TTCT - Chính xác ra, đấy chẳng phải là chùa, đấy là ngôi đền thờ Thần Mặt Trời Surya của đạo Hindu. Hắc Tự. Chùa Đen kia rồi! Dòng người thập phương đến vùng Konark - Ảnh: Hồ Anh Thái Thời xưa, thủy thủ đi trên vịnh Bengal, không cần nhìn la bàn hoặc hải đăng mà vẫn biết đang tiến gần đến vùng Konark, bờ Đông Ấn Độ. Cái mốc mà họ nhằm tới là một công trình đồ sộ sừng sững trên bờ biển. Hắc Tự. Chùa Đen kia rồi! Dấu ấn thời gian Chính xác ra, đấy chẳng phải là chùa, đấy là ngôi đền thờ Thần Mặt Trời Surya của đạo Hindu. Tòa tháp chính cao 70m, về sau đã đổ. Hiện còn tòa tháp cao 40m, kiến trúc như hình cỗ xe lửa của Thần Mặt Trời. Vẫn còn đấy tượng bảy con ngựa kéo xe, tượng trưng cho bảy ngày trong tuần. Vẫn đấy 24 bánh xe tượng trưng cho 24 giờ của một ngày. Mỗi bánh xe có đường kính 3m, không chỉ là trang trí hoa văn kiểu truyền thống Orrisa, mà toàn bộ trục bánh xe cùng các nan hoa hợp thành một chiếc đồng hồ mặt trời. Người xưa dựa vào bóng nắng của các nan hoa mà xác định được các giờ trong ngày, thậm chí dựa vào bóng trăng để biết giờ trong đêm. Đền Mặt Trời được xây vào năm 1255 dưới triều hoàng đế Narasimhadev đệ nhất để kỷ niệm chiến thắng trước quân đội Hồi giáo. Nhưng sự lộng lẫy và hoành tráng của nó chỉ được ba thế kỷ, rồi bị các vị hoàng đế Hồi giáo Mughal đến tàn phá. Họ bóc dỡ hết vòm đồng trên nóc đền, khiến tòa tháp chính sụp đổ từng phần cho đến khi sập hoàn toàn năm 1869. Phần còn lại của ngôi đền bị lãng quên dưới nhiều tầng cát bụi và cây cối, mãi đến năm 1901 mới được khai quật và phục chế như hiện tại. Giống như nhiều đền thờ Hindu, trên toàn bộ bề mặt ngôi đền bao phủ những phù điêu miêu tả đời sống con người và thần thánh. Ngay ở mặt tiền đã có thể thấy những nhóm tượng nam nữ giao hoan. Một quan niệm của người Ấn Độ cổ: trước khi bước vào chính điện, chuyện sắc dục phải được bỏ lại ở bên ngoài. Nhưng cũng có quan điểm phản bác: chính các thần cũng được miêu tả trong cảnh giao hoan trên các bức tường ngoài. Lại có thuyết cho rằng Ngọc hoàng Indra là người phong tình, và các bức tường trang trí cảnh trai gái giao hoan sẽ khiến Indra nổi lòng bao dung mà không giáng sấm sét vào đấy. Shanti Stupa - bảo tháp Hòa Bình - Ảnh: Hồ Anh Thái Không dành cho người ngoại đạo Ở vùng này còn có đền Jagannath, ngôi đền thiêng bậc nhất của đạo Hindu, nhưng dù có đến đấy, người ngoại đạo cũng không được phép vào. Ở đền Jagannath, người hành hương xếp hàng dài nhiều cây số và chờ ít nhất nửa ngày trời mới vào được. Đang là mùa đông, nhiệt độ đêm và sáng là 14oC, nhưng lúc giữa trưa thế này là 28oC. Bảo vệ ở đền Jagannath đoán tôi là người Hàn, người Tàu, tức là ngoại đạo, không cho vào ngôi đền thờ Hindu khắc kỷ. Tôi sang thư viện Raghunandan gần đó, nghe nói du khách thường được cho phép lên nóc thư viện để ngắm sang khu đền. Nhưng hôm nay chủ nhật, thư viện đóng cửa. Tôi tìm được một cửa hàng vải lụa Kashmir trên tầng hai đối diện, không mua hàng mà vẫn được chủ hàng rộng lượng cho chĩa máy ảnh qua tường kính để chụp ngọn tháp đền ở bên kia. Có nhiều cách giải thích về hình ảnh giao hoan ở đền thờ Thần Mặt Trời - Ảnh: Hồ Anh Thái Đền Jagannath được xây năm 1198 để thờ một kiếp trần của Thần Bảo Vệ Vishnu. Ngọn tháp hình xoáy ốc cao 58m, trên đỉnh tháp có lá cờ và hình bánh xe pháp của thần Vishnu. Khu đền có biên chế 20.000 người sống bằng đồng lương công nhật của ban quản lý. Bếp ăn trong đền được coi là bếp to nhất thế giới với 400 đầu bếp. Chỉ riêng người phục vụ cho các hoạt động tế lễ đã là 6.000 người, hằng ngày họ phải tắm gội cho tượng, phục sức cho tượng, đeo tràng hoa và làm đủ các thủ tục thiêng cho hàng trăm pho tượng thần. Đền thờ Hindu nhìn chung rộng mở cho người của tất cả các tôn giáo, không phân biệt. Nhưng cũng có những ngôi đền thuộc giáo phái khắc kỷ như đền Jagannath này. Thực tế là sự ngăn cấm người ngoại đạo cũng giảm bớt nhiệt tình của du khách nước ngoài. Họ chỉ còn biết đến đây để ngắm ngôi đền từ bên ngoài, để cảm nhận sự sùng đạo nhiệt thành, rồi chọn bãi biển Puri ngay cạnh đó để giải khuây. Hằng năm vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7, tức là tháng nóng nhất, nhiệt độ ngoài trời trên 40oC, ở đây diễn ra lễ hội Rath Yatra, vận chuyển xa giá của thần từ đền Jagannath sang đền Gundicha trong cùng thành phố. Một đám rước gần triệu người rùng rùng bám theo. Cỗ xe bằng gỗ cao 14m, 16 bánh xe, mỗi bánh xe đường kính 2m. Cỗ xe thiêng nặng hàng tấn, lăn rầm rập qua phố phường, bánh xe nghiến lún đường như vậy mà ngày xưa người tử vì đạo nước mắt chan hòa, lao thẳng thân mình vào dưới những bánh xe, người cuồng nhiệt coi như vậy là tinh thần được siêu thoát lên thiên đường hầu hạ thần Vishnu. Sau này người Anh đến cai trị, cho đấy là hủ tục và dùng luật pháp để cấm. Chỉ dụ của hoàng đế Ashoka về hòa bình, khoan dung ở ngay chỗ này - Ảnh: Hồ Anh Thái Thông điệp hòa bình Bang Odisha, trước năm 2011 mang tên Orrisa, thuở xưa vốn là lãnh địa của vương quốc Kalinga. Đấy là một vương quốc của những truyền thuyết bi thảm. Tín đồ Phật giáo chắc luôn nhớ tên hoàng đế Ashoka (A Dục), người thống nhất được toàn cõi Ấn Độ ở thế kỷ 3 trước Công nguyên, và có công truyền bá đạo Phật ra nước ngoài. Trước đó, Ashoka đã phải tiêu diệt anh em ruột của mình để giành ngai vàng, rồi gây ra cuộc chiến hủy diệt vương quốc Kalinga, thây người làm nghẽn dòng sông bao quanh kinh thành. Ashoka sám hối và cải sang đạo Phật, gửi con trai và con gái mang nhánh cây bồ đề của Phật sang trồng ở những nước láng giềng như Sri Lanka. Ngài còn cho xây rất nhiều chùa chiền trên xứ Ấn, cho khắc nhiều bia đá ghi nhớ những nơi chốn liên quan đến đời Phật và các thánh địa Phật giáo. Thủ phủ Bhubaneswar còn bảo tồn được một tấm bia đá được vua Ashoka cho dựng vào năm 260 trước Công nguyên. Sườn tảng đá khắc chữ Ấn cổ là chỉ dụ của vua Ashoka, khuyến dụ dân xứ Kalinga về hòa bình, khoan dung, ưu đãi chế độ thuế cho người dân ở nơi từng là chiến địa đẫm máu. Cỗ xe Thần Mặt Trời - Ảnh: Hồ Anh Thái Ở ngọn đồi bên cạnh là ngôi bảo tháp do người Nhật xây vào năm 1972. Tháp gọi là Shanti Stupa, bảo tháp Hòa Bình, trắng toát trên đỉnh đồi, hình trụ, trên đỉnh là vòm tròn. Bốn phía bảo tháp là tượng Phật, và bao tròn quanh tháp là nhiều phù điêu kể chuyện đời Phật. Phật giáo ra đời ở Ấn Độ hơn 2.500 năm trước. Dưới thời hoàng đế Ashoka ở thế kỷ 3 trước dương lịch, tôn giáo chủ trương phi bạo lực và không sát sinh đã được truyền bá khắp xứ Ấn, rồi trở thành tôn giáo quốc tế. Ảnh hưởng Phật giáo còn in đậm trong nhiều lĩnh vực, trong nếp tôn trọng sự sống muôn loài, không sát sinh, thể hiện qua việc chính đa số người Hindu cũng thực hành ăn chay. Cũng còn thể hiện ở chỗ, nơi những bánh xe của cỗ xa giá thần thánh Hindu rầm rập nghiến lún mặt đường thì vẫn tồn tại trên đỉnh đồi những khuyến dụ ôn hòa của vua Ashoka xưa, cùng ngọn tháp Hòa Bình mang thông điệp từ bi luôn hướng xuống thành phố. Đền thờ Thần Mặt Trời - Ảnh: Hồ Anh Thái Tags: Ấn ĐộHỒ ANH THÁIDu lịch Ấn ĐộĐạo HinduĐền thờ đạo HinduĐền thờ Thần Mặt Trời
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".