Phải tỉnh táo để không hủy diệt môi trường

ĐOAN TRANG THỰC HIỆN 27/09/2008 20:09 GMT+7

TTCT - “Cách đây tám năm, cả nước Đức vui mừng khi tất cả báo chí đồng loạt đăng trên trang nhất tin Cơ quan theo dõi nguồn thủy sản của nước này phát hiện có một con cá hồi ở dòng sông Rhein, con sông chạy qua khu tam giác công nghiệp Dusseldorf.

Phóng to

Nguyễn Công Thành

Lý do trong quá trình phát triển công nghiệp sau Chiến tranh thế giới II, người ta không để ý đúng mức việc bảo vệ sự trong lành của dòng sông khiến cá hồi đi hết, và khi nó xuất hiện có nghĩa là môi trường sông đã sạch trở lại” - tiến sĩ luật NGUYỄN VÂN NAM mở đầu cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần như vậy.

* Chính phủ Đức đã làm sông Rhein sạch trở lại như thế nào, và để “cứu” những dòng sông chết như Thị Vải phải tốn bao nhiêu, trong bao lâu?

Ông Trần Văn Bàng, 77 tuổi, hơn 45 năm sống ở ấp 1A, nói: “Nước sông Thị Vải bị ô nhiễm, con cá con tôm không sống nổi, con cua bò lên cây ôm chết khô chứ không dám xuống nước. Ghe chài, ghe lưới của bà con nằm bờ, bỏ mục rệu rã, nghề chài lưới, đóng đáy của bà con coi như bị Vedan xóa sổ”.

- Nước Đức đã chi rất nhiều tiền và mất hơn 30 năm để cải tạo sông Rhein vì thời gian cải tạo sông bị ô nhiễm là rất lâu và tốn số tiền cực kỳ lớn. Ô nhiễm do hóa chất là nặng nề nhất, vì hóa chất sẽ liên kết với các chất khác ở đáy sông hủy hoại môi trường thềm thực vật dưới sông - nơi các sinh vật sinh sôi nảy nở. Ảnh hưởng của sự ô nhiễm môi trường tự nhiên đến môi trường sống rất phức tạp, kéo dài và không thể lường trước được hậu quả.

Như sông Thị Vải bị ô nhiễm, nếu người ta lấy nước sông để sản xuất, nuôi, trồng... Sản phẩm, hàng hóa thu được bán đi các nơi, con người ăn vào, tác hại lan rộng, điều gì sẽ xảy ra? Nước sông Thị Vải nhiễm vào nước giếng của người dân ngày này qua ngày khác, đến 10-20 năm sau họ mới phát bệnh do sử dụng nước giếng. Đó là lý do tại sao các nước công nghiệp phát triển đặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường rất cao.

* Trong khi người dân đang từng ngày từng giờ chờ xem Vedan sẽ bị xử lý như thế nào thì có ý kiến cho rằng muốn xử Vedan phải chờ... sửa luật.

- Theo dõi thông tin trên Tuổi Trẻ những ngày qua sau khi xảy ra vụ Vedan, tôi thấy đúng là nếu chỉ căn cứ Luật bảo vệ môi trường và nghị định 81 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính để xử Vedan thì chưa đủ. Ví dụ nếu chỉ phạt hành vi vi phạm hành chính ở mức phạt tối đa 70 triệu đồng và khắc phục hậu quả thì... đâu rồi cũng vào đấy. Theo luật ở Đức và các nước châu Âu, người vi phạm ngoài biện pháp chế tài còn phải “chịu trách nhiệm tái tạo môi trường như tình trạng trước khi có hành vi vi phạm”. Luật của VN chỉ quy định “khắc phục hậu quả”, nhưng khắc phục đến đâu, khắc phục như thế nào thì không thấy quy định.

Ngoài ra, Vedan là một doanh nghiệp hoạt động kinh tế trên thị trường nên phải chịu điều chỉnh của các bộ luật về hoạt động kinh tế nữa. Trong trường hợp này là Luật cạnh tranh. Luật cạnh tranh các nước có điều khoản “cấm hành vi tạo lợi thế cạnh tranh bằng vi phạm pháp luật”. Vedan cố ý vi phạm các quy định bảo vệ môi trường, thải chất thải không qua hệ thống lọc để giảm chi phí nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Tiếc là không có quy định này trong Luật cạnh tranh của ta. Nếu có thì có thể áp dụng hình phạt rất nặng và xử lý rất nhanh, không vướng gì cả.

* Vậy chẳng lẽ phải ngồi chờ sửa đổi, bổ sung luật?

- Không, chúng ta vẫn có thể áp dụng linh hoạt các quy định khác để xử lý hành vi của Vedan, như áp dụng Luật hình sự, Luật đầu tư. Trong giấy phép đầu tư chắc chắn có yêu cầu phải tuân thủ pháp luật VN, nếu doanh nghiệp không tuân thủ (ví dụ vi phạm Luật bảo vệ môi trường) thì doanh nghiệp đó có thể bị rút giấy phép đầu tư. Như Vedan phải xử lý hình sự chứ không chỉ xử phạt hành chính bình thường được vì là chủ ý vi phạm.

* Người dân có khởi kiện công ty gây ô nhiễm được không?

- Ở Mỹ hay các nước châu Âu, người dân khởi kiện được vì họ dựa vào các quy định bảo vệ quyền công dân cơ bản và vào hiến pháp, trong đó ghi rõ công dân được quyền hưởng môi trường sống an toàn. Theo Luật dân sự VN, người dân có thể khởi kiện Vedan được. Cả Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng có thể khởi kiện với danh nghĩa đại diện quyền lợi của người tiêu dùng nếu đưa ra được bằng chứng về thiệt hại do ô nhiễm gây ra. Tuy nhiên, quyền khởi kiện của hiệp hội và chứng minh quan hệ nhân quả của thiệt hại do Vedan gây ra sẽ là những trở ngại lớn.

* Ngoài sông Thị Vải, còn nhiều dòng sông khác cũng đang trong tình trạng “đang bị giết chết”. Làm cách nào để cứu chúng trước khi chúng trở thành những Thị Vải 2, 3...?

- Vì môi trường là tài sản quý giá nhất của dân tộc, của đất nước và là di sản vô giá để lại cho các thế hệ mai sau. Nếu cán bộ địa phương không giữ gìn được nó thì phải mất chức. Ngoài ra hệ thống tiêu chuẩn môi trường của VN hiện nay vừa thiếu, vừa thấp. Như vậy theo tôi, trước mắt có ba việc nên làm ngay: một là, gắn liền vị trí của người lãnh đạo chính quyền địa phương với kết quả bảo vệ môi trường; hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật cạnh tranh, Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường, Luật hình sự và cho phép bất cứ công dân nào - hay ít nhất là hiệp hội mà không cần là người trực tiếp chịu thiệt hại - khởi kiện các hành vi hủy hoại môi trường; ba là hoàn chỉnh hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường và nâng các tiêu chuẩn này lên mức ngang với tiêu chuẩn của các nước công nghiệp mới.

* Có ý kiến cho rằng nếu thắt chặt bảo vệ môi trường bằng nhiều quy định thì dù cho có trải thảm đỏ mời gọi cũng sẽ ít có nhà đầu tư nào dám vào VN làm ăn.

- Bây giờ phải nhìn ngược lại: không ít nhà đầu tư đàng hoàng ở các nước phát triển đang ngại vào VN vì sợ rằng sản phẩm giá trị cao của họ được sản xuất từ một đất nước có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thấp sẽ rất khó bán ở Mỹ và EU. Nếu cương quyết đặt ra tiêu chuẩn môi trường cao, cương quyết đối với công nghệ không sạch sẽ lại càng hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, mà sản phẩm của họ có giá trị gia tăng cao, có triển vọng tiêu thụ rộng rãi ở các nước phát triển.

* Chúng ta đang đứng trước nguy cơ môi trường ngày càng bị phá hủy trong khi vẫn đang trên đường phát triển công nghiệp hóa... Có cách nào nâng cao rào cản đối với công nghệ cũ, lạc hậu để bảo vệ môi trường?

- Đây là quá trình toàn cầu hóa. Công nghệ nào không còn đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sẽ được chuyển dần từ những nước có tiêu chuẩn bảo vệ cao nhất đến những nước có tiêu chuẩn thấp hơn. Các nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... đang đẩy những công nghệ không còn phù hợp sang các nước đang phát triển để có tiền đầu tư công nghệ sạch. Các nước đang phát triển khác lại đẩy công nghệ lạc hậu của mình sang các nước kém phát triển hơn.

Ở đâu cũng vậy, nếu không có trình độ và không tỉnh táo thì sẽ... lãnh đủ công nghệ hủy diệt môi trường. Mình phải đối đầu với chuyện này. Đây thật sự là một thách thức, một trách nhiệm nặng nề đối với cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng đây cũng có thể là một kinh nghiệm khi xét duyệt đầu tư hoặc định hướng chiến lược đầu tư của Chính phủ. Sắp tới chúng ta còn được tiếp thị những dự án hàng tỉ USD (một khu liên hợp hóa dầu là vài tỉ USD) thì chớ vội vui mừng. Đặc biệt, công nghệ sản xuất nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp như công nghệ hóa dầu, công nghiệp sắt, thép, đóng tàu... là hiểm họa rất lớn cho môi trường.

* Vậy có thể học được gì từ bài học phát triển đất nước mà môi trường không bị “bức tử” ở các nước tiên tiến?

- VN hoàn toàn có thể có những bước đột phá về đầu tư. Chúng ta có lợi thế không phải nước nào cũng có: dọc đất nước là biển. Hoàn toàn có thể xây dựng VN trở thành trung tâm du lịch; là nơi đặt phân khúc gia công cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển của những công ty, tập đoàn lớn; là trung tâm gia công vẽ hoạt hình, vẽ minh họa cho các hãng phim quốc tế lớn... Đó là những công nghệ sạch hoàn toàn không hủy hoại môi trường. Khu công nghệ cao TP.HCM là một hướng đi đúng, nhưng cũng nên tập trung phát triển du lịch, dịch vụ và gia công phục vụ công nghiệp giải trí.

Các nước công nghiệp mới chuyển phân khúc sản xuất có giá trị gia tăng thấp không cần công nghệ tiên tiến cho các nước đang phát triển gia công. Chúng ta có thể đi tắt bằng cách chỉ tiếp nhận công nghệ sạch, tiên tiến và xây dựng lộ trình, tiến tới “cái đích” là VN trở thành phân khúc gia công cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển của thế giới. Ấn Độ hiện đang là trung tâm gia công phần mềm, Hãng Walt Disney đang giao cho Thái Lan nhiều hợp đồng vẽ hình ảnh nhân vật... Nếu quyết tâm sẽ tìm được nhiều công nghệ không hề gây ô nhiễm môi trường. Điều này tùy thuộc bản lĩnh của các nhà lãnh đạo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận