Pulitzer - tấm huy chương hai mặt

ĐỨC HOÀNG 02/05/2016 20:05 GMT+7

TTCT - Người ta biết rằng Pulitzer là một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới về nghệ thuật và báo chí. Nhưng không nhiều người biết những giá trị mà nó thật sự tôn vinh. Pulitzer, ở đỉnh cao của nghề viết, tôn vinh cả những tích cực và xấu xa của công việc này.

Nghề báo đòi hỏi sự dấn thân và đôi khi là phá vỡ những nguyên tắc thông thường -euromedmonitor.org
Nghề báo đòi hỏi sự dấn thân và đôi khi là phá vỡ những nguyên tắc thông thường -euromedmonitor.org


5 USD, 300.000 USD và 1 triệu USD

Đó là năm 1945, Roy J. Harris quay trở về tờ Post-Dispatch sau khi phục vụ trong Thế chiến thứ hai. Harris, vốn đã làm phóng viên của Post-Dispatch từ năm 1925, bị tòa soạn bắt bí. Một biên tập viên tuyên bố với tay cựu binh rằng “lương của ông sẽ bị giữ lại 5 USD mỗi tuần, cho đến khi ông chứng minh được mình vẫn là Harris của ngày trước”.

Trước đó, ông là một phóng viên rất uy tín của tòa soạn. Gia đình Harris lúc đó có ba miệng ăn, gồm vợ và con trai. Khi hỏi về cuộc đời làm báo của chồng, bà Ruth Harris gay gắt kể những ngày bà đi đòi quyền lợi. Tuần nào bà cũng lên tòa soạn để đòi bằng được 5 USD đó, cho đến khi phía tòa báo nhượng bộ và trả cho bà.

Năm 1950, Harris đoạt giải Pulitzer. Ông phanh phui việc hàng chục biên tập viên các tòa soạn ở Illinois đang nhận tiền từ ngân sách chính phủ - điều vi phạm đạo đức báo chí Hoa Kỳ. Tới 300.000 USD đã được chính quyền trả cho các biên tập viên để chi phối họ.

Ông và đồng sự đã ngồi trong phòng khách sạn ở Springfield, Illinois và làm báo với một “công nghệ mới” thời đó. Họ liên tục liên lạc trực tiếp với biên tập viên của tòa soạn Post-Dispatch ở St. Louis và Chicago để cân nhắc các chi tiết. Hiện giờ kiểu làm báo như thế là hiển nhiên: phóng viên tất phải liên hệ với biên tập viên trong quá trình viết bài.

Nhưng vào năm 1950, đây là một quy trình khác thường. “Mỗi cái tên chúng ta nhắc đến có thể tạo ra một vụ kiện triệu đô” - Harris lý giải với con trai ông 16 năm sau, khi Roy J. Harris “con” bước chân vào nghề báo ngày đầu tiên.

Roy J. Harris “con” sau này cũng trở thành một nhà báo danh tiếng. Vì ấn tượng với giải Pulitzer của cha, ông trở thành một người viết sử về Pulitzer, và mới đây, nhân dịp kỷ niệm 100 năm giải Pulitzer ra đời, ông kể lại câu chuyện của cha mình. Ban biên tập trang pulitzer.org viết ở cuối bài ký ức của Roy J. Harris “con”: “Vì lý do đó (vụ đi đòi lại 5 đô), giải Pulitzer năm 1950 quan trọng với bà Ruth ngang với chồng bà”.

Tiêu chí của giải Pulitzer trong phần hướng dẫn dự thi rất đơn giản: “Trong mọi trường hợp, các tác phẩm phải trung thành với những nguyên tắc cao nhất của báo chí”. Các nguyên tắc cao nhất là gì? Ban tổ chức giải thích: “Chúng tôi nói đến các giá trị như sự trung thực, tính chính xác, sự công bằng, minh bạch”. Ngoài ra, không có tiêu chí chấm điểm cho cái gọi là “sự xuất sắc”.

Đó có lẽ là chân dung rất điển hình về một nhà báo. Ở nhà, ông đối mặt với những vấn đề 5 USD. Trên báo, ông phanh phui vụ tiêu cực 300.000 USD. Và trong quá trình tác nghiệp, ông đối mặt với những vụ kiện triệu đôla. Roy hướng tới công lý, tới thành công sự nghiệp và bất chấp hiểm nguy để có được điều đó.

Còn Ruth chỉ nghĩ về 5 USD để nuôi con, và bất chấp chồng mình đang hoài bão gì. Một ý niệm về phụng sự cộng đồng, như tên gọi hạng mục mà Roy J. Harris đã nhận giải.

Ra đời cách đây 99 năm, Pulitzer là ý nguyện của Joseph Pulitzer, một đại tài phiệt ngành xuất bản, và cũng chính là người đã sáng lập tờ St. Louis Post-Dispatch, tờ báo mà Roy J. Harris đã phụng sự. Giải trao cho cả sách, âm nhạc và báo chí.

Năm nay, tác giả Nguyễn Thanh Việt, một người Mỹ gốc Việt, đã đoạt giải cho hạng mục tác phẩm hư cấu trong lĩnh vực “Chính luận, kịch và âm nhạc” cho cuốn sách The sympathizer. Nhưng điều làm nên tên tuổi của Pulitzer vẫn là các giải dành cho báo chí: nó được coi là giải thưởng báo chí danh giá nhất hành tinh. Mỗi lần giải được trao, các giám khảo lại ghi chú một vài điểm nổi bật khiến họ đã quyết định trao giải.

Trong thời đại mới thì yếu tố khiến một tác phẩm nổi bật hơn các tác phẩm khác đơn giản có thể là cách nó được trình bày trên mạng. Không có tiêu chí chung cho sự “hay”, chỉ có tiêu chí cơ bản về đạo đức.

Vậy họ thường trao giải cho các tác phẩm báo chí như thế nào? Có muôn vàn lý do. Giải “Phụng sự cộng đồng” năm nay dành cho Hãng AP bởi loạt điều tra về tình trạng ngược đãi lao động trong ngành chế biến hải sản ở Hoa Kỳ, “các bài báo đã giải phóng 2.000 nô lệ, mang những kẻ thủ ác ra công lý và tạo động lực cải cách”.

Giải “Ký sự đặc tả” năm 2015 cho Diana Marcum của tờ LA Times thì chỉ đơn giản là vì “đã tạo ra sự đồng cảm” với những người nông dân đang chịu hạn hán ở vùng Thung lũng Trung tâm, California. Năm 2006, nữ nhà báo Robin Givhan của tờ The Washington Post được trao giải vì “đã chuyển hóa phê bình thời trang thành phê bình văn hóa”...

Không phải cứ tạo ra được cải cách, đấu tranh thành công cho người yếu thế, hoặc vạch mặt tham nhũng thì được trao giải “Phụng sự cộng đồng”.

Đôi khi việc chuyển tải thông tin cần thiết đến độc giả - thực hiện nhiệm vụ cơ bản của báo chí - đã là phụng sự cộng đồng. Năm 2006, tờ Sun Herald đoạt giải vì chuỗi bài báo mà trong đó có cả những trang trông như trang rao vặt: thông tin thiết yếu về các dịch vụ điện, nước sạch, y tế, lịch xe buýt, các số điện thoại đường dây nóng... cho các vùng Biloxi và Gulfport, những nơi người dân đang vật lộn với hậu quả của siêu bão Katrina.

Cũng không phải là cứ văn hay chữ tốt thì đoạt giải “Đặc tả”. Đôi khi ban giám khảo Pulitzer đặc biệt đề cao tính sáng tạo. Một trong những tác phẩm đoạt giải Pulitzer nổi tiếng nhất, “Ngọc trai trước bữa sáng” của nhà báo Gene Weingarten (The Washington Post), được chọn vì cách ông... dàn dựng câu chuyện, điều thoạt tiên tưởng như mâu thuẫn với các nguyên tắc báo chí.

Hôm đó, Weingarten đã đưa Joshua Bell, một trong những nghệ sĩ vĩ cầm xuất sắc nhất thế giới, ra một ga tàu điện ngầm tại Washington vào giờ cao điểm để kéo đàn như một nghệ sĩ đường phố. Cây đàn mà Bell cầm là một chiếc Stradivarius siêu hiếm trị giá vài triệu USD.

Nhưng trong cả buổi trình diễn, Bell chỉ kiếm được vài chục USD còm cõi, không bằng một vé bình thường anh diễn trong khán phòng. Sự dàn dựng của Weingarten, sau khi được mô tả lại, chỉ ra nhiều nghịch lý trong xã hội hiện nay. Phương pháp “đưa siêu sao ra đường phố” để xem phản ứng của khán giả của ông sau này được rất nhiều chiến dịch quảng cáo hay báo chí sử dụng lại - tự nó đã là một phát kiến.

Tuy giải Pulitzer báo chí có rất nhiều hạng mục và tên các hạng mục nói lên tính chất cơ bản của chúng: báo chí giải thích, bình luận, đặc tả, điều tra, phụng sự cộng đồng... nhưng cùng với sự sáng tạo của các tòa soạn, bạn sẽ phải tiếp cận từng tác phẩm để biết rằng báo chí có thể phát triển muôn hình vạn trạng thế nào và các thể loại có thể “lai” với nhau ra sao.

Đôi khi bài bình luận lại là những phóng sự xuất sắc và ngược lại. Hay như trong câu chuyện của nghệ sĩ vĩ cầm Joshua Bell, báo chí đã lai với kịch nghệ mà không tạo ra mâu thuẫn.

Để làm được điều đó - đạt đến đỉnh cao của một công việc - không hề có công thức chung, phải quay trở lại với hình mẫu của Roy J. Harris.

Có thể không phải nhà báo nào cũng là anh hùng, nhưng trong bối cảnh nghề báo ngày càng bị đối xử tệ bạc, đặc biệt là ở nước Mỹ (liên tục lọt vào danh sách các nghề nghiệp tồi nhất, và có lẽ nhiều nơi khác nữa), thì hình ảnh Roy J. Harris có thể là một biểu tượng: đó là những người yêu công việc này, có mong muốn phục vụ công chúng đến mức gạt qua lợi ích của bản thân và biết phá vỡ các quy tắc thường lệ để hoàn thành mục tiêu.

Đến cuối cùng, đỉnh cao của nghề báo vẫn khác với đỉnh cao của nghề tài chính ngân hàng hoặc thương mại. Nhìn vào những tác phẩm đoạt giải Pulitzer, dễ thấy chủ nghĩa dấn thân mà họ khuyến khích - dù điều này không được nêu ra trong số các “tiêu chí chính thức”.

 

Những kết cục buồn

Các tác phẩm và cá nhân đoạt giải Pulitzer, ngoài những mặt sáng còn phản ánh cả những mâu thuẫn và mặt tối của nghề báo. Đã có lần một câu chuyện bịa đoạt giải Pulitzer. Đó là bài viết “Thế giới của Jimmy” được đăng trên The Washington Post năm 1980.

Câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của Webb trở thành kinh điển với một chủ nhân Pulitzer. Kinh điển, bởi vì đến cuối cùng, người ta cũng không thể biết được đâu là sự thật, và nhận ra rằng mọi bài báo luôn có hai mặt và không ai có thể đọc được hai mặt cùng một lúc dù lượng thông tin là bằng nhau.

Trong bài viết đầy ám ảnh đó, tác giả Janet Cooke mô tả về một cậu bé 8 tuổi nghiện heroin. Độc giả xúc động mạnh với những chi tiết như “những vết kim châm trên làn da trẻ con mượt mà và gầy guộc”. Thậm chí thị trưởng thành phố New York Marion Barry đã huy động toàn bộ cảnh sát thành phố tìm bằng được Jimmy để đưa em về chăm sóc.

Tuy nhiên, bởi Jimmy là một sản phẩm của trí tưởng tượng nên không ai tìm được em. Thị trưởng Barry sau này, vì giữ thể diện, đã nói dối dân chúng rằng Jimmy đã được tìm thấy và đang được chăm sóc. Tờ Washington Post quyết định đưa bài viết đi thi Pulitzer.

Nó đoạt giải hạng mục “Ký sự đặc tả” năm 1981. Sau những hoài nghi của dư luận và bị phát hiện khai gian bằng cấp, Janet Cooke thú nhận sự bịa đặt của mình và trở thành người duy nhất trong lịch sử Pulitzer phải trả lại giải thưởng này.

Khi nói đến Pulitzer, người ta cũng không thể quên Gary Webb, một nhà báo mà cái chết của ông đã được Hollywood chuyển thể thành bộ phim Kill the messenger (Giết người đưa tin). Mặc dù cái chết của Webb không liên quan trực tiếp tới Pulitzer nhưng chúng là những thực tế không thể tách rời. Gary Webb sau khi đoạt giải Pulitzer năm 1990 cho những bài phản ánh về động đất tại Loma Prieta, trở thành một nhà báo nổi tiếng.

Sáu năm sau, ông tung ra loạt bài gây chấn động nước Mỹ: sau những chuyến điều tra ở Nam Mỹ, ông khẳng định rằng Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang duy trì một đường dây buôn ma túy từ Nam Mỹ vào chính nước Mỹ để cung cấp tài chính cho các lực lượng phiến quân mà CIA đang chống lưng.

Loạt bài khiến Chính phủ và Quốc hội Mỹ rúng động. Những cuộc điều tra được tiến hành. Nhưng sau đó chính phủ đưa ra kết luận: những điều Webb nêu trong loạt bài là vô căn cứ. Một vài nhân chứng “phản cung”, các tờ báo lớn nhất đất nước cho đăng một loạt bài phản bác mạnh mẽ. Webb bị cáo buộc bịa đặt. Ông tan tành sự nghiệp và lui về ở ẩn mà không có khả năng thanh minh.

Cho đến nhiều năm sau này, dư luận Mỹ vẫn hoài nghi về loạt bài của Webb. Có người nói do ông đã cả gan chống lại CIA, tổ chức tình báo quyền lực bậc nhất nước Mỹ, nên đó là kết cục tất yếu cho màn “châu chấu đá voi”. Năm 2004, Webb được tìm thấy với hai phát đạn vào đầu. Các nhà chức trách tuyên bố ông tự sát, nhưng người ta vẫn đặt câu hỏi: ai lại cần tới hai phát đạn để tự sát?■

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận