TTCT - Địa bàn Sài Gòn trên bản đồ xưa có nhiều địa danh bí hiểm mãi đến nay vẫn chưa được giải thích, mà đi tìm cho đúng giống như một cuộc điều tra thám tử kỳ thú... Xác định địa danh trên bản đồ xưa không phải việc riêng của giới nghiên cứu lịch sử địa lý, mà còn là nhu cầu của nhiều người nhiều giới, như nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, hướng dẫn viên du lịch, người dàn dựng tái hiện không gian xưa… Có nhiều địa danh hành chánh biến đổi qua thời gian, có tên xứ, tên vùng về sau không được nhiều người biết mà rơi vào quên lãng, lại có cả địa danh do chính người vẽ bản đồ ghi sai… Địa bàn Sài Gòn trên bản đồ xưa cũng có nhiều địa danh bí hiểm như vậy.Địa danh Holăng trên An Nam Đại quốc họa đồ, 1838. Ảnh: WIKIPEDIA"Holăng" là gì?Bản đồ "An Nam đại quốc họa đồ" của Taberd in năm 1838 đã rất được biết, đã có nhiều bài nghiên cứu, diễn giải và phân tích, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bản chú giải tất cả địa danh ghi trên đó. Khu vực Sài Gòn ghi mấy tên, gồm: "Gia Định thành (SÀI GÒN)", "Phan yên trấn", "Nhà bè", "Chợ lớn", "Holăng", "Tấn an", "C. Cần giờ", "C. Đồng tranh", "C. Soi rạp". Bản đồ toàn quốc này kích thước không lớn, nên cả vùng Sài Gòn chỉ ghi có 7 địa danh, tôi dẫu lưu ý tra cứu nhiều năm, mà cái tên "Tấn an" vẫn chưa thể đối chiếu.Sài Gòn 1885, làng Phú Nhuận, Ferme Tomb.du. Mandarin Hậu Quân. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONSCòn cái nơi ghi "Holăng" phía tây Sài Gòn, ở khoảng xã Hanh Thông. Xét các nguồn không thấy địa danh hành chánh hay tự nhiên nào tương ứng với tên "Holăng". Tôi cho rằng đây là một cách viết chữ "Hộ lăng".Đại Nam thực lục (Chánh nhứt, q.16) chép: "Nhâm tuất, năm thứ 23 (1802) tháng 3. Đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định. Tha binh dao và thuế thân cho dân hộ lăng ở thôn Hanh Thông trấn Gia Định". Đại Nam liệt truyện (Chánh biên sơ tập, q.28), truyện Bá Đa Lộc chép: "Bá Đa Lộc, thầy Giám mục, người nước Phú Lãng Sa ở Tây Dương. […]. Năm Kỷ mùi (1799), theo đánh trận Quy Nhơn, bịnh chết trong quân doanh ở Thị Nại, tặng Thái tử Thái phó Bi Nhu quận công, thụy Trung Ý, đem về an táng ở Gia Định, cấp phu coi mộ 50 người".Thông tin từ Thực lục và Liệt truyện cho thấy "hộ lăng", với nghĩa chỉ một hoạt động công vụ, tức người dân xã Hanh Thông được cử ra lo việc quét dọn coi sóc khu mộ Bá Đa Lộc thì được miễn giao dịch và thuế thân, có thể Taberd đã hiểu "hộ lăng" là địa danh, như một tên khác của xã Hanh Thông, nên đã ghi tên lên bản đồ. Vài nguồn tư liệu Hán - Nôm chép tên nơi này là Bi Nhu lăng (悲儒陵), chữ "Bi Nhu" do ký âm tên Pigneau (de Behaine, tức Bá Đa Lộc). Địa danh "Holăng" như vậy chỉ khu vực Bi Nhu lăng, Lăng Cha Cả, hay địa bàn xã Hanh Thông (Hanh Thông xã, 1836). Vị trí này, bản đồ Sài Gòn 1885 ghi là "Tomb. de l'Enêque d'Adran" (Khu mộ Giám mục Adrand)"Ferme Tomb.du. Mandarin Hậu Quân" ở đâu?Bản đồ Sài Gòn 1885 (Plan Topographique de L'Arrondissement de SAIGON 1885) ghi "Tomb. de l'Enêque d'Adran" (Khu mộ Giám mục Adrand) thay cho "Holăng"; và một nơi gần đó ghi là "Ferme Tomb.du. Mandarin Hậu Quân" (Khu mộ quan Hậu Quân), do bản đồ không định vị bằng ký hiệu, nên có thể cho là khu mộ ở địa phận làng Phú Nhuận và cũng có thể ở địa phận làng Tân Sơn Nhứt.Trích “Đại Nam nhất thống toàn đồ” [大南一統全圖], trong sách Nam Bắc kỳ hội đồ (~1834-1840). Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu A.95Trích Bản đồ Taberd 1838, 3 cửa “C. Cần giờ”, “C. Đồng tranh”, “C. Soi rạp”Đại Nam liệt truyện (Chánh biên sơ tập, q.6), truyện Võ Tánh, chép: "Võ Tánh, tiên tổ gốc ở huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, sau dời nhà đến huyện Bình Dương. […]. Năm Gia Long thứ 1 (1802), tặng Dực vận công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái úy, Quốc công, thụy Trung Liệt". "Sai Cai bạ Đinh Công Khiêm, Cai đội Tôn Thất Bính mang áo mão gấm lụa đến quân doanh ở Thị Nại thu liệm hài cốt còn lại, đưa về chôn ở Gia Định. Lại đặt gian thờ ở Bát Giác Lâu (năm Tự Đức thứ 4 đổi tên là Chiêu Trung Từ) [ở thành cũ Đồ Bàn, Bình Định]". "Năm thứ 3 (1804), liệt vào thờ ở gian chánh đền Hiển Trung ở Gia Định, cấp cho dân phu lo việc cúng, ruộng thờ cúng, dân phu coi mộ, sai con là Khánh giữ việc thờ tự".Theo Địa bạ Gia Định 1836 thì "Đền thờ Hoài Quốc công 1 sở đất, đông giáp chùa Khải Tường, tây giáp khu mộ; nam giáp đất dân; bắc giáp thôn Tân Định", địa bạ cũng chép đền thờ và khu mộ thuộc địa bàn thôn Tân Lộc, huyện Bình Dương, tổng Bình Trị Trung, đất thôn này còn có chùa Khải Tường và đàn Xã Tắc.Như vậy, "Ferme Tomb.du. Mandarin Hậu Quân" là khu mộ Võ Tánh, tước Hoài Quốc công, từng giữ chức Khâm sai Chưởng Hậu quân, về sau, chức danh Hậu quân được gọi phổ biến (như Tả quân Lê Văn Duyệt, Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức, Tiền quân Nguyễn Văn Thành). Người Pháp soạn bản đồ Sài Gòn 1885, không ghi địa điểm Lăng Tả quân ở làng Bình Hòa, mà chỉ ghi "Khu mộ quan Hậu Quân" ở làng Phú Nhuận, tức vào thời điểm ấy địa điểm này được biết đến nhiều. Nơi này nay là di tích lịch sử, thuộc địa bàn phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.Cửa biển rối ren, ta yếu hơn TâyCác sách địa chí chép Gia Định có ba cửa biển, Cần Giờ, Đồng Tranh (năm 1829 đổi là Đồng Ninh), Lôi Lạp (Soài Rạp). Bản đồ Taberd 1838 định vị đúng 3 cửa: "C. Cần giờ", "C. Đồng tranh", "C. Soi rạp". Còn Đại Nam toàn đồ 1838 thì định vị sai.Khi so sánh 2 bản đồ toàn quốc (Đại Nam) xuất hiện cùng năm 1838 nêu trên, mới thấy sử quan triều Minh Mạng yếu hơn giám mục Taberd quá xá. Nói về số lượng, bản đồ Taberd ghi vùng Sài Gòn 7 nơi; sử quan chỉ ghi tên tỉnh Gia Định(嘉定) và tên 3 cửa biển. Nói về tên 3 cửa biển, Taberd tiêu danh đúng vị trí, theo thứ tự bắc vào nam: Cần Giờ-Đồng Tranh-Soi Rạp; sử quan tiêu danh sai vị trí: Cần Giờ-Lôi Lạp-Đồng Tranh. Ngoài việc định vị sai, sử quan còn viết sai tên 2 cửa: Cần Giờ (芹除), viết sai là "Thăng Giờ khẩu (升除口)", còn Lôi Lạp viết sai là "Lôi Hoàng khẩu".Một bản đồ khác, được biết đến nhiều hơn bản đồ nói trên, là "Đại Nam nhất thống toàn đồ" phỏng định làm sau 1834. Bản đồ này thường được in trước Tập bản đồ Hành chính Việt Nam hiện nay, vốn có vài bản tương tự. Trên bản ký hiệu A.95 (chữ khá rõ), địa danh "Gia Định (嘉定)" biểu thị tỉnh Gia Định được đặt ở vùng đất giữa sông Tiền với sông Hậu, cạnh bên sông Vàm Nao; còn "Cần Giờ hải khẩu(芹篨海口)" và Lôi Lạp (檑擸) thì ở vùng biển tỉnh Bình Thuận, tuy là kiểu tiêu danh ước lệ, nhưng đối chiếu với đoạn đường cả thủy lẫn bộ thì thấy hai cửa này cách rất xa tỉnh Biên Hòa về phía đông bắc.Bản đồ lịch sử, cho dù ghi bằng chữ quốc ngữ hay Hán Nôm, cũng có rất nhiều điểm khó hiểu và sai lệch. Mấy bản đồ kể trên vốn từng được dẫn dụng rất nhiều trong nghiên cứu lịch sử địa lý, lại có bản đồ rất quan trọng vượt ra ngoài phạm vi học thuật, như "Đại Nam nhất thống toàn đồ". Nhưng cho dù thế nào, những chỗ sai cần tỏ rõ, bên cạnh những giá trị đúng đắn, cho tất cả những tư liệu sử, không riêng gì bản đồ xưa.■ Tây Cống và Đê Ngạn, ai gọi?"Địa đồ Liên ranh Vân Nam Lưỡng Quảng với Việt Nam" (填粵越南聫界輿圖), do Hồ Bắc quan thư cục khắc in năm 1870 (55x41cm, lưu tại Thư viện Quốc hội Mỹ), ghi địa danh Tây Cống. Tuy nhiên, bản đồ này đã ghi sai "Tây Cống tức Chiêm Lạp (西貢即占臘)", và xác định "Đê Ngạn (低岸)" [tức Chợ Lớn] không gần Tây Cống, mà ở tận phía nam sông Hậu.Sứ Tây kỷ trình (使西紀程, 1876) của Quách Tung Đảo, và một số ghi chép du ký khác cuối thế kỷ XIX như Tây chinh kỷ trình (西征紀程, 1886) của Trâu Đại Quân, Tam châu nhựt ký(三洲日記) của Trương Ấm Hoàn đã dùng tên Tây Cống (西貢) để chỉ Sài Gòn.Trích “Điền Việt Việt Nam liên giới dư đồ (填粵越南聫界輿圖)”, ghi sai “Tây Cống tức Chiêm Lạp”, và định vị sai Đê Ngạn. Nhiều bi ký trong các đền miếu, ghi chép giấy tờ giao dịch của thương nhân người Hoa ở Sài Gòn, Chợ Lớn cũng quen dùng tên Tây Cống. Sớm thấy là bia "Trùng tu Tây Cống phụ Quảng Triệu bang Thánh Mẫu miếu khuyến quyên khải" (Bài khải về việc quyên tiền trùng tu Miếu Thiên Hậu bang Quảng Triệu Sài Gòn), bia lập năm 1922, dùng chữ Tây Cống phụ(西貢埠) với nghĩa "phố thị Sài Gòn"; bang Quảng Triệu cũng gọi bang Quảng Đông, miếu Thiên Hậu do hội đồng hương Quảng Đông sống và kinh doang ở địa phận Sài Gòn lập năm 1887, ở gần chợ Cầu Ông Lãnh (122 Bến Chương Dương, Q.1), khác với Thiên Hậu Miếu ở Chợ Lớn (cũng của bang Quảng Đông).Người Hoa Nam Kỳ dùng tên Đê Ngạn / Đề Ngạn để chỉ vùng Chợ Lớn, hạt Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn. Khu vực Chợ Lớn (Q.5, Q.6, Q.11) hiện nay, trong sử Việt sớm gọi là vùng Sài Gòn, hoặc phố Sài Gòn tức chỉ phố Chợ Lớn xưa (khu vực Bưu điện Q.5).Ghi chép từ bên ngoài, ngoài địa đồ 1870 kể trên, tên gọi Đê Ngạn sớm thấy được qua nhựt ký Việt Nam du lịch ký (1905) của Nghiêm Cừ, tác giả là Tham tán Sứ quán Thanh triều trên đường sang Pháp ghé Việt Nam tìm hiểu tình hình thương mại Hoa kiều, trong nhựt ký, hạt Chợ Lớn được ghi với tên "隄岸" (Đê Ngạn) hoặc "堤岸" (Đê Ngạn) [hai chữ"隄"và"堤"đồng âm đê, cùng nghĩa bờ đê], và hạt Sài Gòn thì ghi là "Tây Cống". Tags: Bản đồ Sài Gòn xưaDi tích lịch sửĐịa danhLăng ÔngTây cống
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".