Nội các Obama: Có chuyện đặc quyền, đặc lợi?

MẠNH KIM 20/02/2009 02:02 GMT+7

TTCT - Ngồi ghế tổng thống chưa bao lâu (gần một tháng) và được kỳ vọng có khả năng xoay chuyển tình thế lao đao đang đè nặng nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama giờ đây bắt đầu được “nhìn ngắm” lại khi ông bộc lộ “những sai lầm thành thật” (cách nói của ông) trong việc chọn ban bệ nội các.

Phóng to

Các chính khách này đều có vấn đề về “đạo đức tài chính”: từ Tom Daschle (ghế bộ trưởng dịch vụ cộng đồng và y tế)...

Điều này không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi rằng liệu ông có đi vào vết xe cũ của người tiền nhiệm George W. Bush, khi tạo một guồng máy gồm những người mình từng ơn nghĩa trong chiến dịch tranh cử; rằng vấn đề các nhóm lợi ích tái hiện trong hệ thống chính trị Mỹ; và rằng “chủ nghĩa bè phái” lại xuất hiện? Cả thống đốc New Mexico Bill Richardson (được ông Obama chỉ định ghế bộ trưởng thương mại) và cựu thượng nghị sĩ Tom Daschle (ghế bộ trưởng dịch vụ cộng đồng và y tế) đều phải rút lui khi bị phanh phui nhiều bê bối tài chính cá nhân.

Tân Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner cũng gặp rắc rối liên quan thuế. Còn phải kể đến Nancy Killefer, người được bổ nhiệm chức “tổng quản điều hành Hoa Kỳ” (US chief performance officer - vị trí mới thành lập ngang quyền bộ trưởng, với nhiệm vụ giúp tổng thống kiểm soát các khoản chi tiêu sai phạm), cũng phải rút lui khi bị phanh phui không đóng thuế cho người giúp việc nhà!

Và mới đây, thượng tuần tháng 2-2009, thượng viện đã phải hoãn lại việc chuẩn y ghế bộ trưởng lao động cho dân biểu Hilda L. Solis sau khi có tin bà nghị này cũng không thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế. Trong bối cảnh sự “vô trách nhiệm” khiến “làm ô nhục” và nước Mỹ cần một sự “kỷ cương” mới (tất cả đều là từ dùng của ông Obama), những trường hợp “sai lầm” trong việc chọn người của ông Obama đã gây phản ứng tiêu cực dưới mắt cử tri Mỹ, bởi sự mẫu mực ở bộ sậu lãnh đạo mới mà họ trông chờ đã không thể hiện.

Khó có thể nói Tổng thống Barack Obama không biết rõ lý lịch những người ông thiết kế vào nội các mới, khi báo chí Mỹ liên tục phanh phui hàng tá tư liệu về sự nghiệp của họ. Thống đốc New Mexico Bill Richardson chẳng hạn (nhân vật từng tai tiếng khi cáo buộc sai tội gián điệp của khoa học gia Mỹ gốc Hoa Lý Văn Hòa, hồi ông ngồi ghế bộ trưởng năng lượng trong nội các Bill Clinton). New York Times (5-1-2009) cho biết FBI đang điều tra Công ty CDR Financial Products Inc ở California về việc họ từng được trao hai hợp đồng trị giá khoảng 1,4 triệu USD vào năm 2004, để cố vấn chính quyền bang New Mexico tung trái phiếu gây quỹ xây cơ sở hạ tầng. Chủ tịch công ty David Rubin từng đóng góp khoảng 100.000 USD cho hai ủy ban chính trị do Richardson quản lý cũng như 10.000 USD cho chiến dịch tái tranh cử của cá nhân Richardson năm 2005. Khi ngồi ghế lãnh đạo một bang mà đã lợi dụng quyền lực để đền đáp chuyện ơn nghĩa cá nhân, liệu Richardson khi ngồi ghế bộ trưởng có ai dám chắc điều đó lại không xảy ra?

Với Tom Daschle (từng lãnh đạo phe đa số thượng viện), bóng dáng của “truyền thống” chính trị đặc quyền dẫn đến đặc lợi cũng hiện diện. Sau khi rời chính trường năm 2004, Daschle làm việc cho công ty luật chuyên vận động hành lang Alston & Bird (do luật Mỹ cấm làm vận động hành lang trong một năm sau khi rời thượng viện, Daschle chỉ làm “cố vấn chính sách đặc biệt” cho công ty trên). Alston & Bird đã được trả 5,8 triệu USD từ tháng 1 đến tháng 9-2008 để đại diện cho các công ty, chủ yếu ngành y tế, cần được vận động trong quốc hội. Lương của Daschle trong Alston & Bird năm 2008 lên đến 2 triệu USD! ABC News cho biết Daschle từng “quên” đóng thuế khoản “phụ thu” 83.333 USD kiếm được với tư cách cố vấn cho InterMedia Partners năm 2007 (được nhân viên kế toán của Daschle tiết lộ tháng 12-2008) cũng như trốn thuế ở một số trường hợp khác...

Với Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner (thượng viện, với tỉ lệ thượng nghị sĩ Dân chủ áp đảo, cuối cùng đã chuẩn y sự bổ nhiệm vào cuối tháng 1-2009), tì vết của ông là “phi vụ” trốn thuế hồi làm chuyên viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...

Phóng to
... đến thống đốc New Mexico Bill Richardson (được ông Obama chỉ định ghế bộ trưởng thương mại)...

“Văn hóa” của chính trị ơn nghĩa?

Đã xảy ra chuyện “nghĩa tình anh em” trong chiến dịch tranh cử đối với việc bổ nhiệm thành viên nội các của ông Barack Obama chăng? Trong chiến dịch tranh cử, Tom Daschle, với tư cách đồng chủ tịch chiến dịch, là một trong những cố vấn đặc biệt của ông Obama. Theo tiết lộ của Ezra Klein trên chuyên san chính trị The American Prospect (11-12-2008), nhiều gương mặt trong bộ sậu vận động tranh cử trước kia của Daschle đã được “biệt phái” sang giúp ông Obama.

Cụ thể, giám đốc chính sách đối ngoại của ông Obama (trong chiến dịch tranh cử) - Denis McDonough - từng là cố vấn đối ngoại của Daschle. New York Times còn cho biết thêm từ tháng 6-2008, Daschle đã gợi ý ông Obama dành cho mình chiếc ghế bộ trưởng dịch vụ cộng đồng và y tế (rất “phù hợp” với nghề chuyên gia vận động hành lang lĩnh vực y tế của ông!).

Không phải đợi đến khi ông Obama công bố những nhân vật được bổ nhiệm báo chí Mỹ mới bàn đến vấn đề nhóm lợi ích và ảnh hưởng của nó. Trước khi ông Obama chính thức nhậm chức tổng thống, trên USA Today (9-11-2008), Fredreka Schouten đã viết rằng dù Barack Obama tuyên bố ông tránh tối đa việc để yếu tố “quyền lợi riêng” ảnh hưởng “sự nghiệp chung”, liên quan nguồn tài chính ủng hộ tranh cử có thể lọt vào và làm hoen ố thể diện Nhà Trắng, nhưng “6 trong 15 người mà ông (Obama) đưa vào nhóm phụ trách công tác chuyển giao quyền lực đều là những nhà gây quỹ hàng đầu”, chẳng hạn Julius Genachowski, nguyên giám đốc điều hành một hãng truyền thông và là bạn học cũ của Obama ở Harvard, người gây quỹ được hơn nửa triệu đôla cho chiến dịch vận động.

Ngay thời điểm đó, Craig Holman thuộc Tổ chức giám sát chính trị Public Citizen đã nhận định việc để những nhà gây quỹ tham gia thiết kế giai đoạn chuyển giao quyền lực, trong đó có vai trò cố vấn chọn thành viên nội các, sẽ dẫn đến việc nhiều gương mặt không xứng đáng có thể được đưa vào bộ máy chính phủ mới. Cần nhắc lại thời George W. Bush, 1/5 nhân vật tổ chức gây nguồn quỹ lớn đều được “trả ơn” bằng một vị trí chính phủ, từ chức vụ gì đó trong nội các đến một số vị trí khiêm tốn chẳng hạn có chân trong ban điều hành Ủy ban các tượng đài chiến tranh Hoa Kỳ! Còn nữa, 46 nhà tổ chức gây quỹ hàng đầu của ông Bush sau đó đã được “thưởng” vị trí đại sứ (từ Bahamas đến Bỉ)...

Không chỉ thành phần gây quỹ, trên New York Times (15-11-2008), David D. Kirkpatrick cho biết thêm có quá nhiều tay vận động hành lang chuyên nghiệp có mặt trong nhóm thiết kế bộ máy chuyển giao quyền lực của Barack Obama. Cụ thể, ở nhóm xem xét việc bổ nhiệm ghế giám đốc NASA, người ta thấy có Lori Garver, chủ tịch công ty tư vấn chiến lược Capital Space LLC... Chưa hết, Valerie Jarrett - người từng thuê luật sư trẻ Michelle Obama (vợ ông Obama) vào Tòa thị chính Chicago cách đây gần hai thập niên - cũng đã được nhớ đến và triệu vào Nhà Trắng với ba chức vụ (cố vấn cấp cao Nhà Trắng, trợ lý tổng thống về các vấn đề liên chính phủ và tùy viên quan hệ công chúng của tổng thống)...

Phóng to
... và Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner

Ngọn gió “thay đổi” còn chưa cập vào bờ

Trong gần hai năm thực hiện chiến dịch tranh cử, ông Obama luôn nhắc đến việc làm trong sạch bộ máy chính trị Washington, cấm cửa tuyệt đối giới vận động hành lang bén mảng Nhà Trắng, và mang lại cái mà ông nhắc trong diễn văn nhậm chức “một thời đại mới của trách nhiệm”. Ông hùng hồn chỉ trích “toàn bộ nền văn hóa Washington”, trong đó “giới lãnh đạo của chúng ta đã mở toang cửa quốc hội và Nhà Trắng cho một đạo quân vận động hành lang để họ vào, biến chính phủ chúng ta thành một trò chơi duy nhất mà họ có thể chơi”. Ông thề “đóng cánh cửa” và “dọn sạch cả hai đầu phố của đại lộ Pennsylvania” với “ngọn chổi cải cách đạo đức quét mạnh tay nhất lịch sử”...

Tiếc thay, điều đó vẫn chưa xảy ra và nó cho thấy thách thức về tính đạo đức chính trị ở bộ máy Obama lại được đặt ra với người dân Mỹ, sau tám năm họ đã ngán đến cổ “chủ nghĩa bè phái” dưới thời Bush. Tổng thống Obama đang khiến người Mỹ tự hỏi rằng liệu có phải rồi ông, cũng như người tiền nhiệm, sẽ lại “hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều”?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận