TTCT - Đừng sợ hãi, dù vì nó mà người ta sống, chết... (*) Minh họa: Vũ Đình Giang 1. Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai. 2. Nhà chức trách nói rằng họ đang tìm sự thật nhưng có thể chồng Sáo đã lẻn lên bè rẫy Đại Thanh trộm tài sản của họ, lúc người ta bắt gặp đã xảy ra xô xát nhỏ, anh lao xuống sông định trốn, chết nước là chuyện rủi ro không ai ngờ... “Những người đầu tiên trông thấy xác chồng cô đều chứng kiến trên tay anh ta còn cầm một sợi dây chuyền vàng đã đứt” - nhà chức trách bảo vậy. Sáo nói không phải đâu, anh Thi chồng tôi chỉ muốn lén hái vài lá ngò. Nhà chức trách hơi xẵng giọng: chúng tôi dựa trên nhiều bằng chứng quan trọng. Sáo cãi không phải đâu, chồng tôi cần có chút ngò gai thôi. Họ kiên nhẫn kêu vài nhân chứng tới nói mấy câu chuyện ngập ngừng. Sáo cãi phăng đi. Ngay khi Sáo ôm siết chồng đang nằm thõng thượt trên cái bàn dài đặt giữa văn phòng nhà chức trách, ngay khi nó vùi mặt mình vào cơ thể lạnh lẽo chi chít những chỗ tím bầm, ràn rụa tìm kiếm hơi thở của anh núp trốn đâu đó, trong rún, trong mắt hay ở bên sườn. Khi lướt qua đôi môi giập nát nó nghe phảng phất mùi ngò gai. Trời đất ơi, chồng nó đã nhấm nháp thưởng thức mùi vị chúng ngay khi vừa hái được. Anh vẫn chưa nuốt trôi khỏi cổ, ý nghĩ đó làm nó nghẹt thở. Người ta đang nhâm nhi ngò gai thì không ngó ngàng tới vàng bạc đâu, Sáo nói và xốc ôm chồng tha về ghe. Dưới sạp ghe hai con cá bạc đầu đã chết. Cặp cá này sáu tiếng đồng hồ trước vợ chồng Sáo giăng lưới bắt được. Cá bị nước đuổi ốm tong teo nhưng chồng Sáo sướng quên trời đất, và như con nít, anh đứng múa may quay cuồng ở đầu ghe, kêu hết sẩy hết sẩy, nói phước đức ông bà để lại. Chưa bao giờ Sáo thấy anh hạnh phúc, hân hoan đến vậy, đến nỗi nó đã chạnh lòng ngay lúc đó, anh đâu có từng tỏ ra quý mình như quý cặp cá này. Cá bạc đầu luôn đi thành đôi, là loại cá rất hiếm hoi. Sục sạo như chồng Sáo cũng chỉ một lần thấy chúng. Má chồng Sáo hồi còn sống thường thắt thẻo nói vợ chồng nào hiếm muộn con cái nuốt mật cặp cá bạc đầu thể nào cũng cấn thai. Bà hay ngồi ở cửa trước hóng coi trẻ con bên xóm đang chạy giỡn, tiếng thở dài của bà lững thững bay về phía Sáo nhoi nhói. Chồng Sáo cà rỡn: “Bắt được cá bạc đầu rồi vợ con sanh một lần bảy đứa, cho má giữ mệt nghỉ...”. Má chồng không chờ được, lúc bà chết bên vách vẫn còn giắt mớ vỏ tỏi - thứ đàn bà đẻ dùng để xông da thịt cho thơm. Chồng Sáo vẫn phấn khích quăng chài xuống sông Sắc nuôi hi vọng, không hoàn toàn vì khao khát trẻ con. Chồng Sáo đã được ăn cá bạc đầu một lần hồi mười lăm tuổi mà mỗi khi anh nhắc lại nồi canh cá nấu mẳn, Sáo lại thấy nước miếng rỉ ra rưng rưng bên mép anh. Người Châu Thổ hay nói bắt tao tả đau bụng đẻ ra làm sao chẳng khác nào kêu tả mùi vị con cá bạc đầu, tức là chẳng thể chia sẻ cảm giác với người khác nếu họ không tự mình trải qua. Sách Bi ký chép lại năm 813 đã có một làng chài bị tàn sát vì giữ lại cá bạc đầu mà không cống nộp cho vua. Một trăm ba mươi bốn người trong làng đã chết. Ba chồng Sáo quý cuốn sách đó như một gia tài nhưng nhà nó đã làm mất vào một bữa nước đột ngột dâng. Giờ con cá của những đồn đãi, con cá huyền thoại, con cá vì nó mà người ta sống, chết đang nằm trong ghe nhà Sáo, đuôi màu xám đậm rồi phai dần cho đến phần đầu thì trắng muốt tựa bông lau chín. Cái chết cận kề không làm cho chúng thôi quấn quýt. Chúng chạm râu vào nhau khẽ khàng, như âu yếm, như đờ đẫn, như dịu dàng lại như kiệt sức. Phải, nước đuổi đã quá hai tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc bạc đi. Gặp lại Nguyễn Ngọc Tư “Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai”. Một câu thông báo ngắn gọn, như là dửng dưng, lại có vẻ như là phi lý. Nhưng truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư Nước như nước mắt bắt đầu bằng đúng một dòng như thế, để sau đó đưa ta đến một nơi xa vời vợi, gặp những con người nhỏ bé và lẻ loi giữa mênh mông mùa nước đuổi, chẳng còn thấy đâu là bến bờ... Không gian gợi người đọc nhớ tới Cánh đồng bất tận của chính chị trước đó. Thì sông nước vẫn bất tận vậy thôi, chỉ nỗi đau là có khác, những lo toan cũng hư hư thực thực đi rồi. Còn nếu bạn vẫn tò mò, cắc cớ hỏi nhà văn xứ Cà Mau lấy đâu ra cái ngã ba oan nghiệt của sông Sắc sông Mê, hay cái khắc khoải của con người, và con cá, trong cuộc kiếm tìm đất lành và nước sạch... thì có lẽ chỉ càng thêm thắc thỏm. “Chuyện viễn tưởng về biến đổi khí hậu và con người chẳng còn gì để mất...” - Ngọc Tư quả quyết vậy. Và một nỗi buồn rất thật đã bước vào trang giấy. Truyện ngắn, nhưng cũng hơi dài nên TTCT phải mời bạn đọc đọc thêm một kỳ thứ hai, để đi cho hết mấy cuộc đời buồn tủi. 3. Mùa nước đuổi bắt đầu từ giữa tháng giêng. Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người ở xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn tết trên ghe. Cứ mỗi năm nước đuổi lại tới sớm hơn, mùa mỗi năm mỗi dài hơn. Tết chưa tàn vợ chồng Sáo đã lụi hụi dọn đồ đạc lên ghe, bông vạn thọ trồng trong cái khạp lủng để trước hàng ba còn chưa bung nở hết. Chồng Sáo cứ tiếc là ghe chật quá, không rinh cái khạp đó đem theo được. Anh còn muốn bứng cả cây cỏ quanh nhà theo, nếu có thể. Nên trên ghe lủ khủ những bụi hành hẹ, sả, vài cây ớt, ngò om... Mấy thứ cỏn con này hay làm chồng Sáo bận lòng, ăn cá chốt nấu cơm mẻ mà thiếu sả ớt, cá trê nướng mà không gừng... là anh băn khoăn lắm. Anh nói thà không ăn, chứ ăn vầy không đúng điệu. Chồng Sáo ưa nói hai từ đúng điệu. Coi kìa, đêm nay trời trong nhưng trăng tròn quá nhìn không đúng điệu, phải khuyết chút ngó hay hơn. Nắng vầy mà có bóng cây để treo võng nằm chơi là đúng điệu. Con cá lóc này phải có rơm khô chất lên đốt nướng trui mới đúng điệu. Sống giữa trời nước bao la vầy mà không có nước để tắm cho đúng điệu, nghĩ mà tức. Sáo nhớ chồng nó nói câu đó khi đang ngồi ễnh ra, xe miết mấy ngón tay da cổ làm đất rụng xuống lả tả, gọi là tắm khô, kỳ cọ bằng mồ hôi xong sẽ tắm ướt bằng hai gàu nước. Nhưng có bữa chồng Sáo tắm cả xô, tắm đúng điệu. Chữ đúng điệu nhiều lúc làm Sáo sợ. Nhất là khi nghe bảo “em nằm day lại tui gãi cho đúng điệu cái coi”. Đêm nào trước lúc ăn nằm với nhau bao giờ chồng cũng gãi lưng Sáo, trong một trình tự lớp lang đúng điệu, bắt đầu từ lúc những ngón chân cọ vào bắp chân Sáo, sau đó này sau đó kia, anh nhẩn nha đến nỗi nó thiu thiu ngủ luôn bỗng nghe cái gì đó xộc tới chới với. Nó không thích vậy nhưng không dám nói, biết đâu vì cái khoảnh khắc chới với đó mà trẻ con không chịu ra đời. Sáo còn hồ nghi vì hai chữ đúng điệu mà nhà nó nghèo. Gieo mấy giồng cải, chồng Sáo nói lá cải chưa mướt mà nhổ bán là không đúng điệu, nhưng chờ tới lứa cào cào ở đâu bay lại ăn đám rau rách nát. Có năm trồng dưa hấu, thấy dưa lớn trái lại đang được giá Sáo đòi bán cho thương lái. Chồng bảo chờ cho dưa chín thêm ít nữa, cho da trái dưa căng bóng mới đúng điệu. Ai ngờ trời trở mưa một trận, không kịp cắt dây dưa nổ lụp bụp như pháo, nứt vỏ hết. Trắng tay. Mùa đó là mùa dưa cuối cùng trên đất nhà Sáo. Năm sau nước đuổi tới nơi, cứ nghĩ nước tràn quanh quẩn những vùng gần biển thôi, nhưng nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, tràn bờ bãi, ngấm vào chân ruộng. Người ta kéo nhau đi đào đất đắp bờ, nhưng đắp tới đâu nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu nước ngập tới đó, không lẽ ở trên mái nhà, thôi kéo nhau lên ghe ở cho rồi. Cây trái tàn rụi, chỉ còn cỏ đuôi mèo là sống được, đem bán rẻ mạt cho những người chăn nuôi bò ở bên kia biên giới chẳng được bao nhiêu tiền. Chồng Sáo không lấy chuyện đó làm phiền, cả khi ôm cái lư hương cha mẹ rút lên ghe chờ qua mùa nước đuổi, anh vẫn làm mặt tỉnh queo. Cả xứ này bỏ đất mà đi chớ đâu phải chỉ nhà mình, chồng Sáo nói vậy. Chỉ một lần duy nhất chợt thèm ớt giữa bữa cơm, mà cây ớt đem theo đã chết queo, anh mới dựng đũa kêu trời. Trời im ắng ở trên cao, trong ngằn ngặt, trong như nước mắt. Nắng quay quắt như vắt như vo con người thành những hòn đá khô khốc có thể lăn cọc cạch. Vợ chồng Sáo neo ghe ngay trên đất vườn mình, cạnh mái nhà mình, lây lất sống nhờ chài lưới những con cá nước đục còn sót lại ốm ròm trên mình đầy ghẻ lở... sau đó thì tới đám cá nước trong len lỏi vào sâu trong đất liền, hai đứa kiếm được chút đỉnh tiền gạo và không đến nỗi cực ăn. Nhưng có bữa chỉ bắt được cá sầu ngư, đành ăn cơm với muối hột. Sầu ngư bình thường vẩy màu xám bạc chỉ nhẩn nha ăn bèo rong trôi dạt, đến nước đuổi thân cá trở nên đỏ thẫm. Chúng có thể sống tỉnh queo nhờ rỉa xác súc vật chết trôi, trong đó có cả xác người. Chồng Sáo vừa ghét vừa ghê sợ chúng, anh xỉa xói: “Cái thứ ham sống tới nỗi bất chấp tội lỗi...”. Sáo mắc cười quá, mắng cá mà như mắng người. Sáo đâu có ngờ có ngày mình phải bảo vệ chồng khỏi miệng cá sầu ngư. 4. Chồng Sáo ốm teo, nằm gọn đeo trong cái hòm được ghép tạm bằng mấy tấm ván ngựa xóm giềng giúp mò lấy từ dưới nhà lên. Lúc lau rửa cho chồng, men tay theo từng tấc thịt da dường như đang tan chảy, Sáo thấy buồn quá. Không thể chôn xuống đất, người ta bày cách dìm hòm xuống nước, lấy dây buộc níu vô cột nhà, chờ nước rút mới đem âm thổ. Vị mặn của nước ngấm vào sẽ làm chồng Sáo lâu tàn rữa, họ nói vậy. Xóm giềng lặng lẽ tiễn chồng Sáo. Cũng mệt mỏi và đuối sức như những con cá nước đục khắc khoải sống với cái vị mặn mòi xa xót của biển, họ chới với khi bị bứng lìa khỏi đất, khỏi cái màu xanh rười rượi của cỏ cây. Cả cái chết cũng không phải xa lạ, nó diễn ra mỗi ngày, người ta chết đuối, chết vì khát, vì thèm tắm, vì nhớ vị của trái ổi chát, vì giành nhau cành củi trôi sông... Riêng chồng Sáo thì chết vì thèm rau. Hàng xóm bảo không phải, nó chết vì nghèo đó chớ. Vì nghèo nên không đi ra khỏi cái xứ trần ai này được. Vì nghèo nên phải bỏ mạng vì gặp phải bọn cậy giàu coi sinh mệnh người như cỏ rác. Bứt mấy cọng ngò thôi mà, có phải thù oán gì cho lắm đâu mà nhẫn tâm quá thể! Sáo cũng muốn đi hỏi người của bè rau Đại Thanh câu đó. Sao vậy, tại sao, vì sao? - Thời thế loạn rồi, đất không còn thì có thứ gì còn. Ông bán xôi dạo thở hắt ứ hự. Ông nói bữa trước đi ngang bè rau nghe có tiếng kêu cứu, nghe trên đó rầy sao mầy không chết đi, sống làm chi mà làm khổ người ta. Không biết “người ta” là ai, mắc mớ gì tới cái bọn sống sung sướng trên cái bè rau đó. Sáo nghe xong tưởng trong lồng ngực có thứ gì vừa đứt phựt, nó hức lên, anh ơi sao anh tới chỗ đó mà chết. Ủa, vậy chồng mình chết chỗ khác thì mình đỡ đau lòng hơn sao? Sáo giật mình nghĩ vậy khi vừa khóc dứt. Trong nỗi ân hận, Sáo ngồi dựa vách ghe, mong xóm giềng cứ ngồi chơi, nếu không muốn nhắc tới chồng nó thì cứ nói chuyện bâng quơ, chuyện những vùng đất cao cẳng xa xôi nước biển không bao giờ đuổi tới, chuyện ở đâu đó con chó đẻ ra con dê, cây dừa có chín đọt... Hoặc họ không nói gì cũng được, ca hát cũng được... Nhưng họ phải về, phải sống. Cuối buổi sáng là nhà chức trách xả nước ngọt ở các máy nước công cộng, không kịp chèo ghe đi lấy sẽ không có nước nấu cơm, tắm giặt... Sáo chỉ còn một mình. Một mình. Sáo lết đi bắc xoong cơm lên bếp lửa. Cảm thấy tay áo giở lên còn không nổi. Bụng không đói, miệng thì đắng nhưng Sáo phải ăn, để chờ người ta trả lời tại sao chồng nó chết. Đợi chán Sáo lại chèo ghe tới chỗ nhà chức trách thăm chừng, khi thì thấy vài anh say sưa chơi cờ, khi thì thấy một anh ngủ gục bên bàn làm việc kệ ruồi o e trên mép. Hỏi thì họ chưng hửng nói cô còn đợi sự thật nào. Như thể có rất nhiều sự thật nằm nhấp nhổm trong ngăn kéo, và họ đang chọn một cái sự thật hợp với tướng tá xơ rơ, túi áo lép kẹp của Sáo. Hơi thất vọng, Sáo chèo trong chảo nắng mặn trở về, bỗng nín thở nhìn thấy cái lưng dài nhằng của chồng mình trên mái nhà. Em chồng Sáo mang nó về, cả đôi chân mày rậm. Nó thảng thốt hỏi chị Hai làm gì vậy. Sáo nói chị đâu có làm gì. Trời ơi chị sởn tóc xơ cờ kìa. Em chồng nhìn Sáo như thể kêu Sáo nín đi, như thể Sáo sởn tóc là một cách khóc. Sáo chỉ gượng cười rồi luýnh quýnh đi nấu cơm cho em chồng ăn, bận bịu làm sự sống quay trở lại trong nó. Sáo đã quen sống và làm lụng vì ai đó. Như bà nội Sáo vì thương chồng mà bơi xuồng đi cưới hai bà vợ bé cho chồng, như má Sáo vì chuộc chồng khỏi núi nợ ở trường gà mà phải bán hết đất lên ghe sống lênh đênh. Năm mười chín tuổi, nghe má ao ước “lúc chết được nằm trên đất của mình”, Sáo lấy chồng. Lấy người má nó chọn, lý do “thằng đó có tới ngoài chục công đất”. Sáo nhìn thấy chồng lần đầu khi anh đang ôm con gà tre đi trên đường, miệng ngậm vung vinh cọng cỏ mần trầu, nó tự hỏi đây sẽ là chồng mình sao? Lễ ăn trầu uống rượu rồi, chồng vỗ mông Sáo, nó lại hỏi đây là chồng mình sao? Hôm cưới nghe chồng phả hơi rượu nóng rực vô vành tai, vẫn hỏi chồng mình đó sao? Nhưng lúc Sáo cài khuy áo lại, ngó cái người đang lật ra ngủ queo đó, nó nghĩ đây là chồng mình. Nghẹn căng ứ mũi. Má Sáo vui lắm, gói ghém mấy lễ, bà mua hai công đất dành để chôn. Nhờ con gái hiếu thảo mà thím đổi đời rồi, má giả đò vu vơ khoe với một khách thương hồ quen, không lâu sau anh ta cũng lấy con gái nhà giàu dưới chợ. Nước đuổi vào sâu Châu Thổ, đất - thứ mà vì nó mà Sáo lấy chồng - trở nên vô nghĩa, như cái tên xóm Rẫy mà còn cái rẫy nào đâu. Giờ đến cả chồng, Sáo cũng làm mất. Em chồng rút trong túi xách ra bộ đồ tây mới cáu đặt cạnh đôi dép da mà nó đã mua cho chồng Sáo từ năm trước. Món quà còn nguyên niêm mạc, chồng Sáo chưa đi lần nào, anh nói chờ kiếm có quần áo đẹp mặc cho đúng điệu. Có lần đi chợ gặp em chồng, Sáo kể, nó buột miệng chửi thề: “Má, thằng cha cầu kỳ quá, con nhà lính tính nhà quan...”. Giờ thì em chồng im lìm ngồi vuốt mớ đồ của anh nó. Bao giờ chồng nhập thổ, Sáo sẽ chôn chúng theo. Ngó cái cảnh đợi công lý của Sáo, thằng em chồng cười khào, con dao bấm trên tay cứ lè lưỡi ra tanh tách, sáng quắc. Nó nói: “Công lý ở trong tay mình mà, chị Hai...”. Em chồng đi giang hồ từ nhỏ, lưng em giờ đã hai mươi hai cái thẹo, đó là những lần em thực thi công lý hay bị công lý của nhóm giang hồ khác thực thi. Không thẹo người ta không biết mình dân giang hồ, em khoe vậy, giống như ở chợ hay gắn chữ văn hóa cho người ta biết là có văn hóa vậy. Em chồng cũng thường khoe công lý của em nhanh hơn, luật của em công bằng, sòng phẳng hơn. Không tin không được, nhiều lần nó tìm lại những món đồ nhà Sáo bị trộm lấy đi, dù chúng đã bị thay hình đổi dạng, bị tháo rã ra bán đầu một nơi mình một nẻo. Nó còn dẫn thằng ăn trộm về biểu: “Xin lỗi anh chị Hai tao, mầy!”, và thằng kia cun cút cúi đầu. Nhưng đó chỉ là thằng trộm nhỏ thó hom hem, giờ em chồng Sáo sẽ đối đầu với một bè rau đông người lắm của. Em chồng đi rồi Sáo nóng ruột bồn chồn quá, như thể chỉ cần vo gạo rồi ôm cái nồi vào bụng, gạo sẽ sôi thành cơm. Mấy bữa sau nghe ở mấy máy nước công cộng người ta hể hả bàn tán, nói xe hơi của nhà Đại Thanh dưới chợ bị đập phá, tụi giang hồ còn đánh thuốc chết mấy con chó, tưới xăng định đốt biệt thự, may mà nhà chức trách tiếp cứu kịp. Bữa sau nữa, người ta rủ Sáo đi coi một bảo vệ của bè rau bị dìm chết. Sáo không đi, nó không chắc mình sẽ hả hê khi nhìn thi thể đó. Sáo sợ cái bàn lạnh ngắt giữa căn phòng lạnh ngắt, nơi hơi thở một con người bỗng dưng biến mất. Ở đó, biết đâu cũng có con đàn bà gột rửa da thịt chồng bằng nước mắt, mong gọi những hơi thở trở về. Nhưng buổi tối hôm đó Sáo đã phải xuôi ghe tới văn phòng của nhà chức trách, vì em chồng Sáo. May phước, em chồng không nằm trên bàn mà bị trói gô, khiến cái lưng dài thượt gần như cuốn tròn lại. Sáo thở phào nhẹ nhõm dù hoàn cảnh của thằng em hiện giờ rất cay đắng. Vậy mấy bữa qua Sáo đã bồn chồn lo lắng cho ai? Nó tự hỏi, người mướt mồ hôi lạnh. Ngó vẻ mặt đờ đẫn của Sáo, em chồng cố an ủi mà giọng nói cứ nghiến sít sìn sịt: - Chị buồn con c. gì, tụi nó bắt tui như bắt cóc bỏ dĩa. Chỉ uổng là tui chưa kịp bẻ cổ thằng Giang. Câu nói làm Sáo rúm ró. __________ Sáo biết người đàn ông đó. Sáo chỉ không biết việc truy tìm kẻ làm chồng mình chết rồi sẽ làm cô đau đớn và đưa cô đi xa đến vậy... Xem tiếp kỳ 2 trong số tới Tags: Nguyễn Ngọc TưTruyện ngắn TTCT
Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về cây trồng tại Hà Nội còn bọc nguyên vỏ bao xi măng ở rễ PHẠM TUẤN 03/10/2024 Liên quan tới việc cây xanh tại Hà Nội không tháo bầu cây khi trồng bị bật gốc sau bão số 3, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ truy tìm chủ đầu tư.
Vụ nam sinh 'thân mật': Sở GD&ĐT Hà Nội nói cô giáo 'hòa đồng nhưng thiếu nghiệp vụ sư phạm' PHẠM TUẤN 03/10/2024 Liên quan tới vụ nam sinh thân mật với giáo viên ngay trên bục giảng, ông Nguyễn Quang Tuấn - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - cho biết cô giáo là người hòa đồng, thân mật với học sinh nhưng 'thiếu nghiệp vụ sư phạm'.
Công ty dược NAC trốn thuế và thao túng tâm lý bệnh nhân ra sao? DANH TRỌNG 03/10/2024 Vũ Đăng Thái, giám đốc Công ty dược phẩm công nghệ cao NAC, cùng nhiều cấp dưới bị khởi tố với cáo buộc có dấu hiệu che giấu doanh thu để trốn thuế và giả danh bác sĩ bệnh viện lớn, có uy tín để bán các sản phẩm trị nám, dưỡng da.
Em bé Làng Nủ: 'Bố mẹ mất rồi, nhờ chú làm ảnh bố mẹ và anh em cháu' NGUYỄN HOÀNG TUẤN 03/10/2024 Biết có người nhận làm phục chế ảnh miễn phí, bé Phúc (15 tuổi, sống tại Làng Nủ, Bảo Yên, Lào Cai) liên hệ ngay để nhờ phục chế ảnh bố mẹ đã khuất.