Phân tách Mỹ - Trung: Nhiệm vụ bất khả thi

THANH TUẤN 24/06/2024 10:25 GMT+7

TTCT - Một năm trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố Washington không tìm cách phân tách (decouple) với Trung Quốc. Bà thừa nhận "phân tách hoàn toàn" nền kinh tế sẽ là "thảm họa" cho cả hai.

Ảnh: Politico

Ảnh: Politico

Sau đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng giảm tông, mượn cụm từ của EU nói Mỹ theo đuổi chính sách "giảm rủi ro" (de-risking) với Trung Quốc, chứ không phải phân tách. 

Lập luận này để đáp trả các chỉ trích của Bắc Kinh nói Mỹ đang tìm cách kiềm chế sự vươn lên của Trung Quốc.

Theo Financial Times, giới chức Nhà Trắng vẫn muốn thúc đẩy thông điệp với Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế - ngay cả khi hai nước đang tìm cách ổn định mối quan hệ nhiều thăng trầm kể từ thương chiến 2018-2019 bùng nổ và chạm đáy sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc năm 2023.

Washington chạy đua ai cứng rắn hơn

Dù quan chức lưỡng đảng ở Washington đang cố chạy đua để coi ai cứng rắn hơn với Bắc Kinh, thực tế của "phân tách" suốt hơn năm năm qua cho thấy việc này không dễ chút nào. Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là nhiệm vụ bất khả thi.

Bắc Kinh cáo buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden nuốt lời với cam kết "không tìm kiếm phân tách với Trung Quốc", trong khi những người chỉ trích ông Biden cho rằng ông đang tìm cách lấy lòng tầng lớp công nhân ở các bang chiến trường quan trọng như Pennsylvania và Michigan. 

Đã có những nghi ngờ việc ông Biden áp thuế với hàng Trung Quốc vào tháng 5 vừa rồi chỉ là để chứng tỏ mình cứng rắn hơn đối thủ Donald Trump - người đã khởi đầu thương chiến với Trung Quốc từ năm 2018 và mới đây tuyên bố sẽ áp thuế 60% với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu nếu thắng cử.

Bất kể tranh cãi thế nào, hiện rất ít người coi một loạt các biện pháp này là "phân tách" hay khởi đầu thương chiến mới. 

Emily Kilcrease, chuyên gia tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), nói các khoản thuế với xe điện và các công nghệ sạch như pin lithium chỉ là "tăng cường chính sách giảm rủi ro" hơn là thương chiến, bao gồm từ giảm đe dọa an ninh từ Bắc Kinh tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 

"Các biện pháp như kiểm soát xuất khẩu hoàn toàn không hiệu quả trong mảng công nghệ khi Trung Quốc đã có năng lực lớn… một số lĩnh vực khác họ thậm chí còn có năng lực vượt trội hơn Mỹ", bà Kilcrease nói.

Emily Benson, chuyên gia thương mại tại Trung tâm nghiên cứu CSIS, nói nên chú ý vào từng sản phẩm mà ông Biden mới áp thuế. 

Việc hạn chế nhập khẩu xe điện chẳng hạn, thực ra không phải là "phân tách" khi ngành xe hơi Trung Quốc và kinh tế Mỹ "không gắn với nhau lắm". Việc tăng thuế gấp đôi với chip Trung Quốc lên 50% cũng ít tác động khi Mỹ nhập khẩu ít loại chip này.

Brad Setser, chuyên gia thương mại tại Hội đồng Chính sách đối ngoại (CFR), nói nên hiểu các biện pháp thuế mới của ông Biden là nỗ lực của Washington nhằm chặn Trung Quốc có thị phần trong ngành công nghiệp xanh mới nổi của Mỹ. 

"Nó nhằm để tránh kết dính trong các lĩnh vực mà trước vốn không nhiều hợp tác, như xe hơi là mảng Trung Quốc chưa phải nguồn cung chính tới Mỹ", ông Setser nói.

Ảnh: house.gov

Ảnh: house.gov

Phân tách không hiệu quả

Viết trên Asia Sentinel, học giả Toh Han Shih cho rằng việc Mỹ phân tách với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thực ra không hiệu quả và có thể có tác động ngược với các nước khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, khi nhiều hàng Trung Quốc đơn thuần được chuyển đường đi qua các nước thân thiện hơn như Mexico hay Đông Nam Á trước khi tới Mỹ.

Theo các chuyên gia tại phiên điều trần mới đây của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC), cơ quan cố vấn Quốc hội Mỹ về quan hệ song phương, thì Mexico đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ, chiếm tới 15,4% thị phần. 

"Việc giảm tỉ lệ nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc không đồng nghĩa Mỹ giờ ít phụ thuộc hơn vào các đối tác cung ứng có trụ sở ở Trung Quốc - chuyên gia Davin Chor nói tại phiên điều trần - Đó là vì các công ty Trung Quốc giờ đã tăng đáng kể hoạt động ở Mexico và Đông Nam Á".

Theo ông Chor - phó giáo sư Trường Kinh tế Tuck, Đại học Dartmouth, rất nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc vào Mexico diễn ra song song với việc sản phẩm này tăng mạnh từ thị trường Mexico vào Mỹ, "dấy lên lo ngại rằng rất nhiều hàng hóa Trung Quốc đơn thuần là đi qua một nước trung gian để vào Mỹ". 

"Hàng hóa từ Trung Quốc sang Mexico tăng 5,5%/năm trong giai đoạn 2013-2017, nhưng tăng tới 14,6%/năm giai đoạn 2017-2023", ông Chor chỉ ra.

Tại Mexico, FDI của các hãng Trung Quốc vào mảng sản xuất đã tăng 5 lần, từ 31,6 triệu USD năm 2017 lên 151,5 triệu USD vào năm 2022. 

Việc Mexico và một số nước có lợi nhất trong quá trình dịch chuyển này cho thấy các công ty Mỹ đang tích cực dịch chuyển "sang các nước thân thiện" (friendshoring) và "gần bờ" (gần thị trường Mỹ), chứ không nhất thiết là về lại Mỹ. 

Các nước này đều có thị phần nhập khẩu vào Mỹ tăng khoảng 2% trong giai đoạn 2017-2023, đặc biệt là các mặt hàng thiết bị điện và điện tử.

Một khía cạnh nữa của phân tách là việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Đầu tiên là Tổng thống Trump áp thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ năm 2018. 

Một năm sau, ông áp thuế 10% lên thêm 300 tỉ USD hàng hóa khác. Ông Biden tới tháng 5 vừa rồi đã công bố một loạt lệnh thuế mới, gồm 50% lên chip và 100% lên xe điện làm ở Trung Quốc.

"Giá cả thấp một cách bất công vì các công ty Trung Quốc không cần phải lo về lợi nhuận do đã có chính phủ trợ cấp họ rất nhiều - ông Biden nói - Và Trung Quốc dựa vào các chiến thuật phản cạnh tranh khác như buộc công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ để được làm ăn ở Trung Quốc… Đó không phải cạnh tranh. Đó là lừa đảo và gây tác hại với thị trường Mỹ".

Ảnh: The Week 

Ảnh: The Week

"Thương chiến rõ ràng đã giảm sự lệ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc cả như nguồn nhập khẩu và thị trường xuất khẩu. Thay vào đó, Mỹ tăng thương mại với các nền kinh tế như Việt Nam, Đài Loan và Mexico" - theo Mary Lovely, chuyên gia tại Viện kinh tế Peterson, tại điều trần của USCC. 

"Trong khi thương mại song phương (của Mỹ) với Trung Quốc có vẻ giảm, có ít dấu hiệu cho thấy vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm theo. Bằng chứng là họ vẫn duy trì tỉ lệ chi phối trong hàng xuất khẩu toàn cầu; các nước tăng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tương ứng với tỉ lệ tăng của họ vào thị trường Mỹ; và như vậy có một số chuyển hàng Trung Quốc sang các nước thứ ba để vào Mỹ". 

Tỉ lệ hàng Trung Quốc vào Mỹ từ chiếm 21,6% tổng nhập khẩu của Mỹ năm 2017 quả thật đã giảm xuống còn 14% vào năm 2023. Dù vậy, Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng xuất khẩu và vẫn duy trì mức 27% tổng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu giai đoạn 2021-2022.

Hầu hết các nước thu nhập trung bình ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc từ năm 2010. Một lời giải thích nữa với việc Trung Quốc duy trì được tỉ trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu là nước này đưa hàng qua nước trung gian trước khi vào Mỹ, theo bà Lovely. 

"Tỉ lệ đưa hàng trung gian này chưa tính toán được hết nhưng phù hợp với xu hướng các nước Đông Nam Á và Nam Á nhập hàng từ Trung Quốc và tăng xuất khẩu tới Mỹ", bà nói.

Chỉ là dối lừa?

Việc tăng 25% thuế với sản phẩm điện tử hoàn chỉnh từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới các nhà cung cấp toàn khu vực, Deborah Elms - trưởng bộ phận chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich, tổ chức chuyên về thúc đẩy thương mại - cảnh báo. Bà nói hầu hết các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương đều có kết nối thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc. 

"Với hầu hết khu vực, thương mại đang ngày càng bị chi phối bởi dòng song phương tới Trung Quốc chứ không phải tới Mỹ. Và đánh giá về đe dọa từ Trung Quốc ở khu vực khác so với đánh giá của Mỹ".■

Theo The Washington Post, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau rất sâu - điều sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài.

Trung Quốc cần tiếp cận thị trường Mỹ cho xuất khẩu, nhất là khi công suất nhiều lĩnh vực sản xuất của họ đã vượt xa nhu cầu nội địa.

Tương tự, Trung Quốc cũng là thị trường rất quan trọng với hàng hóa Mỹ và vẫn đang giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá khoảng 1.000 tỉ USD.

"Nói phân tách hay ngắt kết nối hai nền kinh tế là lừa dối - The Washington Post viết - Kể cả nếu hai nền kinh tế có thể phân tách, kết quả sẽ thảm khốc cho cả hai".

Nhưng như vậy không có nghĩa mối quan hệ này không thay đổi. Cả hai nước đang cố giảm nguy cơ quá phụ thuộc vào nước kia trong các lĩnh vực cốt yếu cho an ninh quốc gia.

Trung Quốc tìm cách thay thế phần mềm của Mỹ bằng công nghệ nội địa hay giảm lệ thuộc vào lương thực nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Ông Biden thì đã hạn chế bán công nghệ nhạy cảm của Mỹ tới Trung Quốc, bao gồm chip tiên tiến và thiết bị làm chip.

"Lãnh đạo và người dân Mỹ nói chung nên quên hẳn một cuộc ly hôn hoàn toàn. Điều đó là không thể. Hai bên vẫn cần nhau", tờ báo kết luận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận