Ông "bầm dập"

DƯƠNG THẾ HÙNG 02/04/2006 19:04 GMT+7

TTCN - Bạn bè đặt cho ông biệt danh đó vì hồi ở Mỹ, ông từng bị bọn quá khích hành hung, năm lần phải vô bệnh viện, 100 ngày ngồi tù vì “tội” treo cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cửa hàng kinh doanh của mình.

Phóng to

Ông Trường đang cho cá ăn ở hầm số 4

TTCN - Bạn bè đặt cho ông biệt danh đó vì hồi ở Mỹ, ông từng bị bọn quá khích hành hung, năm lần phải vô bệnh viện, 100 ngày ngồi tù vì “tội” treo cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cửa hàng kinh doanh của mình.

Khi về VN làm ăn, ông lại tiếp tục bị tòa án địa phương phong tỏa tài sản vì nghi ngờ ông lừa đảo. Bị nhiều cú sốc, vợ ông hóa điên phải điều trị ở bệnh viện tâm thần. Một mình ông, một nách hai con, vừa lo chữa bệnh cho vợ, vừa đi hầu tòa mà còn phải chạy vạy vay nợ để mua thức ăn cho bầy cá hàng triệu con.

Chưa kể còn phải đối phó với nạn nhũng nhiễu của một số cán bộ địa phương. “Có lúc tôi tuyệt vọng muốn tự sát quách cho rồi” - ông tâm sự.

Ông tên là Trần Văn Trường, quê ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Đi Mỹ năm 1980. Sau 25 năm ở xứ người, trải qua bao đắng cay, tù đày, ông quyết định về lại quê hương làm ăn. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ suôn sẻ, không ngờ ông lại tiếp tục bị “bầm dập” ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Về nước làm ăn

Phóng to
Căn nhà lá đơn sơ của ông Trường trong trang trại cá
Đầu năm 2005, ông dắt díu vợ con về sống nhờ nhà cha mẹ ở huyện Lai Vung. Vốn xuất thân từ nông dân, ông vẫn giữ nếp sống bình dân như ngày xưa. Hàng xóm thấy ông là Việt kiều sao “bèo” quá, xì xào bàn tán, nói xấu đủ chuyện. Thấy hổng êm, ông xin rút ra ở nhà một người bạn thân từ thuở nhỏ, hiện đang giữ một chức vụ chủ chốt của thị trấn Hòa Long (huyện Lai Vung). Hai người hùn hạp làm ăn, xây chuồng nuôi heo, thả cá dưới ao.

Bỗng một hôm ông Trường đi vắng, ở nhà có 4-5 người mặt mày hung tợn tới đập phá đồ đạc, hăm he đốt nhà rồi đuổi vợ con ông ra khỏi nhà. Ông cầu cứu người bạn thân thì ông này... ngó lơ. Biết phận ở nhờ, ông di dời vợ con ra ở tạm cái kho trống ở xưởng cơ khí của huyện.

Có một người phụ nữ tới rỉ tai vợ ông: “Ông Trường thiếu nợ nhiều lắm, sắp phá sản đến nơi. Chuồng heo và ao cá đã bị xiết nợ mất rồi”. Vốn yếu đuối, lại chịu quá nhiều sức ép bấy lâu nay, bà Nguyễn Thị Kim Khanh - vợ ông - bị sốc tới nỗi hóa điên. Ông phải đưa vợ đi điều trị tại bệnh viện tâm thần ở Biên Hòa.

Trước đó, hồi tháng 2-2005, ông đã mua 3ha đất ở ven bờ sông Hậu, thuộc xã Tân Hòa cùng huyện. (Không ai biết rằng ông có trong tay 185.000 USD mang về từ Mỹ dự tính đầu tư làm ăn). Ông cho người đào ao, làm hệ thống thông nước ra vô, thả nuôi cá tra. Ông đi tới tận Châu Đốc, Tân Châu (An Giang) coi người ta nuôi cá và học hỏi kỹ thuật chăm sóc, xử lý nước, môi trường.

Ông tự tìm tài liệu về cá tra để nghiên cứu đặc điểm của chúng. Ông nghĩ: “Ở Mỹ, thị trường tiêu thụ cá tra mênh mông, cả nước VN có nuôi cá cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu bên đó”. Ông quyết định thành lập doanh nghiệp nuôi cá (mang tên Tân Trường Khanh) và dự tính: “Nếu thuận lợi, tôi sẽ rủ rê cả cộng đồng người Việt ở Cali, nơi tôi sinh sống, về quê cùng góp vốn làm ăn.

Sau đó sẽ mở nhà máy chế biến, xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, thực hiện một qui trình khép kín từ việc ương nuôi, sản xuất, chế biến và xuất khẩu”. Ông tự tin: “Tụi tôi đã từng sống ở Mỹ nên biết rõ từng ngõ ngách của luật lệ bên đó. Khi bắt tay vào làm chắc chắn sẽ không có tình trạng để bị kiện bán phá giá như vừa qua”.

Khi liên hệ với ngân hàng huyện, người ta hứa hẹn rằng với số vốn như trên, ngân hàng có thể hỗ trợ cho ông tới 6 tỉ đồng để đầu tư làm ăn. Tin lời, ông yên chí thả nuôi hết ba hầm cá với số con giống hơn 1 triệu con. Nhưng khi hợp đồng vay, ngân hàng chỉ giải quyết có... 600 triệu đồng. Ông “hỗng cẳng”, biết rằng mình bị hớ. Lúc này, cá trong ao đang độ lớn, chúng đòi ăn còn hơn... xáng múc, nhưng trong mình lại cạn vốn, ông phải tiền vay bạc hỏi ở ngoài với lãi suất cao, có lúc lên tới 5-7%/tháng.

Trong số những người hùn hạp làm ăn với ông có một chủ nhà máy xay xát lúa gạo ở địa phương, tên là Nguyễn Văn Dợn. Ông này đồng ý liên kết làm ăn dưới hình thức cung cấp thức ăn gồm tấm cám, cá biển; sau khi thu hoạch cá ông Trường trả lại tiền đầu tư, kèm theo mức lợi nhuận thỏa thuận.

Phong tỏa tài sản

Ngày 21-3-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tuyên xử “tiếp tục kê biên số tiền bán cá hơn 1 tỉ đồng của ông Trường tại doanh nghiệp Vạn An để đảm bảo thi hành án số nợ của ông Dợn. Ngoài ra, ông Trường còn phải trả lãi cho ông Dợn 23 triệu đồng, nộp án phí 28 triệu đồng”.

Đến tháng 11-2005, tổng số tiền ông Trường nợ ông Dợn là hơn 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông đã thanh toán 409 triệu đồng, số còn lại ông Trường cam kết sẽ thanh toán sau khi bán cá vào đợt cuối tháng 12-2005.

Nhưng khi ông Trường chưa kịp bán cá thì ông Dợn đã nhờ một số quan chức, công an địa phương gây áp lực, làm khó dễ, rồi nói xấu “ông Trường là Việt kiều bị trục xuất về nước, đang nợ nần chồng chất, sắp bị phá sản đến nơi...”.

Khi ông chuẩn bị ký hợp đồng bán cá cho một doanh nghiệp trong tỉnh thì một cán bộ tòa án huyện tới “chọt” với doanh nghiệp này, khiến hợp đồng bị ngưng, ông phải tìm qua Hậu Giang. Rồi cứ cách vài ba ngày, một cán bộ công an huyện tới mời ông Trường ra xã làm việc, hạch hỏi đủ điều. Những việc này làm đối tác của ông Trường hết sức hoang mang.

Dù vậy, ngày 29-12-2005, ông Trường vẫn ký được hợp đồng bán cá với doanh nghiệp Vạn An ở Hậu Giang. Doanh nghiệp này hẹn ngày 13-1-2006 sẽ giao tiền. Ông Trường nói: “Tôi định sau khi lấy tiền này sẽ thanh toán cho ông Dợn”. Nhưng chưa kịp lấy thì ngày 3-1-2006, ông Dợn nộp đơn kiện ông ra tòa để đòi nợ.

Nguyên nhân ông Dợn kiện là do nghi ngờ ông Trường có dấu hiệu lừa đảo. Theo ông Dợn, trước đó ông đã nhiều lần đòi nợ, nhưng ông Trường cứ hẹn lần hẹn lữa, thậm chí lánh mặt. Đỉnh điểm khiến ông Dợn kiện là lúc phát hiện ông Trường ký hợp đồng bán cá cho một doanh nghiệp ở Hậu Giang, nhưng trong hợp đồng lại không ghi tên ông Trường đứng bán mà lại ghi tên người khác, ông Lê Minh Lộc, một chủ đầu tư thức ăn ở cùng huyện.

Tuy nhiên, theo ông Trường, do bị nhũng nhiễu nên ông chưa thể tìm được nơi để bán cá theo dự tính. Mặt khác, ông cũng đã làm giấy hứa trả nợ cho ông Dợn rồi, chỉ chưa tới ngày mà thôi. Về việc nhờ người khác đứng tên bán cá, ông Trường giải thích rằng “do thiếu vốn nên tôi đã bán “cá non” cho ông Lộc, một trong những chủ đầu tư thức ăn. Đây là việc làm hết sức bình thường trong thông lệ làm ăn của những người nuôi thủy sản với nhau”.

Ngày 6-1-2006, ông Trường bắt đầu giao cá, chưa kịp lấy tiền thì cũng trong ngày này, tòa án tỉnh thông báo cho ông biết đã thụ lý vụ kiện. Tòa cũng yêu cầu trong vòng 15 ngày ông Trường phải có ý kiến của mình. Tuy nhiên, chỉ sáu ngày sau, tức là ngày 12-1-2006, tòa án đã ra quyết định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, và chỉ qua ngày hôm sau, đúng vào thời điểm lấy tiền thì thi hành án tỉnh tới ngay doanh nghệp Vạn An phong tỏa số tiền hơn 1 tỉ đồng của ông.

Thông tin này lan rộng, làm cho ông chết đứng. Lúc này cũng là thời điểm giáp tết (ngày 14 tháng chạp), ông không có tiền chi trả cho hơn 20 công nhân đang chuẩn bị đón tết với gia đình. Bầy cá cả triệu con đang đói trong hầm không có tiền mua thức ăn, thuốc men, trong thời điểm dịch cá chết đang lan rộng quanh vùng. Do thiếu thuốc, hơn 20 tấn cá của ông phải chết trong lúc đó. Điều đau khổ nhất là các đối tác làm ăn, chủ yếu là chủ cơ sở cung cấp thức ăn cho cá, nghe tin này bắt đầu nghi ngại và ngưng thực hiện hợp đồng.

Ông như người bệnh hấp hối bị rút ống thở oxy. Ông cảm thấy mình trơ trọi giống như lúc bị nhóm người Việt quá khích ở Mỹ hành hung năm 1999. Càng đau khổ hơn khi sự việc diễn ra ngay trên mảnh đất quê hương của mình, xung quanh là những người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng. Ông chạy kêu cứu từng người tiếp hơi cho mình, nhưng hầu như ai cũng ngoảnh mặt quay lưng.

Cùng lúc này, bệnh tình vợ ông vẫn không thuyên giảm. Ông vẫn phải tới lui thăm bà ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai). Ông còn phải chăm hai con còn nhỏ hằng ngày đi học, và chăm sóc bầy cá ở ba hầm đang độ lớn. Các công nhân hầu như không thấy ông ngủ. Anh Khang, người làm công cho ông, kể: “Cả đêm ông cứ để mình trần, ngực mang vết sẹo dài của hai lần mổ tim, đi quanh quẩn các hầm thăm nom bầy cá. Không hiểu sức lực ở đâu mà ông chịu đựng nổi cùng lúc những cú sốc dồn dập như vậy”.

Nguồn tin độc hại nhất nói xấu ông là “thằng Việt kiều đó về đây ở lậu. Visa của nó sắp hết hạn rồi, nó sắp bị trục xuất về Mỹ...” chẳng những cắt đứt hoàn toàn mọi quan hệ làm ăn của ông mà còn “đập” vào ngay tâm lý của những người muốn bênh vực ông. Họ hoang mang, lừng chừng, và cuối cùng là không dám giúp đỡ ông. Ông giống như bị treo đá ở chân rồi quăng xuống nước. Ông nói: “Lúc này mà có súng như ở Mỹ, tôi đã bắn chết vợ con rồi tự sát”.

Không cô độc

Phóng to
Một hầm cá của ông Trường
Nhưng vốn quen chịu đựng “bầm dập”, ông quyết định: “Phải cắt bỏ chân để ngoi lên”. Và ông chấp nhận bị giam vốn, tìm nguồn vốn khác cho cá.

Trong một lần tình cờ, ông gặp được người của Hội Thân nhân kiều bào tỉnh Đồng Tháp. Nghe ông kể sự tình, hội sẵn lòng hỗ trợ ông. Đầu tiên, hội hướng dẫn ông tìm đến một tờ báo có uy tín trong nước nhờ lên tiếng giúp ông. Tờ báo này đăng liền bản tin ông bị phong tỏa tài sản. Sau đó, nhiều tờ báo khác đưa tin bài phản ánh việc ông bị “gây nhiễu” ở địa phương.

Lập tức những thông tin này lan tỏa trong dư luận, như trận mưa rào tắm mát những nguồn tin nóng bức nói xấu ông bấy lâu nay. Cầm những tờ báo đó, ông tìm các chủ nợ giải thích nỗi khổ của mình, mọi người thông cảm và giảm bớt áp lực đòi nợ trong những ngày giáp tết. Những công nhân của ông sẵn lòng chia sẻ khó khăn và chấp nhận cùng ông ăn cái tết đạm bạc.

Sau đó, để xóa tan dư luận nói ông là “Việt kiều dỏm”, ông đi làm thủ tục gia hạn visa ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an). Biết ông là “thứ thiệt” nên nơi đây sẵn lòng gia hạn ngay. Ông được cấp hẳn một thẻ tạm trú trong hai năm. Ông đem thẻ này về trình với ngân hàng ở tỉnh. Ngân hàng đồng ý cho ông vay một số vốn kha khá.

Hội Thân nhân kiều bào tiếp tục kêu cứu giúp ông, đồng thời vận động các thành viên trong hội góp vốn “tiếp hơi” nuôi cá. Nghe chuyện, nhiều Việt kiều đồng ý giúp ông ngay. Thậm chí có người giúp vốn mà không cần lấy lãi. Một số chủ cung cấp thức ăn bắt đầu quay lại thương thảo. Các xe chở thức ăn lại bắt đầu tấp nập lui tới trang trại cá. Ông nói: “Tôi như chết đi sống lại, như có thêm nguồn oxy để thở cầm hơi”.

Đến thăm trang trại cá của ông bây giờ, có thể thấy ngay một cơ ngơi thoáng mát, rộng rãi với hệ thống thoát nước hoàn chỉnh đưa nước ra vô từ sông Hậu. Trên bờ, ngoài hầm số 4 đang chuẩn bị xuất bán, bên cạnh là hầm số 2 với lượng cá 300.000 con đang giành ăn trắng nước.

Kế đó là hầm số 1 đang thả hơn 1 triệu con giống. Cùng lúc này, chiếc Kobe đang chạy gần bên để hoàn chỉnh thêm hai hầm nữa, chuẩn bị chuyển số cá con ra để vào kế hoạch nuôi thịt. Ở ngoài cổng, ông đã dành hẳn một khoảnh đất rộng làm sân bóng đá mini cho thanh niên trong vùng tới vui chơi mỗi ngày.

Ngày 27-3-2006 ông đã ký được hợp đồng bán cá với số lượng hơn 200 tấn cho Công ty Nam Việt ở An Giang. Ông dự tính trong tháng tư sẽ bắt cá và có tiền. Sau đó ông sẽ thanh toán nợ ngay cho những “mạnh thường quân” đã giúp đỡ ông vượt qua khó khăn bấy lâu nay. Ông hóm hỉnh: “Không biết đợt này có ai phong tỏa tài sản nữa không. Nếu có thì tôi chắc chết 100%, chắc cú luôn chứ không “ngáp ngáp” như trước đây nữa”.

Khi được hỏi “với vụ việc vừa qua, ông có nản lòng và dự định quay lại Mỹ không?”, ông trả lời: “Tôi đã quen bị “bầm dập” rồi, và coi đó như một thử thách mới. Tôi cũng hiểu VN đang có sự thay đổi từ cấp trung ương, chỉ một số nhỏ ở địa phương do thiếu hiểu biết nên làm sai. Tôi tin rằng những người làm sai sẽ bị xử lý nghiêm khắc”. Rồi ông cho biết mình sẽ quay lại Mỹ để kéo thêm bạn bè về VN đầu tư làm ăn. Ông cho rằng: “Dù sao đi nữa, không đâu bằng quê hương mình”.

Phóng to

Ông Trường bị hành hung khi bảo vệ cờ và ảnh Bác ở Mỹ năm 1999 (ảnh AP)

Năm 1980, ông Trường sang Mỹ, làm công nhân cho một hãng cơ khí. Năm 1987, sau hai lần mổ tim, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Kim Khanh. Lúc này, bà Khanh làm ở đài truyền hình Việt ngữ của người Việt tại Cali.

Năm 1993, ông Trường mở tiệm kinh doanh điện tử, sang băng nhạc mang tên HiTeK ở một khu phố thuộc quận Cam. Thời điểm này, ông tham gia các hoạt động ủng hộ tiến trình bang giao, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ông viết nhiều bài báo tỏ rõ chính kiến của mình và công khai ủng hộ Đảng Cộng sản VN. Chính điều này đã khiến một số người Việt quá khích bên đó ngấm ngầm căm ghét ông.

Năm 1997, trong một lần đi xem biểu diễn kịch của một đoàn nghệ thuật từ VN sang, ông đã bị một nhóm người quá khích hành hung.

Năm 1998, trong một lần về VN, ông tìm mua được bức ảnh chân dung Bác Hồ và lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Ông mang qua Mỹ treo trong cửa hàng của mình. Việc làm này đã gây phẫn nộ của nhóm người Việt quá khích. Họ biểu tình đòi ông phải hạ ảnh Bác và cờ. Ông không đồng ý và cho rằng “luật pháp nước Mỹ không cấm việc làm này”. Không làm được gì, nhóm người quá khích bắt đầu nói xấu ông trên các phương tiện truyền thông. Họ kích động cộng đồng người Việt tẩy chay ông, không đến cửa hàng mua băng. Ông bị thua lỗ và thiếu nợ.

Đỉnh điểm của vụ xung đột này diễn ra sáng 10-2-1999, một đám đông kéo đến cửa hàng của ông đập phá, gỡ lấy ảnh Bác Hồ mang đi. Ông nhờ cảnh sát Mỹ hỗ trợ và đòi lại ảnh Bác. Tới 6g chiều, nhóm người này mới mang trả và kèm theo lời hăm dọa “không được tiếp tục treo”. Sáng hôm sau, ông vẫn tiếp tục treo ảnh Bác, đồng thời vợ ông chạy ra đường phất cao cờ đỏ sao vàng. Lập tức, nhóm người Việt xông vào hành hung ông bằng gậy gộc và chai lọ. Ông phải vào bệnh viện cấp cứu.

Sau đó, nhóm người này tiếp tục kiện ông lên tòa án bang Cali về tội “làm cản trở việc thương mại ở khu phố”. Tòa án bác đơn và xử ông thắng kiện.

Không làm gì được ông, họ tổ chức treo cờ vàng ba sọc che lấp cửa hiệu ông suốt 53 ngày. Vụ việc kéo dài đến năm 2001, họ tổ chức đập phá cửa hàng ông rồi vu ông hành nghề sang băng lậu. Ông bị kết án ba tháng tù.

Khi ở tù ra, sản nghiệp của ông tiêu tan. Vợ ông thất nghiệp, ông phải đi lục thùng rác và bán báo kiếm sống.

Đầu năm 2005, ông quyết định bán nhà ở Mỹ về VN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận