Nước Anh: Giữa thủ tướng và nhà quân chủ

DANH ĐỨC 17/09/2022 13:03 GMT+7

TTCT - Tân Thủ tướng Anh Liz Truss, nhậm chức hôm 6-9, thì hai ngày sau, 8-9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời.

Nước Anh: Giữa thủ tướng và nhà quân chủ - Ảnh 1.

Elizabeth II triệu kiến và tấn phong nội các tổng lý đại thần Liz Truss ở Balmoral, ngay trước khi bà qua đời. Ảnh: Reuters

Lịch sử nước Anh tuần rồi quả là dồn dập. Một sự thay đổi thủ tướng trong tình huống bắt buộc không bao giờ là tốt lành, nhất là khi Vương quốc Anh đang đối mặt những thách thức chưa từng thấy, từ năng lượng đến giá cả, an ninh…

Gầy dựng lại một nước Anh hiện đại

Bà Truss mới lên cầm quyền hôm 6-9 sau khi được Đảng Bảo thủ bầu làm chủ tịch đảng một ngày trước, thay thế ông Johnson, người phải tuyên bố từ chức vào tháng 7 sau tai tiếng vì những buổi ăn nhậu trong khuôn viên phủ thủ tướng giữa đại dịch năm ngoái.

Tân thủ tướng đã tiếp xúc với công dân Anh ngay sau khi nhậm chức bằng một mẩu tweet ngắn gọn song lọn nghĩa: "Với tư cách là thủ tướng của quý vị, tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau vượt qua dông bão, xây dựng lại nền kinh tế và trở thành một nước Anh hiện đại, rực rỡ mà tôi biết chúng ta có thể trở thành. Tôi sẽ hành động mỗi ngày để biến điều đó thành hiện thực". 

Chỉ cần 40 từ, không một chữ thừa, để tự giới thiệu, "cầm trịch", hứa hẹn và cam kết, bà Truss có vẻ biết rõ bà muốn gì, 67,5 triệu dân Anh muốn gì, phải làm gì và phải hứa như thế nào.

Một nhà cầm quyền đúng nghĩa nhất thiết phải tỉnh táo để biết đất nước đang như thế nào trong hiện tại, thịnh suy ra sao, bằng các bảng biểu thống kê chính xác và cập nhật đã đành, mà còn bằng cả cảm nhận những "đau đáu" của dân chúng trong thời gian thực. 

Ở Anh, cái táp-lô thống kê đó được công bố trên website của chính phủ mỗi hai tuần, dựa trên số liệu chính thức "được thu thập khách quan và không chịu mọi tác động chính trị - văn phòng chính phủ cam đoan là như vậy".

Với nhịp độ cập nhật hai tuần một lần, chính phủ may ra mới không bị trễ so với thực tế, mới đủ dữ kiện để lượng hóa và so sánh tình hình. Táp-lô kinh tế ngày 8-9 cho thấy lạm phát giá đầu vào và giá năng lượng vẫn là hai mối quan tâm chính với các doanh nghiệp Anh, ở mức 26% và 22%. 

Cụ thể, vào cuối tháng 8-2022 ở Anh, cứ 5 doanh nghiệp có 10 nhân viên trở lên (chính xác là 21%), thì 1 cho biết họ mua điện theo mức giá thay đổi - tức giá lên hay xuống theo thị trường, chỉ 10% cho biết có hợp đồng giá điện cố định sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2022. Với khí đốt, tỉ lệ này tương ứng là 16% và 6%.

Quan ngại không kém là cũng trong tháng 8-2022, 21% doanh nghiệp có từ 10 nhân viên trở lên cho biết đã bị gián đoạn chuỗi cung ứng trên diện rộng bắt đầu từ tháng 3-2022; và 36% doanh nghiệp có từ 10 nhân viên trở lên gặp tình trạng thiếu nhân công… Bà Truss sẽ phải nhìn vào các con số đó mà hứa hẹn và hành động theo.

Thế còn chuyện "gầy dựng lại một nước Anh hiện đại" là sao? Mỗi nước, tùy trình độ phát triển mà định nghĩa hiện đại là gì. Như Việt Nam đang ở trình độ "khởi động" hay "thu nhập trung bình thấp", thì hiện đại là công nghiệp hóa, cao tốc hóa, đô thị hóa, cao tầng hóa… 

Nước Anh thì qua khỏi cái giai đoạn đầy "ám ảnh" đó đã lâu. Họ bắt đầu công nghiệp hóa từ thời Karl Marx, như quan sát của ông vào nửa sau thế kỷ 19 dẫn tới tác phẩm kinh điển Tư bản luận. Vì lẽ đó, nước Anh và bà Truss có những ưu tiên khác.

Tân thủ tướng giải thích: "Điều làm cho Vương quốc Anh trở nên vĩ đại là niềm tin cơ bản của chúng ta vào tự do, tinh thần khởi nghiệp và công lý. Người dân chúng ta đã thể hiện sự gan dạ, dũng cảm và quyết tâm hết lần này đến lần khác. 

Giờ đây, chúng ta đang phải đối mặt với những sóng gió toàn cầu nghiêm trọng do cuộc chiến kinh hoàng của Nga ở Ukraine và hậu quả của COVID. Bây giờ là lúc để giải quyết các vấn đề đang kìm hãm nước Anh".

Nhận quyền từ tay Nữ hoàng

Trên Facebook chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II ngày 6-9, lúc 20h32 có tin: "Chiều nay, Nữ hoàng đã tiếp Nghị sĩ Elizabeth Truss tôn quý và yêu cầu bà thành lập một chính quyền mới. 

Bà Truss đã chấp nhận đề nghị của Nữ hoàng và hôn tay ngài khi được bổ nhiệm làm thủ tướng và đệ nhất ngân khố đại thần [một tước vị hoàng gia, trên danh nghĩa thì mọi quan chức Chính phủ Anh đều là bầy tôi của Nữ hoàng - Bộ trưởng Tài chính Anh là đệ nhị ngân khố đại thần]", kèm bức ảnh chụp Nữ hoàng tươi cười đứng chào đón bà Truss.

Đây là nghi thức bắt buộc với một tân thủ tướng, thường diễn ra ở Điện Buckingham, song lần này là tại Balmoral, cao nguyên Scotland, nơi Nữ hoàng đang nghỉ hè và lưu lại do sức khỏe. Trong bức ảnh, Nữ hoàng Elizabeth có vẻ vẫn còn khỏe, đứng thẳng, minh mẫn so với tuổi 96, chìa tay ra cho bà Truss bắt, đúng mực bề trên. Chiều hôm sau thì bà thở hơi cuối cùng.

Có thể xem đây là hành động cuối cùng vào giờ chót của nữ hoàng trong vai trò quốc trưởng. Trong một góc nhìn đẳng thời (sychrony), ở năm thứ 22 của thế kỷ 21 này, hoàng gia, vua chúa, thần tử… là chuyện đã cổ lỗ sĩ. Song, trong góc nhìn liên thời (diachrony), thì lịch sử là sự tiếp diễn tuần tự, và chế độ quân chủ đại nghị còn tồn tại được là có lý do của nó.

Nước Anh hiểu chuyện này hơn ai hết, vì họ cũng đã trải qua không ít cuộc cách mạng, không ít lần đầu rơi máu đổ. Họ có lẽ cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới biết đến một cách thức ra quyết định cho quốc gia và quản trị nhà nước không dựa trên ý chí độc tôn của một ông hoàng bà chúa nào hết. 

Ngày 15-6-1215, các lãnh chúa Anh, sau một cuộc nội chiến, đã buộc được vua Anh bấy giờ John công nhận Đại hiến chương (Magna Carta), theo đó các nhà quân chủ Anh sẽ phải chính thức chấp nhận hạn chế đặc quyền của họ và chia sẻ quyền lực với giới quý tộc phân phong. Magna Carta sau này được coi như hiến pháp tiên khởi của nước Anh.

Nhưng như mọi nền quân chủ từng biết, các ông vua đều có quyền hành rất lớn và không ít người tất yếu trở nên độc đoán và tàn bạo, lên tới đỉnh điểm là vụ Charles I bị phe nghị viện xử tử vào năm 1649. 

Nhưng rồi sau quá nhiều rối ren, nước Anh đã tái lập nền quân chủ chỉ 11 năm sau với con trai của Charles I, Charles II. Vua Charles II chính là người vào năm 1679 đã đồng ý thông qua đạo luật quy định nhà nước không được giam giữ người nếu không có lý do chính đáng "Habeas corpus", tức "quyền bảo thân" mà tới tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị ở hầu hết các quốc gia pháp trị. Mở ngoặc đơn: Thái tử Charles vừa lên ngôi vua với vương hiệu Charles III, là tiếp nối ông này.

Trong suốt quãng thời gian 350 năm từ Charles II tới Charles III đó, Quốc hội Anh khi thăng khi trầm, song luôn có vai trò quyết định và ngày càng mở rộng cho nhiều dân chúng hơn tham gia, qua đó tự rèn giũa tính đại nghị, tính lập pháp và tính pháp trị. 

Năm 1689 là một bước tiến lớn nữa: Bill of Rights (đạo luật về các quyền hợp pháp) được ban bố, phân định quyền lực rất hạn chế cho nhà quân chủ và trao quyền lớn hơn nhiều cho Quốc hội. Cuộc cách mạng không đổ một giọt máu đó diễn ra đúng một thế kỷ trước cuộc Cách mạng Pháp "gió tanh mưa máu".

Chế độ quân chủ đại nghị ra đời và hoạt động trơn tru từ đó. Quốc hội được bầu lên một cách tự do, bỏ phiếu thông qua các đạo luật, công dân được bảo vệ, tự do cá nhân được bảo đảm. Nhà quân chủ trị vì như một khuôn thước bắt buộc, và cả một lời nhắc nhở về sự nhân nhượng cần thiết để cách mạng có thể diễn ra trong hòa bình.

Tất nhiên, Elizabeth II trị vì ở một bối cảnh và thời đại đã khác. 70 năm của bà là một giai đoạn lịch sử đầy biến cố với nước Anh: từ đế quốc Anh thành Cộng đồng Thịnh vượng chung.

Lịch sử cứ thế tuần tự nhi tiến và trong trương độ ngàn năm, trăm năm của lịch sử, mỗi định chế có giá trị trong khung cảnh và điều kiện cụ thể của nó. 

Một hội đồng bộ lạc, một vị già làng, một nhà quân chủ, một nghị viện hay một ông tổng thống dân cử… đều khác nhau, nhưng để đánh giá tính phù hợp của một định chế thì vẫn có một số câu hỏi cơ bản, như một "phép thử giấy quỳ": 

(1) Quốc gia có mất mát gì không? 

(2) Xã hội có tương đối công bằng hay hướng tới công bằng không? 

(3) Quyền lực ở trong tay một người hay qua các định chế đại diện? 

(4) Chi tiêu thuế khóa ra sao, phân bổ vào những gì, ai kiểm soát? 

(5) Dân chúng, người đóng thuế, có được tạo điều kiện sống xứng với tiền thuế không? 

Nếu căn vào đó thì quý vị có thể tự xét đoán xem chế độ quân chủ đại nghị Anh có làm được phần việc của nó hay không.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận