TTCT - Đối với tôi, phẩm chất quan trọng nhất ở một nhà giáo là lòng yêu nghề. chính lòng yêu nghề là cơ sở nền tảng cho những phẩm chất giáo đức khác. Kỷ niệm Ngày nhà giáo VN 20-11: Quan trọng nhất là lòng yêu nghề GS Hoàng Tụy - Ảnh: Thanh HàTTCT - Đối với tôi, phẩm chất quan trọng nhất ở một nhà giáo là lòng yêu nghề. chính lòng yêu nghề là cơ sở nền tảng cho những phẩm chất giáo đức khác. Phải có lòng yêu nghề mới có động lực thật sự để nâng cao chuyên môn. Có người có năng lực, chuyên môn cao nhưng không yêu nghề cũng không dạy tốt. Có yêu nghề mới luôn luôn có khát vọng tìm kiếm biện pháp cải tiến giảng dạy. Không có lòng yêu nghề thì không có thầy giỏi, thầy tốt. Không có thầy tốt, thầy giỏi thì không có học trò giỏi, học trò tốt. Bản thân người thầy tốt, tận tâm với nghề là tấm gương để học trò học tập, phấn đấu noi theo. Yêu nghề cũng phải có điều kiện Chất lượng giáo dục phụ thuộc một cách quyết định vào lòng yêu nghề của thầy cô giáo. Theo tôi, hiện nay chất lượng giáo dục không được như mong muốn một phần rất lớn do lòng yêu nghề của một bộ phận không nhỏ giáo chức đã không được duy trì, khuyến khích. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phải nói ngay đó là hậu quả của tình hình chung trong xã hội. Khi nói đến những tiêu cực trong giáo dục, nhiều ý kiến thường hay quy cái đó cho cơ chế thị trường. “Những nhà giáo tận tâm với nghề không thiếu, nhưng đáng lẽ số người tận tâm đó có thể nhiều hơn” GS HOÀNG TỤYKhi đồng lương chính thức không đủ sống, người ta phải tìm thu nhập bằng cách dạy thêm. Dạy thêm là cách thông thường nhất, phổ biến nhất, chưa nói đến những biện pháp tiêu cực khác... Trong tình hình như thế, dần dần thu nhập của thầy cô cũng đủ trang trải cho cuộc sống, nhiều trường hợp có thu nhập còn cao hơn mặt bằng trung bình trong xã hội. Nhưng cơ cấu thu nhập đó rất kỳ quái, chỉ xã hội VN có tình trạng đó chứ tôi chưa thấy ở các nước khác. Tiền lương thì thấp nhưng thu nhập gấp mấy lần lương; tiền lương thấp trả cho công việc chính, còn thu nhập cao lại trả cho việc không phải là chính. Trong số những việc phụ đó, có việc có giá trị tích cực cho học trò, cho xã hội, có việc không... Hậu quả là các thầy cô làm việc cật lực, dạy ngày, dạy đêm, dạy cả ngày nghỉ thì làm sao yêu nghề được? Nhìn từ một góc độ nào đó, tiêu cực trong giáo dục có phần là cái giá mà xã hội phải trả để bù đắp thiếu hụt của lương và bảo đảm mức sống hợp lý cho người thầy. Nói đến lòng yêu nghề trong giáo dục là nói đến cái tâm. Chúng ta không thể trách cứ bản thân các thầy cô giáo. Đồng lương như thế, muốn sống hợp lý trong xã hội phải làm đầu tắt mặt tối. Tự nhiên yêu nghề cũng có nhưng hiếm, chỉ có ở những người đam mê thật sự với nghề giáo. Nhưng số đó không nhiều, còn lại người ta yêu nghề có điều kiện. Đó cũng là lẽ đương nhiên. Không tạo ra được những điều kiện để vun đắp lòng yêu nghề của các thầy cô giáo là lỗi của những người làm quản lý chứ không phải lỗi ở những người thầy. Phải giải quyết nghịch lý “lương thấp - thu nhập cao” Ngành giáo dục đặc biệt quan trọng vì đào tạo ra con người, liên quan đến mọi người. Vì thế nếu không gìn giữ được đạo đức trong nhà trường, không thể hi vọng có đạo đức trong xã hội. Nhưng xã hội trong sạch mới có nhà trường trong sạch. Ngược lại nhà trường trong sạch mới xây dựng nên những cá nhân tốt làm nền tảng cho một xã hội trong sạch. Nghịch lý lương đang làm phần lớn tâm lý của người thầy tiêu hao vào những việc không phải nhiệm vụ chính của mình. Chuyện này đã được nói nhiều từ 20 năm nay, trong nhiều ngành chứ không riêng giáo dục. Nhưng đến lúc này, đối với giáo dục thì nặng nề hơn cả vì hiện nay nhiều ngành đã có thể sống bằng lương. Trong khi đó ngành hết sức quan trọng là giáo dục thì vẫn tồn tại dai dẳng nghịch lý này. Một số ý kiến nói tại chúng ta nghèo, ngân sách nhà nước không đủ cấp lương cho hàng triệu giáo viên. Nhưng nếu vậy thì thu nhập đủ đảm bảo cho giáo viên cuộc sống khá chỉ có một phần nhỏ từ lương, còn lại từ đâu ra? Cũng là từ tiền đóng góp của người dân, của xã hội mà thôi. Sở dĩ Nhà nước thiếu tiền để trả lương xứng đáng cho người thầy là do cách phân phối của chúng ta phi lý, tại tham nhũng và lãng phí cực kỳ. Lương không đủ sống là nguyên nhân số một làm giảm sút lòng yêu nghề, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Do vậy phải cấp bách giải quyết vấn đề đó. Một năm trước, lãnh đạo ngành giáo dục đã tuyên bố “từ nay đến năm 2010 đồng lương giáo viên đủ sống”. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy có gì cải thiện. Tôi xin nói thật lòng rằng chừng nào chưa giải quyết được nghịch lý đó thì đừng nói đến việc chấn chỉnh đạo đức nhà giáo và chất lượng giáo dục. Gìn giữ đạo đức trong nhà trường Hiện nay xuất hiện nhiều chuyện đau lòng trong nhà trường, trong mối quan hệ thầy trò, phản ánh sự sa sút về đạo đức học đường. Mà đạo đức học đường sa sút thì mục tiêu chính của giáo dục không đạt. Chúng ta vẫn nói với nhau “Dạy làm người trước khi dạy chữ”, vậy nhà trường làm sao có thể thực hiện được mục tiêu dạy làm người khi đạo đức trong môi trường học đường sa sút? Tất nhiên trong bối cảnh đó vẫn luôn có rất nhiều người thiết tha với nghề nghiệp. Trong số hàng vạn thầy cô như thế, tôi có thể nhắc đến những người như cô giáo dạy toán Đỗ Thị Ngọc Hà (Trường THCS Đống Đa, Hà Nội) hay cô giáo lão thành Đàm Lê Đức (Trường bồi dưỡng văn hóa Lý Tự Trọng, TP.HCM), là một vài trong số hàng vạn thầy cô hết lòng với học trò, với công việc của một nhà giáo... Có những nhà giáo như thế thật đáng quý, đáng khâm phục. Những nhà giáo tận tâm với nghề không thiếu nhưng đáng lẽ số người tận tâm đó có thể nhiều hơn... Không thể tách riêng đạo đức nhà giáo ra khỏi bối cảnh xã hội. Nhưng phải giải quyết được nghịch lý lương mới có thể động viên, kêu gọi nhà giáo tận tâm với nghề, chứ không thể chỉ thông qua các hình thức thi đua giả tạo kêu gọi lòng yêu nghề. Chúng chỉ làm tăng thêm sự giả dối trong giáo dục. GS HOÀNG TỤYTHANH HÀ ghi
Dàn xe tăng, tên lửa, UAV lần đầu xuất hiện, sẽ có trong lễ diễu binh mừng Quốc khánh NAM TRẦN 17/07/2025 Dàn khí tài quân sự hiện đại gồm xe tăng, tên lửa, UAV, pháo... sẽ tham gia diễu binh, diễu hành dịp 80 năm Quốc khánh, lần đầu xuất hiện tại buổi tổng hợp luyện tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4, Hà Nội.
Điều tra: Phanh phui thế giới ngầm 'cho thuê bụng' giá 350-600 triệu đồng TRÚC QUYÊN 17/07/2025 Việc mang thai hộ đang bị các đối tượng lợi dụng tạo thành một thế giới ngầm "cho thuê bụng" với giá từ 350 đến 600 triệu đồng.
Tiếp nhận 45 người về từ Campuchia, đa số được giải thoát từ các tổ chức lừa đảo AN LONG 17/07/2025 Những người này sang Campuchia bị đưa vào các khu cách ly, ngày đêm phải thực hiện việc lừa đảo qua nhiều hình thức như gọi điện giả danh, lừa đảo qua ứng dụng..., nếu không đủ chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, chích điện.
Công an TP.HCM tìm ra người phun sơn chữ 'bắn tốc độ' trên đường Lê Quang Đạo MINH HÒA 17/07/2025 Người đàn ông phun sơn trắng dòng chữ "bắn tốc độ" trên đường Lê Quang Đạo (xã Hóc Môn, TP.HCM) đã bị công an đưa về trụ sở làm việc.