"Sẽ là sỉ nhục tôi, nếu hỏi tôi định giá Viện Tim là bao nhiêu"

DANH ĐỨC 02/06/2007 19:06 GMT+7

TTCT “Câu hỏi này đi hỏi người Mỹ thì được!”. Giáo sư Alain Carpentier, người đã du nhập kỹ thuật mổ tim (hở) vào VN từ đầu thập niên 1990 ở Viện Tim TP.HCM, rồi từ đó chuyển giao công nghệ cho một số bệnh viện khác từ Nam chí Bắc, đã giận dữ vô cùng trước câu hỏi: “Tổ chức của ông đã đầu tư 6 triệu USD vào đây. Nay cơ sở này đã rất lớn mạnh, nổi tiếng, đội ngũ nhân viên thành danh, ông định giá nó là bao nhiêu?”.


GS Alain Carpentier và một bệnh nhân

“Làm sao lại có thể đem tiền bạc ra đánh giá những con người, tài năng, những sinh mạng đã được cứu sống?”! Chương trình mổ tim của vị giáo sư bác sĩ này đã cứu được trên 16.000 ca ở VN, trong đó 30% là bệnh nhi được miễn hay giảm phí. Ông phẫn nộ là phải vì ông thuộc lớp những người tin rằng y tế và giáo dục phải được đảm bảo cho dân chúng.

* Như ở trong những nhà nước chu cấp tất cả (etat - providence) là bao biện tất cả cho dân chúng như ở Pháp và đa số nước EU, Canada ở Bắc Mỹ và cả Úc nữa? Ở hai nước sau cùng này, tuy thuộc khối Anglo-Saxon song một người đi làm thì cả nhà được chăm sóc sức khỏe.

- Đúng là như thế. Thế nhưng, tôi không đồng ý với khái niệm nhà nước chu cấp tất cả. Đã từng có những nước mệnh danh là bao cấp y tế cho dân chúng, nhưng không cung cấp kỹ thuật cao và tốn kém cho mọi người. Y khoa luôn là một cái gì tốn tiền. Nói rằng nhà nước chu cấp tất cả là không đúng do lẽ thật ra chính các công dân đã trả tiền qua đóng thuế. Thế cho nên, vấn đề là làm sao cho giới làm y tế có ý thức trách nhiệm bằng cách trao cho các cơ sở quyền tự quản lý, tự cân đối chi thu mà vẫn luôn bảo toàn được tính cách “vị xã hội” của mình, phải được hội đồng giám sát của chính cơ sở theo dõi gắt gao, chứ không phải là chuyển giao quyền sở hữu các cơ sở đó cho một nhóm người.

Trường hợp Viện Tim này cũng thế. Các bác sĩ ở đây cũng đã được chào mời bởi các bệnh viện ở Singapore, Thái Lan... Họ cũng cần có thu nhập cao hơn, mà Viện Tim, vì tôn chỉ “mổ tim rẻ nhất thế giới”, đâu thể trả lương họ cao hơn nữa. Thế nên chúng tôi mới mở một bệnh viện hoàn toàn mới, theo hình thức cổ phần là Bệnh viện tim Tâm Đức, để họ có thể sang đó làm việc thêm. Bên đó cũng phải đóng góp cho tôn chỉ “vị xã hội” 5% chi phí mổ tim thu được để đưa vào quĩ cho bệnh nhi nghèo ở bên này.

Một cộng sự của GS Carpentier, ông Olivier Brault, nguyên là tổng giám đốc Chữ thập đỏ Pháp, cũng phát biểu: “Ngày nay, ngay cả hệ thống y tế “thị trường” như Mỹ cũng đã có những điều chỉnh “vị xã hội” như các chương trình Medicare và Medicaid cho người nghèo hoặc thu nhập thấp, chứ không bỏ mặc lớp người này”.


Các chế độ y tế trên thế giới

* Cho dù theo chế độ y tế nào, “nhà nước chu cấp tất cả” hay “kinh tế thị trường” (chủ yếu dựa trên đóng bảo hiểm y tế), thì nguồn tài chính dành cho y tế vẫn từ: 1/ bệnh nhân bỏ tiền túi (out-of-pocket payments, OPP), 2/ đánh thuế toàn dân, 3/ bảo hiểm y tế mang tính “vị xã hội” (social health insurance) tức hỗ trợ người nghèo hoặc thu nhập thấp, 4/ bảo hiểm y tế tự nguyện hoặc bảo hiểm y tế tư nhân, 5/ hiến tặng.

* Tại hầu hết các nước tồn tại hai hệ thống y tế công cộng và tư nhân. Ở Pháp, bác sĩ có thể làm việc trong bệnh viện công hoặc tư hay tại phòng mạch riêng. Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán 70% chi phí hoặc 100% nếu như điều trị lâu dài. Ngoài ra, còn có những quĩ tương tế bảo hiểm sức khỏe, hầu hết là tư nhân song mang tính phi lợi nhuận. Ở các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển..., ngân sách y tế hoàn toàn từ thuế khóa và chi trả cho toàn dân. Ở New Zealand, công dân và người nhập cư thường trú được miễn phí y tế, nguồn kinh phí từ thuế. 

* Hoa Kỳ là nước duy nhất trong hàng ngũ các nước phát triển không có chế độ chăm sóc y tế toàn dân (universal coverage). Tuy nhiên, cũng có những chương trình “vị xã hội” như Medicaid và Medicare, cho dù trong thực tế các hỗ trợ này mới chỉ ở mức tối thiểu. Năm 2004, 42,9 triệu người nghèo mọi lứa tuổi tại Mỹ hưởng Medicaid. Năm 2005, 42,6 triệu người Mỹ được hưởng chế độ Medicare, chủ yếu cho người trên 65 tuổi, hoặc dưới 65 tuổi đang ở vào giai đoạn cuối của suy thận (số liệu: Wikipedia). Tùy theo xu hướng của chính phủ (Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa) mà ngân sách dành cho các chương trình này nhiều hay ít. 

* Theo WHO, không một nước nào đang phát triển có GDP/đầu người dưới 760 USD/năm có được cơ cấu bảo hiểm y tế “vị xã hội” một cách toàn diện (nguồn: Regional Overview of Social Health Insurance in South - East Asia, WHO 2004). Chính vì thế mà vấn đề đặt ra cho các chính phủ là làm sao tạo ra sự hài hòa trong việc thu kinh phí y tế, gộp các nguồn tài chính và phân bổ các nguồn tài chính đó sao cho người dân được hỗ trợ tài chính theo cách công bằng nhất có thể được, đồng thời cũng có những đòn bẩy thích hợp để các nhà cung cấp dịch vụ y tế cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động.

* Một hệ thống y tế được xem là công bằng về mặt tài chính khi tỉ lệ đóng góp của mỗi gia đình để có được dịch vụ y tế so với khả năng chi trả của gia đình đó là đồng đều cho mọi gia đình. Theo WHO, được xem là “tai họa” khi các đóng góp của các gia đình vượt quá 40% khả năng chi trả của gia đình đó.

* Một số nước đang xúc tiến việc tư nhân hóa trong lĩnh vực y tế... Tư nhân hóa vội vã mà không kèm theo những “lan can” luật pháp cần thiết sẽ dẫn đến chi phí ngày càng nhiều, và trở thành gánh nặng ngày càng tăng mà người sử dụng các dịch vụ y tế phải xuất tiền túi ra trả. Nếu các cố gắng tư nhân hóa không cân bằng với các cố gắng bảo hiểm y tế “vị xã hội”, thì tư nhân hóa y tế sẽ càng làm gia tăng bất bình đẳng, hậu quả là dẫn đến giảm chất lượng y tế một cách đáng kể 

(sđd, tr.13).

* ... Lý tưởng nhất, mà WHO gọi là “mục đích tối thượng”, vẫn là thực hiện chế độ chăm sóc y tế toàn dân và 

ngân sách y tế dựa trên nguồn thu thuế toàn dân chính là công bằng nhất 

(sđd, tr.54).


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận