong mắt mọi người, họ vẫn là nhà vô địch bởi đã vượt qua những định kiến xã hội, bi kịch gia đình, nghịch cảnh và bệnh hiểm nghèo.

Phóng to
Ảnh: Reuters

SHAHERKANI và “trái tim dũng cảm”

Wojdan Shaherkani, 16 tuổi, là nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử Saudi Arabia tham gia Olympic. Ở hạng cân 78kg môn judo, cô chỉ xuất hiện đúng 82 giây trước đối thủ người Puerto Rico. Sau trận thua, Shaherkani nhận được tràng pháo tay của đồng loạt khán giả, trong khi báo chí thế giới nhận định: “Shaherkani xứng đáng được trao huy chương vàng cho lòng dũng cảm”.

Khi đến với judo, Shaherkani đã phải trải qua “trăm đắng nghìn cay”, mỗi ngày phải chịu sự mắng nhiếc, khinh bỉ của mọi người và tập luyện trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ. Góp mặt ở Olympic London, Shaherkani cũng bị dư luận Saudi Arabia lên án kịch liệt và trên mạng xã hội Twitter, rất nhiều đàn ông Saudi Arabia đã gọi cô là “gái điếm”. Đối mặt với những định kiến đó, cô gái này vẫn đứng vững để tiến lên, trở thành người tiên phong trong việc giúp phụ nữ Saudi Arabia mạnh dạn đến với thể thao.

Phóng to
Ảnh: Reuters

KOUKAL đánh bại cả... “tử thần”

Cách nay hai năm, tay vợt cầu lông Petr Koukal đang trên đà sung sức và chơi rất thành công ở nhiều giải đấu quốc tế, nhưng anh lại đón nhận hung tin khi các bác sĩ phát hiện anh bị ung thư tinh hoàn, phải trải qua cuộc phẫu thuật khẩn cấp và sau đó tiến hành hóa trị trong nhiều tháng liền. Nhiều lúc ngay cả sinh mạng của Koukal còn không chắc có thể giữ được chứ đừng nói chi đến sự nghiệp.

Thế nhưng, Koukal đã rất kiên cường thoát khỏi “lưỡi hái” tử thần và sau đó lao vào tập luyện không mệt mỏi để nhanh chóng trở lại đỉnh cao và lần thứ năm lên ngôi vô địch ở giải quốc gia CH Czech, rồi giành suất dự Olympic London. Ở buổi lễ khai mạc, Koukal đã vinh dự được chọn làm người cầm cờ cho đoàn thể thao CH Czech. Dù ở nội dung đơn nam tay vợt 26 tuổi này chơi không thành công với hai trận thua liên tiếp và sớm bị loại, nhưng anh vẫn được xem là người hùng.

Phóng to
Ảnh: Reuters

UNERWOOD đứng lên từ bi kịch gia đình

Việc xuất hiện tại London thi đấu quyền anh ở hạng nhẹ (thua ở tứ kết) đã giúp Quanitta Underwood, 28 tuổi, đi vào lịch sử với tư cách tay đấm nữ đầu tiên của Mỹ góp mặt tại Olympic.

Nhưng điều khiến Underwood trở thành “người hùng” là do cô đã đứng lên mạnh mẽ sau khi trải qua tuổi thơ đầy ác mộng. Năm 10 tuổi, Underwood và người chị 12 tuổi đã nhiều lần bị cha đẻ lạm dụng tình dục. Dù người cha đã bị kết án tù, chị em cô vẫn sống trong nỗi ám ảnh nhiều năm sau đó. Đã có lúc cô tìm đến ma túy, thậm chí tự tử để thoát khỏi cơn ác mộng của quá khứ.

Năm 19 tuổi, Underwood tìm đến môn quyền anh và lao vào tập luyện để quên đi tất cả. Với nỗ lực không mệt mỏi suốt chín năm qua, cuối cùng Underwood đã tìm lại cuộc sống bình thường. Ngoài thi đấu, cô còn tích cực tham gia các hoạt động chống lại tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em.

Phóng to
Ảnh: Reuters

LOMONG chạy để sinh tồn

Sinh năm 1985 tại Nam Sudan trong thời nội chiến, lúc 6 tuổi Lopez Lomong bị phiến quân bắt vào trại tập trung để huấn luyện và phải ăn kê trộn với cát. May mắn là vài tuần sau đó, Lomong đã cùng với hai đứa trẻ khác “vượt ngục” thành công và chạy bộ chân đất suốt ba ngày đêm để sang Kenya nương nhờ trại tị nạn. Tại đây, Lomong sống mười năm trong sự đói khát và thiếu thốn. Anh kể lại với BBC: “Chúng tôi chạy và chơi bóng để quên đi cái đói”.

Sau đó, Lomong sang Mỹ trong chương trình mang tên “Lost boys” (Những cậu bé mất tích), được một gia đình ở New York nhận nuôi và cho đi học. Tại Olympic London, Lomong thi đấu ở nội dung 5.000m. Ngoài ước mơ gặt hái thành công trên đường chạy, anh còn giúp quỹ từ thiện 4 South Sudan quyên góp tiền để cung cấp nước sạch, thực phẩm và thuốc cho cộng đồng Nam Sudan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận