Niềm vui đọc và sự sáng tạo của người giáo viên dạy văn

TIM KENNEDY 05/09/2017 20:09 GMT+7

TTCT- Tim Kennedy là cử nhân báo chí Đại học New York. Anh đã có hai năm làm tình nguyện viên, giảng dạy môn văn học cho tổ chức thiện nguyện uy tín Teach For America ở một trong những vùng nghèo khó nhất nước Mỹ. Anh kể lại trải nghiệm dạy văn và những khác biệt của việc tạo ra niềm vui cho trẻ nhỏ đọc sách trong bài viết riêng cho TTCT. Tít bài do tòa soạn đặt.

Việc đọc sách mở ra những chân trời mới, nhưng người hướng dẫn là cực kỳ quan trọng. -Ảnh: josephineelia.com
Việc đọc sách mở ra những chân trời mới, nhưng người hướng dẫn là cực kỳ quan trọng. -Ảnh: josephineelia.com

 Với nhiều học trò, ngày đầu tiên ở trường cấp III là một nỗi lo lớn. Sẽ ra sao nếu những đứa khác trong trường không thích mình? Sẽ ra sao nếu bài vở quá khó? Sẽ ra sao nếu điểm của mình quá thấp? Các bạn mình có biết không, cảm giác ấy là có qua có lại? Ngày đầu tiên ở trường cấp III cũng khiến không ít thầy cô lo lắng như thế.

Tình nguyện tới nơi nghèo nhất

Tôi không còn nhớ ngày đầu tiên của tôi ở trường cấp III khi còn đi học, nhưng tôi sẽ luôn nhớ ngày đầu tiên của tôi ở trường cấp III lúc làm thầy giáo.

Tôi mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, và rất hoảng hốt. Sẽ ra sao nếu học trò không thích tôi? Sẽ ra sao nếu bài vở quá khó - hay quá dễ? Sẽ ra sao nếu học trò của tôi không chịu học?

Phần lớn giáo viên mới đều có những ngờ vực như thế, nhưng trong tình thế của tôi, sự ngờ vực đó càng lớn. Tôi học ngành báo chí ở đại học, chứ không phải sư phạm.

Tôi định làm nghề viết lách sau khi tốt nghiệp, chứ không phải nghề giáo viên. Nhưng rồi vài tháng sau khi ra trường, tôi nghe nói tới quỹ phi lợi nhuận Teach For America, vốn chuyên chiêu mộ cử nhân đại học từ các trường hàng đầu ở Mỹ xung phong dạy học khoảng hai năm ở một số ngôi trường có thành tích kém nhất trong nước.

Chương trình này đòi hỏi rất ngặt nghèo, chỉ khoảng 10% người nộp đơn được nhận.

Nhiều bạn bè của tôi đã xin tham gia Teach For America, nên tôi cũng làm thế, nghĩ rằng mình sẽ không được nhận.

Nhưng vài tháng sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố New York, tôi được nhận và gói ghém hành lý lên đường, cách nơi mình ở 1.000 dặm (1.600km) để bắt đầu nghề nghiệp mới của tôi: giáo viên dạy văn học.

Tôi dạy ở Trường trung học Lee, nằm tại một thị trấn rất nhỏ tên là Marianna thuộc bang Arkansas. Ở Mỹ, các trường công chủ yếu vận hành bằng tiền thuế địa phương, chứ không phải ngân quỹ liên bang.

Điều đó đồng nghĩa các trường ở những vùng giàu có có nhiều tiền và chất lượng cao, trong khi các trường ở những khu nghèo thì rất vất vả. Arkansas là một trong những bang nghèo nhất nước Mỹ, và Marianna là một trong những thị trấn nghèo nhất bang.

Một thách thức từ chuyện đọc

Đấy là lý do tại sao tôi lo lắng thế trong ngày đầu tiên đi dạy. Tôi biết nhiều học trò của mình, từ 12 tới 16 tuổi, thậm chí chưa thể đọc thông thạo - điều tôi có nhiệm vụ phải thay đổi.

Trong những tuần đầu lên lớp, tôi cho mỗi học trò một bài kiểm tra thử học lực nhằm tìm hiểu khả năng đọc hiểu của các em.

Kết quả thật đáng lo. Trung bình, học trò của tôi kém hơn mức bình thường ở Mỹ khoảng hai năm. Một học trò 16 tuổi của tôi chỉ đọc hiểu ở trình độ của một em 14 tuổi. Học trò 12 tuổi thì đọc như một em 10 tuổi.

Tất nhiên, một số học trò cũng ở mức trên trung bình. Nhưng một số dưới mức trung bình quá xa. Một số học trò có kết quả quá thấp tới mức bài trắc nghiệm không hề kiểm tra được khả năng đọc hiểu của chúng.

Trong vài tháng đầu của năm học, tôi rất vất vả. Tôi bắt đầu với việc dạy truyện ngắn và các bài trên báo chí: truyện ngắn A Good Man Is Hard to Find (Người tử tế thật khó tìm) của Flannery O’Connor, The Tell-Tale Heart (Trái tim kể tội) của Edgar Allan Poe, The Lottery (Xổ số) của Shirley Jackson.

Có vẻ như dù tôi có chọn tài liệu nào cho các em đọc, một số học trò vẫn thấy quá dễ trong khi những đứa khác lại thấy quá khó.

Cố tìm ra những truyện hợp cho cả 100 học trò hoàn toàn khác nhau về khả năng đọc là một thách thức vô tận, và tôi không có thời gian để viết giáo án với từng cấp độ đọc khác nhau cho mỗi trình độ học trò.

Một thách thức còn lớn hơn là làm sao để học trò đọc sách lúc không lên lớp. Mỗi tiết học ở trường tôi vào khoảng 45 phút. Dù chúng tôi dành phần lớn thời gian đó để đọc, cùng nhau hoặc từng em một, tôi biết học trò của mình cần đọc nhiều hơn để tăng các kỹ năng hiểu.

Hết lần này tới lần khác, tôi nói với các lớp của mình rằng đọc sách giống như thể thao hay một thú vui - sẽ mất nhiều giờ rèn luyện để “giỏi” việc đọc.

Nhưng ban đầu, có vẻ không nhiều học trò coi lời khuyên của tôi là nghiêm túc. Tôi bắt đầu lo lắng là mình sẽ chẳng thể tạo ra sự khác biệt gì và sự nghiệp giáo viên của tôi sẽ thất bại. Ngày đầu tiên ở trường đã qua từ lâu, nhưng tôi vẫn còn rất lo lắng.

Sau vài tháng đọc truyện ngắn, hiệu trưởng của tôi khuyến khích tôi dạy những tác phẩm lớn cho các lớp của tôi, chứ không chỉ truyện ngắn nữa.

Ở Mỹ, không có một danh sách văn học phải đọc cho cả nước. Mỗi bang được quyền tự thiết lập các tiêu chuẩn giáo dục phổ thông riêng, và thường những tiêu chuẩn đó chỉ liệt kê các kỹ năng mà học trò được chờ đợi sẽ làm chủ - chẳng hạn, hiểu các kỹ thuật văn học như tưởng tượng và biểu tượng - thay vì một danh sách các cuốn sách hay tác giả cần đọc.

Dẫu vậy, vẫn có một số tác giả được yêu thích nhất rất phổ biến: William Shakespeare, John Steinbeck, F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway. Tôi không chắc là học trò của mình đã sẵn sàng với việc đọc những vở kịch hay tiểu thuyết lớn, nhưng tôi vẫn quyết định thử xem sao.

Không dễ, nhưng tôi nhanh chóng tìm ra một chiến lược có thể giúp cho mọi trình độ học trò. Tôi chia học trò thành những nhóm nhỏ dựa trên kỹ năng đọc nói chung của các em.

Với những trò ở bậc cao nhất, tôi để các em tự đọc và tập trung vào những bài tập làm văn khó hơn, có tính chất trừu tượng hơn.

Lấy ví dụ, với các trò lớp 8 đang đọc Lord of the Flies (Chúa ruồi) của William Golding, cuốn tiểu thuyết về một nhóm trẻ nhỏ mắc kẹt trên một hòn đảo nhanh chóng rơi vào trạng thái đối đầu, tôi yêu cầu các em tìm hiểu về lòng tin đạo đức của từng nhân vật trong đó.

Và về việc các em nghĩ mình sẽ phản ứng ra sao nếu ở trong cảnh huống tương tự. Trong khi đó, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn làm việc trực tiếp với những học trò có trình độ đọc hiểu thấp nhất, những trò cần rất nhiều sự hỗ trợ để hiểu được từ vựng và ngữ pháp.

Qua thời gian, tôi cũng học được cách làm cho học trò của mình thích thú với việc đọc những câu chuyện lấy bối cảnh ở những nơi rất xa xôi so với Marianna, Arkansas.

Marianna chỉ có khoảng 4.000 dân. Không có rạp phim hay nhà bảo tàng nào trong thị trấn. Thành phố lớn gần nhất, Memphis, cách đó hơn một giờ lái xe. Một số học trò của tôi thậm chí chưa bao giờ đến đấy.

Gieo mầm cho trí tưởng tượng

Để học trò biết tưởng tượng đòi hỏi sự sáng tạo từ người giáo viên. Trước khi đọc Travels with Charley (Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ), một hồi ký của John Steinbeck về việc lái xe đi qua nước Mỹ với chú chó của ông, tôi đã làm một “hộ chiếu” bằng giấy cho mỗi học trò.

Với mỗi bang mới mà Steinbeck đi qua và kể trong cuốn sách, học trò được yêu cầu thiết kế một “dấu mộc” cho hộ chiếu của các em.

Trước khi đọc Julius Caesar của Shakespeare, tôi cho học trò viết và diễn thử một vở kịch nhại ngắn về lòng đố kỵ và sự phản bội.

Vở kịch phải đạt tới cao trào với dòng thoại nổi tiếng, “Et tu, ___?” (tiếng Latin, trong nguyên bản là “Et tu, Brute?”, nghĩa là “Cả anh nữa sao, Brute?”. Đây là câu Ceasar nói khi bị người bạn trung thành của ông, Brute đâm từ sau lưng trong âm mưu ám sát ông).

Vở kịch ngắn mà tôi thích nhất là khi một học trò phát hiện ra bạn gái cậu còn yêu cả những anh chàng khác sau lưng cậu, bao gồm học trò người gốc Việt duy nhất trong lớp của tôi, Quoc: “Et tu, Quoc?”.

Thật đáng ngạc nhiên, việc đọc tiểu thuyết trong lớp giúp tôi dễ thuyết phục học trò của mình đọc ở nhà hơn.

Tôi bắt đầu hiểu những loại truyện gì mà học trò của tôi thích nhất, và vì tôi là một người đọc nhiều, tôi đã có thể khuyên cho từng em những cuốn sách cụ thể.

Tôi cho một trò thích tiểu thuyết khoa học mượn cuốn Slaughterhouse-Five (Lò sát sinh số Năm) của Kurt Vonnegut. Tôi cho một trò khác thích chuyện chiến tranh cuốn The Things They Carried (Những thứ họ mang) của Tim O’Brien. Đó đều là sách của tôi.

Tôi không muốn kể như thể tôi là một người cứu tinh. Vào cuối hai năm giảng dạy của mình, nhiều học trò mà tôi đã dạy vẫn còn đọc ở mức dưới trung bình. Nhưng chỉ trừ vài ngoại lệ, mọi học trò đều đã tiến bộ rất đáng kể.

Tôi luôn nhắc các em là không sao nếu các em vất vả khi đọc, phạm sai lầm, hay cần được giúp đỡ. Điều quan trọng nhất là các em tiến bộ.

Chừng nào các em còn có thể đọc và hiểu một chút mỗi ngày, thì các em sẽ còn tiến bộ hơn. Không ai trở thành chuyên gia bất cứ chuyện gì, nhất là việc đọc sách, chỉ sau một đêm.

Một học trò mà giờ tôi vẫn còn thường xuyên nghĩ tới là Tiesha. Em là một học trò cá biệt hay quát tháo và bật khóc trong lớp.

Sau này tôi biết em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn và đã chuyển nhiều trường. Em vất vả với việc đọc ngay cả những thứ đơn giản.

Nhưng tới cuối năm học, tôi đã bắt đầu đọc cuốn Of Mice and Men (Của chuột và người) của John Steinbeck với lớp Tiesha - và em rất thích cuốn sách.

Lần đầu tiên trong năm học đó, em tới lớp sớm và hỏi tôi phải chăng chúng tôi “hôm nay sẽ đọc The Mice and the Men”. Khi tôi nói phải, em mỉm cười, rồi cười lớn, lần nào cũng thế. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng em cười trong cả năm học.

Giờ tôi không biết Tiesha đâu. Nhưng tôi biết rằng ngay cả những em có điểm cao nhất ở Marianna cũng thường vất vả khi lên học đại học và hơn nữa.

Nhiều học trò ở những vùng nghèo khó ở Mỹ, như nhiều nước khác, đối mặt với những trở ngại mà các trẻ cùng trang lứa ở những nơi giàu có hơn không bao giờ biết.

Điều đó khiến tôi lo lắng. Nhưng trong vài tuần lễ ở lớp học đó, nhờ vào một cuốn sách đã viết 80 năm trước, tôi biết rằng Tiesha đã có thể trải nghiệm niềm vui đọc, có thể là lần đầu tiên trong đời. Điều đó mang đến hi vọng cho tôi.■

Hải Minh (chuyển ngữ)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận