TTCT - Đỉnh Ziliêng (xã Axan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) như một thành lũy rừng nguyên sinh khi bao vây lấy trùng điệp núi đồi là đại ngàn xanh thẳm. Ở đó, hai người đàn ông có thể nhớ từng vị trí cây cổ thụ, từng quả đồi và số lượng cây. Một cây pơmu cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở đỉnh Ziliêng. Ảnh: Trần Mai Khi chúng tôi ngỏ ý muốn khám phá rừng pơmu ở đỉnh Ziliêng, ông Bríu Liếc, bí thư Huyện ủy Tây Giang, lập tức giới thiệu ông Hôi Mia, bí thư chi bộ làng Ganil (xã Axan) và anh A Lăng Nhú, kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm huyện Tây Giang. Ông Liếc khẳng định đây là hai người rõ đỉnh Ziliêng nhất và cũng thuộc loại “máu mặt” trong công tác giữ rừng. Nhớ từng quả đồi, gốc cây Chúng tôi đi cùng đoàn của Viện Sinh thái học miền Nam vào khám phá rừng pơmu. Điểm tập kết ở độ cao 1.350m so với mực nước biển. Từ đây, ông Mia và anh Nhú chia đôi dẫn hai đoàn khác nhau băng theo hai hướng: anh Nhú sẽ cùng với nhóm nghiên cứu động vật học men theo suối đi xuyên xuống mảng rừng có độ cao thấp hơn, còn ông Mia sẽ dẫn đoàn nghiên cứu thực vật tiến lên độ cao gần 2.000m tiếp tục nghiên cứu. Mỗi ngày lại đi theo một hướng mới, nhưng hết buổi lại gặp nhau nơi giữa rừng để trở về nơi đóng quân. Có lẽ đoàn đã may mắn khi có hai “cao thủ” đi cùng. Tất cả ngóc ngách trong rừng họ nắm rất rõ. Thậm chí trong những lần đi kiểm tra rừng, cả hai còn đánh dấu vị trí họ phát hiện một loài cây lạ để dẫn đoàn tới xem. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt đi cùng ông Mia cho biết: “Ổng chỉ chỗ nào là y chóc”. Dù đã trải qua tuổi ngũ tuần nhưng ông Mia đi rừng không biết mệt. Nhóm trẻ chúng tôi nhiều lần thở dốc vì trải qua những con dốc dựng đứng, còn ông Mia vẫn cười khà khà với cây rựa trong tay đi trước mở lối. Chính ông Mia và anh Nhú là hai người trực tiếp ở rừng ba tháng ròng rã để đếm và đánh dấu tất cả số cây pơmu ở đỉnh Ziliêng, nên vương quốc pơmu này như một mái nhà của cả hai. Hướng nào, có loài cây gì phát triển nhiều thì cả hai nắm trong lòng bàn tay. Đi rừng, ông Mia nghiêm cấm việc hút thuốc bởi ở rừng già lớp mùn dày, vô tình làm rơi tàn thuốc có thể sẽ gây cháy rất nguy hiểm. Từ ngày làm kiểm lâm, anh Nhú cũng từ bỏ thuốc lá. Hôm đó, hai nhóm nghiên cứu gặp nhau ở độ cao 1.650m, ông Mia và anh Nhú chỉ tay về hai quả đồi được chia cắt bởi quả đồi mà chúng tôi đang đứng bảo: “Anh em vừa đi vòng qua hai quả đồi có nhiều cây pơmu nhất ở đỉnh Ziliêng đó”. Không như các chuyên gia có máy định vị, ông Mia nhớ bằng tình yêu với rừng. Ông có thể đọc vanh vách ở những khu vực có sự hiện diện của những quần thể pơmu, dổi, lim, cẩm lai... Chính những người trong nhóm nghiên cứu cũng phải thừa nhận: họ có nhiều thuận lợi trong quá trình nghiên cứu nhờ sự am tường đỉnh Ziliêng của hai người đàn ông giữ rừng. Trong lần khảo sát này, nhóm nghiên cứu đã có thêm được một mẫu vật khá giá trị mà ông Mia giúp đoàn tìm thấy. Đó là một loại thực vật thuộc loài gừng riềng. Bước đầu ghi nhận tại thực địa các chi tiết bên ngoài của loài thực vật này cho thấy đây có thể là một loại mới với hoa màu đỏ rất lạ, thân dẹp với lá sọc. “Sau khi đem về Viện Sinh thái học miền Nam sẽ tra cứu xác định tên khoa học. Nếu chưa có tên thì đặt tên cho loài và công bố một loài mới” - anh Đạt nói. Một loại thực vật thuộc loài gừng riềng được nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam phát hiện tại Ziliêng. Ảnh: Trần Mai “Các anh nghiên cứu, rồi chúng tôi giữ” Người Cơ Tu ở vùng giáp ranh với biên giới Lào này gọi ông Mia là đứa con của Thần rừng, bởi ông thuộc vanh vách mọi ngóc ngách của khu rừng. Ông Mia kể từ nhỏ đã theo bố mẹ lên rừng sinh sống nên hiểu rõ đường đi, lối bước vào rừng. “Cây cổ thụ bị ngã đổ hay già chết cũng phải để nguyên đấy. Rừng là của chung, cấm ai vì vụ lợi mà đụng vào” - ông nói. Có lần, ông Mia và anh Nhú nghe một nhóm tiến vào rừng mà không thông báo đã tổ chức vây ráp bắt giữ ngay sau đó. Nhớ chuyện này, anh Nhú nói: “Tui đoán nhóm này vào vì hai cây pơmu cổ thụ vừa bị sét đánh ngã. Thế là tôi bàn với anh Mia tổ chức người làng vây dọc triền suối Ziliêng, một nhóm khác đi thẳng vào rừng truy đuổi. Chúng tôi hốt trọn ổ không sót một người. Nhóm này bị làng phạt trâu bò. Chúng tôi giữ làng bằng luật pháp, luật làng và sự đoàn kết của tập thể người dân”. Đó là câu chuyện của năm 2011. Ông Hối Đớ (thôn Ganil) vì tự ý “đụng” đến hai cây pơmu ngã đổ mà đã bị TAND huyện phạt 30 tháng tù treo vào năm 2015. “Mình phải làm mạnh tay để làm gương cho người khác, vậy mới không mất đi rừng” - ông Mia kể.Ông Mia và anh Nhú không nhớ rõ đã dẫn bao nhiêu đoàn vào thăm khu rừng pơmu mới được công nhận là rừng di sản. Họ chỉ nhớ rõ nhiệm vụ của mình là giữ rừng nguyên vẹn, không cho bất kỳ tác động nào của con người gây ảnh hưởng đến rừng. Ngay cả việc đốn cây làm nhà, người dân cũng phải viết đơn xin. Làng Ganil nép mình dưới chân núi Ziliêng, nơi ông Mia là bí thư chi bộ thôn, có một quy tắc bất di bất dịch: dân làng ai muốn chặt gỗ rừng làm nhà phải làm đơn xin, cam kết làm bao nhiêu gỗ, khi được phép của kiểm lâm, UBND huyện, xã mới được phép đụng đến rừng. Người nào chặt quá số lượng cây đã cam kết sẽ bị làng phạt. Ông Mia và anh Nhú chính là một trong hai người xem xét đơn và ký xác nhận nếu thấy việc đốn cây của người dân là hợp lý. Ông Bríu Liếc hết lời khen ngợi ông Mia và anh Nhú, bởi hai người đàn ông trấn giữ ngay cửa ngõ lên rừng này là người giữ gìn danh phận của “vương quốc” pơmu. “Mỗi lần đoàn du khách hay nghiên cứu đến rồi đi, tôi lại hỏi anh Mia về công việc và hướng bảo vệ rừng. Anh Mia rất phấn khởi và mong muốn sẽ có nhiều người đến tham quan. Cái lần có chuyên gia nước ngoài đến nghiên cứu, anh Mia và Nhú cũng là người dẫn đi” - ông Liếc nói. Ở xã Axan, tất cả việc mua cưa máy đều được quản lý chặt chẽ và gửi lên xã, khi có việc cần mới viết đơn lấy về sử dụng. Với đoàn nghiên cứu, cách quản lý rừng ở huyện Tây Giang là rất đặc biệt khi luật pháp, luật làng và tinh thần đoàn kết bện chặt như một sợi dây mây quấn lấy từng mảng xanh ở Tây Giang. Hôm chia tay đoàn công tác, nghe nói bước đầu các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số cây và con lạ chưa từng thấy ở cánh rừng khác, hai người đàn ông Cơ Tu mừng rỡ: “Vậy là tốt rồi, các anh nghiên cứu đi, còn chúng tôi sẽ giữ rừng. Nhớ cho những cây rừng mới một cái tên nghen!”.■ Nhiều cây pơmu từ 250 tuổi trở lên Anh Nhú (phải) và ông Mia có thể nhớ chính xác vị trí từng cây gỗ quý trong khu vực rừng rộng đến hơn 2.000ha. Ảnh: Trần Mai Toàn bộ diện tích khu rừng ở Ziliêng rộng hơn 2.000ha. Theo số liệu điều tra khảo sát mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, quần thể pơmu ở huyện Tây Giang phân bố trên diện tích 240ha với tổng số 1.366 cây. Trước đó, đối với 725 cây pơmu mà huyện Tây Giang đăng ký công nhận cây di sản Việt Nam, bằng phương pháp khoan tăng trưởng trên thân, các nhà nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam xác định hầu hết có độ tuổi từ 250 năm trở lên, có một số cây đạt đến hơn 1.000 năm tuổi. Tags: Phá rừngGiữ rừngGỗ pơmuRừng Quảng NamĐỉnh Zilieng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cờ đỏ sao vàng, mũ cối và tình cảm dành cho Bác Hồ tại Cộng hòa Dominica DUY LINH 22/11/2024 Người dân Cộng hòa Dominica, với những chiếc mũ cối cùng cờ đỏ sao vàng, đã xuất hiện tại công viên Hồ Chí Minh để chào đón các vị khách quý ngày 21-11.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...