​Ông Netanyahu có giữ được ghế?

HỮU NGHỊ 17/03/2015 02:03 GMT+7

Bài diễn văn tuần rồi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước Quốc hội Mỹ có ý nghĩa gì? Cũng như cuộc biểu tình đông đảo vào cuối tuần chống ông này?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cầm mâm trái cây khi viếng thăm chợ rau quả Mahane Yehuda ở Jerusalem ngày 9-3, tám ngày trước cuộc bầu cử quốc hội nước này - Ảnh: Reuters

Ở một nước đa đảng, càng đến gần ngày bầu cử, dự trù vào ngày 17-3 ở Israel, chuyện ông Netanyahu càng bị chống đối là lẽ đương nhiên. Cuộc biểu tình hôm 7-3 đông đến 50.000 người, theo Đài Nga RT, là một kiểu vận động tranh cử “tấn công”.

Ngược lại, bài diễn văn của ông Netanyahu trước Quốc hội Mỹ hôm 3-3 cũng có thể được xem là “vận động tranh cử”, qua đó ông này muốn chứng tỏ đang “gìn giữ” được gì cho đất nước ông trước những toan tính của đồng minh Mỹ.

Phe đối lập đang chỉ trích ông Netanyahu đã chẳng làm gì được cho an ninh của Israel (không ngăn chặn được vũ lực với người Palestine từ Gaza và hiểm họa hạt nhân Iran) và đã không đạt được thành tựu ngoại giao.

Một nhân vật đang ồn ào mấy ngày nay là Meir Dagan, cựu giám đốc tình báo Mossad, lớn tiếng bày tỏ mong muốn thay đổi vị trí lãnh đạo chính phủ: “Tôi phát ớn các ông lãnh đạo này rồi. Vì họ thiếu tầm nhìn và mất phương hướng, do dự và trì trệ. Điều tôi sợ hãi hơn cả là một cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà Israel đã chứng kiến đến ngày nay”.

Làm gì với Palestine?

Trách nhau không giữ được an ninh là chuyện “xưa như trái đất”. Có một thực tế là sự tồn tại của Israel tùy thuộc vào hai ẩn số: Palestine và Iran. Palestine là một vấn đề trường kỳ và hiện đang là “bất khả” khi những điều kiện để cho “hai nhà nước” (cùng tồn tại) vẫn chưa được hai bên cùng nhìn nhận như nhau, ngay cả trong nội bộ Israel cũng chưa thống nhất quan điểm.

Tối chủ nhật 8-3, Văn phòng Chính phủ Israel bác bỏ những bình luận cho rằng ông Netanyahu nay đã thôi đồng tình với nguyên tắc “hai quốc gia” do e ngại rằng “nếu nhường một số lãnh thổ cho người Palestine thì các lãnh thổ đó sẽ rơi vào tay các tổ chức khủng bố được Iran hậu thuẫn” (The Times of Israel, 9-3-2015).

Ba tháng rưỡi sau khi nhậm chức vào năm 2009, ông Netanyahu đã chính thức lên tiếng đồng ý khái niệm “Hai quốc gia” trong một bài diễn văn đọc tại Đại học Bar-Ilan năm 2009, với lý do “tình hình hiện không thích hợp”. Sở dĩ có dư luận như thế vì phe đối lập ở Israel đã “bật mí” Đảng Likud cầm quyền và ông Netanyahu định nhượng bộ Palestine khá nhiều lãnh thổ.

Iran trong bài diễn văn ở Mỹ

Những đồn đãi này, nhất là lý do “tình hình hiện không thích hợp” mà dư luận gán cho ông Netanyahu, cũng khá gần gũi với những gì mà ông Netanyahu đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ, trong đó ý chính là phản đối thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Obama đang tiến gần đến với Chính phủ Iran.

Suốt bài diễn văn đó, ông tố cáo: “Những kẻ đánh thuê của Iran tại Gaza, những tên tay sai của Iran tại Libăng, những vệ binh cách mạng trên cao nguyên Golan đang siết chặt Israel với cái vòi khủng bố này. Tại Trung Đông, Iran hiện đang chế ngự bốn thủ đô Ả Rập gồm Baghdad, Damascus, Beirut và Sanaa. Và nếu đà xâm lược này của Iran cứ được để mặc, danh sách kế tiếp sẽ còn dài...”. Điều mà ông Netanyahu gọi là “tay chân” của Iran ở Gaza hay Libăng chính là các tổ chức Hamas và Hezbollah.

Ông Netanyahu triển khai giả định của mình: “Ngay khi còn đang bị trừng phạt mà Iran vẫn nuốt trộng bốn quốc gia này thì một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, sẽ có bao nhiêu nước khác sẽ bị Iran nuốt? Liệu lúc đó Iran có bớt tài trợ cho khủng bố khi sẽ có cả núi tiền để tài trợ cho khủng bố hơn nữa?”.

Một tố giác khác trong bài diễn văn của ông cũng nhắm vào cuộc “nói chuyện” giữa Mỹ và Iran: “Cuộc cách mạng Iran, về mặt ý thức hệ, đã bén rễ sâu như là Hồi giáo đấu tranh. Cuộc chiến giữa Iran và ISIS sẽ không biến Iran thành bạn của nước Mỹ đâu. Iran và ISIS đang tranh giành ngai vương của Hồi giáo đấu tranh. Một bên tự gọi mình là Cộng hòa Hồi giáo, bên kia tự phong là Nhà nước Hồi giáo. Cả hai đều muốn áp đặt một đế chế Hồi giáo, trước hết là trong khu vực và sau đó là trên toàn cầu. Họ đang tranh giành xem ai sẽ là người thống trị đế chế đó... Thành ra nói đến chuyện Iran với ISIS, thì kẻ thù của kẻ thù của quý vị vẫn sẽ là kẻ thù của quý vị mà thôi”.

Ông phản bác kế hoạch thỏa thuận hạt nhân với Iran của ông Obama: “Đánh bại ISIS mà để cho Iran có được vũ khí hạt nhân có thể sẽ là thắng một trận đánh, song sẽ là thua cả cuộc chiến tranh... Các láng giềng của Iran biết rõ rằng Iran sẽ còn bành trướng hơn nữa và tài trợ khủng bố hơn nữa, một khi không còn bị trói buộc về kinh tế và được khai thông con đường dẫn tới bom hạt nhân”.

Thay đổi lập trường?

Những ý đó trong bài diễn văn ở Washington vô hình trung trở thành đề quyết rằng ông Netanyahu đã từ giã lập trường “hai nhà nước cùng tồn tại” vì theo ông, nay “tình hình không thích hợp”.

Thật ra, bài diễn văn này cũng không khác lắm bài diễn văn đầu tiên về đối ngoại ở Đại học Bar-Ilan năm 2009, khi ông Netanyahu vừa mở ngỏ cánh cửa hòa bình vừa ra điều kiện: “Tôi kêu gọi các láng giềng Palestine của chúng tôi cùng ban lãnh đạo cơ quan quyền lực Palestine.... Chúng tôi muốn sống hòa bình, yên ổn, quan hệ láng giềng tốt với quý vị... với điều kiện là phi quân sự hóa. Không có điều kiện này, sẽ còn đó nỗi sợ một nhà nước vũ trang Palestine sẽ trở thành một căn cứ khủng bố chống lại Israel, như đã xảy ra tại Gaza. Chúng tôi không muốn hứng tên lửa rơi xuống thành phố Petah Tikva hay xuống sân bay quốc tế Ben-Gurion. Chúng tôi muốn hòa bình. Và để đảm bảo hòa bình, chúng tôi không muốn ai đó đưa tên lửa hay phi đạn vào”.

Quả thật Israel sống trong mối hiểm họa tên lửa từ Gaza. Ông Netanyahu nhắc lại trước Quốc hội Mỹ: “Mùa hè năm ngoái, hàng triệu người Israel được bảo vệ khỏi hàng ngàn tên lửa của Hamas nhờ Mái vòm sắt”. Hòa bình đã không thể nào có khi còn cái vòng luẩn quẩn “tên lửa Hamas => Israel không kích trả đũa” và một khi Israel trả đũa, hậu quả là “cực kỳ không thương tiếc” và càng làm dân chúng xem Hamas là lực lượng đang bảo vệ họ và càng căm ghét Israel. Việc ông Netanyahu đề cập chuyện chống trả tên lửa của Hamas cũng là để nhắc rằng ông đã thành công trong việc bảo vệ dân chúng.

Việc ông Netanyahu sang Mỹ đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ, được vỗ tay đến 43 lần, nhằm vận động tranh cử trong nước đem lại kết quả gì? Một đối thủ của ông, cựu giám đốc tình báo Mossad Meir Dagan ngay lập tức đã gọi bài diễn văn đó là “tầm phào”.

Tuần báo Newsweek ngày 6-3 ghi nhận rằng mặc cho bài diễn văn đó, trong các cuộc thăm dò dư luận Đảng Likud cũng đang ở sau Đảng Zion thống nhất khoảng 1-2 ghế trong quốc hội. Việc đến cuối tuần xì ra tin ông Netanyahu đã thay đổi lập trường về Palestine (?) phải chăng để tăng phần bác bỏ những tố cáo ông có thể hứng chịu một giải pháp hòa bình của Mỹ.

Cho dù đảng nào thắng cử, vấn đề làm sao cùng tồn tại với Palestine vẫn cứ còn đó khi giữa hai phái Hamas và Fatah đang tranh giành quyền lực (có một dạo đã thể hiện bằng súng đạn đẫm máu). Năm ngoái cũng đã có thỏa thuận giữa hai phái, song đâu lại vào đấy! Cơ quan quyền lực Palestine “xây” hòa bình thì Hamas “phá”. Thành ra, trước khi nói đến hòa bình Israel - Palestine, cần nói đến hòa bình giữa cơ quan quyền lực Palestine và Hamas đã.          

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận