Olympic mùa đông: Thắng vàng, nhưng mất “xanh”

LÊ MY 26/02/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Ít có bộ môn nào thỏa mãn đôi mắt lẫn con tim nhiều như các môn thể thao mùa đông: vận tốc nghẹt thở, những cú nhảy cao vút, hàng vạn tinh thể lấp lánh tung lên trước nền núi non tuyệt đẹp. Những cảnh ngoạn mục đó đã diễn ra tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 suốt 2 tuần qua, chỉ có điều cái phông trắng tinh khiết cho màn phô diễn kỹ thuật của các vận động viên không phải là tuyết tự nhiên.

 
 Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh sử dụng hoàn toàn tuyết nhân tạo. -Ảnh: Tim Clayton, Corbis/Getty Images

Đúng là công nghệ tạo tuyết từng được sử dụng trong các kỳ Olympic trước, nhưng Bắc Kinh 2022 là Thế vận hội mùa đông đầu tiên trong lịch sử phải phụ thuộc 100% vào tuyết nhân tạo. Giữa một thế giới đang ấm lên, việc đăng cai Thế vận hội mùa đông sẽ ngày càng khó khăn hơn cho các quốc gia từ đông sang tây.

Mùa đông không lạnh

Phải cần hơn 100 máy tạo tuyết và 300 súng tạo tuyết để phủ kín các sườn dốc trượt tuyết của Thế vận hội năm nay bằng tuyết nhân tạo.

Công nghệ tạo tuyết đã có từ những năm 1950, và được áp dụng lần đầu tại Thế vận hội mùa đông 1980 tại Lake Placid, New York. Tuyết rơi là một hiện tượng tự nhiên, những gì máy móc có thể làm là tái tạo các điều kiện tự nhiên để tuyết được hình thành vào đúng thời điểm và phân bố đồng đều ở những nơi cần thiết.

Nguyên liệu để tạo tuyết chỉ cần nước và không khí, nhưng tuyết nhân tạo lại có những đòi hỏi rất cao về cơ sở hạ tầng (máy bơm và máy nén nước, đường ống, súng bắn tuyết…), nguồn nước (nước băng tan, ao hồ tự nhiên, nước thải…) và nguồn điện để vận hành máy móc.

Bắc Kinh hiếm khi có tuyết rơi tự nhiên vào mùa đông, nhưng nhận trách nhiệm tổ chức 109 sự kiện thi đấu. Đến trước ngày khai mạc 4-2, Mẹ thiên nhiên chẳng buồn động một ngón tay phẩy chút tuyết nào lên lãnh thổ nước chủ nhà. Để “biến không thành có”, ban tổ chức sử dụng gần 400 súng bắn tuyết các kiểu của Hãng TechnoAlpin (Ý).

Tại khu vực núi Xiaohaituo (Tiểu Hải Đà) của Diên Khánh, ngoại thành Bắc Kinh, TechnoAlpin đã xây dựng một hệ thống có khả năng tạo ra một lớp tuyết hoàn hảo với độ dày 1m trên những sườn dốc dài tổng cộng 23km, phục vụ môn trượt tuyết đổ đèo. Họ tạo ra một bể nước có sức chứa 330.000m3 (bằng tổng thể tích của 132 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic), với mục đích biến nước thành 700.000m3 tuyết trong khoảng 70 giờ!

Để nâng chất lượng tuyết nhân tạo, người ta có thể thêm vào nước các chất phụ gia hóa học hoặc sinh học, còn được gọi là “chất làm cứng tuyết”, chẳng hạn như muối và phân bón. Một loại thuốc trừ sâu đã được sử dụng tại Vancouver 2010 để nước đóng băng ở nhiệt độ cao hơn. Năm nay, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết không sử dụng phụ gia hóa học nào trong quá trình tạo tuyết Diên Khánh và Trương Gia Khẩu (nơi có trung tâm trượt tuyết nhảy xa quốc gia và là địa điểm thi đấu của một số môn), theo tạp chí Time.

 

Cái giá của tuyết nhân tạo

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về một Thế vận hội mùa đông “xanh, hòa nhập, cởi mở và không tham nhũng” hơn xưa. Theo đó, tất cả các địa điểm đều sử dụng năng lượng tái tạo - chủ yếu là điện mặt trời và gió - để giảm thiểu lượng phát thải carbon. Và lần đầu tiên tại Trung Quốc và trong lịch sử Olympic mùa đông, các sân băng sẽ được làm mát bằng một công nghệ xanh hơn: khí CO2 nén được vận chuyển trong các đường ống. Bắc Kinh cũng đã cho trồng hàng chục ngàn cây xanh nhằm bù đắp cho lượng khí thải từ Thế vận hội.

Dẫu vậy, hoàn toàn đi ngược với mục tiêu trên là việc cố gắng mang những bộ môn cần có băng và tuyết… đến một nơi ấm đến mức nước khó mà đóng băng theo lẽ tự nhiên. Đấy là chưa kể Bắc Kinh đang đối mặt với “bệnh” khan hiếm nước kinh niên.

Thật ra, việc thiếu tuyết tự nhiên tại Bắc Kinh 2022 chẳng có gì là bất ngờ. Bởi vì Bắc Kinh, Diên Khánh và Trương Gia Khẩu đều nằm trong vùng khí hậu bán khô cằn, lượng mưa đã được dự báo là không đủ để tạo ra tuyết tự nhiên cho sự kiện này, nhiệt độ trung bình cũng không đủ thấp.

Thế mà, phát minh tuyết nhân tạo đã cho phép IOC bỏ qua quy luật tự nhiên, lựa chọn các thành phố với “mùa đông không lạnh” để đăng cai Thế vận hội mùa đông. Tuyết nhân tạo chiếm khoảng 80% lượng tuyết được sử dụng ở Sochi vào năm 2014, và con số đó đã lên tới 98% đối với Pyeongchang 2018 ở Hàn Quốc. Năm nay, tuyết nhân tạo đã áp đảo hoàn toàn.

Trước Olympic, người ta ước tính rằng Trung Quốc sẽ phải chi trả hơn 60 triệu USD cho các máy tạo tuyết kể trên. IOC “xoa dịu” rằng lượng máy móc này dùng toàn năng lượng tái tạo. Nhưng để tạo ra đủ tuyết, theo tạp chí Time, nước này có thể cần hơn 185 triệu lít nước.

Tiêu hao năng lượng và nước đến thế, tuyết nhân tạo lại khó bì được với tuyết thực sự rơi từ trời cao. Thành phần tuyết nhân tạo là 30% băng và 70% không khí, trong khi tuyết tự nhiên là 10% băng và 90% không khí. Điều đó làm thay đổi kết cấu của tuyết, tạo ra một lớp băng tuyết cứng hơn, làm thay đổi chuyển động của ván trượt, vì vậy sân bãi đòi hỏi công sức chăm chút kỹ lưỡng hơn.

Ngoài ra, máy làm tuyết vẫn cần nhiệt độ môi trường đủ lạnh để hoạt động hiệu quả. Tại Vancouver 2010, máy tạo tuyết không thể theo kịp thời tiết ấm áp bất thường. Kết quả là ban tổ chức phải sử dụng xe tải và máy bay trực thăng để mang tuyết từ nơi khác đến.

Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi tuyết tan cũng là vấn đề. Các phụ gia hóa học, nếu có, của tuyết nhân tạo có thể làm giảm đa dạng sinh học và phá vỡ thảm thực vật. Tuyết nhân tạo tồn tại lâu hơn trên mặt đất, làm trì hoãn sự phát triển của thực vật bên dưới. Khi tuyết tan, lượng nước tăng đột biến có thể gây lũ lụt hay làm gián đoạn các lưu vực. Tiếng ồn của vòi rồng phun tuyết cũng có thể gây hại cho động vật hoang dã địa phương.

Ngoài tuyết nhân tạo, các nhà tổ chức Olympic nói riêng và thể thao mùa đông nói chung có thể dùng tuyết “nhập khẩu”, tức vận chuyển tuyết từ nơi khác, thường bằng đường bộ hoặc trực thăng; và/hoặc tuyết “tái chế”, tức dự trữ lượng tuyết đã rơi từ mùa trước.

Tại Thế vận hội Sochi 2014, nước Nga đã mất cả năm trời để dành dụm đủ tuyết trước ngày khai mạc. Trong thời gian thi đấu, thời tiết ấm khiến tuyết tan chảy, nên vào phút cuối, chủ nhà phải nhập ngay 24 tấn muối từ Thụy Sĩ để làm cứng tuyết.

Khi tuyết nhân tạo cũng “bó tay”

Khi Cortina d’Ampezzo đăng cai Olympic mùa đông năm 1956, tuyết đã rơi dày vào ngày thi đấu đầu tiên. Vào năm 2026, Thế vận hội mùa đông sẽ trở lại Cortina d’Ampezzo và Milan ở Ý. Nhưng theo phân tích từ nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central, trong gần 70 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Milan vào tháng 2 (thời gian diễn ra Olympic mùa đông) đã có lúc tăng thêm 5,9 độ. Nếu xu hướng này diễn ra trên toàn thế giới thì ngay cả tuyết nhân tạo cũng không thể cứu được tương lai của Thế vận hội mùa đông.

Thậm chí, nếu nhân loại không thể giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, đến năm 2100, chúng ta có thể chỉ còn nơi duy nhất đủ điều kiện - về tính công bằng và an toàn - để tổ chức Thế vận hội mùa đông: Sapporo của Nhật Bản. Tiên lượng cho Thế vận hội mùa đông Paralympic, diễn ra vào tháng 3, còn tồi tệ hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm đáng kể các tác động, nếu ta tuân thủ thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Current Issues in Tourism.

89% vận động viên thể thao mùa đông tham gia nghiên cứu nghĩ rằng khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến điều kiện thi đấu, trong khi 94% lo sợ nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các môn thể thao mùa đông.

Tác động của biến đổi khí hậu cũng vượt ra ngoài phạm vi Thế vận hội. Với tình trạng nhiệt độ tăng cao, các vận động viên phải dành nhiều tiền của và thời gian hơn để tìm kiếm những địa điểm tập luyện phù hợp.

 
 Vận động viên trượt tuyết đổ đèo người Đức Dominik Schwaiger tại Bắc Kinh 2022. Ảnh: Reuters

Và không chỉ các Thế vận hội mới sử dụng tuyết nhân tạo. Lâu nay, các khu nghỉ mát trượt tuyết trên khắp thế giới vẫn phải bổ sung thêm tuyết nhân tạo, bất kể đó là dãy Alps hay dãy Rocky của Mỹ. “Mọi thứ đã đi theo xu hướng này trong một thời gian khá dài” - Timothy Kellison, giám đốc Trung tâm thể thao và chính sách đô thị tại ĐH bang Georgia (Mỹ), thông tin.

Tuyết nhân tạo được dùng để bao phủ các sân chơi và cung cấp các điều kiện phù hợp cho các môn thể thao. Nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy sự biến mất dần dần của các điều kiện tự nhiên vốn lý tưởng để trượt tuyết. Nói cách khác, toàn bộ thế giới thể thao mùa đông sẽ phải thay đổi, vì mùa đông đang ngày càng ấm hơn và ngắn hơn. Và các môn thể thao băng tuyết ngoài trời đặc biệt dễ bị tổn thương.

“Đối mặt với một tương lai không có những môn thể thao này là một thách thức, nhưng việc vật lộn với những dấu vết môi trường khổng lồ mà ngành thể thao của chúng ta để lại cũng khó khăn không kém, từ khí thải khi di chuyển lên núi, tạo tuyết, năng lượng để vận hành thang máy và đèn chiếu sáng và tất cả những thứ còn lại” - Madeline Orr, người sáng lập Sport Ecology Group, chia sẻ trong một email gửi cho Vox.

Đối với Jeremy Jones, người sáng lập Protect Our Winters, biến đổi khí hậu đã khiến anh phải nghĩ lại về sự nghiệp trượt tuyết của mình. Giờ đây, Jones di chuyển ít hơn, không còn ngợi ca trực thăng và loại xe trượt tuyết dùng động cơ nữa. Thay vào đó, anh lựa chọn đi bộ đường dài trên những ngọn núi.

Ở một góc nhìn tích cực hơn, các Thế vận hội mùa đông là cơ hội tốt để thu hút sự chú ý của cả thế giới về biến đổi khí hậu, thúc đẩy mọi người tìm ra giải pháp.

Marie Sallois, người “đứng mũi chịu sào” về vấn đề bền vững của IOC, đã viết một bài ý kiến cho Reuters, giải thích về những điểm cộng “xanh” dành cho Olympic mùa đông Bắc Kinh.

Trong quá khứ, các thành phố đã phải thay đổi để phù hợp với Thế vận hội. Giờ đây, Thế vận hội sẽ thay đổi để phù hợp với nước chủ nhà và nhu cầu lâu dài của họ. Chương trình nghị sự Olympic 2020 buộc các nhà tổ chức phải giảm bớt việc xây dựng. Ngày nay, tất cả các sự kiện thi đấu bắt buộc phải trung tính về carbon. Nhưng từ năm 2030 trở đi, IOC sẽ nâng cao yêu cầu thành "tích cực với khí hậu" (climate positive).

“Các nhà phê bình có thể gọi đây chỉ là màu mè. Phải thừa nhận rằng trước thách thức to lớn của việc giảm lượng khí thải toàn cầu, những nỗ lực này dường như chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng vai trò của Thế vận hội Olympic còn vượt ra ngoài việc giảm thiểu dấu chân carbon của riêng nó. Đăng cai là một cơ hội để phô diễn các giải pháp có thể giúp thế giới thoát khỏi cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch kéo dài, và đóng vai trò là bệ phóng cho việc triển khai chúng” - Sallois viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận