Oscar lần thứ 81 (22-2-2009): Những "đứa con rơi"

ĐOAN THƯ 25/02/2009 12:02 GMT+7

TTCT - Những ai đã xem Gran Torino, trong đó Clint Eastwood làm đạo diễn kiêm thủ vai chính, có thể đánh giá đây là một kiệt tác. Thế nhưng tác phẩm xuất sắc này không có mặt ở bảng đề cử phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc lẫn nam diễn viên chính.

Phóng to
Clint Eastwood trong Gran Torino

Đây chẳng phải lần đầu tiên gần 6.500 thành viên Viện hàn lâm Khoa học nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) - những người làm phim chuyên nghiệp và am hiểu tất tần tật mọi hoạt động công nghiệp điện ảnh - duyệt sót tác phẩm hay. Và Clint Eastwood chẳng phải là diễn viên duy nhất trở thành “đứa con rơi” của AMPAS mùa giải năm nay...

Có thể nói không quá lời rằng Gran Torino là tác phẩm xuất sắc nhất của Clint Eastwood trong khoảng một thập niên trở lại đây (và có thể là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của ông bởi năm nay Eastwood đã 79 tuổi). Thật tuyệt khi ông cụ “thất thập cổ lai hi” này vẫn lao động nghệ thuật với tinh thần cống hiến đáng tôn vinh và chứng tỏ tài diễn xuất đẳng cấp đỉnh cao mà bất kỳ thế hệ nào cũng phải ngả mũ kính nể.

Trong Gran Torino, Clint Eastwood thủ vai một ông già khó tính, khó ưa, khó gần, sống co cụm, khinh đời và người như thế hẳn nhiên rất ích kỷ. Tuy nhiên, tất cả chỉ là lớp vỏ bọc che đậy một tâm hồn nhạy cảm, trái tim rộng lượng, lối sống khoan dung và vòng tay bao la nhân ái. Ông “đóng kịch” tài đến mức chẳng ai có thể cảm tình với ông, kể cả những người hàng xóm và thậm chí đám con cháu ông. Với ông, cái ác phải được đối xử bằng chính cái ác mới đáng và công bằng. Thế rồi, cuối cùng lớp vỏ bọc biến mất khi ông lấy mạng sống mình để bộc lộ trái tim chân thật.

Một kết cục bi ai đến mức thẫn thờ, để lại cảm xúc rung động đến khó tả. Một tuyệt tác độc đáo dường này mà bị lọt khỏi sự theo dõi của AMPAS thì vô cùng đáng tiếc. Nó còn cho thấy có lẽ chẳng bao giờ Eastwood, ở độ tuổi của ông, còn cơ hội bước lên sân khấu nhận tượng Oscar giải diễn viên chính xuất sắc nhất, khi trong quá khứ AMPAS luôn “ngược đãi” Clint Eastwood với việc chưa bao giờ công nhận tài diễn xuất của ông, bất luận ông từng để lại dấu ấn diễn xuất tài ba trong vô số phim, từ Play misty for me (1971), Dirty Harry (1971), The outlaw Josey Wales (1976), Escape from Alcatraz (1979), Unforgiven (1992) đến The bridges of Madison County (1995)...

Phóng to
Leonardo DiCaprio trong Revolutionary road
Clint Eastwood không là trường hợp bị bỏ sót thuộc loại “quái đản” mùa giải năm nay. Vị trí trong bảng đề cử nam diễn viên chính của Brad Pitt trong The curious case of Benjamin Button hoặc của Frank Langella trong Frost/Nixon lý ra phải thuộc về Leonardo DiCaprio trong Revolutionary road! So với vai diễn được đề cử nam diễn viên chính của DiCaprio trong Blood diamond mùa Oscar 2007, vai diễn trong Revolutionary road đòi hỏi kỹ năng diễn xuất nội tâm phức tạp hơn nhiều lần. Khóc, cười rồi buồn khổ trong tâm trạng đau đớn tột cùng (trước cái chết của vợ) đã được DiCaprio thể hiện cực kỳ xuất sắc. Có thể nói Revolutionary road là phim diễn xuất tuyệt nhất của DiCaprio từ trước đến nay, thể hiện sự trưởng thành và chín muồi trong nghệ thuật “tạo hình” của DiCaprio trước ống kính nghệ thuật thứ bảy...

Không chỉ bỏ sót, quan điểm đề cử của AMPAS năm nay cũng có “vấn đề”. Vai diễn của Kate Winslet trong Revolutionary road đẳng cấp hơn hẳn so với vai của cô trong The reader nhưng cô được đề cử nữ diễn viên chính với The reader chứ không phải với Revolutionary road (ban giám khảo Quả cầu vàng 2009 đã chính xác hơn khi chấm giải nữ diễn viên phụ cho Winslet trong The reader và giải nữ diễn viên chính trong Revolutionary road).

Với AMPAS, việc đề cử như vậy càng khiến một lần nữa Kate Winslet (từng được đề cử sáu lần) có khả năng lại ra về tay không. Ngoài ra, chẳng hiểu AMPAS “mắc chứng gì” lại đưa Richard Jenkins vào danh sách đề cử nam diễn viên chính với phim The visitor. Ông cụ này trước nay vốn chỉ đóng vai phụ, chủ yếu phim truyền hình nhiều tập và gần như chưa bao giờ để lại dấu ấn với người hâm mộ.

Trong lịch sử 81 mùa giải, AMPAS từng nhiều lần khiến người hâm mộ thất vọng bởi cách đề cử cũng như chấm giải. Năm 1968, tác phẩm kinh điển về Chiến tranh lạnh Dr. Strangelove or: How I learned to stop worrying and love the bomb của tượng đài Stanley Kubrick đã thất bại trước một phim được đánh giá thấp hơn nhiều là My fair lady của George Cukor ở hạng mục phim hay nhất.

Trước đó, năm 1941 Citizen Kane - tác phẩm được công nhận là một trong mười phim hay nhất mọi thời - đã bị khước từ tượng vàng Oscar để nhường chỗ cho bộ phim kém hơn mà bây giờ nhắc tựa hẳn chẳng còn ai nhớ đến: How green was my valley. Và với Alfred Hitchcock - một trong những đạo diễn xuất sắc nhất lịch sử điện ảnh thế giới - chưa bao giờ nhận được ân sủng AMPAS ở hạng mục đạo diễn...

Khó có thể kể hết những trường hợp tương tự, chẳng hạn Martin Scorsese bị vuột mất giải đạo diễn với Goodfellas (1990), Robert Altman bị “cướp” mất Oscar đạo diễn với MASH (1970), Annette Bening bị lọt sổ khỏi danh sách người chiến thắng hạng mục nữ diễn viên chính trong American beauty (2000), Charlie Kaufman bị loại oan ức ở hạng mục kịch bản chuyển thể với Adaptation (2002)... Còn nữa, Katharine Hepburn không được tôn vinh trong Bringing up baby (1938), Gene Kelly không được nhìn nhận trong Singin' in the rain (1952), Audrey Hepburn trong My fair lady (1964), Robert DeNiro trong Mean streets (1973), Gary Oldman trong Sid & Nancy (1986), Denzel Washington trong Philadelphia (1993)...

Và cho đến nay người ta vẫn không thể hiểu tại sao AMPAS không nhìn nhận sự đóng góp của nhiều tên tuổi lớn khi chưa bao giờ trao Oscar hạng mục diễn xuất cho họ. Đó là những John Travolta, Harrison Ford, Cary Grant, Peter O'Toole (được đề cử nam diễn viên chính tám lần), Greta Garbo (người xếp thứ năm trong danh sách 25 huyền thoại điện ảnh của Viện Điện ảnh Hoa Kỳ - AFI)... Lịch sử AMPAS là lịch sử của phi lý. Những phi lý không bao giờ có thể lý giải được!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận