Phân bua hay sửa chữa?

DU LONG 26/11/2010 21:11 GMT+7

TTCT - Những thông tin đối nghịch về nguyên nhân lũ lụt trong những ngày qua, nhất là về ảnh hưởng của thủy điện, phản ánh sự bối rối hiện nay. Đâu là nguyên nhân của những đợt lũ quét dữ dội vừa qua tại chừng ấy tỉnh, thành, từ Bắc Trung bộ vốn quen với các cơn lụt hằng năm đến Nam Trung bộ xưa nay vốn khô cằn như sa mạc?

Những tranh luận kéo dài kiểu “oan cho thủy điện” hay “thủy điện xả lũ: mạnh ai nấy làm”... rất dễ trở thành những cuộc cự cãi vô bổ khi chỉ mang tính chất truy cứu trách nhiệm, thậm chí chối bỏ trách nhiệm.

Đối với dân chúng các tỉnh đang tan nát cửa nhà và cuộc sống vì lũ, không gì “khôi hài” bằng việc phải nghe những phân bua kiểu “Các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng thủy điện không những không tăng lượng xả lũ so với mực nước về mà còn tham gia cắt lũ”. Và đáng ngại ở chỗ nếu đã có thể kết luận như vậy, khi chưa có một khảo sát đánh giá toàn diện và cụ thể về thủy điện thì thủy điện sẽ cứ xả lũ như đã và đang xả lũ.

Cần hội thảo cho dân sinh

Công luận đặt câu hỏi tại sao ngân sách nhà nước lại phải chi cho những hội thảo mà cơ quan quản lý nhà nước làm công việc trấn an dư luận thay cho các công ty thủy điện vốn là những công ty cổ phần mà “lời thì mình ăn, lỗ thì ai đó chịu”.

Trong tình thế ấy, không lạ khi bộ chủ quản của các công ty thủy điện lại tổ chức các hội thảo mà cuối cùng đi đến kết luận: “Một lãnh đạo bộ cho biết: Qua kiểm tra thấy rằng việc xả nước là đúng và đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật... Sai sót là về báo cáo chứ nếu nói sai quy trình dễ gây hiểu lầm là họ vận hành việc xả nước không đúng kỹ thuật”.

Thẳng thắn mà nói, trong bối cảnh lũ mỗi lúc một xuất hiện bất ngờ hơn, khốc liệt hơn, e rằng đó không phải là thái độ cần phải có trong lúc này.

Tình hình lũ lụt, sạt lở, bùn trôi, núi sập... liên tục hiện nay cần những hội thảo có ý nghĩa dân sinh thiết yếu hơn bằng cách phân tích cho bằng được những gì đã xảy ra, trả lời cho bằng được hàng chuỗi câu hỏi “Vì sao lũ về ở đây, ở kia?”, “Vì sao sạt lở ở vùng đó?”, “Vì sao ngần ấy đoạn quốc lộ bị xé toạc?”...

Mùa lũ lụt 2010 chưa dứt nhưng mùa lũ lụt 2011 đã đang lấp ló. Chừng mươi tháng nữa thôi, sinh mạng và cuộc sống hàng chục triệu người dân đang bị đe dọa lại vào một vòng nguy hiểm mới, nếu có tổ chức hội thảo thì chính là để thành thật tìm ra xem lũ từ đâu về. Để từ đó nhận chân sự việc: nếu đã lỡ phá hủy những “lá chắn an toàn” như rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng cuối nguồn, thậm chí đã xả lũ “không khéo” hoặc ngược lại để dân đến lập nghiệp quá gần tuyến xả đập tràn... thì ai và phải làm cách nào để cùng nhau sửa sai.

Nếu đã xây quá nhiều đập thủy điện trên cùng một dòng sông thì làm gì bây giờ để năm sau không hoặc bớt tan nát?

Nhìn sát, xa và sâu hơn

Từ khi pháp lệnh phòng chống lụt bão ra đời năm 1993 đến nay và cả pháp lệnh sửa đổi năm 2000, thực tế lụt bão đã khác hẳn so với định nghĩa lụt bão trong pháp lệnh. Lụt bão không chỉ còn là hiện tượng tự nhiên (như mô tả trong pháp lệnh 2000), tức thiên tai, mà còn là hậu quả của một quá trình phát triển mà đã có người gọi thẳng là “nhân họa”. Khi thiên tai làm một với nhân họa, tần suất lũ lụt, sạt lở, chấn động địa chất... cũng nhiều hơn, bất ngờ hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, cần một chiến lược phòng chống sát, xa và sâu hơn.

Trong pháp lệnh (điều 2) chỉ ra thiên tai gồm “lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất do mưa, lũ, bão và sóng biển gây ra”, song nay đã có thêm những tai họa mới như thủy điện xả lũ, lũ từ trên núi ập xuống, bùn từ các mỏ khoáng như vừa thấy ở Cao Bằng gây ra những thiệt hại quy mô lớn.

Lụt bão, sạt lở... trên thực tế đã vượt quá khả năng dự báo và phòng ngừa hiện nay khi cơ quan có trách nhiệm vẫn chỉ dựa trên các nhiệm vụ cơ bản mà ngay cả pháp lệnh sửa đổi năm 2000 vẫn để nguyên, chưa cập nhật tình hình mới. Chẳng hạn, điều 10 viết: “Việc phòng ngừa lụt, bão lâu dài bao gồm: 1/Tổ chức và đầu tư xây dựng hệ thống thu thập thông tin về sự biến động thời tiết toàn cầu, thời tiết khu vực và từng vùng trong cả nước; xử lý thông tin để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành chỉ đạo, chỉ huy phòng ngừa lụt, bão...”.

Thực tế bão lũ vừa qua cho thấy hiện nay thu thập thông tin biến động thời tiết toàn cầu, thời tiết khu vực... từ các đài trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí Thái Bình Dương và quốc tế lại dễ dàng hơn và cập nhật hơn thu thập thông tin từ các diễn biến trong nước.

Rất khó mà biết được đập thủy điện nào xả nước như thế nào, chưa kể những chuyện “dở khóc dở cười” trong thế kỷ 21 của Internet không dây, điện thoại 3G như: “Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ cho biết đã báo cáo việc xả lũ đến Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương và địa phương. Do lỗi văn thư, số fax sai, gọi điện cho tỉnh không được, người phụ trách việc này lại đi công trường và không báo kết quả, nên không nắm được...”.

Rõ ràng đây không chỉ là “lỗi văn thư” mà là lỗi hệ thống ở hai đầu, cho thấy tổ chức thông tin/tiếp nhận thông tin trong tình hình nguy cấp như thế có vấn đề nghiêm trọng. Từ “lỗi văn thư”đó, điều gì đã xảy ra cho dân chúng Phú Yên dưới sông Ba?

Thí dụ nhỏ trên cho thấy vấn đề lớn: Có bao nhiêu con đập trên cả nước này? Từng con đập đó khi nào tháo xả nước, xả như thế nào, tốc độ bao nhiêu? Rừng đầu nguồn đang bị phá ra sao? Rừng trong từng tỉnh đang khai thác chính thức và bị lâm tặc phá thế nào? Có bao nhiêu mỏ và hồ chứa chất thải của các mỏ ấy đang được che chắn ra sao?... Có cả ngàn chi tiết cần ghi chép. Ai nắm chắc được các dữ kiện đó vào lúc này và 10 tháng nữa khi bắt đầu một mùa bão lũ mới?

Phòng chống lụt bão không chỉ gồm chuyện ra các công điện ứng phó khẩn cấp, mà chính là tập hợp được mọi dữ kiện, tính toán và mô hình hóa các dự kiến... để các bộ, ngành, địa phương liên quan nhìn vào đó dự liệu cho được trách nhiệm và giải pháp của mình. Phát triển kinh tế đã và đang được nhận định là kém bền vững về mặt môi trường rồi, nên càng cần phòng chống thiên tai - nhân họa sát sườn hơn và phải có một đầu mối nắm chắc các dữ kiện đó...

Một ủy ban phòng chống lụt bão khi trở thành chủ sự trung lập, được ấn định vai trò điều khiển (từ dự báo đến chuẩn bị, điều phối ứng phó) chắc chắn sẽ giúp ích nhiều hơn việc chia đều trách nhiệm cho đủ các bộ, ngành mà có nơi lại đang đứng ra bảo vệ các dự án bị đặt câu hỏi về tính bền vững cho môi trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận