Sen gầy một đóa sang thu

NGUYỄN HIỆP 30/09/2015 21:09 GMT+7

TTCT - Cả hồ sen rộng lớn bao bọc xung quanh làm cho khu vườn bác Năm Thọ trông như một ốc đảo. Sen đầu thu đã tàn đi nhiều, chỉ lác đác vài đóa muộn màng kín đáo nở giữa vô vàn những đài hoa khô quắt, gục xuống như những chiếc chuông nâu đen lâu ngày im tiếng.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

Vậy mà chính những đóa lác đác trăng trắng xanh xanh ấy lại là cuộc sống của mẹ con chị Thường, bởi thu hoạch hạt sen cuối hạ xong, bác Năm mới cho chị Thường mót sen.

Phải, mót sen. Nghe chủ hồ nói cho một lời mà chị như mở cờ trong bụng. Được mót sen ngay lúc cần tiền nhất, ngay lúc tụi nhỏ vào năm học mới, ngay lúc tiền sách vở, tiền trường, tiền quần áo mới của ba đứa con làm chị chóng mặt, không biết bao nhiêu đêm dài nằm gác tay lên trán mà không tài nào chợp mắt được.

Mấy ngày qua chị cứ hóng tai qua bên kia hồ đợi nghe tiếng bác Năm Thọ. Năm nay nữa là năm thứ bảy, cứ vào mùa đầu thu này luôn là mùa mót sen của chị Thường.

Nước sình có nơi lút quá ngực, chị Thường khéo léo vừa khua tay vừa lách mình tránh những gai sen bén nhọn từ đám sen già, mắt lại luôn căng ra nhìn quanh. Khéo léo vậy nhưng có lúc do cả buổi rát mắt tìm vẫn chưa thấy gì chợt phát hiện một búp trắng xanh nhấp nhô trước mặt, thế là mừng quá nhào tới quên cả sợ gai sen. Đau rát tay chân mắt mũi là chuyện thường, chỉ sợ ngâm mình cả ngày mà không được bao nhiêu.

Sen bán ở chợ quê chẳng mấy người mua, được dịp rằm, mùng một, người ta mua về chưng bàn Phật, còn những ngày khác không gì ế bằng sen. Ông đi qua bà đi lại thi nhau mua hồng, mua cúc, mua những thứ hoa sặc sỡ, nhưng tuyệt nhiên cái thùng nước cắm sen trắng của chị Thường không ma nào dòm tới, nó cứ lạc lõng, bơ vơ giữa chốn sắc màu nhộn nhạo xung quanh.

Chợ trưa, gió thốc, người còn khô huống là sen, bóc mãi cánh hoa quăn mép bỏ đi, búp sen còn lại gầy quá, vậy là chị nghĩ ra cách lật xếp từng phần cánh sen từ trên xuống, vừa bảo vệ được các lớp cánh trong vừa giữ sen khỏi bung nở, mà nhìn cũng lạ mắt, từa tựa đóa hồng trắng. Mấy ngày đầu, “sản phẩm mới” ấy cũng bán được kha khá do tính hiếu kỳ, nhiều người cứ tưởng bông gì lạ quá, giống bông hồng.

Bán được loại sen nhái hồng làm cho chị Thường vui lắm. Hôm sau, chị ngâm mình dưới hồ sen của bác Năm từ mờ sáng đến mịt tối, người lút trong sình mà chốc chốc chị cứ mỉm cười một mình vì ý nghĩ ráng ngày nay nữa là đủ đóng tiền trường cho con Út. Chị cũng không ngờ cái sáng kiến của mình lại hay ho đến vậy, thời này người ta thích hàng nhái mà, cũng lạ, sen đẹp thế không ưng lại ưng hoa sen nhái hoa hồng.

Cái sự đời ấy cũng thật chóng vánh đổi thay, chưa hết tuần rôm rả tán tụng, tranh nhau mua giựt “sen hồng”, giờ mời ai cũng bĩu môi. Ngồi rảnh rỗi chị Thường nghĩ sao mình không thử giả sen thành cúc, thế là chị chẻ cánh, vuốt uốn nhưng thất bại ngay trước mắt: một cơn gió ào qua, cánh sen giả cúc đã queo lại như lụa gặp lửa... Lại trở về với thùng sen gầy muôn thuở của mình.

Cái hồ sen đẹp đẽ của bác Năm Thọ khoáng đạt rộng rãi vậy mà giờ bị lấn dần bởi những căn hộ xung quanh. Họ thi nhau vứt xuống hồ không biết cơ man nào là rác rến, chất thải. Nhiều lúc chị Thường phải dùng cánh tay ép cái cổ áo vào mũi vì lội qua một vùng quá hôi hám. Nhiều lúc ruột chị cứ quặn lên muốn ói ọc ra vì ngâm mình trong cái nơi bốc mùi nồng nặc. Vì tương lai của các con nên ngày nào chị cũng ráng, cũng cố.

Nhưng mùa mót sen năm nay, hồ sen bác Năm Thọ vắng lặng, những bông sen muộn không được ai dòm ngó đến, những chiếc đài khô gục đầu như những quả chuông không ai khua động. Người ta không còn thấy người đàn bà áo bà ba nâu lặng lẽ ngoi ngóp dưới đám sình lầy nước đọng ấy nữa.

Cả cái thùng sen gầy ngoài chợ cũng vắng mặt. Người ta bàn tán với nhau: Ngâm dưới nước dơ cả ngày vậy hỏi sao không nhiễm bệnh mà chết?! Thỉnh thoảng cũng có người thán phục: Chồng chết sớm, một mình lặn lội vậy mà lo cho ba đứa con ăn học đàng hoàng.

Chỉ có bác Năm Thọ là hay đứng lặng thật lâu nơi một góc bờ hồ, trước khi quay lưng vào nhà bao giờ bác cũng thì thào ngâm nga: Sen gầy một đóa sang thu... Chỉ một câu thơ rồi bỏ lửng, nghẹn ngào. Những lúc như vậy mắt bác Năm thường xót đỏ như bị vật gì rơi vào.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận