Nương bóng người khổng lồ

KHÁNH LINH 12/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Các hoạt động kinh tế với Trung Quốc luôn không dễ dàng, nhất là với các quốc gia láng giềng, nhưng không phải là không có những cơ hội lớn có thể tận dụng.

Trung Quốc có biên giới đường bộ với 13 quốc gia. Ngoại trừ đất nước thuần Phật giáo Bhutan, vốn không chọn phát triển là hướng đi, 12 quốc gia còn lại đều là con nợ của Trung Quốc. 

Trong đó, 5 nước đã rơi vào tình trạng “bẫy nợ công” - tức số nợ vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cảng… với các tổ chức tín dụng của Trung Quốc dần trở thành không trả nổi, nếu không có các nhượng bộ mang tính chính trị hay gán nợ bằng tài sản quốc gia. 

Các quốc gia đấy cũng rất đa dạng, từ những nước nhỏ như Lào (7,3 triệu dân), Mông Cổ (3,3 triệu), tới những nước rất lớn như Pakistan (225 triệu)… 

 
 Ảnh: MIT Technology Review

Ví dụ điển hình là một nước vừa vừa, Sri Lanka (21,5 triệu), vốn đã phải nhượng lại quyền quản lý cảng Hambantota trong vòng 99 năm cho một công ty Trung Quốc để xử lý khoản nợ tương đương 1,1 tỉ USD. 

Danh sách các nước trên thế giới mắc nợ Trung Quốc không liên quan đến thể chế chính trị và không chỉ gồm các láng giềng. 

Từ những nước châu Phi còn khó khăn như Angola hay Cameroon đến các quốc gia Trung Nam Âu không thể gọi là nghèo như Hy Lạp, Romania, và cả đất nước ngồi trên mỏ dầu ở Nam Mỹ như Venezuela.

Với con số tín dụng khả dư để cho vay lên đến 1.500 tỉ USD - tương đương tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước Nga, tiềm lực của chủ nợ Trung Quốc với các nước đang phát triển gần như là vô hạn. 

Chỉ cần ai có nhu cầu vay và chấp nhận “nợ ngầm” - tức các khoản nợ chính phủ không công bố cho dân chúng, là có thể vay.

Câu chuyện của Việt Nam

20 năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã tăng 40 lần! Đến năm 2020, giá trị buôn bán với quốc gia láng giềng này chiếm đến 1/4 tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam. 

Từ khởi thủy của thời kỳ mở cửa, Trung Quốc chính là cửa ngõ quan trọng bậc nhất để Việt Nam có những bước đi chập chững ban đầu.

Một ví dụ là câu chuyện về sản phẩm mà gần như gia đình Việt Nam nào cũng có: chiếc xe máy, nhờ các hãng Hongda, Centi… của công nghiệp địa phương Trung Quốc mà vào đầu những năm 2000, xe máy ở Việt Nam không còn là tài sản ngang với một lô đất hay ngôi nhà như cách đấy vài năm.

Những chiếc xe máy chất lượng kém giá rẻ đến hơn 70% được nhập khẩu hàng loạt đã buộc Honda, lúc bấy giờ gần như nắm thế độc quyền, phải giảm mạnh giá bán với những dòng xe như Wave Alpha, bớt đi số lợi nhuận khổng lồ của họ. 

Lợi ích đương nhiên chuyển sang cho người tiêu dùng Việt Nam. Cũng bởi “cú hích xe máy Trung Quốc”, chỉ vài năm sau, một ngành công nghiệp xe máy gần như hoàn chỉnh ra đời ở Việt Nam, khiến ngay cả xe máy Trung Quốc cũng không còn đủ sức cạnh tranh.

Nền công nghiệp chế tạo hàng tiêu dùng, điện, điện tử ở Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục tăng trưởng trên nền tảng nguyên nhiên liệu, vật tư linh kiện giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Một mặt nó giúp nền công nghiệp lắp ráp non trẻ của Việt Nam phát triển rất nhanh. Nhưng mặt khác, nó triệt tiêu khả năng tự xây dựng một nền công nghiệp quốc nội cơ bản, tức sản xuất ra nguyên liệu “phôi”: thép thỏi, hạt nhựa, hóa chất cơ bản, sợi dệt…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu không có giao thương tiểu ngạch ở biên giới Việt - Trung, bài toán đầu ra cho nông sản Việt Nam khó lòng có lời giải là vấn đề đã tái diễn không biết bao nhiêu lần suốt gần 30 năm nay. 

Một thị trường có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, với các mức giá từ rất rẻ nhất đến đắt nhất, tất cả đều có cầu, chưa kể tập tục thương mại hai bên hầu như là kiểu “người nhà”.

Sự dễ dãi của thị trường khổng lồ này cũng mang tới nhiều hệ lụy mà nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt: vừa muốn bán thật nhiều cho Trung Quốc, vừa muốn không phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, nghĩa là về lâu dài, mục tiêu là số tuyệt đối vẫn tiếp tục tăng, nhưng số tương đối phải giảm, điều sẽ càng khó khăn hơn khi RCEP đi vào hiệu lực.

Một cái hắt hơi - như tình trạng đóng biên hiện nay với lý do phòng dịch - đủ làm cả vựa nông sản miền Tây của Việt Nam lao đao. Tương tự, một đợt gia tăng xuất khẩu đột xuất lập tức làm các depot ở Việt Nam không còn một cái container rỗng nào.

Việt Nam cần thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào một thị trường, cho dù thị trường đấy là bất tận và ít rào cản nhất. 

Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận được điều đấy từ lâu và có những chiến lược, hành động mạnh mẽ để mở ra các thị trường khác, qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương ký liên tiếp thời gian qua, bao gồm chính RCEP.

Tuy nhiên trên thực tế, thành công nhất của chính sách đa dạng hóa đến từ hai thị trường mà các hiệp định thương mại rùm beng không phải là chìa khóa. 

Đấy là Hàn Quốc với chính sách ưu đãi tuyệt đối cho Samsung xây dựng các siêu nhà máy, và Mỹ, mà gần đây thêm phần nhộn nhịp nhờ… Trung Quốc: thương chiến Mỹ - Trung đã thực sự mang lại lợi ích cho Việt Nam.

Dẫu vậy, có một sự thật cần chấp nhận: bán cho khách hàng Âu - Mỹ không dễ có lời, khi chi phí đầu vào phải tăng theo các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, nhiều khi vượt quá khả năng đọc hiểu của người có chuyên môn, chứ đừng nói là nông dân hay công nhân sản xuất.

Muốn bán được hàng cho Âu - Mỹ, các hiệp định và chính sách chung là cần nhưng chưa đủ. Vế thứ hai nằm ở nhà sản xuất Việt Nam: họ có sẵn sàng đầu tư thêm thiết bị, nâng cao trình độ của nhân công để tự tin xuất hàng đi, không sợ bị phạt? 

Trong thực tế, nhiều nhà sản xuất, nhất là nông sản, vẫn chọn hướng an toàn hơn: xuất sang Trung Quốc, thay vì bỏ tiền đầu tư vào Global Gap hay sản phẩm hữu cơ. Âu cũng là điều dễ hiểu với một nền kinh tế xuất thân còn thấp và dân chúng nói chung còn nghèo.

Tìm một hướng ra

Có cách tiếp cận khả dĩ nào để giải quyết thế lưỡng nan trên không? Trong ngắn hạn, nền kinh tế “giá rẻ” của Việt Nam rõ ràng khó có thể chuyển ngay sang cung cấp sản phẩm dịch vụ cao cấp. 

Kinh nghiệm trong xây dựng phổ sản phẩm bán hàng là một tham chiếu: một doanh nghiệp khi bán hàng phải xác định phổ sản phẩm của mình, thuật ngữ là “line up”. 

Trong đấy, có loại sản phẩm ở phổ thấp - bán giá rẻ và số lượng lớn để có doanh thu; có loại trung bình - giá và số lượng vừa phải, thường là phân khúc đem lại lợi nhuận nhiều nhất; thứ ba là sản phẩm cao cấp - bán giá đắt, số lượng ít, nhưng tỉ suất lợi nhuận cao.

Phổ sản phẩm này sẽ dần dịch chuyển đi lên khi loại sản phẩm cao cấp phổ dụng hơn và sản phẩm trung bình rơi xuống phổ giá rẻ. 

Với cách tiếp cận đấy, Việt Nam có thể tìm cách bán cho thị trường Trung Quốc những sản phẩm chất lượng và tiêu chuẩn cao hơn, và do đó giá cao hơn, hướng đến đối tượng khách hàng tiêu dùng nhiều tiền hơn. 

Điều này có lợi cho nền sản xuất của Việt Nam ở chỗ chi phí đầu tư để nâng cấp chất lượng không nhiều và chi phí bán hàng không bị đội lên bởi Trung Quốc đã là một khách hàng truyền thống lâu đời.

Quan trọng hơn, nó là tiền đề để nền sản xuất Việt Nam, bao gồm nông sản, có thể cung cấp các sản phẩm cho nhiều thị trường khó tính khác. 

Để không tự ti vào năng lực sản xuất của Việt Nam, sau rất nhiều năm phát triển, một số lĩnh vực như sản phẩm may mặc, túi xách, da giày… đã có thể hoàn toàn tự tin bước vào phân khúc ít ra là trung cấp. 

Một ví dụ nữa là phân khúc du lịch trung - cao cấp ở các đô thị du lịch lớn như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, hoàn toàn có thể hướng tới khách Trung Quốc có tiền. Một chỉ dấu rõ ràng của thị trường là sự gia tăng lượng sinh viên ngành tiếng Trung ở các trường đại học khắp cả nước.

Trung Quốc đã và đang hướng đến một xã hội khá giả và với nhiều kinh tế gia lẫn chủ doanh nghiệp, xét về mặt kinh tế, Việt Nam là số 1 trong mô hình “Trung Quốc + 1” nổi tiếng. 

Vì vậy, hướng đến một thị phần Trung Quốc cao hơn hiện tại là con đường hết sức tự nhiên mà cả doanh nghiệp lẫn giới hoạch định chính sách Việt Nam cần cân nhắc.■

Kim ngạch xuất nhập khẩu của VN năm 2020:

Tổng xuất: 281 tỉ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc là 49 tỉ USD, chiếm 17%

Tổng nhập: 262 tỉ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 84 tỉ USD, chiếm 32%

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN với Trung Quốc năm 2020 như vậy là 133 tỉ USD, tăng 40 lần so với năm 2000, 3 tỉ USD; và 4.000 lần so với năm 1991, 30 triệu USD.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu của VN với Trung Quốc chiếm 23% tổng kim ngạch thương mại, khiến Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của VN với khoảng cách rất xa. Xếp tiếp theo là Hàn Quốc 14%, Mỹ xấp xỉ Hàn Quốc, ASEAN và châu Âu đều khoảng 11%, và Nhật Bản tầm 7%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận