O bế rồng đất

NGỌC KHẢI 29/02/2012 23:02 GMT+7

TTCT - Vài năm trở lại đây, rồng đất (còn gọi là kỳ tôm) đang là loài bò sát được khá nhiều người chọn làm thú cưng và nhen nhóm việc nuôi sinh sản thay vì săn bắt từ môi trường hoang dã.

Phóng to
Rồng đất - Ảnh: Ngọc Khải

Anh Gia Phong ở khu phố 4 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) được biết đến như một tay chơi lão luyện về bò sát. Anh chia sẻ: “Trước kia rồng đất chỉ dùng làm mồi nhậu, nay nhiều người chuộng chơi kiểng bởi chúng có màu sắc, hình dáng rất đẹp. Nuôi thuần hóa loài này không khó lắm, nhưng việc cho đẻ trứng và nở thành công là cả một bí quyết”.

Thuần hóa thành thú cưng

Anh Phong bán được hơn chục cặp rồng đất cho các bạn trẻ nuôi làm kiểng. Số rồng đất trên có được do anh liên hệ từ những người săn rồng đất các vùng Tây nguyên hoặc ở miệt vườn Tây Nam bộ. Vì đam mê loài bò sát nên có lần anh bỏ cả ngày để trình bày cách thuần hóa, nuôi ấp nở rồng đất cho những ai mới chân ướt chân ráo bước vào thú chơi.

Nuôi rồng đất phải đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm... để tái tạo điều kiện sinh sống tự nhiên của chúng. Theo những người nuôi lâu năm, cái tên rồng đất không chỉ do đặc điểm hình dạng giống con rồng trong truyền thuyết, mà còn là khả năng làm chủ lãnh thổ của loài bò sát này. Chúng khá hung dữ khi kiếm mồi, nhưng lại khá hiền hòa khi ở đúng môi trường sống.

Người chơi rồng đất đủ độ tuổi: từ học sinh THCS đến trung niên. Họ chơi theo nhóm để tiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Nhìn ngắm rồng đất thỏa sức bắt mồi, người nuôi không khỏi tự hào. Anh Khang (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú) lấy trong lồng sắt ra một con rồng đất giới thiệu: “Con này đã được thuần hơn ba tháng nay rồi. Trông khá giống rồng thiệt ở phần thân dài, vảy đều và gai trên lưng”.

Để rồng đất hiền lành bò lên tay, anh Khang đã nhiều lần chịu những cú cắn đau điếng. Anh nói: “Mới đem về nó có màu xám nâu và khá hung dữ nên cả nhà không ai dám đến gần. Sau khi nuôi nấng và cho ăn thì bây giờ anh thấy đó, nó hiền khô như cục đất”.

Một số người nuôi rồng đất vì quan niệm nó sẽ mang lại may mắn. Tiếp chúng tôi ở một phòng trọ trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), anh Minh Đức ẵm hai con rồng đất xanh mượt trên tay cười nói hồn nhiên: “Em ơi! Em ngoan nào em...”. Anh Đức “tỏ tình” như thế với hai “cô” rồng đất nuôi dưỡng bấy lâu nay. Là sinh viên ngành quản trị nhà hàng khách sạn mới ra trường và tìm được việc làm, anh Đức cho rằng đây là điềm tốt do rồng đất mang lại.

“Mình tuổi Thìn nhưng sau khi nuôi rất nhiều thú cưng, mình mới biết đến rồng đất. Dù công việc hiện tại chưa được như ý lắm, nhưng đây là khởi đầu khá thuận lợi”. Hiện anh Đức đang nuôi ba con rồng đất trổ mã rất đẹp, nhiều đứa trẻ trong hẻm đi ngang qua cứ đưa mắt nhìn.

Phóng to
Anh Minh Đức và một “cô” rồng đất - Ảnh: Ngọc Khải

Rồng đất nở ra tiền

Thuần hóa và chăm sóc rồng đất đã vậy, công phu hơn là cho chúng sinh sản thành công. Rồng cái bắt đầu đẻ trứng khi vừa tròn 1 năm tuổi. Tuy nhiên, việc ấp nở thành công ở môi trường nhân tạo rất khó.

Săn bắt rồng đất trong tự nhiên lâu ngày rồi cũng sẽ cạn, vì thế rồng đất sinh sản thành công là tín hiệu vui thể hiện đẳng cấp người chơi. Giới thiệu một bể kính gồm một cặp rồng bố mẹ và năm rồng con vừa được hơn 6 tháng tuổi, anh Nguyễn Thế Hiển, chủ quán phở Hiển trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10), nói: “Rồng đất nhà mình đã một lần đẻ trứng nhưng không cách nào cho nở được. Sau nhiều lần tìm tòi, chúng đã nở thành công”.

Anh Hiển đã tham khảo từ cách ấp trứng bò sát trên mạng và bỏ thời gian rảnh rỗi ngắm nghía hàng giờ những quả trứng, theo dõi nhiệt độ và độ ẩm của hồ cát, nơi ấp trứng. Đến một ngày, những quả trứng động đậy, rồng đất con lần lượt tách vỏ trứng chui ra ngoài. “Đây không chỉ là niềm vui của tôi mà những bạn bè nuôi bò sát và khách hàng thấy chúng đều không ngớt lời khen ngợi”. Niềm vui như nhân đôi khi rồng đất con được anh Hiển dùng làm quà tặng vào năm Nhâm Thìn.

Cho rồng đất sinh sản còn được một số người ấp ủ giấc mơ kinh doanh. Ngoài việc sản xuất con giống cung cấp cho thị trường nội địa, có người đang đi tiên phong đưa rồng đất trở thành mặt hàng thương phẩm. Kỹ sư Đoàn Kim Sơn (Đại học Nông lâm TP.HCM) là một người trong số đó. Ba năm trước, anh đã đấu giá thành công lô rồng đất thanh lý từ cơ quan kiểm lâm, sau đó mang về nuôi thuần hóa.

Anh Sơn kể: “Do số cặp rồng đất mua lại rất yếu ớt, không thể trả về tự nhiên. Tuy nhiên sau một thời gian được chăm sóc, chúng đã mau mắn khỏe lại”. Từ những cặp bố mẹ đầu tiên đó, anh Sơn đã cho ghép đôi và sinh sản theo định kỳ vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 hằng năm. Với những kiến thức tích lũy và kinh nghiệm có được, anh đã cho ra đời những lứa rồng đất đầu tiên. Mỗi rồng đất cái có thể đẻ từ 8-16 trứng.

Anh Sơn vừa mở cửa chuồng thì hàng chục con rồng đất bạo dạn phóng ra, trố mắt về phía ống kính máy ảnh. Anh cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong việc sinh sản của loài rồng đất là việc ghép đôi các cặp bố mẹ để thụ tinh và phương pháp ấp. Trong thời gian ấp trứng đến 65 ngày, nhiệt độ thích hợp cho trứng nở là 28-300C, độ ẩm từ 80%. Do kỹ thuật ấp nở đóng góp phần quan trọng trong việc duy trì đàn rồng đất nên tỉ lệ hao hụt mỗi mùa sinh sản chỉ tròm trèm 2%.

Đến nay, anh Sơn đã cho ấp nở thành công hơn 500 con. Cứ thế, số lượng rồng đất anh sở hữu ngày một tăng thêm. Hiện anh có một trang trại nuôi bò sát tại ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Tìm đến trang trại của anh Sơn mua rồng đất là những nông dân còn rất trẻ, có cùng đam mê bò sát và làm giàu từ chúng. Anh Sơn nói: “Do loài này có giấy phép nuôi sinh sản - sinh trưởng nên nhiều người mạnh dạn mua về làm kiểng và nuôi sinh sản. Từ đó, họ nhân giống rộng ra để bán cho những người nuôi kiểng hoặc nuôi làm thịt”.

Không phải ai cũng cho sinh sản rồng đất thành công, nhưng có người mạnh dạn mở cả công ty và định hướng phát triển loài bò sát này. Anh Nguyễn Tấn Tài, giám đốc công ty kinh doanh côn trùng ở quận 12, nói: “Chúng tôi đang nuôi khá nhiều cá thể loài này, tuy nhiên chưa thể cho chúng sinh sản được”. Ý tưởng kinh doanh của anh Tài hình thành khi anh đã vốn quen với loài bò sát này ở vùng nông thôn Phước Long (tỉnh Bình Phước).

Nhờ chủ động được thức ăn chính là côn trùng (dế, sâu...) cho rồng đất, anh Tài mạnh dạn tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu để nuôi sinh sản và thương mại hóa loài trên.

Với định hướng ban đầu là cung cấp cho những người nuôi làm kiểng, anh Tài nhận định: “Nhiều người chọn rồng đất nuôi kiểng còn mang tính chất tâm linh, bởi hàng vảy, vóc dáng (đầu và lưng) của nó khá giống với một trong bốn loài linh vật có mặt trong văn hóa của các nước phương Đông. Con rồng khỏe mạnh sẽ mang đến cho gia chủ nhiều niềm vui trong cuộc sống”.

Cần được nuôi có điều kiện

“Rồng đất (tên Latin: Physignathus cocincinus cuvier) sống trong môi trường hoang dã, phân bố phổ biến ở nhiều tỉnh thành nước ta và một số nước khu vực Đông Nam Á. Theo Sách đỏ Việt Nam, rồng đất được xếp vào bậc V (sẽ nguy cấp) nên rất cần được bảo vệ và phát triển nhằm bảo tồn nguồn gen và khai thác một cách hợp lý. Do đó loài này được khuyến khích tổ chức gây nuôi nhưng trên cơ sở được quản lý (đặc biệt là những trang trại).

Rồng đất có giá trị thực phẩm và dược liệu. Ngoài ra, loài này có hình dáng và màu sắc khá đẹp nên nhiều người thích nuôi làm kiểng, cho sinh sản. Theo tôi, việc gây nuôi hợp lý loài này sẽ mang lại sự cân bằng sinh học trong hệ sinh thái cũng như bảo vệ được giống. Trường hợp người chơi nuôi một vài cá thể và làm quà tặng cho nhau là có thể chấp nhận được, nhưng người chơi với số lượng lớn nên đăng ký với các cơ quan hữu quan”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận