"Quả bom" trái phiếu: Phải quý trọng những sinh kế dài lâu

KHÁNH LINH 05/11/2022 06:50 GMT+7

TTCT - Sinh kế chắc chắn và ổn định là điều mà người dân bình thường mong muốn, nhất là trong hoàn cảnh nhiều bất trắc hiện nay.

Quả bom trái phiếu: Phải quý trọng những sinh kế dài lâu - Ảnh 1.

Ảnh: breakthroughgroup.com

Lần đầu tiên trong lịch sử tài chính tiền tệ Việt Nam sau khi đất nước thống nhất xảy ra tình trạng người dân ùn ùn đi rút tiền có lẽ là năm 1998, khi cơ sở nước hoa Thanh Hương mất khả năng trả nợ với lãi suất hằng tháng cam kết lúc đấy lên đến hơn 10%/tháng.

Hàng trăm ngàn gia đình ở miền Nam rơi vào cảnh hỗn loạn và nhiều bi kịch gia đình đã xảy ra. Bẫy tài chính lúc đấy chỉ đơn giản là lấy khoản vay người sau trả cho người trước, đến khi chủ nợ hết khả năng vay thêm thì hệ thống đổ vỡ. 

Mô hình đa cấp này, vốn đã có từ khởi thủy của tiền tệ, tồn tại đến giờ dưới nhiều tên gọi khác nhau, từ giải pháp tài chính linh hoạt, đầu tư tài chính cùng nhà đầu tư chuyên nghiệp, cho tới tài chính thông minh, thôi thì đủ thứ lời mời gọi làm giàu không khó, để rồi vẫn có không ít thảm kịch đã và sẽ xảy ra.

Từ cuộc khủng hoảng 15 năm trước

Thời nước hoa Thanh Hương, Nhà nước cũng từng đứng ra trấn an người dân không manh động rút tiền. Tuần rồi, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, trong 20 năm, có lần thứ ba xuất hiện thực thi vai trò trấn an này. 

Tuy nhiên, câu chuyện bây giờ hoàn toàn khác, khi ngân hàng chỉ là một mắt xích trong hệ thống, mà những dấu hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện từ trước rất lâu và hệ lụy sẽ chưa dừng lại: huy động trái phiếu tư nhân không kiểm soát. 

Đó không chỉ là hiện tượng của một vài tập đoàn bất động sản lớn mà đã là xu thế, sự can thiệp của Nhà nước giờ có lẽ chỉ giải quyết phần nào hậu quả trong khi đáng ra phải ngăn chặn từ xa.

Khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 xuất phát từ việc các tổ chức tài chính ở Mỹ cho phép khách hàng dưới chuẩn vay mua bất động sản, được gọi là khoản vay Ninja: No income, No Job, No Asset (người vay không có thu nhập đảm bảo, không có việc làm, không cả tài sản thế chấp). 

Khi người vay mất khả năng thanh toán, ngân hàng bị liên lụy và thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái hoảng loạn. Khủng hoảng kinh tế ở mức độ toàn cầu xảy ra và Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng xoáy.

Nền kinh tế quốc gia cần gần 5 năm để phục hồi sau đó. 10 năm sau nữa, câu chuyện về cho vay dưới chuẩn tái hiện. Người đi vay lúc này lại là những tập đoàn bất động sản và tài sản bề nổi của họ hiện diện khắp nơi, từ những vị trí kim cương ở các đô thị hàng đầu, cho đến giờ vàng trên các kênh truyền hình quốc gia.

Tài sản đảm bảo, thứ quan trọng nhất nhì để một giao dịch tín dụng diễn ra, hóa ra lại là điều được người cho vay ít quan tâm nhất, bên cạnh một yếu tố quan trong khác: dòng tiền từ doanh thu bán hàng để đảm bảo khả năng thanh toán các khoản lãi và nợ đến hạn. 

Cả hai thứ đấy không được kiểm soát hoặc đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản hoàn toàn vì tác động kép của đại dịch bệnh và tình hình sa sút chung của kinh tế thế giới.

Cho đến khi cái tên đình đám dám tuyên bố mua hơn 2,4 tỉ đồng/m2 đất bị phanh phui là doanh nghiệp phát hành trái phiếu "bốn không" - không tài sản bảo đảm, không ngân hàng bảo lãnh phát hành, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền - thì câu chuyện về loạn trái phiếu mới bắt đầu bung bét. Các trái chủ thì luôn phải sống trong những làn sóng tin đồn mà hầu hết sớm trở thành hiện thực.

Mất mát nguồn lực xã hội

Câu chuyện người mua trái phiếu đang phập phồng là con số hàng trăm ngàn tỉ trái phiếu sắp đáo hạn sẽ được các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu xoay xở thế nào khi mà dòng tiền khả dĩ nhất họ dự tính có thể huy động được là từ ngân hàng chỉ còn nhỏ giọt, trong hoàn cảnh dòng tiền từ bán hàng cũng thu hẹp nốt do thị trường chững lại vì giá đã tăng quá nhanh trong một thời gian quá ngắn. 

Cùng một lúc các yếu tố bất lợi ập đến, việc doanh nghiệp xoay xở để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn có lẽ không còn nằm trong tay họ nữa.

Nhiều doanh nghiệp đã có thể huy động trái phiếu dưới chuẩn với khối lượng rất lớn và trong một thời gian khá dài có sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tài chính khác. Hoạt động này không bị tổ chức giám sát tài chính nào cảnh báo. 

Ngay cả những hành động nhắc nhở các nhà đầu tư cá nhân cẩn trọng cũng không thấy đâu. Hình ảnh các nhà đầu tư cá nhân căng biển khẩn khoản đề nghị Nhà nước đứng ra tổ chức trả nợ cho Tân Hoàng Minh có thể sẽ còn lặp lại và kết quả cũng khó có thể khác: đầu tư là rủi ro - không có chuyện sẽ có người đứng ra cứu trợ.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang ảm đạm, lạm phát chực chờ theo nhịp điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, hoàn cảnh Việt Nam có thêm một nghịch lý: doanh nghiệp thiếu vốn, còn tiền đầu tư công không giải ngân được. 

Hai cái bình một đầy, một rỗng không được nối với nhau. Áp lực kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô được ưu tiên sẽ làm các biện pháp giải quyết "quả bom" trái phiếu khó có nhiều lựa chọn.

Điều đó đồng nghĩa một sự thật cay đắng là một phần nguồn lực của toàn xã hội sẽ mất đi không thể cứu vãn, đồng thời là hệ lụy lâu dài cho thị trường bất động sản - vốn đang nắm giữ một khối lượng giá trị khổng lồ, nhưng khả năng thanh khoản đang khó khăn chưa từng thấy. 

Số công ăn việc làm kéo theo, không chỉ các chuyên viên môi giới địa ốc, mà rất nhiều ngành chủ đạo hơn nhiều như xây dựng dân dụng, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Sinh kế chắc chắn và ổn định là điều mà người dân bình thường mong muốn, nhất là trong hoàn cảnh nhiều bất trắc hiện nay. 

Mong muốn của giới điều hành lẫn các chuyên gia kinh tế hẳn là một phần số tiền xã hội đổ vào thị trường bất động sản được chuyển hướng cho các công ty nhà máy sản xuất - nơi đồng vốn vay sẽ nhanh chóng được chuyển thành máy móc, nguyên vật liệu, linh kiện, thành phẩm nông sản, công nghiệp… 

Khi đó mới có hy vọng đồng vốn làm ra lợi nhuận sẽ được chia sẻ cho nhiều người hơn, nhiều công ăn việc làm được tạo ra hơn; xã hội bớt đi những đổ vỡ, những trả giá, những bi kịch phát triển nóng, làm giàu nhanh.

Chúng ta vẫn đang hy vọng Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của thế giới, là điểm đến yêu thích, là tổ ấm an toàn cho các nhà đầu tư "đại bàng" nước ngoài. Nhưng người làm sản xuất vay tiền vẫn quá khó khăn. Phần lớn những người nhiều tiền vẫn thích mua trái phiếu bất động sản.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận