"Phượt phịch" và chuyện dấn thân

HUỲNH LƯU ĐỨC TOÀN 01/11/2013 07:10 GMT+7

TTCT - Thuật ngữ “phượt” được dùng cách nay vài năm để chỉ những bạn trẻ thích “xê dịch”, khám phá, với mục đích và ý nghĩa rất đứng đắn. Gần đây, câu chuyện đã đi quá xa, những chuyến đi “phượt phịch” thay vì “phượt hiểu bản thân” hoặc “phượt eco” (phượt xanh)...

Phóng to
Nhóm trẻ Pleiku Cafe (Gia Lai) thường xuyên tổ chức các chuyến đi về những buôn làng nghèo ở Gia Lai, vừa là trải nghiệm vừa làm từ thiện - Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

“Phượt phịch”

Câu chuyện “phượt phịch” bắt đầu khi tôi quen một nhóm bạn là nhân viên văn phòng tại một số ngân hàng. Mỗi năm, chúng tôi đều có những ngày phép nhất định và rủ nhau vác balô lên đường. Nhóm bạn tôi ban đầu chỉ gồm năm thành viên, sau kết nạp thêm nhiều thành viên mới theo kiểu bắc cầu.

Những chuyến đi sau này có khi lên đến gần mười người, cả nam và nữ sinh hoạt chung cùng nhau. Những chuyến đi khám phá, những chia sẻ thú vị dần dần bị biến tướng khi ý tưởng thành viên trong nhóm đổi phòng cho nhau, sống rất... bản năng. Điều kỳ lạ là các bạn nữ cũng đồng ý chuyện đổi phòng mỗi ngày với một chàng trai.

Bản thân tôi không chấp nhận chuyện đó nên từ chối việc đổi phòng vì “phượt” là đi để khám phá, tìm hiểu và thử thách bản thân trước những khó khăn. Hơn nữa, chuyện nam nữ cũng cần nghiêm túc chứ không thể dễ dãi như vậy.

Sau khi trở về, tất nhiên vì là người ngoài cuộc nên tôi đã bị đá văng khỏi những chủ đề của nhóm bạn và dĩ nhiên cả những chuyến đi sau này.

Theo quan sát của tôi, câu chuyện rủ nhau “phượt”, kết hợp những yếu tố khác thành một “món lạ” cho chuyến đi giờ không còn là chuyện lạ nữa với một số nhóm. Họ thậm chí đem ra trao đổi sôi nổi trên diễn đàn mạng của họ.

Phóng to

“Phượt” để hiểu bản thân

Tôi không dám vơ đũa cả nắm và biết chắc có rất nhiều nhóm bạn trẻ “phượt” đúng nghĩa, thậm chí vừa đi ngao du sơn thủy vừa làm từ thiện rất ý nghĩa. Một người bạn, Adam Grant, kể ở đất nước sương mù của anh cũng có những bạn trẻ thích “phượt” và xem chuyện đi đây đi đó là để hiểu bản thân.

Năm 18 tuổi Adam đã tự xách balô lên đường sang Ý, Hi Lạp, rồi làm một vòng sang Campuchia, Lào, Việt Nam... vừa du lịch vừa tham gia nhiều chương trình tình nguyện. Adam cho rằng đi và làm việc nơi xứ người với mục đích khám phá xem mình thích điều gì, liệu có hợp không hay là học tiếp đại học...

Lý do đơn giản mà Adam chia sẻ là khi đi “phượt” bạn sẽ hiểu được bản thân thông qua người khác một cách nhanh nhất. Người khác đã tốn thời gian để hiểu được chính họ thì câu chuyện trải nghiệm sẽ giúp bạn hiểu hơn về chính mình.

Một bài học khác mà người bạn nước ngoài này đã dạy tôi là không dùng bao nilông trong suốt chuyến đi. Bởi theo anh, những chuyến đi như vậy đòi hỏi sự chuẩn bị hành trang cũng như xử lý tình huống suốt chuyến nên rất tốt cho việc thử thách chính mình cũng như giáo dục thói quen không dùng những thứ có hại cho môi trường.

Ở nước ngoài, cộng đồng “phượt” có cả thuật ngữ “phượt eco” (phượt xanh) dùng để chỉ những chuyến đi vì mục đích bảo vệ môi trường. Cộng đồng người Việt trẻ từng chứng kiến những chuyến đi rất được đón nhận như của TS Nguyễn Phương Mai (giảng viên ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) đến các nước Trung Đông. Đó là một câu chuyện có khả năng truyền cảm hứng trong giới trẻ về tính khám phá và trao đổi văn hóa.

Giới trẻ bây giờ rất năng động và đầy năng lượng, có thể lao mình như bay vào những chuyến đi. Nhưng đôi lúc có những chuyến đi chỉ mang tính bản năng hoặc đi để chứng tỏ cá nhân, khác với mục đích hay đẹp ban đầu. Thật tiếc, nếu tuổi ta còn trẻ mà chỉ dừng lại ở những điều như vậy.

Dấn thân có lẽ là điều gì đó thật lớn lao. Có một điều chắc chắn là thiên nhiên bao la luôn sẵn chờ chúng ta khám phá, vậy nên hãy khám phá “có suy nghĩ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận