Somaly Mam: Tìm lại nụ cười cho những cuộc đời bị vùi dập

PHẠM VŨ THỰC HIỆN 25/05/2008 20:05 GMT+7

TTCT - Somaly áp tay vào trái tim: “Tôi hạnh phúc khi các cô gái lại được cười”. Nụ cười của Somaly hôm nay rạng rỡ, không mảy may dấu vết của những ngày ác mộng. Somaly Mam, tên của cô, được thêu trên lưng áo đen của những cô gái thuộc Tổ chức AFESIP (Campuchia), cũng là niềm hi vọng được cứu thoát cho hàng ngàn cô gái không phân biệt quốc tịch, đang bị đọa đày ở các nhà chứa tại Campuchia.

Phóng to
TTCT - Somaly áp tay vào trái tim: “Tôi hạnh phúc khi các cô gái lại được cười”. Nụ cười của Somaly hôm nay rạng rỡ, không mảy may dấu vết của những ngày ác mộng. Somaly Mam, tên của cô, được thêu trên lưng áo đen của những cô gái thuộc Tổ chức AFESIP (Campuchia), cũng là niềm hi vọng được cứu thoát cho hàng ngàn cô gái không phân biệt quốc tịch, đang bị đọa đày ở các nhà chứa tại Campuchia.

Câu chuyện của cô qua hồi ký Con đường đánh mất sự trinh trắng (TTCT số 9, 10 và 11-2008) đã làm rúng động độc giả về sự thật tàn bạo được phơi bày và nghị lực phi thường của bản thân cô. Tuần trước, Somaly đã sang Việt Nam để thăm các trung tâm của Tổ chức AFESIP.

* Somaly, câu chuyện của chị đầy máu, nước mắt, đau đớn và sợ hãi. Chị có thể kể một câu chuyện khác không, câu chuyện trong đó chị hạnh phúc?

- Somaly Mam: Từ khi thoát ra khỏi số phận nhục nhằn và thành lập Tổ chức AFESIP, tôi hạnh phúc nhất khi thấy những đứa trẻ được cứu thoát và các cô gái lại có thể cười, nụ cười mà họ đã bị tước đi.

Tôi hạnh phúc khi chính mình góp phần thực hiện điều đó, để những đứa trẻ tìm lại được tuổi thơ, lại có thể đến trường, vui đùa cùng bạn bè. Hạnh phúc là khi chúng tôi đưa các cô gái Việt Nam về quê. Các cô ấy đã bị bán đến một xứ sở xa lạ, bị đối xử tàn tệ và khi chứng kiến họ bước qua khỏi lằn ranh biên giới, nghĩ rằng từ nay họ sẽ lại được sống với những người Việt, nói tiếng Việt, ăn thức ăn Việt... tôi thấy rất vui, thật sự hạnh phúc.

* Tiếp xúc và giải cứu những cô gái cùng cảnh với mình, thường xuyên gặp những tác động ngược chiều từ giới “mafia”, từ nhà chức trách, có bao giờ chị thấy nản lòng không? Điều gì thúc đẩy chị tiếp tục?

Hoạt động của AFESIP tại Việt Nam

AFESIP có mặt tại Việt Nam từ năm 2001, mở hai trung tâm phục hồi tại TP.HCM và TP Cần Thơ, mỗi cơ sở có thể tiếp nhận 25-30 người là nạn nhân bị bóc lột tình dục hoặc hồi hương sau khi bị bán sang nước ngoài. Trung tâm cung cấp cho các nạn nhân nơi cư trú an toàn, quần áo, đồ dùng, thực phẩm, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi tâm lý, tư vấn pháp lý, tập huấn kỹ năng sống, bổ túc văn hóa và đào tạo nghề để chuẩn bị việc tái hòa nhập cộng đồng.

AFESIP phối hợp với các cơ quan, tổ chức phi chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các nạn nhân được hồi hương theo đúng luật pháp Việt Nam; tổ chức các hoạt động tư vấn miễn phí cho phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn; tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Một xưởng may quần áo thời trang đã được thành lập ở TP.HCM để dạy nghề may và tạo việc làm cho các học viên. Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân thông qua sự độc lập bền vững về tài chính.

- Tôi chưa bao giờ thấy nản lòng hay sợ hãi. Từ khi có ý định thành lập AFESIP, tôi biết mình sẽ phải đối mặt với những gì. Và tôi còn cảm thấy vui vì mình được đối mặt một cách chủ động. Sức mạnh và sự tự tin của tôi xuất phát từ trong những đau đớn mà tôi đã trải qua, những nỗi đau đó còn mạnh hơn cả cái chết. Không có gì đáng để sợ hãi nữa.

* Với các cô gái chị đã gặp, có phải nguyên nhân duy nhất khiến họ trở thành nạn nhân bị mua bán là gia đình quá nghèo?

- Nghèo cũng chỉ là một lý do, dù là lý do chính. Bên cạnh đó còn phải kể đến các nguyên nhân khác như: học vấn thấp dẫn đến những hạn chế trong nhận thức và dễ bị lừa đảo, dụ dỗ; sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, có những thôn quê mà con gái bị đối xử rất tàn tệ khiến các cô ấy muốn ra đi tìm một cơ hội đổi đời.

Thêm một lý do nữa là rất nhiều cô gái sẵn sàng làm tất cả, kể cả tự bán mình, để có thể giúp đỡ cha mẹ, gia đình. Và cũng có nhiều người làm cha, làm mẹ nhưng sẵn sàng bán con gái mình để lấy một số tiền. Chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn để xóa bỏ những quan niệm đó.

* Chị đã đứng lên được, đã không thù ghét xã hội mà còn quay lại giúp những cô gái khác. Các cô ấy có sẵn lòng đứng lên khi có cơ hội như chị không? Theo chúng tôi biết đã có nhiều cô gái sau khi được đưa về nhà, thậm chí sau khi được đào tạo nghề, đã tiếp tục bỏ đi và quay về đường cũ vì không còn quen lao động.

Theo kinh nghiệm của chị, sau khi giải cứu, nên tăng cường cho các cô ấy học văn hóa hay học nghề, và những nghề nào phù hợp nhất? Làm sao để họ thật sự hòa nhập trở lại với xã hội?

- Tôi không có gì khác với các cô ấy. Cá nhân tôi thấy rằng cô gái nào cũng ý thức được kiếp sống tủi nhục và sẵn sàng đón nhận cơ hội để có cuộc sống mới. Bước ngoặt ấy không chỉ cần được giải cứu, mà họ cần được cộng đồng cho một lời khẳng định rằng: họ có thể vượt qua được nỗi đau, họ sẽ là người có ích cho xã hội, và họ sẽ còn có thể cứu được các cô gái khác, có thể ngăn chặn được những bi kịch lặp lại...

Tất nhiên, các cô gái cần có một nghị lực lớn để vượt qua được sự cám dỗ và thôi thúc kiếm tiền để có thêm nhiều tiền thật dễ dàng và nhanh chóng. Tôi biết có nhiều cô đã được cứu rồi lại quay về con đường cũ vì sự thôi thúc này, và phần lớn đến từ chính gia đình. Nhiều cô sau khi được chúng tôi cứu lại bị gia đình bán một lần nữa.

Một nguyên nhân khác là sự kỳ thị mà họ gặp phải khi tái hòa nhập với xã hội. Nhiều người đã nhìn họ bằng cặp mắt e ngại, đánh giá; nhiều người mang sẵn trong cách ứng xử một quan niệm “đây là những người xấu”, nhiều người xa lánh... Những điều đó khiến các cô gái lại rơi vào cô đơn, tuyệt vọng và con đường quay trở về của họ bị chặn lại.

Ở trung tâm, chúng tôi đang giữ nhiều lá thư của các cô gái viết bằng tiếng Việt, tiếng Campuchia, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Anh... Tất cả đều có chung khát vọng được sống vui vẻ giữa mọi người và mong rằng em gái, em trai mình không bị bán đi. Tất cả các cô ấy đều nhận được sự giúp đỡ, chăm sóc của chúng tôi kể cả khi đã rời khỏi trung tâm. Trước khi đến AFESIP, các cô thường che giấu gốc tích của mình, và tại trung tâm chúng tôi, không có sự phân biệt đối xử nào. Tất cả đều là con người, có trái tim trong ngực và máu chảy dưới da, và đều có những nỗi đau như nhau.

Các bạn hãy nói nhiều hơn nữa về những nỗi đau ấy để đánh động lương tâm con người. Chính phủ Việt Nam cũng cần có những biện pháp về mặt pháp luật mạnh mẽ hơn nữa, vì có rất nhiều kẻ buôn người là người Việt Nam, kể cả tại Campuchia.

* Chúng tôi biết rằng có nhiều cô gái Việt Nam đã bị bán sang Campuchia, theo kinh nghiệm của chị, các tổ chức ở Việt Nam nên làm gì để ngăn chặn tệ nạn này?

- Vâng, rất nhiều cô gái là người Việt Nam, và tôi nhận thấy rằng họ bị mua bán, có một số cô bị lừa, còn lại thì bản thân họ hoặc cha mẹ họ nhận thức rõ rằng sang Campuchia để làm gái mãi dâm. Nhưng họ đã chấp nhận.

Ngoài những biện pháp mà các bạn đã làm như nỗ lực nâng cao giáo dục, đào tạo nghề, các bạn hãy làm công tác truyền thông nhiều hơn nữa về tình cảnh các cô gái Việt Nam bị bán sang Campuchia, để kêu gọi các cô ấy đừng tự bán mình hay gia đình các cô ấy đừng bán con.

Các cô gái ấy bị quăng vào một nơi xa lạ, bị đánh đập, bị làm nhục, và khi các cô ấy kêu cứu bằng tiếng Việt, gọi mẹ bằng tiếng Việt, không ai nghe, không ai hiểu, không ai đến giúp đỡ. Họ rơi vào một tình cảnh vô cùng tuyệt vọng, tuyệt vọng hơn cả tôi khi xưa. Chỉ có tôi hiểu vì tôi cũng đã từng đau đớn như vậy.

Khi nói chuyện với bạn, tôi nhớ đến cô bé Hoa. Em bị bán sang Campuchia từ năm 8 tuổi. Tôi đưa em về AFESIP năm em 14, sau một lần em bị đánh đập dã man và tuyệt vọng kêu cứu bằng tiếng Việt. Cuối cùng em đã chết tại trung tâm của chúng tôi vì HIV.

* Có bao giờ chị gặp những bé trai bị bán chưa?

- Có, nhưng rất ít.

* Những điều lạc quan ở AFESIP là gì?

- 10 năm nay, AFESIP đã cứu được 4.000 người. Sau ba năm học lại các kỹ năng sống, học văn hóa, học luật, học nghề và được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tại trung tâm, 32% đã có cuộc sống ổn định với một nghề nghiệp như buôn bán nhỏ, 32% đang ở giữa giai đoạn. Có một số cô gái nhắn với tôi: “Từ giờ tôi sẽ biến mất đây”, và các cô ấy biến mất, xóa bỏ quá khứ để có cuộc sống mới. Một số cô quay trở lại nhà chứa vì nhiều nguyên nhân, một số nữa thì chết vì HIV.

Tôi cho những con số đó là lạc quan và chúng tôi đang cố gắng để giải cứu các cô gái được càng nhiều càng tốt.

Phóng to
Somaly gọi Sina, cô gái 21 tuổi đã được giải cứu từ năm 2003, hiện đang là nhân viên của AFESIP, Campuchia: “Chị hãy nói chuyện với cô gái này, cô ấy giờ là em gái tôi, cô ấy là người Việt”. Tôi hơi bất ngờ, Sina có gương mặt hồn hậu rất Việt Nam, rất “miền Tây” với một lúm đồng tiền trên má phải.

Em nói tiếng Việt đã hơi cứng giọng, thỉnh thoảng phải ấp úng dừng lại tìm từ, nhưng câu chuyện của em vẫn còn nguyên sự khiếp hãi: “Em tên Bích, quê ở Sóc Trăng. Ba mẹ đi làm nơi khác, em sống với ngoại. Ngoại cưng chiều nên em bướng, hư, chẳng nghe lời. Năm 13 tuổi, một người bạn rủ em sang Campuchia chơi, rồi gặp một bà kia và bị giữ lại, không cho về. Em bị bán từ đó.

Căn nhà họ bắt em ở dài lắm, chia làm nhiều phòng, có nhiều người, nhiều con gái. Họ nhốt em vào một phòng nhỏ xíu, chỉ có vài mét vuông, suốt ngày suốt đêm. Suốt thời gian em ở đó, chắc hơn một năm, chân không mấy khi đụng đất. Em bị bắt tiếp khách, không đồng ý hay tìm cách kêu cứu thì bị đánh. Chúng đánh dữ lắm, rồi chúng bắt ăn ớt, cả nắm ớt, chắc tới vài trăm gram. Ăn mà không được nhăn mặt, ăn ớt mà phải cười...”.

Nước mắt dâng đầy trong mắt Bích, câu chuyện của chúng tôi không tiếp tục được. Nhưng tôi hiểu vì sao khi những cô gái như Bích nở lại được một nụ cười từ trong tim, Somaly lại hạnh phúc đến thế...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận