Ông Sáu Khải - Một nhà lãnh đạo chân chính và ủng hộ cải cách

QUỲNH TRUNG 23/03/2018 23:03 GMT+7

TTCT - “Thủ tướng Phan Văn Khải đóng vai trò trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông ấy là một người bạn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và người ủng hộ cải cách” - ông Jordan Ryan (người Mỹ), điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam giai đoạn 2002-2005, chia sẻ với TTCT những suy nghĩ của ông về các di sản của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan hội kiến Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2006. Ảnh: AFP
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan hội kiến Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2006. Ảnh: AFP

 Ấn tượng đầu tiên của ông về cố Thủ tướng Phan Văn Khải như thế nào và ấn tượng này thay đổi ra sao khi ông biết rõ ông ấy hơn?

- Tôi gặp Thủ tướng Phan Văn Khải lần đầu khi là phó đại diện thường trú của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) ở Việt Nam những năm giữa thập niên 1990. Tôi biết ông ấy rõ hơn khi trở lại Việt Nam năm 2002 với vai trò điều phối viên thường trú của LHQ và đại diện thường trú của UNDP.

Cuộc gặp lần đầu tiên giữa tôi và ông trên cương vị thủ tướng Việt Nam là đầu tháng 1-2002, khi tôi đến trình quốc thư cho ông. Lúc đó cả hai chúng tôi cùng cười, nói với nhau rằng cả hai cùng không còn thấy từ “phó” trong chức danh. Thủ tướng Khải luôn hòa nhã và hào sảng đối với tôi và các đồng nghiệp ở văn phòng LHQ tại Việt Nam. Ông ấy luôn mỉm cười và sẵn sàng lắng nghe.

* Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng một trong những di sản lớn nhất mà Thủ tướng Phan Văn Khải để lại là Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi. Quan điểm của ông ra sao về những di sản này và ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế Việt Nam?

- Sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, nhiều ý kiến tranh luận cho rằng sở dĩ Việt Nam không thiệt hại nặng nề như Thái Lan hay Indonesia vì khi đó Việt Nam chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và việc Việt Nam mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới tại thời điểm đó là một quyết định rất rủi ro.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải hiểu rằng Việt Nam lúc đó còn là một nền kinh tế “bế quan tỏa cảng” nên phải xuất khẩu để hiện đại hóa và tạo ra công ăn việc làm. Đó là một quyết định rất dũng cảm của Thủ tướng Khải và chính phủ của ông.

Chính phủ Việt Nam dưới thời Thủ tướng Khải đã đàm phán và đi đến ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ (BTA) năm 2000, đây là một bước ngoặt trong quá trình cải cách kinh tế của Việt Nam. Nhờ BTA mà xuất khẩu tăng mạnh và tăng trưởng kinh tế cũng đi lên, khiến chính phủ thêm tin tưởng cho quyết định tái khởi động đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006.

Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư nước ngoài cũng là những bước ngoặt quan trọng trong tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam. Dù bây giờ chúng ta xem những bộ luật này là những bước đi hiển nhiên phải thực hiện, nhưng phải nhớ rằng tại thời điểm đó trong nước có nhiều tiếng nói phản đối mạnh mẽ việc hợp thức hóa vai trò của lĩnh vực tư nhân và giảm rào cản đối với đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Phan Văn Khải và các đồng sự trong chính phủ đã phải nỗ lực lớn để thuyết phục những người nghi ngờ rằng các công ty Việt Nam sẵn sàng đối mặt thách thức và việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài không đồng nghĩa với việc đánh mất chủ quyền hay tạo điều kiện cho các công ty đa quốc gia bóc lột người lao động Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, hiện nay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu và tạo công ăn việc làm ở Việt Nam, và nền kinh tế đa dạng hóa của Việt Nam thời điểm hiện nay - sau khi trải qua giai đoạn khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu - là một trong những quốc gia phát triển kinh tế ấn tượng nhất ở châu Á.

* Ông đánh giá như thế nào về quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, tổ chức quốc tế như LHQ tại Việt Nam dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải?

- Những năm đầu 2000 là giai đoạn Việt Nam tràn trề lạc quan, mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế rất tốt đẹp. Đó là thời điểm mà các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) là trọng tâm thu hút sự chú ý của các đối tác phát triển quốc tế được dẫn dắt bởi các cơ quan thuộc LHQ. 

Sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với xóa đói giảm nghèo và đạt các MDGs đã giúp Việt Nam trở thành một nước đi đầu trong cộng đồng các quốc gia đang phát triển. Thủ tướng Phan Văn Khải đã đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế nói chung và LHQ nói riêng.

* Đâu là những kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa ông và Thủ tướng Phan Văn Khải?

- Tôi có nhiều kỷ niệm không bao giờ quên trong các cuộc gặp với ông. Chúng tôi đã trao đổi về các vấn đề toàn cầu như HIV/AIDS, thách thức về quyền con người, cúm gia cầm, dịch SARS và nhu cầu của việc tiếp tục cải cách.

Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là cuộc gặp cuối cùng với Thủ tướng Khải trước khi tôi rời Việt Nam để nhận nhiệm vụ phó đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ ở Liberia. Đó là khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn vì tôi phải vượt qua cảm xúc rời Việt Nam lần thứ hai.

Thủ tướng Khải đã trút hết nỗi lòng với tôi về đất nước ông, quá trình phát triển kinh tế và hòa bình. Cuộc trao đổi giữa hai chúng tôi không phải lúc nào cũng là những vấn đề nghiêm túc. Chúng tôi cũng thường có những khoảnh khắc cùng nhau cười to.

Tôi nhớ ở buổi tiệc tiễn tôi rời Việt Nam, tôi có đưa cho ông xem một huy hiệu tôi được tặng năm 1964, là một vật phẩm thuộc phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ có dòng chữ: “Hãy đuổi nước Mỹ ra khỏi Việt Nam và đưa LHQ đến đây”. Thủ tướng Khải cười to và nói với tôi rằng việc cả nước Mỹ và LHQ hiện diện ở một đất nước Việt Nam hòa bình là điều tốt.

Với tôi, được biết Thủ tướng Phan Văn Khải là một đặc ân. Ông ấy thực sự là một vị lãnh đạo chân chính. Tôi sẽ luôn lưu giữ những kỷ niệm về tình bạn với ông và sự tử tế của ông ấy trong trái tim mình.

Xin cảm ơn ông.■

Thủ tướng Phan Văn Khải là một người khiêm tốn, luôn đặt lợi ích đất nước lên trước tiên. Ông thuộc thế hệ hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo tập thể, lắng nghe ý kiến từ cả hai phía và làm việc với các đồng sự để đạt được sự đồng thuận.

Dù ông có những đóng góp cá nhân lớn về các quyết sách kinh tế, giúp Việt Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng ông luôn cho rằng những thành tựu kinh tế dưới thời ông có được là do nỗ lực tập thể của chính phủ, Đảng và người dân.

Những thành tựu kinh tế này chính là đàm phán thành công và ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, tiếp cận thị trường châu Âu, gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, và những bước đi vững chắc hướng đến tái hội nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu.

Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ. Chính Thủ tướng Khải đưa ra quan điểm rằng hội nhập không phải là mục đích cuối cùng mà là một công cụ quan trọng để tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo.

Mẫu lãnh đạo dám nghĩ dám làm

Tôi là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Điển Việt Nam nhiệm kỳ 1994-1997 với nhiệm vụ chính là thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới từ năm 1986, Thụy Điển chú trọng hỗ trợ Việt Nam cải cách, xem đây là trọng tâm của hợp tác song phương. Thời gian đầu nhiệm kỳ đại sứ, chúng tôi thường tổ chức những hội thảo quốc tế về các vấn đề cải cách ở Việt Nam, lúc đó ông Phan Văn Khải tham gia với vai trò là chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước.

Lần tiếp xúc sâu sát nhất với ông Khải là khi tôi tháp tùng ông ấy thăm Thụy Điển trên cương vị Thủ tướng Việt Nam năm 1997. Trong chuyến thăm này, chúng tôi tổ chức một cuộc bàn tròn với Thủ tướng Khải về mô hình phát triển của Thụy Điển. Ông ấy bày tỏ sự cam kết mạnh mẽ đối với cải cách và mở cửa nền kinh tế Việt Nam. Tôi được biết ông Khải đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Luật doanh nghiệp cũng như Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi. Đây là những bộ luật quan trọng, mở ra giai đoạn đưa Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới. Như Thủ tướng tiền nhiệm Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải là mẫu lãnh đạo dám nghĩ dám làm, không e ngại trước tương lai bất định, thay vào đó ông luôn nhìn thấy những cơ hội lớn phía trước.

(Nguyên đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Börje Ljunggren)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận