Nước muốn mạnh, nền thể thao phải mạnh

HUY ĐĂNG 05/09/2022 06:41 GMT+7

TTCT - Para Games, kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á dành cho người khuyết tật luôn đi cặp với SEA Games, đã không diễn ra đúng như thông lệ ở lần tổ chức thứ 11. Thay vì do Việt Nam tổ chức, Para Games 2022 lại diễn ra ở thành phố Surakarta, Indonesia.

Nước muốn mạnh, nền thể thao phải mạnh - Ảnh 1.

Sân Gelora Bung Karno, Indonesia, vào một ngày kín khán giả. Ảnh: Stadium Guide

Đây là lần thứ 2 trong lịch sử, Việt Nam phải nhờ Indonesia đăng cai thay một kỳ đại hội thể thao. Lần đầu tiên là Asiad 2018, khi chủ nhà Hà Nội từ bỏ quyền đăng cai, rồi được Jakarta "cứu thua".

Dù không phải là một kỳ Asiad hoàn hảo, nhưng nỗ lực đăng cai một kỳ Á vận hội với thời gian chuẩn bị khá ngắn của Indonesia rất được các nước châu Á tán dương. Indonesia năm đó huy động đến 80 địa điểm thi đấu, trải dài 3 vùng lãnh thổ (Jakarta, Palembang và các thành phố Tây Java) để tổ chức Asiad.

Khu phức hợp thể thao Gelora Bung Karno của họ được đánh giá là địa điểm thể thao tầm cỡ châu lục, với sân vận động bóng đá - điền kinh có sức chứa hơn 77.000 người, cùng khoảng trên dưới 10 nhà thi đấu sức chứa 2.000-7.000 người cho từng môn thể thao khác. 

Các sân bóng ở Palembang và nhiều thành phố Tây Java cũng đều được đánh giá cao về khả năng tổ chức sự kiện lớn. Nói chung, ấn tượng tốt nhất Indonesia tạo ra trong lần tổ chức Asiad năm đó nằm ở cơ sở hạ tầng.

Đến kỳ Para Games năm nay, Indonesia một lần nữa ghi điểm về khả năng tổ chức. Không giống như SEA Games, giá trị của Para Games không ở số đông người quan tâm. Việc Indonesia "cứu" Para Games cho thấy khả năng tổ chức cũng như độ phủ kín của các sân bãi thể thao ở xứ sở vạn đảo. 

Surakarta, nơi đăng cai Para Games năm nay, chỉ là một thành phố nhỏ ở Indonesia (xếp thứ 27 về dân số, chỉ hơn nửa triệu người). Dù vậy, ở đó vẫn có khu phức hợp thể thao Manahan khá lớn, với một sân bóng hơn 20.000 chỗ cùng địa điểm thi đấu cho hơn 10 môn thể thao khác nhau.

Không chỉ có các giải đấu, sự kiện thể thao khu vực, Indonesia thời gian gần đây còn được chọn làm nơi đăng cai World Cup U20 2023. Các địa điểm tổ chức sẽ trải rộng trên 6 thành phố, 3 hòn đảo khác nhau. Ở mỗi nơi, Indonesia đều có những sân vận động chuẩn quốc tế.

Quốc gia xứ vạn đảo có đến 20 sân vận động sức chứa trên 30.000 người, đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sân vận động lớn (Việt Nam chỉ có 5 sân). Trong số này chỉ 2 sân nằm ở thủ đô Jakarta. Các sân bóng còn lại trải khắp cả nước Indonesia, với mật độ 1 sân/thành phố lớn như Palaran (Samarinda), Gelora Bung Tomo (Surabaya), Harapan Bangsa (Banda Aceh), Riau Main (Pekanbaru)...

Xếp ngay sau Indonesia về số lượng sân vận động lớn là Malaysia, với 14 sân bóng đá có sức chứa hơn 30.000 chỗ ngồi, gồm 2 ở thủ đô Kuala Lumpur. Cũng như Indonesia, Malaysia từ lâu đã đưa ra quan điểm về việc phải phát triển cơ sở vật chất thể thao rộng khắp cả nước.

Theo khảo sát của ĐH Malaya, Malaysia đã tăng gấp đôi số lượng công trình thể thao giai đoạn 1995-2010. Đây được xem là một phần quan trọng trong quá trình phát triển đô thị Malaysia những năm đầu thế kỷ 21. 

Cũng giai đoạn này, khảo sát của Bộ Y tế Malaysia cho thấy chỉ khoảng 30% người dân tập luyện TDTT thường xuyên. Việc xây dựng cơ sở vật chất thể thao vì vậy được chính phủ gắn chặt với nhu cầu của người dân, chứ không chỉ hướng về việc tổ chức các sự kiện hay giải đấu lớn.

So với Malaysia và Indonesia, Thái Lan tuy không có quá nhiều sân bóng đá lớn, nhưng lại vượt trội về các địa điểm thi đấu thể thao đa dạng, đặc biệt là bóng chuyền, cầu lông, boxing, muay Thái...

Từ nhiều thập niên trước, Thái Lan đã tiên phong trong xã hội hóa các liên đoàn thể thao, tạo điều kiện để doanh nghiệp tài trợ, xây dựng sân vận động tối tân cho từng môn thể thao riêng biệt. 

Nhờ điều kiện cơ sở vật chất hùng hậu, Thái Lan trở thành quốc gia từng 2 lần "cứu" Asiad. Ở Asiad 1970, Hàn Quốc bỏ cuộc vì vấn đề tài chính và xung đột với Triều Tiên, phải nhờ đến Thái Lan đăng cai giúp. 8 năm sau là trường hợp gần tương tự với Singapore.

Xây dựng nhiều sân vận động, nhà thi đấu cũng là con dao 2 lưỡi. Ở nhiều quốc gia, đây là bài toán gây tranh cãi bởi có thể dẫn đến sự hoang phí. Nhưng người Thái lại không phải lo về chuyện này, bởi từ lâu họ đã tính toán để tránh sự lãng phí.

Ông Arj Kosinkar, cựu tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Thái Lan và là nhà cải cách quan trọng với Thai League, cho biết từ những năm 2000, các CLB Thái Lan đã làm việc với chính phủ và nêu quan điểm không nên xây sân vận động quá lớn để tận dụng tối đa các khán đài, tạo cảm giác kín sân, đông đúc khán giả... Thay vào đó, họ tập trung vào các tiện nghi khác như chất lượng ghế ngồi, đèn chiếu, các phòng giải trí...

Kết quả là người Thái có một nền kinh tế thể thao cực kỳ vững vàng. Trước khi đại dịch xuất hiện, doanh thu thể thao của Thái Lan (bao gồm mảng du lịch và bán lẻ) lên đến 6,37 tỉ USD. Các nhà thi đấu và sân vận động Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong việc "moi tiền" du khách. Từ Bangkok cho đến Phuket, Chiang Mai, Thái Lan đều có những nhà thi đấu boxing - muay Thái để làm điểm dừng chân quan trọng cho khách du lịch.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận