Nuôi con thời... Google

KIM DUY 18/11/2013 23:11 GMT+7

TTCT - LTS: Mục “Thế giới ảo & thực” kỳ này là nỗi băn khoăn của một độc giả về việc đặt niềm tin quá lớn vào... "bác sĩ Google”, cũng là một vấn đề mà không ít người dùng Internet cần lưu ý.

Phóng to
Nếu tự chẩn đoán dẫn tới stress và tự điều trị sai lạc thì việc sử dụng Internet để chăm sóc sức khỏe là phản tác dụng - Ảnh: globalnews.ca

Vừa rồi tôi đến thăm một người bạn có con gái mới sinh được 6 tuần. Tôi nhìn trên giường “bà đẻ”, ngoài các vật dụng phục vụ cho em bé còn có laptop, iPad và hai điện thoại (một tab và một nhỏ hơn). Mẹ ngồi cho em bé bú bình. Tôi hỏi cháu không có sữa hay sao mà phải cho con bú bình? Bạn tôi trả lời thay: “Sữa mẹ đó chớ, vắt ra rồi cho bé bú”.

Tôi ngạc nhiên: “Sao không cho bé bú ngay vú mẹ mà phải qua bình?”. Mẹ em bé nói: “Cho bú bằng bình mới kiểm soát được bé bú bao nhiêu”. Chị bạn tôi giải thích thêm: “Mỗi lần ngậm vú mẹ, bé không chịu bú, nút chút xíu rồi ngủ, đặt xuống thì bé thức giấc và khóc vì còn đói”. Mẹ em bé tiếp: “Cháu tra trên Google rồi, cho bé bú như vầy rất tiện, nhờ vắt sữa nên sữa mẹ tiết ra đều, nhiều và liên tục, em bé bú đủ lượng cần thiết, mẹ đi vắng vẫn có sữa mẹ cho bé bú...”.

Cũng là nuôi con bằng sữa mẹ?

Chị bạn cho biết mỗi ngày vắt sữa ba lần vào bình sữa rồi để tủ lạnh, sau đó cứ lấy ra hâm lại (bằng lò vi sóng) cho bé bú. Tôi ngạc nhiên quá, mới bảo: “Sữa đưa ra khỏi người của mẹ mức độ nhiễm khuẩn sẽ rất cao. Đơn giản thế này, sữa mẹ vừa lấy ra mùi rất thơm, nhưng để một lát trong không khí sẽ biến mùi”. Con gái bạn tôi nói: “Không đâu cô, trên mạng còn bảo sữa mẹ để được sáu tháng nếu bảo quản lạnh tốt” (?).

Trong lúc ngồi nói chuyện, tôi thấy bé bú hết bình sữa và mẹ cho nằm xuống. Được một lúc, bé khóc, cựa quậy, mẹ thay tã xong bé vẫn khóc. Chị bạn tôi cho là bé còn đói, lấy một bình sữa khác (trên bàn) cho bé bú. Tôi cố vớt vát cái quan điểm “cổ hủ” của mình: “Sữa này vắt lâu chưa, mẹ ngay đó không bồng cho bé bú lại đi lấy bình sữa bên ngoài? Mẹ mỏi thì nằm xuống cho bé bú nằm”.

Bạn tôi nói: “Sữa mới vắt, bé bú hết bình này no, ngủ êm. Cho bé bú nằm nguy hiểm lắm, bé sẽ bị viêm tai giữa, về tra trên mạng đi”. Tôi không bàn luận nữa và nhẩm tính thời gian từ lúc tôi đến chơi đã hơn 30 phút nhưng tôi không thấy vắt sữa, như thế bình sữa đã để bên ngoài hơn 30 phút rồi. Em bé bú no, nằm ngủ, câu chuyện tiếp tục sang chủ đề khác, tuy nhiên cũng chỉ xoay quanh em bé.

Tìm hiểu thêm tôi biết bây giờ có rất nhiều bạn trẻ nuôi con bằng sữa mẹ kiểu này. Ngoài những lý do trên, tôi nghĩ các cô còn sợ xấu ngực. Mới thấy các cô “tân tiến” hơn thế hệ chúng tôi nhiều quá. Nằm trong “ổ” mà vẫn tham gia trò chuyện với nhiều người trên thế giới, lướt net, up hình lên Facebook, viết nhật ký cho con mỗi ngày trên các trang mạng xã hội... Có gì thắc mắc mang lên diễn đàn trao đổi, từ em bé bị sổ mũi, sốt, tiêu chảy cho đến mọc răng...

Không tin về... mở mạng coi đi

Mà các bà mẹ (thế hệ tôi) cưng chiều con gái lắm. Ví dụ như đang ở dưới bếp mà con gái kêu: “Mẹ ơi cho em bé bú”, là lật đật chạy lên ngay, cầm theo bình sữa (mẹ) lên cho bé. Bà ngoại bế em bé với bình sữa, trong khi mẹ bé thì ôm iPad, hay laptop, hay tán gẫu qua điện thoại.

Tôi kể chuyện với chị bạn khác có con gái vừa sinh em bé, chị cười ngất: “Con gái mình cũng nuôi con bằng sữa mẹ kiểu vậy. Tiện lắm bạn ơi, mẹ đi đâu ai cho bé bú cũng được, bú đủ nên ba tháng bé sổ sữa, cưng lắm. Bạn không tin về mở mạng coi đi, bây giờ bọn trẻ toàn nuôi con kiểu này”.

Tôi không cần mở mạng coi làm gì. Tính lùi thời gian, tôi là một bà mẹ vừa mới “dứt sữa” cho con cách đây 15 năm thôi (bé bú mẹ đến 3 tuổi). Điều tôi ấm ức không phải vì thời gian chưa dài lắm để khẳng định tôi đã lạc hậu (cho con bú mẹ) mà là tại sao thế hệ trẻ lại lệ thuộc vào mạng đến vậy? Việc tra cứu Internet hoàn toàn hợp lý khi cần tìm hiểu thông tin và chỉ ở mức tham khảo.

Tôi còn ấm ức bởi bây giờ người mẹ được nghỉ thai sản đến sáu tháng, thêm sự giúp đỡ của bà ngoại (cũng còn trẻ) thì tại sao không cho em bé bú mẹ mà phải nhờ vào “công nghệ cao” của máy vắt sữa và bảo quản sữa trong tủ lạnh? Còn nữa, nếu mẹ sợ xấu ngực thì sau khi sinh có thể tập yoga, aerobic, tập thể dục, chơi thể thao... Vấn đề là mẹ có quyết tâm hay không?

Tôi nhớ lại bé của tôi ngày ấy. Đúng là mỗi lần bú mẹ chưa được bao nhiêu thì bé lim dim ngủ và ngừng bú. Nhưng tôi có cách. Một là tôi sẽ khều nhẹ vào lòng bàn chân cho bé nhột và thức bú tiếp, hai là tôi sẽ lấy ngón tay day nhẹ vào má, bé sẽ nhóp nhép vú mẹ tiếp. Và thương làm sao đôi mắt đen tròn của bé vừa bú vừa nhìn mặt mẹ, thậm chí bàn tay nhỏ nhỏ kia còn tham lam tìm một bên vú khác. Biết bao kỷ niệm yêu thương gắn bó mẹ và con thời chưa có “bác sĩ Google”.

Có thể thấy từ khi có công cụ tra cứu Google, bất cứ ai khi gặp vấn đề về sức khỏe, điều đầu tiên họ làm là hỏi Google xem có trường hợp giống mình không? Chỉ cần vài giây, cả chục trang hiện ra. Có người chỉ để tham khảo nhưng cũng có người nghe theo những hướng dẫn trên mạng khiến bệnh tình trở nặng thêm.

Chị bạn tôi bị đau ngón tay cái co duỗi không được. Tra Google chị biết được đó là bệnh “ngón tay cò súng”, cách điều trị là uống thuốc kháng viêm, nặng hơn phải chích thuốc và nếu nặng quá phải phẫu thuật (tất nhiên phải khám và có sự chỉ định của bác sĩ). Tìm hiểu thêm nhiều thông tin chị biết được cách chữa trị bằng bó rượu gừng. Thấy cách này vô hại, chị làm thử nhưng không khỏi. Cuối cùng chị phải cầu cứu bác sĩ, may mà chưa phải mổ.

Từ việc nuôi con bằng (bình) sữa mẹ cho đến tự tìm “bác sĩ Google” mới thấy mạng giờ đây không còn ảo nữa mà là thật rồi và con người đã lệ thuộc quá nhiều vào nó. Tỉnh táo tiếp nhận và phân tích thông tin (đúng/sai) là điều quan trọng cần thiết. Và chỉ có bác sĩ thật mới phán đoán được đúng bệnh trạng thật. Với vấn đề về sức khỏe, thông tin trên mạng ảo chắc chắn chỉ là để tham khảo mà thôi...

Biết vậy, nhưng nếu tôi có con dâu và con dâu tôi cũng chọn cách nuôi con bằng sữa mẹ như trên liệu tôi sẽ phản ứng thế nào? Tôi sẽ giải thích ra sao cho con dâu thông hiểu? Nếu con dâu không nghe tôi mà nghe lời “bác sĩ Google”, chê tôi lạc hậu, tôi sẽ làm sao?

__________

Góc Tư vấn

Đừng để “Cyberchondria”

Hình như ai trong chúng ta cũng có lần như thế này: nửa đêm thức giấc với đầu đau như búa bổ, một hạch bỗng dưng sưng to ở đâu đó trên cơ thể, những cơn ho sù sụ không dứt hay đau đâu đó không rõ nguyên nhân... Không ít người đã “Google” để tìm xem chứng đau đó là gì và giải quyết ra sao.

Và không chỉ mình bạn như thế. Đó là chuyện thường ngày với mọi cư dân có Internet trên thế giới, kể cả ở những xứ sở tiên tiến nhất. Một thống kê mới nhất của Pew Internet and American Life Project xác nhận 8/10 người dùng Internet ở Mỹ vào mạng để tìm kiếm các thông tin về sức khỏe.

Vấn đề là có những lúc việc tìm kiếm đem lại những câu trả lời đúng, nhưng cũng không ít khi nó dẫn đến những nỗi lo âu hay hiện tượng được gọi là “cyberchondria”: những nỗi lo vô cớ trước những triệu chứng chung chung dựa trên việc tìm kiếm hoặc tra cứu thông tin trên mạng.

Từ những ám ảnh mà bạn tự nhận lấy vào mình từ Internet, không ít người đã tự chẩn đoán rồi tự điều trị. Trong khi đó, Internet chỉ là một công cụ. Bạn có thể sử dụng đúng một công cụ, nhưng cũng có thể bạn dùng sai hay lạm dụng, bởi trên Internet có vô số thông tin giả hoặc sai lệch, nhất là ở các diễn đàn y tế. Nếu tự chẩn đoán dẫn tới stress và tự điều trị sai lạc thì việc sử dụng Internet để chăm sóc sức khỏe là phản tác dụng.

Nhưng nói như thế không có nghĩa toàn bộ thông tin về sức khỏe trên Internet là vô dụng. Chuyên gia tâm thần học Rajnish Mago thuộc Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson cho rằng bạn có thể sử dụng Internet để nắm bắt thông tin, trở nên hiểu biết hơn về những vấn đề bạn quan tâm hoặc những triệu chứng biểu hiện trên cơ thể mình, mang những thông tin đó tới gặp bác sĩ. Đây là cách thức hiệu quả có lợi cho cả hai phía: bệnh nhân và bác sĩ (1).

Tương tự như thế với trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ... bảo quản trong tủ lạnh. Kinh nghiệm các bà mẹ chia sẻ trên Google có thể chỉ cho những bà mẹ không có điều kiện bên cạnh con suốt ngày đêm tham khảo và chọn lựa, nhưng đó không phải là cách tối ưu đối với những bà mẹ được nghỉ thai sản có điều kiện cho con bú.

Bỏ qua những yếu tố tình cảm thiêng liêng mà việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại, chỉ riêng việc bảo quản sao cho sữa vẫn giữ được độ thuần khiết và ích lợi dinh dưỡng của nó khi vào cơ thể bé là việc cần quan tâm. Một nghiên cứu không liên quan trực tiếp đến vấn đề này nhưng cũng đáng cho các bà mẹ nuôi con theo phương cách “Google” nói trên chú ý: điều tra của tạp chí Pediatrics (Mỹ) cho thấy sữa mẹ đóng gói để lạnh được mua qua mạng “có độ sinh sôi vi khuẩn cao và thường bị nhiễm độc” (2).

Cụ thể, 64% trong các mẫu sữa mua qua mạng được thử có tụ cầu khuẩn, ba trong số các mẫu mua từ Internet này thậm chí còn nhiễm khuẩn salmonella. Vấn đề, theo các chuyên gia, nằm ở khâu đóng gói, bảo quản và vận chuyển. (Nghiên cứu này cho biết thường những bà mẹ mua sữa mẹ qua mạng này là những người vì bệnh tật, hoặc giải phẫu ngực không có sữa cho con bú)!

MINH THƯ

(1): http://www.phillymag.com/be-well-philly/2013/04/26/never-ever-self-diagnosis-google/

(2):http://www.slate.com/blogs/xx_factor/2013/10/21/breast_milk_sharing_pediatrics_study_finds_that_breastmilk_donated_or_sold.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận