TTCT - Với cuộc đời các vận động viên (VĐV) nữ, mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sàn đấu mới chỉ là những thứ khán giả nhìn thấy được. Sự nghiệp chinh phục những vinh quang của họ là cả một hành trình của những thống khổ về cả thể xác lẫn tinh thần hầu như không thể diễn tả bằng lời. Thanh Huyền và ân nhân người Thái Lan Sekson Aroonpong (thường được gọi là Art) - người đã cho chị mượn xe để giành tấm HCV lịch sử ở SEA Games 1999. Do xe đạp của Huyền không tốt và bị hư hỏng trước giờ đua, anh Art - một phóng viên tạp chí xe đạp - đã chủ động cho Huyền mượn chiếc xe chuyên dụng của mình. Hai người hiện vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết. Ảnh: NVCC Tuổi Trẻ Cuối Tuần tìm gặp lại những VĐV nữ lừng danh - nay đã là những người vợ, người mẹ của một đời sống thường nhật, nơi mà ít người biết họ từng trên đỉnh vinh quang, và càng ít hơn những người biết họ đã trải qua những gì để tới được vinh quang đó như cuarơ Nguyễn Thị Thanh Huyền, VĐV nhảy xa Nguyễn Thị Ngọc Tâm, VĐV chèo thuyền Phạm Thị Thảo và cả những VĐV trẻ khác... để nghe họ giãi bày, tâm sự về những nỗi gian truân thầm kín nhất cuộc đời nữ VĐV. Đã quen những cơn đau Chúng tôi gặp lại Thanh Huyền - nữ cuarơ lừng danh từng mang về tấm HCV SEA Games đầu tiên cho làng xe đạp VN vào năm 1999 (sau đó chị còn giành thêm 3 HCV SEA Games nữa) - ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM. Suốt 10 năm qua, nơi đây đã là nhà của chị. Thanh Huyền sống trong một căn hộ tập thể ở Trường đại học Thể dục thể thao TP.HCM và làm công việc quản lý trang web cho trường. Mấy tháng gần đây, chị có thêm nghề tay trái: mở tiệm bán xôi trong ký túc xá làng đại học. Cũng như thời còn là VĐV, bà chủ tiệm xôi Thanh Huyền luôn giữ thái độ niềm nở, tươi cười với mọi người. Những ai mới gặp sẽ không thể ngờ bà mẹ hai con ấy từng phải trải qua những nỗi đau lớn thế nào. Mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi, Thanh Huyền đến với thể thao như một con đường tìm kế sinh nhai. Rồi 14 năm trước, khi sự nghiệp dần qua thời đỉnh cao, Thanh Huyền giải nghệ, lập gia đình và sinh con trai đầu lòng. Nhưng chỉ hai năm sau, chị lại lóc cóc lôi chiếc xe đạp ra tập luyện trở lại sau khi nghe lời “kêu cứu” của bộ môn xe đạp với mục tiêu kiếm HCV ở SEA Games 2007. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Huyền lại giã từ đường đua để trở về cuộc đời làm mẹ. Chị sinh thêm một con gái nữa. Giữa lúc tưởng chừng đã được tận hưởng cuộc sống yên bình, Thanh Huyền gặp phải cú sốc, nỗi đau lớn nhất đời mình khi chồng chị - một bác sĩ trong ngành thể thao - qua đời vì đột quỵ. Cuộc sống hạnh phúc bỗng chốc sụp đổ, Thanh Huyền bước vào quãng đời của bà mẹ đơn thân một nách hai con. Dù Trường đại học Thể dục thể thao TP.HCM cũng như gia đình chồng luôn hỗ trợ, nhưng sự gian khổ mà chị phải trải qua là không thể đong đếm được. Khổ đến vậy, vì sao Thanh Huyền vẫn cứ luôn tươi cười? Khi tâm sự với chúng tôi, chị không kềm được những dòng nước mắt rồi nghẹn ngào cười nói: “Có lẽ là vì suốt quãng đời VĐV đã quen chịu đựng với những nỗi đau rồi”. Đó không hề là một lời nói quá. Ngay từ khi bước vào đời VĐV, những cô gái như Thanh Huyền đã phải đối mặt với nỗi đau khủng khiếp đầu tiên - những khi “đến chu kỳ”. Thanh Huyền vượt qua nghịch cảnh cùng quán xôi nho nhỏ của mình. Ảnh: Huy Đăng Trăm cách chịu đựng... tự chế Không phải VĐV nào cũng chịu chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này vì nó quá thầm kín và tế nhị. Nhưng Thanh Huyền, cùng một số VĐV đã làm mẹ khác, thì sẵn sàng. Ngọc Tâm - VĐV nhảy cao từng giành HCB SEA Games - nói: “Thời con gái mà nói ra chuyện này thì ái ngại lắm. Nhưng giờ nghĩ lại không thể không nói được vì nó ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc đời VĐV nữ. Cứ ái ngại, che giấu, tự mình chịu đựng rồi mò mẫm tìm cách vượt qua hoài thì sẽ càng khổ hơn thôi”. Giống như nhiều nữ VĐV ở VN, Thanh Huyền và Ngọc Tâm bước vào độ tuổi chuyên nghiệp vào khoảng 16-17 tuổi, thời điểm xuân sắc của một thiếu nữ, đi kèm đó cũng là vô số vấn đề về tâm sinh lý. “Tôi mất mẹ từ bé nên hầu như không có người chỉ vẽ những chuyện của phụ nữ. Lần đầu tiên đến chu kỳ khi đang tập luyện, tôi cực kỳ sợ hãi và lo lắng. May mắn, thời điểm đó trong đội có khá nhiều đàn chị bày vẽ, lại đang là giai đoạn tập luyện chứ không phải thi đấu nên tôi báo cáo với HLV và được cho nghỉ hai ngày. Đó cũng là chính sách chung của đội, cứ ai đến kỳ thì được nghỉ tập hai ngày” - Thanh Huyền kể. Giai đoạn cực hình nhất chính là khi bước vào cuộc đua. Không giống những môn thể thao khác thi đấu một, hai ngày là xong, mỗi cuộc đua xe đạp có thể kéo dài nhiều tuần lễ, và các nữ VĐV như Thanh Huyền không có cách nào né được. “Xe đạp rất nghiệt ngã, nghiệt ngã nhất là phải đặt ngay vùng kín lên yên xe, chịu đựng sự chà xát trong suốt hàng trăm kilômet đạp xe. Thời đó, những chiếc quần thể thao cũng không tốt như bây giờ nên không đủ để bảo vệ. Lại thêm khi thời tiết xấu, nước mưa, bùn cát dính vào rát vô cùng. Bi kịch nhất là ở những quãng đường khúc khuỷu, tôi lại phải đứng lên đạp, sau đó ngồi xuống và lại bị ma sát một lần nữa. Nếu ngồi suốt cả đoạn đường thì còn đỡ, chứ cứ đứng lên ngồi xuống liên tục, vùng da thịt bị tổn thương cứ bị chà xát nhiều lần rất thảm” - Thanh Huyền kể, không giấu được vẻ bàng hoàng khi hồi tưởng quãng thời gian khổ sở này. Để đứng được trên bục vinh quang, Ngọc Tâm đã phải trải qua không ít gian khổ.-Ảnh: Nhân vật cung cấp Bước qua những rào cản Một vấn đề khác nữa là chuỗi phong độ của VĐV trước và sau kỳ. Ngọc Tâm cho biết phong độ của nữ VĐV luôn dao động rất lớn, phụ thuộc vào chu kỳ của mỗi người. Nếu nắm bắt được chu kỳ này, các VĐV nữ sẽ biết đâu là thời điểm mình mạnh mẽ nhất, thi đấu tốt nhất. Nhưng nói thì nói vậy, thực tế hoàn toàn... hên xui. Có một câu hỏi quan trọng dành cho những người quản lý thể thao VN: Vai trò của HLV ở đâu đằng sau tất cả những vấn đề này? Thanh Huyền bật cười, Ngọc Tâm cũng lắc đầu ngao ngán. “HLV đa phần là nam, có hiểu gì đâu, VĐV có hỏi cũng chỉ ù ù cạc cạc, họ thông cảm cho nghỉ mấy ngày đã là mừng lắm rồi. Và chuyện này còn rất tế nhị nên nhiều em VĐV thậm chí cắn răng không nói gì” - Thanh Huyền nói. “Tôi hay nghe HLV kể chuyện vì VĐV của họ đang tới kỳ nên phong độ không được tốt, nghe rất phẫn nộ. Vì luôn có cách để dời lại quãng thời gian này, tránh những lúc đấu giải như uống thuốc ngừa thai chẳng hạn. Những kiến thức này đến tận lúc lập gia đình tôi mới biết nhờ hỏi bác sĩ và tự mình tìm tòi, chứ ngay cả đi học cũng không thấy nói kỹ. Tôi học ở một trường đại học chuyên về thể thao, đến phần chu kỳ của phụ nữ thì họ chỉ nhắc trong một mục “Lưu ý”, chứ chẳng có bài vở riêng gì về chuyện này cả” - Ngọc Tâm ngao ngán kể. Với một số HLV có tâm, các anh cũng chỉ có thể dùng chút kinh nghiệm và sự nhiệt tâm để giúp học trò nữ. Bản thân việc này cũng khó vì chính các VĐV nữ không nắm được tình trạng của mình. HLV Vũ Mạnh Cường (CLB bóng bàn T&T, Hà Nội) cho biết là HLV nam nhưng anh thường xuyên phải đi mua quần áo, dẫn các VĐV nữ đi cắt tóc, mua sắm vật dụng cá nhân khi các em bước vào CLB lúc mới 10-11 tuổi. Lớn lên một chút, thậm chí HLV phải đưa các em nữ đi khám phụ khoa khi các em có vấn đề. Chấn thương là nỗi ám ảnh đối với nữ VĐV. Nỗi buồn của phụ công bóng chuyền Trần Việt Hương (Thông tin LienVietPostbank) sau khi bị lật cổ chân vào năm 2018. Chấn thương khiến Việt Hương phải nghỉ thi đấu gần 2 tháng. Ảnh: T.P. Nhọc nhằn con đường làm mẹ Qua tuổi thanh xuân, các nữ VĐV phải đối mặt với một thách thức cực lớn khác nữa: trọng trách làm mẹ. Hi sinh quá nhiều cho cuộc đời thể thao, nhiều VĐV nữ gặp bất ổn về tâm sinh lý và khó lập gia đình. Nhưng lập được gia đình rồi, làm sao để vừa thi đấu, vừa làm tròn thiên chức của người mẹ lại càng vất vả hơn. Phạm Thị Thảo - một trong bốn VĐV rowing giành HCV Asiad 18 - là một trong số những VĐV may mắn cân bằng được hai yếu tố này. Cô gái quê Thái Bình may mắn gặp được một nửa cuộc đời trong một phiên chợ quê và nên duyên. Sau khi kết hôn, chuyên gia Donnelly (Úc) nhiều lần có cơ hội đều gặp chồng Thảo động viên anh cho Thảo tiếp tục tập luyện. Để có thể trở lại tập luyện sau sinh con là chuyện không hề đơn giản với bất cứ người phụ nữ nào. Thảo cho biết khi con mới 4 tháng tuổi, cô đã phải tự tập luyện tại nhà. Con 6 tháng, cô tha con từ quê đi khắp Hà Nội, Hải Phòng để tập cùng đội tuyển quốc gia. Ngày đi tập vất vả, đêm về con quấy khóc không ngủ được khiến cô kiệt sức. Bà nội, ngoại thay nhau đi theo Thảo để chăm cháu cũng phát ốm, còn con nhỏ thì còi cọc. Sau này Thảo phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc để chuyên tâm tập luyện. Tấm HCV Asiad 18 mà Thảo và các đồng đội mang về vì thế không chỉ có mồ hôi mà còn đầy nước mắt của người mẹ xa con. Cũng như Thảo, cuarơ Thanh Huyền từng phải đối mặt với quãng thời gian kiệt quệ sau khi sinh con. Năm 2007, sau khi con trai lớn đã hơn 1 tuổi, chị trở lại với đời VĐV chuyên nghiệp để chinh phục tấm HCV SEA Games thứ tư trong sự nghiệp. Nhưng vinh quang đấy đi kèm chứng mất ngủ triền miên kể từ đó. Suốt 10 năm sau này, kể cả khi đã giải nghệ hoàn toàn, chị phải chịu đựng chứng mất ngủ hằng đêm. “Một phần vì việc tôi thi đấu quá độ thời VĐV, sau khi sinh con mà vẫn còn phải chịu cảnh xa nhà, sinh ra chứng bất an, thao thức hằng đêm. Mọi người thường nghĩ thi đấu mệt mỏi nhất là về thể xác, nhưng với tôi là tinh thần. Đột phá giới hạn là gì? Là khi cơ thể có cảm giác mệt mỏi, đó là báo hiệu cho biết đã tới giới hạn rồi. Phạm Thị Thảo hạnh phúc bên con. Ảnh: Nhân vật cung cấp Nhưng tinh thần của VĐV là vẫn phải cố tập trung với suy nghĩ - ráng đạp tiếp, ráng đạp tiếp, cho đến một lúc đầu mình chẳng còn cảm giác gì nữa và cơ thể gục xuống thì thôi. Nhiều năm trời tôi đã ở trong trạng thái như vậy, thần kinh vì vậy bị ảnh hưởng phần nào” - Thanh Huyền kể. Bào mòn cả thanh xuân cho thể thao nhưng Thanh Huyền, Ngọc Tâm hay Phạm Thị Thảo không hối tiếc khi đã lựa chọn con đường này. Phạm Thị Thảo giờ đây vui vẻ tiếp tục sự nghiệp dưới sự ủng hộ của gia đình, Ngọc Tâm thành công lớn với mô hình lớp thể dục phát triển chiều cao, còn Thanh Huyền tuy cực nhọc vô vàn nhưng giờ cũng đã là một bà chủ nhỏ với nhiều kế hoạch ấp ủ cho đam mê xe đạp. Điều những nữ VĐV, những bà mẹ này mong mỏi không gì khác là một thế giới thể thao cởi mở hơn, thấu hiểu hơn với phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ, để họ vừa có thể theo đuổi sự nghiệp, vừa không đánh mất tuổi thanh xuân hay hi sinh hạnh phúc gia đình. ■ Sau những buổi tập luyện, thi đấu vất vả, các cô gái bóng chuyền Ngân hàng Công thương bơi thư giãn. Ảnh: T.P. Nỗi khổ làm dâu Để làm một người vợ, một người mẹ đảm đang đã khó, với các VĐV nữ, chu toàn bổn phận làm dâu lại càng nhọc nhằn hơn. Trong số những nữ VĐV lừng danh, có một nhà vô địch đồng thời cũng là một người mẹ mà nỗi khổ của chị, chúng tôi cũng đành ngậm ngùi không biết phải kể thế nào. Để chị không phải khó xử, chúng tôi xin được giấu tên chị trong bài viết này. Chị là một VĐV lừng danh trong giới võ thuật, từng nhiều lần giành HCV SEA Games. Như nhiều nữ VĐV khác, chị lập gia đình rồi giải nghệ. Nhưng rồi vì một lý do đáng buồn, chồng chị gặp nạn khiến phải rơi vào vòng lao lý, và nữ võ sĩ tài năng ngày nào đành trở lại sàn đấu để kiếm tiền mua sữa cho con. Câu chuyện như thế đã đủ cay đắng cho chị. Nhưng rồi câu chuyện về người chồng được thêm thắt vào bởi những người bạn, đồng nghiệp... nghe như một lời oán than của chính chị, khiến gia đình chồng chị ngày càng ngột ngạt hơn, cho rằng con dâu bêu riếu chuyện nhà! Giờ đây, chị như một người câm nín vì không muốn gia đình chồng hiểu lầm mình thêm nữa. Câu chuyện của chị là một lý do điển hình khiến chúng tôi luôn phải trăn trở khi đặt bút viết về những nữ VĐV ở VN. Sự nghiệp, cuộc đời họ đầy rẫy những nỗi gian truân không biết phải gọi tên thế nào. Những đau khổ và định kiến họ phải gánh chịu không chỉ dừng lại ở từng cá nhân, từng gia đình, mà còn có trách nhiệm của cả một xã hội chưa thực sự đặt người phụ nữ ở một vị trí ngang bằng với nam giới, và chưa trao cho họ tự do đích thực trong quá nhiều ràng buộc cả hữu hình lẫn vô hình với một nửa quan trọng hơn của mình. Tags: SEA GamesPhụ nữ và thể thaoVận động viên nữNhững người chinh phụcQuen những cơn đauTrăm cách chịu đựng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilon, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ronaldo tạo cơn sốt hơn 13 triệu view cùng YouTuber số 1 thế giới Mr Beast THANH ĐỊNH 22/11/2024 Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng tỏ sức hút vượt trội của mình ngoài sân cỏ khi vừa công bố video cùng khách mời là YouTuber số 1 thế giới Mr Beast.
Ban Hiệu suất chính phủ Mỹ yêu cầu nhân viên liên bang quay lại làm việc toàn thời gian KHÁNH QUỲNH 22/11/2024 Ban Hiệu suất chính phủ do hai tỉ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy lãnh đạo tuyên bố sẽ yêu cầu viên chức quay lại làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần như thời điểm trước đại dịch COVID-19.