Quân tử dùng dằng đi chẳng nỡ

HỒ QUỐC TUẤN 10/01/2021 00:00 GMT+7

TTCT - Mối tình “đồng sàng dị mộng” Anh - EU đã chính thức kết thúc vào đêm giao thừa 2020, tờ Financial Times nhắc độc giả như vậy trong email điểm tin vào sáng 31-12-2020.

Biểu tình của phe muốn ở lại châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù mối hôn nhân này về nguyên tắc đã không còn hiệu lực từ cuối tháng 1-2020, công cuộc “quá độ” kéo dài đến cuối năm 2020 cho phép mối quan hệ tiếp tục diễn ra như bình thường trước lúc “chia tay”.

Trong khi đó, các phái đoàn đàm phán thương mại của Anh và EU tiếp tục “tiếng bấc ném qua, tiếng chì ném lại” suốt hơn 10 tháng đầu năm 2020. Thậm chí có lúc hai bên cảnh báo nhiều khả năng nước Anh sẽ rời khỏi EU vào cuối năm 2020 mà không có thỏa thuận thương mại nào được ký.

Tránh được điều tồi tệ nhất

Thủ tướng Anh thậm chí còn đưa ra một số đề xuất vi phạm các điều khoản đã ký trong “thỏa thuận chia tay” hồi đầu năm và EU cũng cho biết họ đã chuẩn bị sẵn để đáp trả về mặt pháp lý. Đã có lúc thị trường tài chính đánh giá có tới 40% khả năng EU và Anh sẽ liên hệ với nhau chỉ dựa trên những điều khoản thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đó sẽ là một cuộc chia tay không êm đẹp. Thuế quan sẽ tăng, kiểm soát biên giới gắt gao và mọi thứ rối tung.

Cũng may rồi điều tệ nhất đã không xảy ra. Chỉ đến trước đêm Giáng sinh 2020, màn “cò kè bớt một thêm hai” giữa đại diện đoàn đàm phán thương mại của Anh và EU mới kết thúc. Thị trường cổ phiếu thở phào nhẹ nhõm, giá đồng bảng Anh tăng vọt lên trên mức 1 bảng Anh đổi được 1,35 USD.

Chính phủ Anh tỏ ra hồ hởi với thỏa thuận thương mại này kèm thông điệp: “Chúng ta đã lại kiểm soát được tiền tệ, biên giới, luật pháp, thương mại và vùng biển đánh bắt cá của mình. Chúng tôi mang tới thỏa thuận tuyệt vời này cho toàn thể Vương quốc Anh trong một thời gian kỷ lục và dưới những điều kiện đặc biệt khó khăn… Tất cả những lằn ranh đỏ của chúng ta về việc lấy lại chủ quyền đều đã đạt được”.

“Lấy lại chủ quyền” là thông điệp chủ đạo của phe chọn Brexit ở Anh và là một trong những dấu ấn chính mà ông Boris Johnson muốn người ta nhớ về ông trong vai thủ tướng Anh. Cuối cùng thì sau 4 năm kể từ cuộc tổng tuyển cử chọn rời khỏi EU hay ở lại, cả hai phe đi và ở giờ đã đạt được - hay phải chấp nhận - một dấu chấm hết. Nhưng có lẽ đó chỉ là cái kết tạm thời.

Thỏa thuận thương mại Brexit chỉ là câu kết cho một chương mở đầu trong mối quan hệ hậu ly hôn Anh - EU, một mối tình vừa yêu vừa ghét với nhiều cung bậc khác nhau, nhiều cảm xúc trái chiều và cả những ghen tuông bực tức.

Nước Anh sẽ làm gì với “nền độc lập” mới?

Đúng là nước Anh (hay chính xác hơn là chính phủ của Thủ tướng Johnson) đã đạt được một số điều họ muốn, như hàng hóa Anh sẽ không bị đánh thuế cao hơn trước Brexit khi vào thị trường EU. Nhưng các thủ tục kiểm tra ở biên giới, nhũng nhiễu hành chính liên quan đến hải quan sẽ dần được thiết lập. Những hàng rào kỹ thuật phi thuế quan cũng được dự báo sớm mọc lên.

Quan trọng nhất, thỏa thuận thương mại này đã đá quả bóng các thỏa thuận về dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính - một mảng kinh doanh cốt lõi của nền kinh tế Anh, về tương lai. Đến lúc này, câu hỏi liệu các ngân hàng và công ty chứng khoán Anh có được cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là dịch vụ thanh toán và huy động vốn cho các khách hàng của châu Âu hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Một số tổ chức tài chính lớn vẫn tiếp tục cân nhắc lựa chọn dời đại bản doanh từ London về Frankfurt hay Amsterdam để đảm bảo chắc chắn quyền tiếp cận thị trường châu Âu. Dịch vụ tài chính chiếm tới 7% GDP của nước Anh, cộng thêm các dịch vụ phụ trợ của nó thì dễ dàng vượt 10% GDP. Chưa hết, sức sống của London, biểu tượng cho sự thịnh vượng của Vương quốc Anh, phụ thuộc rất nhiều vào mảng dịch vụ tài chính với gần 50% giá trị gia tăng của khu vực này được tạo ra ở thành phố thủ đô. Tất nhiên, với nhiều chính trị gia và giới tinh hoa Anh quốc, tài sản và sự thịnh vượng của gia đình họ cũng gắn chặt với London.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker tại một cuộc họp báo ở Brussels tháng 10-2020. Ảnh: Getty Images

Nếu nước Anh muốn tiếp cận thị trường tài chính châu Âu, họ sẽ phải chấp nhận nhiều điều khoản pháp luật của EU, từ hợp đồng, điều kiện cạnh tranh, kiểm soát quyền dữ liệu, chống rửa tiền, quy định thân thiện với môi trường, quyền con người... Vậy thì tuyên bố “lấy lại quyền kiểm soát” của ông Johnson có còn đúng không khi rút cuộc nhiều khả năng ông, hoặc người kế nhiệm ông, vẫn sẽ phải “bám sát” luật lệ EU để tiếp cận thị trường này?

Ở khía cạnh nào đó, từ năm 2016 đã có nhiều người lo sợ Brexit sẽ khiến nước Anh mất đi tiếng nói trong quy trình đưa ra quy định ở cộng đồng châu Âu, nhưng rồi vẫn phải tuân thủ những quy định đó để đổi lại quyền tiếp cận thị trường. Với việc ngành dịch vụ tài chính không được đề cập trong thỏa thuận Brexit vừa qua, điều đó nay rất có thể sẽ thành hiện thực.

Khi mà tăng trưởng kinh tế ì ạch chỉ khoảng 1%/năm trước COVID-19 và dự kiến ở mức âm khoảng 10% vào năm 2020 này, việc mất thêm một nửa đóng góp của thị trường tài chính có thể khiến nước Anh mất hai thập kỷ nữa mới trở lại được mức thu nhập quốc dân vào cuối năm 2019!

Ngày 31-12-2020, cơ quan quản lý thị trường tài chính của Anh là FCA tuyên bố: “FCA sẵn sàng hợp tác với các cơ quan của EU để hạn chế những quy định mâu thuẫn nhau”. Đây là tín hiệu cho thấy FCA đã xuống nước và chấp nhận “nghe lời” EU, bất chấp mâu thuẫn dữ dội giữa FCA và cơ quan quản lý thị trường tài chính của EU là ESMA kéo dài nhiều tháng trước về chuyện chi nhánh các ngân hàng của EU ở Anh phải hoạt động dựa trên luật lệ của bên nào. “Vậy thì nước Anh lấy lại chủ quyền về luật lệ chỗ nào?”, một người bạn của tôi làm cho một ngân hàng đầu tư ở London đặt câu hỏi.

Tôi đoán rồi thì FCA và ESMA cũng sẽ đạt được một thỏa thuận “hồn ESMA, da FCA” để giữ mặt mũi cho các chính trị gia Anh, nghĩa là về nguyên tắc thì FCA vẫn là nơi đưa ra các quy định, nhưng đa số là... “cọp-pi” từ luật lệ châu Âu mà thôi.

Tờ Financial Times ngay ngày đầu năm 2021 đăng bài của cây bút chuyên bình luận chính trị George Parker đặt một câu hỏi hóc búa và có phần mỉa mai: “Ông Boris Johnson sẽ sử dụng nền “độc lập” được giành lại một cách nhọc nhằn từ Brussels như thế nào?”. Ông Parker chỉ ra rằng có một số điều mà Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak có thể thử nghiệm, như ưu đãi thuế và quy định để thu hút đầu tư, nhất là các công ty khởi nghiệp của châu Âu đến Anh. Một số loại thuế giá trị gia tăng bị áp đặt theo luật lệ của châu Âu cũng có thể sẽ được bỏ đi. Thế nhưng ông Parker cũng chỉ ra rằng với những điều khoản thỏa thuận theo hướng hạn chế cả Anh và EU đưa ra các tiêu chuẩn quá khác biệt về môi trường kinh doanh, quyền con người và biến đổi khí hậu, trên thực tế nước Anh có thể đạp lên lằn ranh đỏ của thỏa thuận thương mại Anh - EU bất kỳ lúc nào nếu thay đổi các quy định của mình để tạo lợi thế cho doanh nghiệp đặt ở Anh - như kiểu “thiên đường thuế” hay “thiên đường về quyền tiếp cận dữ liệu” cho các công ty công nghệ. Lúc đó châu Âu sẽ đáp trả thế nào thì chưa ai biết, nhưng sức chịu đựng của EU sẽ là rất giới hạn.

Từ “hôn nhân” sang “quan hệ phức tạp”

Nước Anh bây giờ như một anh trẻ người non dạ, trước đây tham gia một thỏa thuận hôn nhân vội vã để được vào nhà người đẹp EU, nay lại cảm thấy “mất tự do” nên vùng vằng đòi ly hôn để “lấy lại chủ quyền”. Ly hôn rồi nhưng lại... vẫn muốn vào nhà người đẹp thì đành “nhập gia tùy tục”. Tệ hơn nữa, ly hôn rồi mà anh vẫn toan tính chuyện tài sản nhà người ta, rồi không muốn tuân theo luật lệ trong nhà đó. EU là một nàng người yêu xấu hay đẹp thì còn phải bàn, nhưng nàng chắc chắn không hề khờ dại. Nếu nước Anh lấn tới, EU có thể đáp trả bằng cách tăng thuế quan lên hàng hóa hay thu lại quyền tiếp cận thị trường với dịch vụ tài chính.

Mối quan hệ của Anh và EU vì vậy sẽ dây dưa mãi không dứt hậu ly hôn. Chủ yếu vì nước Anh muốn tiếp tục tiếp cận thị trường của “người cũ”, còn EU cũng không thể dứt áo với mối tình này. Nếu Anh và EU là hai người chơi Facebook, mối quan hệ của họ đang chuyển từ “hôn nhân” sang “trong một mối quan hệ phức tạp”. Thỏa thuận thương mại Brexit chỉ là dấu chấm sang trang cho chương mới trong mối quan hệ đó mà thôi. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận