TTCT - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết tuần qua đã chính thức định hình một khối thương mại châu Á lớn hơn so với cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA, nay là USMCA). RCEP là một dự án được thai nghén đã 8 năm - cũng là thời kỳ những nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… ngày càng leo cao trên bảng xếp hạng GDP toàn cầu - và nay là hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới. 15 nước châu Á thành viên của RCEP chiếm 1/3 tổng dân số và GDP thế giới, ngay cả khi không có sự tham gia của Ấn Độ - nước rút lui vào phút chót vì những quan ngại với ngành nghề và nhà sản xuất trong nước.Tìm kiếm động lực tăng trưởng mớiTổng GDP của RCEP là 26,2 nghìn tỉ đôla, lớn hơn cả USMCA lẫn EU. Với mục tiêu giảm 90% thuế nhập khẩu giữa các nước ký kết trong 20 năm tới và thiết lập những quy tắc phổ quát trong cả khối về thương mại điện tử và bảo vệ bản quyền (dù tránh bất kỳ cam kết nào về các vấn đề lao động và môi trường), RCEP dự kiến có hiệu lực từ năm 2021, khi quá trình phê chuẩn hoàn tất ở các nước ký kết.Hiệp định còn đánh dấu nhiều cột mốc khác: Đó sẽ là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên giữa ba gã khổng lồ kinh tế Đông Bắc Á: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do những vấn đề lịch sử và chính trị, các quốc gia này đã không thể đạt được một hiệp định thương mại tự do ba bên. RCEP cũng được dự báo sẽ giúp Trung Quốc vươn tay xa hơn ở Đông Nam Á - thương mại song phương đã tăng trong năm 2020 này, bất chấp đại dịch COVID-19.8 tháng đầu năm nay, ASEAN vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, với tổng kim ngạch hai chiều 416,6 tỉ đôla, theo dữ liệu từ Chính phủ Trung Quốc. Dù mức tăng 3,8% so với cùng kỳ 2019 là nhất quán với xu hướng những năm qua, các thống kê vẫn là khác thường trong một năm kinh tế toàn cầu điêu đứng vì dịch bệnh.Ảnh: Nikkei Asian ReviewHiệp định cũng được kỳ vọng giúp các nước ASEAN hồi phục tốt hơn trong năm tới và nâng vai trò của khối này thêm một bước, khi thế giới sắp bước vào điều mà giới phân tích vẫn gọi là “Thế kỷ châu Á”. Các dự báo cho thấy ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào cuối thập kỷ này - cả khối có GDP 2,57 nghìn tỉ đôla vào năm 2019, tức tương đương Ấn Độ.Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang diễn ra càng khiến hiệp định mới được gửi gắm nhiều hi vọng. Trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam hồi phục khá nhanh, kinh tế nhiều nước châu Á tiếp tục suy thoái trong quý 3-2020. “Thỏa thuận RCEP là cú hích đúng lúc cho những triển vọng dài hạn của khu vực - tạp chí kinh tế tài chính Nhật Bản Nikkei Asian Review dẫn lời Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nói hôm 15-11 - Đây sẽ là một điểm sáng mở ra hướng đi phía trước”.Nhà phân tích Cassey Lee của Viện ISEAS-Yusof Ishak đóng tại Singapore thì chia sẻ với Nikkei rằng hiệp ước mới cho thấy khả năng vận hành độc lập ngày càng lớn của kinh tế châu Á trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn kéo dài và những bất trắc sau bầu cử tổng thống Mỹ. “Thương mại là một động lực tăng trưởng quan trọng cho các thành viên RCEP - Lee phân tích - Hiệp định mới sẽ giúp các nước ở vào vị thế tốt để tận dụng và giúp nhau hồi phục kinh tế”.Tín hiệu gửi cho Hoa KỳViệc RCEP trở thành hiệp định thương mại khu vực lớn nhất thế giới một phần quan trọng là do Mỹ. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức vào đầu năm 2017, một động thái làm nhiều nước châu Á thất vọng và đón nhận hơn với RCEP, vốn do Trung Quốc lĩnh xướng.RCEP được ký kết chỉ vài tháng trước lễ nhậm chức (dự kiến) của tổng thống tân cử Joe Biden, và có thể đẩy chính quyền mới của Mỹ vào thế khó. Trong bối cảnh nền chính trị cực kỳ chia rẽ hiện giờ ở Washington, ông Biden nhiều khả năng sẽ gặp phải sự chống đối quyết liệt trong nước nếu muốn trở lại TPP - nay đã được đặt tên lại là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).Uy tín của Mỹ ở khu vực càng bị xói mòn khi chính quyền Trump quyết định cử một quan chức cấp tương đối thấp, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, tham gia thượng đỉnh ASEAN vừa rồi. Năm 2019, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng tỏ ra không mặn mà và một số người rốt cuộc đã không tham dự thượng đỉnh ASEAN - Mỹ khi cả Tổng thống Trump, Phó tổng thống Mike Pence lẫn Bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo đều vắng mặt trong hội nghị tại Bangkok.“Trong khi Hoa Kỳ hiện tập trung vào những vấn đề quốc nội, bao gồm việc chống dịch và tái thiết kinh tế và cơ sở hạ tầng, tôi không dám đảm bảo là phần còn lại của thế giới sẽ đợi cho tới khi Mỹ đã thu xếp ổn thỏa chuyện nhà”, Jennifer Hillman, chuyên gia về thương mại và kinh tế chính trị quốc tế ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói với The New York Times ngày 15-11.Có 7 nước Úc, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam tham gia cả hai hiệp định. Mỹ, Canada, Chile, Mexico và Peru chỉ thương lượng TPP, trong khi các nước chỉ tham gia RCEP là Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan. Hoa Kỳ cũng không bị loại trừ ở RCEP: họ có thể gia nhập sau khi đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN.Trung Quốc và “song tuần hoàn kinh tế”Về phần Trung Quốc, RCEP đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong chiến lược kinh tế mới của nước này - “nền kinh tế tuần hoàn kép” (“song tuần hoàn kinh tế”) - được Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra trong cuộc họp Bộ Chính tri Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 5 vừa rồi. Theo đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế tập trung vào cầu nội địa - “nội tuần hoàn”, đồng thời tận dụng thương mại và đầu tư nước ngoài - “ngoại tuần hoàn”. Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc CGTN nói chiến lược mới cho thấy Trung Quốc muốn giảm bớt sự phụ thuộc tăng trưởng vào thương mại quốc tế, nhất là với Mỹ, và tập trung vào nền kinh tế quốc nội. Nhưng đồng thời, sau bốn thập kỷ hưởng lợi nhờ mở cửa, Trung Quốc sẽ không “tự cô lập mình”, mà hướng tới tăng trưởng thông qua các hiệp định thương mại tự do, dự án Vành đai con đường, và các đặc khu kinh tế tự do.Giới chức Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy các hiệp định đa phương vài tháng qua, với nhiều cuộc gặp cao cấp cả trực tuyến lẫn trực tiếp. Bắc Kinh cũng hứa sẽ cởi mở hơn trong thương mại và đầu tư với nỗ lực trở thành một “nước có thu nhập cao” vào năm 2025 và nền kinh tế phát triển tương đối cao vào năm 2035. “Chúng tôi sẽ tiếp tục giảm bớt các rào cản với tiếp cận đầu tư”, Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Qian Keming (Tiền Khắc Minh) nói. Bắc Kinh cũng hi vọng RCEP sẽ tạo động lực mới cho các thỏa thuận đa phương mà nước này hiện đang thương lượng, bao gồm hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU và hiệp định thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tận dụng dịp này để khẳng định vai trò của Trung Quốc khi trong tuyên bố cho truyền thông sau ký kết, ông ca ngợi RCEP là “một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do”.Không có Ấn Độ, Trung Quốc trở thành đối tác lớn áp đảo trong RCEP, cả về GDP và dân số - qua đó có sức ảnh hưởng lớn trong thỏa thuận, một yếu tố từng khiến thương lượng gặp khó khăn. “Nhật Bản lúc đầu nói họ không muốn ký nếu không có Ấn Độ vì Trung Quốc quá áp đảo trong RCEP”, Nikkei dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên. “Nhưng giờ họ đã đồng ý, vì không còn lựa chọn nào khác”. ■Những quan ngạiQuan ngại đầu tiên với RCEP là nó thiếu các thỏa thuận bảo vệ người lao động và môi trường, cũng như có thể gây thiệt hại cho các nông hộ và doanh nghiệp nhỏ, theo lời Arieska Kurniawaty ở Tổ chức Solidaritas Perempuan, Indonesia. “Cuộc khủng hoảng COVID-19 là thời khắc để chúng ta nhận ra mình phụ thuộc vào nông dân, ngư dân và nhà sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ ra sao - Kurniawaty nói với Reuters - Thị trường mở trong RCEP cắt giảm thuế mạnh cho nhiều nông sản sẽ gây ra hậu quả tai hại cho những nông hộ nhỏ ở các nước đang phát triển”.Các nhóm môi trường và nhân quyền thì lo lắng về tình trạng mất công ăn việc làm, quyền người lao động và sự suy thoái môi trường. “Một trong những quan ngại chính yếu của chúng tôi là hiệp định sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao hơn nữa đất đai từ các cộng đồng nông thôn vào tay các tập đoàn đa quốc gia - Kartini Samon, nhà nghiên cứu ở tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ nông hộ nhỏ GRAIN, bày tỏ - Thỏa thuận RCEP có thể làm tăng thêm việc cưỡng chiếm đất đai và nguồn nước để đầu tư quy mô lớn, phá rừng diện rộng, cũng như làm thoái hóa hơn nữa hệ sinh thái”.Rashmi Banga, kinh tế gia trưởng của tổ chức Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), thì bày tỏ quan ngại về sự thất thế của các nước Đông Nam Á nghèo hơn trong thỏa thuận. “Hầu hết các nước ASEAN sẽ tăng nhập khẩu và giảm xuất khẩu [sau RCEP]. Điều đó sẽ làm cán cân thương mại của họ mất cân đối hơn và làm suy yếu năng lực tài chính quốc nội - Banga phân tích - RCEP được soạn thảo vào lúc không có virus corona. Hiện giờ, các nước cần không gian chính sách và tài khóa để xử lý đại dịch và khủng hoảng kinh tế đi kèm; RCEP có thể thu hẹp không gian đó”. Tags: FTAKinh tế Việt NamHiệp định thương mại tự doRCEPThương mại tự do
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.